Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Giao ban, sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 18/07/2019

Ngày 15/7/2019, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị giao ban, sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 với thành phần Lãnh đạo Sở Tư pháp; Trưởng phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố Huế và Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở. Hội nghị do đồng chí Đào Chuẩn, Giám đốc Sở chủ trì.

 

Nhấn mạnh những kết quả đạt được trong công tác tư pháp đầu năm, đồng chí Phan Văn Quả – Phó Giám đốc Sở nêu rõ: Công tác chỉ đạo, điều hành của Ngành Tư pháp Thừa Thiên Huế được thực hiện nghiêm túc, bằng việc Sở Tư pháp, các Phòng Tư pháp tham mưu ban hành kịp thời các kế hoạch để triển khai thực hiện như: Chương trình công tác ngành tư pháp Thừa Thiên Huế năm 2019; các kế hoạch tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 48 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; tổng kết Nghị quyết số 49 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân... Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch công tác và các nhiệm vụ phát sinh, đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện; thường xuyên rà soát, theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ. Sở Tư pháp, các Phòng Tư pháp đã kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, đã kịp thời hơn trong nắm bắt những bất cập, vướng mắc chuyên môn ở cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Riêng tại Sở Tư pháp, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, 6 tháng đầu năm quyết liệt thực hiện 25 nhiệm vụ do Bộ Tư pháp giao, 40 nhiệm vụ do UBND tỉnh giao, qua đó đã hoàn thành 62 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 03 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn. Một số mặt công tác có kết quả tốt như: Công tác thẩm định, tham gia góp ý văn bản QPPL đã thực hiện đúng kế hoạch, quy trình và đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ đề ra; việc cập nhật văn bản QPPL vào cơ sở dữ liệu quốc gia đã thực hiện nghiêm túc; đã kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan giải đáp kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Công tác tổ chức tập huấn nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật và phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện đến cấp huyện, cấp xã theo hướng “cầm tay chỉ việc”; đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ mới liên quan đến cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật (Chỉ số B1), Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện tại địa bàn tỉnh; nhiều huyện tiếp tục nghiên cứu, triển khai những mô hình, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL như: Thành phố Huế tập trung tuyên truyền gắn liền với chủ đề của thành phố năm 2019 “Năm chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch, dịch vụ và xây dựng thành phố thông minh”; huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông tăng cường phổ biến pháp luật thông qua các hội thi tìm hiểu pháp luật, hệ thống phát thanh – truyền hình huyện, loa truyền thanh xã, xây dựng các pano, áp phích tuyên truyền, tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân,... Đã huy động được sự tham gia tư vấn của các thành viên Đoàn Luật sư trong việc giải quyết các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ đúng hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp đạt đến 99%, đây là sự nỗ lực lớn của công chức ngành Tư pháp trong 6 tháng đầu năm 2019,...

Bên cạnh những kết quả đạt được ở một số lĩnh vực công tác vẫn còn những hạn chế, tồn tại như: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn dàn trải, hình thức, chưa linh hoạt theo sát các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc định hướng dư luận xã hội; tỷ lệ hòa giải thành tại các địa phương còn thấp; việc triển khai thực hiện Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tiếp tục gặp khó khăn, hạn chế nhất là về kinh phí, hạ tầng công nghệ thông tin; vẫn còn tình trạng tồn đọng thông tin LLTP chưa được xử lý, cập nhật vào cơ sở dữ liệu,... Nguyên nhân do 6 tháng đầu năm 2019 phát sinh rất nhiều công việc đột xuất, cùng với khối lượng công việc thường xuyên đã rất lớn, yêu cầu cao về chất lượng, tiến độ, trong khi đội ngũ công chức, viên chức có xu hướng giảm về số lượng, một số trường hợp chưa theo kịp đòi hỏi, yêu cầu về chất lượng. Thể chế pháp luật một số lĩnh vực có vướng mắc đang trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện; một số văn bản chưa ban hành kịp thời để tháo gỡ vướng mắc, có cơ sở pháp lý cho địa phương thực hiện thống nhất, như: sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Lý lịch tư pháp; Nghị định mới của Chính phủ về hoạt động Thừa phát lại vẫn chưa được ban hành; việc kiện toàn cơ quan tư pháp ở địa phương tiếp tục phải chờ quy định của Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn của Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ. Kinh phí, điều kiện bảo đảm triển khai công việc trong một số lĩnh vực còn hạn chế, không đồng đều giữa các địa phương, nhất là trong công tác xây dựng pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; tổ chức thi hành pháp luật,...

Tại Hội nghị đã có 08 ý kiến tham gia của các đại biểu phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ, như: Vấn đề ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp huyện, cấp xã theo quy định tại Điều 30 của Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015; việc xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tỷ lệ hòa giải thành tại các địa phương còn thấp; việc triển khai thực hiện Đề án cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử gặp khó khăn, hạn chế nhất là về kinh phí, hạ tầng công nghệ thông tin, việc trang cấp máy tính cho công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã chưa đảm bảo, vẫn còn sử dụng chung máy với các công chức khác; khó khăn trong việc luân chuyển, chuyển đổi và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại các địa phương theo Điều 72 Luật Hộ tịch,....

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Đào Chuẩn, Giám đốc Sở ghi nhận thành tích công tác tư pháp đạt được, đồng thời cũng phân tích những hạn chế, tồn tại trong công tác tư pháp trong 6 tháng đầu năm và để triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2019, đồng chí đề nghị các đơn vị nghiên cứu, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp 6 tháng cuối năm tại Quyết định số 188/QĐ-UBND ngày 23 tháng 01 năm 2019 của UBND tỉnh để tiếp tục triển khai, thực hiện, đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch công tác năm đề ra, nhất là việc xây dựng Đề án vị trí việc làm của các Phòng Tư pháp, tư pháp - hộ tịch cấp xã; đề nghị Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố triển khai các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ đến cấp xã để thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh; tiếp tục phối hợp với Sở Tư pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp tại địa bàn; đồng thời nhấn mạnh đối với những vướng mắc, kiến nghị thuộc thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Tư pháp, các phòng nghiệp vụ thuộc Sở giải đáp, trả lời theo quy định; các vướng mắc về nghiệp vụ chưa được giải đáp đề nghị Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện, các phòng, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở có văn bản xin ý kiến và đề xuất phương án giải quyết, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo xin ý kiến của UBND tỉnh, Bộ Tư pháp; sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh hoặc của Lãnh đạo Bộ và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đề nghị các phòng chuyên môn hướng dẫn để Phòng Tư pháp cấp huyện và các phòng, đơn vị thực hiện thống nhất./.

 

Thiên An
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.417.271
Lượt truy cập hiện tại 25.947