Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Quy định về thời gian trong pháp luật xử phạt vi phạm hành chính
Ngày cập nhật 04/04/2024

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính) yêu cầu “Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật[1]. Từ yêu cầu này, nhiều nội dung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP có những quy định liên quan đến thời hạn thực hiện là phải “kịp thời”, hoặc phải “chuyển ngay”.

 


[1] Điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính

 

“Kịp thời” được đề cập chủ yếu đối với người có thẩm quyền, có trách nhiệm trong xử phạt vi phạm hành chính, quản lý nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính. Một trong những hành vi bị nghiêm cấm là “Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời,...”[1]. Về trách nhiệm đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Các tổ chức có nhiệm vụ giáo dục thành viên thuộc tổ chức mình về ý thức bảo vệ và tuân theo pháp luật, quy tắc của cuộc sống xã hội, kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân, điều kiện gây ra vi phạm hành chính trong tổ chức mình[2]. Về  trách nhiệm của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, nếu có hành vi “xử lý không kịp thời” thì “tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”[3]. Đối với trách nhiệm quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm kịp thời cung cấp thông tin cho Bộ Tư pháp về xử lý vi phạm hành chính để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia[4]. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác xử lý vi phạm hành chính, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm “thường xuyên kiểm tra, thanh tra và kịp thời xử lý đối với vi phạm của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình”; “Giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo về xử lý vi phạm hành chính trong ngành, lĩnh vực do mình phụ trách theo quy định của pháp luật”;  “có trách nhiệm phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót và kịp thời đính chính, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền “[5].

Trong nhiệm vụ cụ thể, ngay từ khâu phát hiện hành vi vi phạm hành chính và lập biên bản vi phạm hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính yêu cầu “Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản” [6].  Yêu cầu “kịp thời” trong trường hợp này được lượng hóa tại Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, cụ thể[7]:

+ Biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính;

+ Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính;

+ Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan;

+ Trường hợp một vụ việc có nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau, trong đó có hành vi được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập đối với các hành vi trong vụ việc đó trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được đầy đủ kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan.

Các trường hợp phải “chuyển ngay” được quy định:

- Lập biên bản vi phạm hành chính: Vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa thì người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm tổ chức lập biên bản và chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga[8]. Việc “chuyển ngay” được cụ thể hóa tại điểm d khoản 2 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP “chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga”.

- Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ khi phát hiện vi phạm hành chính phải lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc không thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình, thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền[9]. Việc “chuyển ngay” chưa được hướng dẫn.

-  Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự[10]. “Chuyển ngay” trong trường hợp này chưa được hướng dẫn cụ thể.

- Đối với người bị tạm giữ trên tàu bay, tàu biển theo thủ tục hành chính thì phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền khi tàu bay đến sân bay, tàu biển cập cảng[11]. Nghị định số 142/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất không quy định chi tiết thời hạn “chuyển ngay”.

Để bảo đảm tính kịp thời trong xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu đối với người có thẩm quyền, có quan có thẩm quyền phải thực hiện đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật và phải đúng thời hạn. Tuy nhiên, có không ít quy định về thời hạn chưa được định lượng cụ thể, gây lúng túng trong áp dụng pháp luật vào thực tiễn. Do đó, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền rà soát, hướng dẫn các trường hợp này để thực hiện pháp luật được thống nhất./.

 


[1] Khoản 5 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính

[2] Khoản 1 Điều 14 Luật Xử lý vi phạm hành chính

[3] Khoản 2 Điều 16 Luật Xử lý vi phạm hành chính

[4]Khoản 3, 5 Điều 17 Luật Xử lý vi phạm hành chính

[5] Điểm a khoản 1, điểm c khoản 2, khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính

[6] Khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính

[7] Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP

[8] Khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính

[9] Điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.

[10] Khoản 1 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính

[11] Khoản 3 Điều 122 Luật Xử lý vi phạm hành chính

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.333.483
Lượt truy cập hiện tại 9.805