Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Những trường hợp tài sản thuộc về Nhà nước trong quan hệ dân sự
Ngày cập nhật 29/12/2022

Trong quan hệ dân sự, có những trường hợp tài sản sẽ thuộc về Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều người chưa hiểu rõ vấn đề này, bài viết giới thiệu các trường hợp tài sản thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

.  Những trường hợp tài sản thuộc về Nhà nước trong quan hệ dân sự

- Tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu (Điều 228 Bộ luật Dân sự năm 2015)

+  Tài sản vô chủ là tài sản mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó. Tài sản vô chủ là bất động sản thì thuộc về Nhà nước.

+  Tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 05 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là bất động sản thì bất động sản đó thuộc về Nhà nước; người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

 - Tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên (Điều 230 Bộ luật Dân sự năm 2015): Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;

Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

- Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy (Điều 229 Bộ luật Dân sự năm 2015)

Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

+ Tài sản được tìm thấy là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì thuộc về Nhà nước; người tìm thấy tài sản đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật;

+ Tài sản được tìm thấy không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.

- Tài sản không có người nhận thừa kế (Điều 622 Bộ luật Dân sự năm 2015)

Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước.

- Tài sản hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế (Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015): Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

+ Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật Dân sự;

+ Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu nêu trên.

- Chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế (khoản 4 Điều 218 Bộ luật Dân sự năm 2015): Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc về Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.

 - Tài sản của quỹ xã hội, quỹ từ thiện bị giải thể (Khoản 3 Điều 94 Bộ luật Dân sự năm 2015): Trường hợp quỹ xã hội, quỹ từ thiện bị giải thể mà đã thanh toán hết chi phí giải thể và các khoản nợ theo quy định, tài sản còn lại được chuyển giao cho quỹ khác có cùng mục đích hoạt động.

Trường hợp không có quỹ khác có cùng mục đích hoạt động nhận tài sản chuyển giao hoặc quỹ bị giải thể do hoạt động vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì tài sản của quỹ bị giải thể thuộc về Nhà nước.

2. Vấn đề về quyền sở hữu

Những trường hợp được nêu tại khoản 1 nêu trên đều là trường hợp tài sản “thuộc về Nhà nước”. Vậy hiểu thế nào là “thuộc về Nhà nước”?

Điều 53 Hiến pháp năm 2013 quy định “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. 

Quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013 được nhắc lại tại Điều 197 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Tại Điều 198 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân nêu: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đại diện, thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Chính phủ thống nhất quản lý và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và tiết kiệm tài sản thuộc sở hữu toàn dân.

Điều 199 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu toàn dân được thực hiện trong phạm vi và theo trình tự do pháp luật quy định.

Như vậy, tài sản do nhà nước quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân. Các trường hợp tài sản “thuộc về nhà nước” nêu tại khoản 1 này thực chất là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, việc “thuộc về nhà nước” là thuộc về quyền đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý. Nhà nước với vai trò là chủ thể đặc biệt trong quan hệ dân sự, bình đẳng với các chủ thể khác và chịu trách nhiệm dân sự của mình bằng tài sản mà mình là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, trừ trường hợp tài sản đã được chuyển giao cho pháp nhân theo quy định (Điều 97, 99 Bộ luật Dân sự năm 2015)./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.480.892
Lượt truy cập hiện tại 30.460