Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Giao đất không thu tiền sử dụng đất và một số vấn đề trao đổi liên quan đến chủ thể và đối tượng quyền sử dụng đất
Ngày cập nhật 13/04/2023

1. Trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất

Theo quy định tại Điều 54 Luật Đất đai năm 2013, Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:

(1) Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được giao đất nông nghiệp trong hạn mức quy định tại Điều 129 của Luật Đất đai;

(2) Người sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa không thuộc trường hợp tổ chức kinh tế được giao đất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng

(3) Tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp;

(4) Tổ chức sử dụng đất để xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư theo dự án của Nhà nước;

(5) Cộng đồng dân cư sử dụng đất nông nghiệp; cơ sở tôn giáo sử dụng đất phi nông nghiệp (gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động).

2. Về chủ thể được giao đất không thu tiền sử dụng đất

Đối tượng đầu tiên là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối. Như vậy, có 04 lĩnh vực hộ gia đình, cá nhân phải trực tiếp sản xuất là (i) nông nghiệp, (ii) lâm nghiệp, (iii) nuôi trồng thủy sản), và (iv) làm muối. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 (khoản 30 Điều 3) chỉ giải thích về “Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp” mà không giải thích về ba trường hợp còn lại. Theo đó, Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó.

Nhóm đối tượng thứ hai, Điều 54 Luật Đất đai năm 2013 quy định “Người sử dụng đất...”, nghĩa là người sử dụng đất có thể thuộc một trong 7 nhóm người sử dụng đất được quy định tại Điều 5 Luật Đất đai năm 2013.

Nhóm đối tượng (3), (4), (5) được nêu cụ thể là: Tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính, tổ chức, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo.

3. Về đối tượng quyền sử dụng đất

Theo quy định tại Điều 10 Luật Đất đai năm 2013, căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại thành 3 nhóm: Nhóm đất nông nghiệp; nhóm đất phi nông nghiệp; nhóm đất chưa sử dụng. Trong đó, nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây: a) Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; b) Đất trồng cây lâu năm;  c) Đất rừng sản xuất; d) Đất rừng phòng hộ; đ) Đất rừng đặc dụng; e) Đất nuôi trồng thủy sản; g) Đất làm muối; h) Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.

Về cơ bản, các loại đất được nêu tại Điều 54 được phân loại thuộc các nhóm đất theo quy định tại Điều 10 Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, đất lâm nghiệp thuộc loại đất gì chưa được nêu rõ về phân loại trong Điều 10 Luật Đất đai. 

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Lâm nghiệp 2017 thì lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật bao gồm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản. Trong đó, Rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liên vùng từ 0,3 ha trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên. (Khoản 3 Điều 2 Luật Lâm nghiệp 2017); lâm sản là sản phẩm khai thác từ rừng bao gồm thực vật rừng, động vật rừng và các sinh vật rừng khác gồm cả gỗ, lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm gỗ, song, mây, tre, nứa đã chế biến. (Khoản 16 Điều 2 Luật Lâm nghiệp 2017).

Trên cơ sở quy định tại Luật Lâm nghiệp và phân loại đất tại Điều 10 Luật Đất đai năm 2013, sản xuất lâm nghiệp là những việc thuộc về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng. Nói cách khác, đất nông nghiệp sử dụng trong lĩnh vực lâm nghiệp là đất rừng.

Các loại đất nông nghiệp được giao cho Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tiếp tục được làm rõ qua quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp tại Điều 129 Luật Đất đai năm 2013, cụ thể:

“Điều 129. Hạn mức giao đất nông nghiệp

1. Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:...

2. Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân

....

3. Hạn mức giao đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 30 héc ta đối với mỗi loại đất:

a) Đất rừng phòng hộ;

b) Đất rừng sản xuất”.

Từ các quy định trên, đất nông nghiệp được giao cho Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối, gồm: đất trồng cây hàng năm (gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác), đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất trồng cây lâu năm, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

Từ các phân tích như trên, để thống nhất và thuận lợi trong áp dụng pháp luật, kiến nghị cần quy định các loại đất tương ứng với quy định về phân loại đất; làm rõ khái niệm hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại khoản 30 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 có bao gồm hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không vì theo quy định về phân loại đất, lâm nghiệp (rừng), đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối cũng thuộc loại đất nông nghiệp./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.384.191
Lượt truy cập hiện tại 2.189