Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Giám hộ và một số vấn đề pháp lý cần hoàn thiện
Ngày cập nhật 11/11/2022

1. Giám hộ và ý nghĩa của giám hộ

- Bộ luật Dân sự năm 2015 không nêu khái quát thế nào là giám hộ. Điều 46 của Bộ luật này nêu khái niệm giám hộ theo hướng phân loại các trường hợp giám hộ, nhiệm vụ của người giám hộ và đối tượng được giám hộ, cụ thể: Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật Dân sự năm 2015 (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ). Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu. Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký việc giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ.

- Từ quy định trên, giám hộ có ý nghĩa quan trọng, mang tính nhân đạo sâu sắc nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, bảo vệ cho những người yếu thế về mặt năng lực hành vi dân sự, cụ thể: người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Ý nghĩa này thể hiện qua việc thực hiện các nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ (quy định cụ thể tại Điều 55, 56, 57 Bộ luật Dân sự năm 2015).

+ Những người không có năng lực hành vi dân sự hoặc năng lực hành vi dân sự không đầy đủ được chăm sóc, giáo dục hoặc bảo đảm việc điều trị bệnh. Mức độ chăm sóc, giáo dục đối với người được giám hộ không phải như nhau, pháp luật quy định rõ mức độ chăm sóc, giáo dục đối với từng độ tuổi, phù hợp với sự phát triển về mặt thể chất, nhận thức, cụ thể: người được giám hộ chưa đủ mười lăm tuổi được chăm sóc, giáo dục; người được giám hộ từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi thì không đặt ra vấn đề chăm sóc, giáo dục; người được giám hộ mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh.

+ Trong giai đoạn năng lực hành vi dân sự không đầy đủ, nếu người được giám hộ có tài sản thì được hỗ trợ, giúp quản lý tài sản của mình phù hợp với quy định pháp luật, tránh các nguy cơ bị mất tài sản.

+ Trong trường hợp cần thiết tham gia vào các giao dịch dân sự, có người/tổ chức đại diện để xác lập, thực hiện.

+ Ngoài ra, người giám hộ giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ trong các quan hệ pháp luật.

2. Các trường hợp giám hộ  

Căn cứ vào việc lựa chọn hoặc cơ quan có thẩm quyền trong việc xác định người giám hộ, có 05 trường hợp giám hộ:

(1) Giám hộ đương nhiên (luật định).

(2) Giám hộ được cử: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ khi không có người giám hộ đương nhiên. Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ.

(3) Giám hộ chỉ định: Trường hợp có tranh chấp giữa những người giám hộ đương nhiên về người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ thì Tòa án chỉ định người giám hộ.

(4) Giám hộ đề nghị: do Tòa án đề nghị một pháp nhân thực hiện việc giám hộ đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

(Việc  áp dụng cụ thể theo khoản 4 Điều 54 Bộ luật Dân sự năm2015: “Trừ trường hợp áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này, người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi do Tòa án chỉ định trong số những người giám hộ quy định tại Điều 53 của Bộ luật này. Trường hợp không có người giám hộ theo quy định trên, Tòa án chỉ định người giám hộ hoặc đề nghị một pháp nhân thực hiện việc giám hộ”).

(5) Tự lưạ chọn người giám hộ: Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực (khoản 2 Điều 48 Bộ luật Dân sự năm 2015).

3. Đăng ký giám hộ

Theo quy định tại khoản 3 Điều 46 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký việc giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ.

a) Thẩm quyền đăng ký

- Công dân Việt Nam cư trú ở trong nước: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ hoặc người giám hộ thực hiện đăng ký giám hộ; Ghi vào Sổ hộ tịch Công nhận giám hộ theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký giám hộ thực hiện đăng ký chấm dứt giám hộ (khoản 1 Điều 7 và Điều 19 Luật Hộ tịch năm 2014).

-  Có yếu tố nước ngoài (trừ trường hợp thường trú tại khu vực biên giới Việt Nam): Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người được giám hộ hoặc người giám hộ thực hiện đăng ký giám hộ giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài cùng cư trú tại Việt Nam ; Ghi vào Sổ hộ tịch sự kiện giám hộ của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký giám hộ thực hiện đăng ký chấm dứt giám hộ (khoản 2 Điều 7 và Điều 39 Luật Hộ tịch năm 2014).

- Cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi người giám hộ hoặc người được giám hộ là công dân Việt Nam cư trú, thực hiện đăng ký việc giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài với nhau; ghi vào Sổ hộ tịch việc giám hộ của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Cơ quan đại diện nơi đã đăng ký giám hộ thực hiện đăng ký chấm dứt giám hộ (khoản 3 Điều 7 Luật  Hộ tịch năm 2014 và Điều 8, Điều 17 Thông tư liên tịch số  02/2016/TTLT-BNG-BTP ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại các Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

b) Thủ tục đăng ký

Luật Hộ tịch năm 2014 quy định các thủ tục: đăng ký giám hộ cử (cấp xã: Điều 20, cấp huyện: Điều 40); đăng ký giám hộ đương nhiên (cấp xã: Điều 21, cấp huyện: Điều 41); đăng ký chấm dứt giám hộ (cấp xã: Điều 22, cấp huyện: Điều 42); đăng ký thay đổi giám hộ (cấp xã: Điều 23, cấp huyện: Điều 42). Đối với cơ quan đại diện: Thủ tục đăng ký giám hộ, chấm dứt giám hộ, thay đổi giám hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 20, 21, 22, 23 của Luật hộ tịch (Điều 8 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP).

