Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN I ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO CÁN BỘ, NHÂN DÂN VÙNG BIÊN GIỚI, HẢI ĐẢO”
Ngày cập nhật 04/06/2015

Ngày 02 tháng 6 năm 2015, Ban Chỉ đạo Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” tổ chức họp đánh giá kết quả công tác triển khai thực hiện giai đoạn I và đề ra phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn II. Cuộc họp do đồng chí Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh – Trưởng ban chỉ đạo Đề án chủ trì.

Trong giai đoạn I (2013-2015), Ban chỉ đạo Đề án của tỉnh đã chỉ đạo các hoạt động triển khai, như: Ban hành Kế hoạch thực hiện giai đoạn và hàng năm; thành lập Ban chỉ đạo, Tổ thư ký Đề án; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện đối với các địa phương, đơn vị; tổ chức Hội nghị triển khai gắn với tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn miền núi, vùng ven biển và cán bộ Đồn Biên phòng tuyến biển, tuyến núi. Ban chỉ đạo Đề án đã chọn 4 xã (gồm 02 xã có đường biên giới đất liền và 02 xã có đường biên giới biển) đại diện cho 33 xã biên giới, ven biển của tỉnh để làm điểm.

Trong khuôn khổ của Đề án, đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, đất liền và vùng biển. Các xã thành lập câu lạc bộ tư vấn pháp luật đặt tại trung tâm xã, sinh hoạt 02 buổi/tuần để tư vấn, giải đáp pháp luật cho bà con nhân dân. Xây dựng 45 ngăn sách, Tủ sách pháp luật của xã, phường biên giới và Tủ sách pháp luật lưu động của Đồn Biên phòng để phục vụ bà con ngư dân đi biển dài ngày. Thành lập hơn 60 tổ tuyên truyền pháp luật tại các xã biên giới, ven biển, Đồn biên phòng, thực hiện 441 đợt tuyên truyền cho hàng nghìn lượt người dân. Hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa bàn, như: Tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cố định, lưu động; tuyên truyền trực tiếp tại các thôn, trường học, cấp phát tờ gấp, chiếu phim lưu động, lồng ghép vào hoạt động văn hóa, văn nghệ, hái hoa dân chủ; tổ chức đối thoại trực tiếp, giải quyết vướng mắc về pháp luật cho nhân dân…. Trong đó, tuyên truyền bằng hình thức “Hái hoa dân chủ”, đối thoại trực tiếp phát huy hiệu quả tốt, thu hút sự chú ý quan tâm của bà con ngư dân, đồng bào dân tộc thiểu số.

Kết quả bước đầu của Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở vùng biên giới, tình hình chấp hành pháp luật biên giới tốt hơn; an ninh nông thôn ở khu vực biên giới, vùng biển ổn định; quần chúng nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bên cạnh kết quả đạt được, Ban chỉ đạo Đề án cũng nêu rõ một số tồn tại, hạn chế, đó là việc xây dựng kế hoạch thực hiện ở một số địa phương, đơn vị chưa sát với thực tế, thiếu sự phối kết hợp với các Đề án khác,… Trên cơ sở đánh giá toàn diện kết quả thực hiện, Ban chỉ đạo Đề án thống nhất tổ chức Hội nghị sơ kết giai đoạn I trong tháng 6/2015 để rút kinh nghiệm, đồng thời nhân rộng mô hình điểm, cách làm hiệu quả và các điển hình trong giai đoạn II (2015-2016).

Qua đánh giá chung tình hình và kết quả thực hiện, đồng chí Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh – Trưởng Ban chỉ đạo Đề án đã chỉ đạo, định hướng công tác thực hiện trong thời gian tới. Đồng chí nhấn mạnh, biên giới, hải đảo và cán bộ, nhân dân vùng biên giới, ven biển có những đặc thù riêng, vì vậy công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở khu vực này cũng phải có giải pháp thực hiện đặc thù, linh động, phù hợp để tiếp cận được với thực tế. Tùy đối tượng, công việc cụ thể để có hình thức tuyên truyền, thu hút mọi người hướng đến với pháp luật. Các thành viên Ban chỉ đạo với chức năng, nhiệm vụ của mình phải, phát huy sức mạnh tổng hợp, tích cực lồng ghép tuyên truyền pháp luật biên giới, biển đảo cho cán bộ, nhân dân để công tác này được thực hiện đồng bộ, thường xuyên. Đối với Hội nghị sơ kết giai đoạn I, đồng chí yêu cầu phải tổ chức thiết thực, tạo điều kiện để cán bộ, chiến sỹ, nhân dân, đặc biệt là các già làng, trưởng thôn, trưởng bản phát biểu, nêu lên thực trạng và tâm tư nguyện vọng của những người ở cơ sở. Qua đó có thêm căn cứ triển khai Đề án giai đoạn II sát với thực tế. Bằng tình cảm và tâm huyết của mình, đồng chí nhắc nhở: “Dù làm gì và trên cương vị nào thì “biên giới, biển đảo phải luôn ở trong tim mình”; xây dựng, giữ gìn biên giới và biển đảo của Tổ quốc được bình yên là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta”.

Nguyễn Thị Đào
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.459.164
Lượt truy cập hiện tại 15.700