Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Hiệu lực hợp đồng bảo đảm, hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm và hiệu lực đối kháng với người thứ ba
Ngày cập nhật 03/10/2022

Hiệu lực của hợp đồng bảo đảm, hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm và hiệu lực đối kháng với người thứ ba có mối quan hệ và ý nghĩa quan trọng trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong quan hệ bảo đảm. Bài viết phân tích về hiệu lực trong ba trường hợp nêu trên.

 

1. Hiệu lực của hợp đồng bảo đảm

Điều 22 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, quy định hiệu lực của hợp đồng bảo đảm:

- Hợp đồng bảo đảm được công chứng, chứng thực theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan hoặc theo yêu cầu thì có hiệu lực từ thời điểm được công chứng, chứng thực.

- Hợp đồng bảo đảm không thuộc trường hợp trên có hiệu lực từ thời điểm do các bên thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận thì có hiệu lực từ thời điểm hợp đồng được giao kết.

- Trường hợp tài sản bảo đảm được rút bớt theo thỏa thuận thì phần nội dung hợp đồng bảo đảm liên quan đến tài sản được rút bớt không còn hiệu lực; tài sản bảo đảm được bổ sung hoặc thay thế thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo đảm liên quan đến tài sản này thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan.

- Biện pháp bảo đảm chưa phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba không làm thay đổi hoặc không làm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng bảo đảm.

2. Hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm

- Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP quy định thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm: Trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tàu bay, tàu biển, thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký vào sổ đăng ký.

Trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản là động sản khác, thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm nội dung đăng ký được cập nhật vào cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.

- Điều 6 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP quy định thời hạn có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là kể từ thời điểm đăng ký theo quy định tại Điều 5 nêu trên đến thời điểm xóa đăng ký biện pháp bảo đảm.

3. Hiệu lực đối kháng với người thứ ba

- Điều 297 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm. Khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo quy định tại Điều 308 của Bộ luật Dân sự và luật khác có liên quan.

 - Điều 23 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP về hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm với người thứ ba:

+ Biện pháp bảo đảm chỉ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong trường hợp hợp đồng bảo đảm đã có hiệu lực pháp luật.

+ Trường hợp biện pháp bảo đảm phải đăng ký theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan hoặc được đăng ký theo thỏa thuận hoặc được đăng ký theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm thì thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan là thời điểm biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba.

+ Trường hợp không thuộc đoạn 2 nêu trên thì hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp cầm cố tài sản, đặt cọc, ký cược phát sinh từ thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ tài sản bảo đảm. Nắm giữ tài sản bảo đảm quy định tại khoản này là việc bên nhận bảo đảm trực tiếp quản lý, kiểm soát, chi phối tài sản bảo đảm hoặc là việc người khác quản lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật nhưng bên nhận bảo đảm vẫn kiểm soát, chi phối được tài sản này.

+ Trường hợp tài sản bảo đảm thuộc biện pháp bảo đảm quy định tại đoạn 3 nêu trên được giao cho người khác quản lý thì hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm với người thứ ba phát sinh từ thời điểm: (1) Bên nhận cầm cố, bên nhận đặt cọc hoặc bên nhận ký cược nắm giữ tài sản bảo đảm; (2) Người quản lý tài sản nhận trực tiếp tài sản bảo đảm từ bên cầm cố, bên đặt cọc hoặc bên ký cược; (3) Hợp đồng bảo đảm có hiệu lực trong trường hợp người khác đang quản lý trực tiếp tài sản mà tài sản này được dùng để cầm cố, để đặt cọc hoặc để ký cược.

+ Hiệu lực đối kháng của biện pháp ký quỹ với người thứ ba phát sinh từ thời điểm tài sản ký quỹ được gửi vào tài khoản phong tỏa tại tổ chức tín dụng nơi ký quỹ.

4. Ý nghĩa của hiệu lực hợp đồng, đăng ký biện pháp bảo đảm và hiệu lực đối kháng với người thức ba trong trường hợp tài sản thế chấp phải đăng ký biện pháp bảo đảm

- Hợp đồng bảo đảm đã có hiệu lực theo quy định thì hợp đồng chính là căn cứ xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên trong hệ giao dịch bảo đảm. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết.

- Đối với những trường hợp có đăng ký biện pháp bảo đảm thì hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là kể từ thời điểm đăng ký theo quy định đến thời điểm xóa đăng ký biện pháp bảo đảm. Như vậy, trong trường hợp pháp luật bắt buộc phải thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm[1] mà chưa đăng ký (mới có hợp đồng bảo đảm) thì mặc dù hợp đồng bảo đảm đã phát sinh hiệu lực nhưng vẫn chưa phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba.

- Thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan là thời điểm biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba./.

 


[1] Theo Điều 4 Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm, các biện pháp bảo đảm sau đây phải đăng ký thì các trường hợp bắt buộc phải đăng ký biến pháp bảo đảm: (1) Thế chấp quyền sử dụng đất; (2) Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; (3) Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; (4) Thế chấp tàu biển).

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.532.766
Lượt truy cập hiện tại 10.202