4. Giám sát việc giám hộ

Điều 51 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về giám sát việc giám hộ.

- Người giám sát việc giám hộ:

+ Thỏa thuận cử người thân thích giám sát việc giám hộ: Người thân thích của người được giám hộ thỏa thuận cử người giám sát việc giám hộ trong số những người thân thích

+ Chọn cá nhân, pháp nhân khác làm người giám sát việc giám hộ: Người thân thích của người được giám hộ thỏa thuận chọn cá nhân, pháp nhân khác làm người giám sát việc giám hộ.

+ Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người giám hộ cử cá nhân hoặc pháp nhân giám sát việc giám hộ nếu người thân thích của người được giám hộ không thực hiện được việc cử, chọn nêu trên.

+ Tòa án quyết định nếu có tranh chấp về việc cử, chọn người giám sát việc giám hộ.

 - Đăng ký giám sát việc giám hộ: Người thân thích của người được giám hộ thỏa thuận cử người giám sát việc giám hộ trong số những người thân thích hoặc chọn cá nhân, pháp nhân khác làm người giám sát việc giám hộ. Trong trường hợp này, nếu việc giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản của người được giám hộ thì người giám sát phải đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ.

5. Quản lý tài sản của người được giám hộ

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của người giám hộ đối với người được giám hộ là quản lý tài sản của người được giám hộ. Điều 59 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.

Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được quản lý tài sản của người được giám hộ theo quyết định của Tòa án trong phạm vi nêu trên.

6. Một số vấn đề pháp lý kiến nghị hoàn thiện

Với quy định về giám hộ đã giúp các trường hợp là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được chăm sóc, giáo dục, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện chế định về giám hộ, còn một số vướng mắc về mặt quy định pháp luật cần hoàn thiện để việc triển khai được thuận lợi.

a) Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định nếu việc giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản của người được giám hộ thì người giám sát phải đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ (trong trường hợp người thân thích của người được giám hộ thỏa thuận cử người giám sát việc giám hộ trong số những người thân thích hoặc chọn cá nhân, pháp nhân khác làm người giám sát việc giám hộ). Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào quy định về trình tự, thủ tục đăng ký giám sát việc giám hộ.

Để tạm thời xử lý vấn đề này, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp (Công văn số 470/HTQTCT-QT ngày 02/6/2017 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực trả lời nghiệp vụ hộ tịch, quốc tịch), một số địa phương đã có hướng dẫn tạm thời thực hiện đăng ký việc giám sát giám hộ tương tự theo quy định về đăng ký giám hộ.

Từ thực tế trên, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, sớm có văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này để đảm bảo tính pháp lý.

b) Về thủ tục đăng giám hộ

Luật Hộ tịch năm 2014 quy định các thủ tục đăng ký giám hộ: đăng ký giám hộ cử; đăng ký giám hộ đương nhiên; đăng ký chấm dứt giám hộ; đăng ký thay đổi giám hộ. Đối với trường hợp giám hộ theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì ghi vào Sổ hộ tịch Công nhận giám hộ.

 - Theo quy định, trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ (gọi là giám hộ cử). Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.

Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan có thẩm quyền đã có văn bản về việc cử người giám hộ. Theo đó, thì việc giám hộ cử chỉ cần ghi vào Sổ hộ tịch Công nhận giám hộ mà không cần phải có thủ tục đăng ký giám hộ cử theo quy định của Luật Hộ tịch.

- Theo quy định của Bộ luật Dân sự, có 05 trường hợp giám hộ như đã phân tích ở trên là: Giám hộ đương nhiên (luật định); giám hộ được cử (Ủy ban nhân dân cấp xã cử); giám hộ chỉ định (Tòa án chỉ định); giám hộ đề nghị (do Tòa án đề nghị một pháp nhân thực hiện); tự lưạ chọn người giám hộ.

Tuy nhiên, tại Luật Hộ tịch năm 2014 chỉ quy định đăng ký giám hộ đối với 02 trường hợp (giám hộ cử, giám hộ đương nhiên) và ghi vào Sổ hộ tịch Công nhận giám hộ của cơ quan có thẩm quyền (theo Bản án, quyết định của Tòa án). Như vậy, còn trường hợp tự lựa chọn người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật Dân sự năm 2015 là “Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực” chưa được quy định cụ thể.

Từ quy định như trên, kiến nghị xem xét hoàn thiện quy định về đăng ký giám hộ theo hướng: Không quy định về việc đăng ký giám hộ cử mà ghi vào Sổ hộ tịch Công nhận giám hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; quy định thủ tục giám hộ đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật Dân sự năm 2015./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.512.529
Lượt truy cập hiện tại 11.853