Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Quy định về tư vấn pháp luật tại Nghị định số 77/2008/NĐ-CP và những bất cập
Ngày cập nhật 27/09/2022

Nghị định số 77/2008/NĐ-CP của Chính phủ về tư vấn pháp luật được ban hành ngày 16 tháng 7 năm 2008. Như vậy, đến nay đã 14 năm triển khai thực hiện và đang tiến đến tổng kết 15 năm thực hiện, Nghị định số 77/2008/NĐ-CP bộc lộ những bất cập cần được phân tích, khắc phục.

 

Thứ nhất, kinh phí hoạt động

Nghị định số 77/2008/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật (gọi chung là tổ chức chủ quản). Hoạt động tư vấn pháp luật quy định tại Nghị định này mang tính chất xã hội, không nhằm mục đích thu lợi nhuận. Trung tâm tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức chủ quản. Nhà nước khuyến khích Trung tâm tư vấn pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo và các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật. Ngoài hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí như trên, Trung tâm tư vấn pháp luật được thu thù lao đối với cá nhân, tổ chức khác có yêu cầu tư vấn pháp luật để bù đắp chi phí cho hoạt động của Trung tâm.

Rõ ràng, tổ chức tư vấn pháp luật không đặt ra mục đích thu lợi nhuận. Tuy nhiên, kinh phí hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP thì hoạt động theo cơ chế tự trang trải về tài chính. Nguồn kinh phí hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật gồm: (1) Kinh phí để thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật được bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên của tổ chức chính trị - xã hội đối với Trung tâm tư vấn pháp luật do tổ chức chính trị - xã hội thành lập; (2) Kinh phí được cấp từ việc thực hiện trợ giúp pháp lý đối với Trung tâm tư vấn pháp luật đã đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý; (3) Thù lao thu được từ hoạt động tư vấn pháp luật cho cá nhân, tổ chức không thuộc đối tượng tư vấn pháp luật miễn phí; (4) Các khoản hỗ trợ của tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật được trích từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp; các khoản tài trợ của cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài hỗ trợ cho hoạt động tư vấn pháp luật theo quy định của pháp luật.

Với nguồn kinh phí như trên, thực tế cho thấy: Nguồn kinh phí do cơ quan chủ quản bố trí rất ít, thậm chí không có; nguồn kinh phí thứ hai rất hạn chế vì ít có đối tượng được trợ giúp pháp lý, hầu hết đối tượng được trợ giúp pháp lý đều do Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện; nguồn kinh phí thứ ba rất ít tổ chức có được do những trường hợp thuộc đối tượng tư vấn pháp luật có thu phí thường tìm đến luật sư, tổ chức hành nghề luật sư để được tư vấn chuyên sâu hơn; các khoản hỗ trợ hầu như không có.

Với tính chất, mục đích hoạt động mang tính xã hội nhưng phải tự trang trải về tài chính, các tổ chức tư vấn pháp luật được tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 77/2008/NĐ-CP đa số rơi vào tình trạng không có, không đủ kinh phí để duy trì, hoạt động.

Hai là, vấn đề về nhân sự

 Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP, điều kiện thành lập Trung tâm tư vấn pháp luật là: (1) Có ít nhất hai tư vấn viên pháp luật hoặc tư vấn viên pháp luật và một luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hai luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động; (2) Có trụ sở làm việc của Trung tâm.

Với điều kiện đầu tiên, đa số các tổ chức đều không có sẵn nguồn nhân lực bảo đảm yêu cầu mà phải ký kết hợp đồng lao động với luật sư, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, với cơ chế tự trang trải của tổ chức tư vấn pháp luật thì ngay cả nguồn kinh phí để chi trả lương, thù lao có lúc cũng không bảo đảm, từ đó dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực hoặc nguồn nhân lực không đáp ứng yêu cầu, hệ quả ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hoạt động tư vấn pháp luật.

Xét về cơ chế hoạt động của người tư vấn pháp luật của tổ chức tư vấn pháp luật có chồng chéo về quyền lợi, ví dụ: một luật sư vừa làm việc tại tổ chức tư vấn pháp luật, vừa là luật sư của một tổ chức hành nghề luật sư; vậy vấn đề đặt ra là có thể có sự lôi kéo khách hàng trong trường hợp này không, nhất là khi Giám đốc của Trung tâm tư vấn pháp luật là luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động?

Ba là, về việc chấm dứt hoạt động của tổ chức tư vấn pháp luật

Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP quy định Trung tâm tư vấn pháp luật chấm dứt hoạt động trong những trường hợp sau đây: (1) Theo quyết định của tổ chức chủ quản; (2) Bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động.

Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP quy định Trung tâm tư vấn pháp luật, Chi nhánh bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động trong trường hợp sau đây: (1) Không còn đủ điều kiện theo quy định (Đối với Trung tâm phải có ít nhất hai tư vấn viên pháp luật hoặc tư vấn viên pháp luật và một luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hai luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động; có trụ sở làm việc của Trung tâm. Đối với Chi nhánh phải có ít nhất một tư vấn viên pháp luật hoặc một luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc cho Chi nhánh. Trung tâm tư vấn pháp luật cử một tư vấn viên pháp luật hoặc một luật sư làm Trưởng Chi nhánh); (2) Có hành vi vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định sử dụng Giấy đăng ký hoạt động.

Mặc dù có những khó khăn thực tế về kinh phí, nguồn nhân lực nhưng hầu như rất ít, thậm chí không có tổ chức chủ quản nào làm thủ tục chấm dứt hoạt động của tổ chức tư vấn pháp luật.

Từ phân tích thực tiễn như trên cho thấy vấn đề cần làm rõ là mục đích của tổ chức tư vấn pháp luật được tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 77/2008/NĐ-CP là gì? Theo quy định thì tổ chức được thành lập nhằm mục đích chính là tư vấn pháp luật miễn phí cho thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức chủ quản. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu này có thật sự cần thiết và khả năng đáp ứng của tổ chức đạt đến mức độ nào thì chưa có kết quả điều tra, khảo sát, tuy nhiên qua kết quả hoạt động thời gian qua thì rõ ràng là chưa đáp ứng yêu cầu, chưa hiệu quả. Nhu cầu tư vấn pháp luật có thể phân tích một số khía cạnh như sau: Nếu các thành viên, hội viên, đoàn viên của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp thật sự cần tư vấn, hỗ trợ về pháp luật thì có hai hướng, nếu thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý (miễn phí) thì do Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện, nếu không thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý thì có các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư hỗ trợ pháp lý. Rõ ràng, các đơn vị này là những tổ chức hoạt động một cách chuyên sâu, chuyên nghiệp trong lĩnh vực pháp luật và sẽ hỗ trợ cho người có nhu cầu một cách tốt nhất. Như vậy, để hỗ trợ thành viên, hội viên, đoàn viên của các tổ chức mình thì các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp phối hợp thật tốt, thường xuyên, nhịp nhàng với các tổ chức chuyên trách về pháp lý nêu trên để kết nối với thành viên, hội viên, đoàn viên của mình sẽ đạt hiệu quả cao hơn, thay vì phải thành lập tổ chức tư vấn pháp luật mà khó bảo đảm điều kiện về kinh phí, con người để hoạt động một cách hiệu quả thực sự./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.532.048
Lượt truy cập hiện tại 9.709