Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Giao dịch dân sự liên quan đến tài sản riêng của vợ chồng
Ngày cập nhật 29/12/2022

Giao dịch dân sự trong trường hợp liên quan đến tài sản của vợ chồng cần được xem xét cẩn thận nhằm xác định đúng tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự liên quan đến tài sản riêng của vợ chồng (đã được xác định rõ) vẫn cần xem xét trong mối quan hệ với người còn lại để đảm bảo các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

 

 1. Quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản riêng

Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng như sau: Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.

Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.

Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.

2. Định đoạt tài sản riêng nhưng phải có sự đồng ý của vợ/chồng hoặc có điều kiện khác

- Theo quy định tại khoản 4 Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.

- Ngoài ra, theo quy định tại Điều 31 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng thì trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng mà nhà ở đó là nơi ở duy nhất của vợ chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng.

Quy định này phù hợp với Điều 30 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên.

3. Trường hợp thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung

Theo quy định tại Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, vợ, chồng được phép nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

4. Những vấn đề cần lưu ý

- Về nguyên tắc, tài sản riêng của người nào thì người đó có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt. Tuy nhiên, cần lưu ý các trường hợp sau vẫn phải xem xét đến ý kiến của người còn lại hoặc phải bảo đảm điều kiện kèm theo:

+ Đối với trường hợp tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này vẫn cần có sự đồng ý của người còn lại.

+ Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng mà nhà ở đó là nơi ở duy nhất của vợ chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng.

+ Trong thời gian tồn tại hôn nhân, có thể vợ chồng đã có thỏa thuận về việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung.

Từ những lưu ý trên, khi xác lập giao dịch liên quan đến tài sản của vợ chồng, mặc dù giấy tờ chứng minh là tài sản riêng nhưng vẫn phải rà soát để đảm bảo không bỏ sót các trường hợp nêu trên.

- Cũng cần lưu ý thêm rằng, khoản 4 Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ”. Phạm vi cần sự đồng ý của chồng, vợ trong trường hợp nà là khi “định đoạt” đối với tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức là nguồn sống duy nhất của gia đình.

Trong khi đó, Điều 31 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “...Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng”. Phạm vi Điều luật đưa ra yêu cầu là khi “xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch” có liên quan đến  nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng.

Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về giao dịch dân sự: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Điều 192 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền định đoạt:Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản”.

Từ các quy định trên, có thể xác định rằng, phạm vi điều kiện tại khoản 4 Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 tương ứng với Điều 192 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền định đoạt (chỉ có quyền định đoạt, trong giao dịch dân là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản). Phạm vi điều kiện của Điều 31 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 tương ứng với Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về giao dịch dân sự năm 2015 (bao gồm tất cả các quyền của người có quyền sở hữu, quyền sử dụng)./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.481.092
Lượt truy cập hiện tại 30.564