Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thừa kế đối với trường hợp tài sản đang thế chấp
Ngày cập nhật 05/07/2023

1. Lập di chúc đối với tài sản đang thế chấp

Thế chấp là một trong 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Điều 317 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

Tài sản thế chấp phải bảo đảm theo Điều 295 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm; tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được; tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai; giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định một số trường hợp liên quan đến tài sản thế chấp: Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (khoản 3 Điều 318). Trong thực tế, tài sản thế chấp phần lớn là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, xe ô tô.

Điều 320 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ của bên thế chấp. Trong đó, có nghĩa vụ không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp: (1) Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp. Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận. (2) Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.

 Theo các quy định trên, trường hợp tài sản đang thế chấp thì bên thế chấp vẫn có quyền lập di chúc đối với tài sản này. Vậy khi lập di chúc thì có cần phải được sự đồng ý của bên nhận thế chấp hay phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết hay không? Căn cứ theo các quy định pháp luật hiện hành, không đề cập đến vấn đề này. Mặt khác, xét về mặt lý luận, bên thế chấp vẫn là bên có quyền sở hữu/quyền sử dụng đối với tài sản thế chấp. Vì vậy, về cơ bản, bên thế chấp vẫn có những quyền của chủ sở hữu/sử dụng nhưng bị hạn chế theo quy định; và vẫn có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật. Người lập di chúc có quyền giữ bí mật nội dung di chúc.

Tuy nhiên, theo thực tiễn, nếu di chúc được công chứng thì phải bảo đảm thủ tục công chứng. Khoản 8 Điều 40 Luật Công chứng năm 2014 quy định “Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch”. Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định: Trường hợp tài sản bảo đảm được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác hoặc để thực hiện giao dịch dân sự khác mà bên nhận bảo đảm đang giữ bản chính Giấy chứng nhận thì người này giao bản chính Giấy chứng nhận cho chủ thể trong giao dịch liên quan hoặc thực hiện nghĩa vụ khác theo thỏa thuận để chủ thể trong giao dịch liên quan thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật. Trường hợp bên nhận bảo đảm giao bản chính Giấy chứng nhận cho chủ thể trong giao dịch liên quan thì chủ thể đã nhận phải giao lại bản chính Giấy chứng nhận cho bên nhận bảo đảm ngay sau khi thực hiện xong thủ tục, nếu chậm hoặc không giao lại bản chính Giấy chứng nhận mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Bên bảo đảm được dùng bản sao Giấy chứng nhận và bản chính văn bản xác nhận còn hiệu lực của bên nhận bảo đảm về việc giữ bản chính Giấy chứng nhận để sử dụng hoặc lưu hành tài sản.

Như vậy, để thực hiện công chứng di chúc thì bên thế chấp đã gián tiếp được sự đồng ý của bên nhận thế chấp về việc lập di chúc thông qua thủ tục giao nhận Giấy chứng nhận như trên.

2. Thực hiện “Giải chấp” trước hay phân chia di sản trước

- Điều 327 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thế chấp tài sản chấm dứt trong trường hợp sau đây: 1. Nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt. 2. Việc thế chấp tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác. 3. Tài sản thế chấp đã được xử lý. 4. Theo thỏa thuận của các bên.

Điều 422 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định Hợp đồng chấm dứt trong trường hợp: 1. Hợp đồng đã được hoàn thành; 2. Theo thỏa thuận của các bên; 3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện; 4. Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện; 5. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn; 6. Hợp đồng chấm dứt khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản (theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật Dân sự); 7. Trường hợp khác do luật quy định.

Như vậy, khi cá nhân chết mà hợp đồng không phải do chính cá nhân đó thực hiện thì không đương nhiên chấm dứt; và việc thế chấp tài sản cũng không chấm dứt khi không có các căn cứ tại Điều Điều 327 Bộ luật Dân sự năm 2015.

- Điều 656 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc sau đây: a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc; b) Cách thức phân chia di sản.

Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định  các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây: 1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng. 2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu. 3. Chi phí cho việc bảo quản di sản. 4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ. 5. Tiền công lao động. 6. Tiền bồi thường thiệt hại. 7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước. 8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân. 9. Tiền phạt. 10. Các chi phí khác.

Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định  những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Theo các quy định trên và thực tiễn, có thể hình dung như sau: để thực hiện “giải chấp” thì nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt, nói cách khác, “nợ” phải được trả xong. Những người thừa kế sẽ có trách nhiệm trả “nợ” này. Muốn vậy, phải xác định được những người thừa kế. Theo đó, những người thừa kế phải thỏa thuận lập văn bản khai nhận di sản thừa kế/thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, trong đó phải xác định thứ tự thanh toán theo Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo quy định tại Điều 50 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì trường hợp bên bảo đảm, người có nghĩa vụ được bảo đảm là cá nhân chết hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết thì việc thực hiện nghĩa vụ và xử lý tài sản bảo đảm thực hiện theo hợp đồng bảo đảm hoặc thỏa thuận khác đã được xác lập trước thời điểm bên bảo đảm, người có nghĩa vụ được bảo đảm chết hoặc trước thời điểm bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết. Trường hợp xác định được người hưởng di sản mà di sản đó đang là tài sản bảo đảm, người quản lý di sản mà di sản đó đang là tài sản bảo đảm thì bên nhận bảo đảm phải thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm cho người này theo địa chỉ được xác định như thông báo cho bên bảo đảm quy định. Trường hợp chưa xác định được người hưởng di sản mà di sản đó đang là tài sản bảo đảm, người quản lý di sản mà di sản đó đang là tài sản bảo đảm mà nghĩa vụ được bảo đảm đã đến hạn thực hiện thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Điều này có nghĩa, bên nhận thế chấp có quyền xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng mà không cần phải có tham gia của những người nhận thừa kế nhưng phải thực hiện nghĩa vụ thông báo cho người hưởng di sản hoặc người quản lý di sản.

Như vậy, việc phân chia di sản là tài sản thế chấp hay xử lý tài sản thế chấp là di sản thừa kế đều có thể được thực hiện mà không cần phải theo thứ tự là phân chia di sản trước hay xử lý tài thể chấp trước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu bên nhận thế chấp thực hiện quyền xử lý tài sản thế chấp theo hợp đồng thì có thể dẫn đến việc không bảo đảm thứ tự ưu tiên thanh toán theo Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2015 nếu tài sản bảo đảm không đủ để thực hiện các nghĩa vụ. Do đó, pháp luật cần quy định rõ vấn đề này khi bên nhận thế chấp thực hiện quyền xử lý tài sản bảo đảm của người đã chết./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.367.186
Lượt truy cập hiện tại 7.458