Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Quy định việc xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Ngày cập nhật 15/09/2017

Ngày 25 tháng 05 năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 14/2017/TT-BLĐTBXH quy định việc xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 7 năm 2017.

Định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là định mức kinh tế - kỹ thuật) là lượng tiêu hao các yếu tố về lao động, vật tư và thiết bị để hoàn thành việc đào tạo cho 01 người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Định mức kinh tế - kỹ thuật bao gồm 03 định mức thành phần cơ bản: Định mức lao động, định mức thiết bị và định mức vật tư. Trong đó, định mức lao động là mức tiêu hao lao động sống cần thiết của người lao động theo chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành việc đào tạo cho 01 người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Định mức thiết bị là thời gian sử dụng thiết bị cần thiết đối với từng loại thiết bị để hoàn thành việc đào tạo cho 01 người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Định mức vật tư là mức tiêu hao từng loại nguyên, vật liệu cần thiết để hoàn thành việc đào tạo cho 01 người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Việc xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật làm căn cứ xác định chi phí trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao hiệu lực, tiết kiệm và hiệu quả; làm căn cứ để xây dựng và thực hiện kế hoạch, quản lý kinh tế, tài chính và quản lý chất lượng trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; thúc đẩy xã hội hóa lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tạo môi trường hoạt động bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập.

Định mức kinh tế - kỹ thuật được phân loại thành định mức kinh tế - kỹ thuật ngành, định mức kinh tế - kỹ thuật của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (định mức kinh tế - kỹ thuật địa phương), định mức kinh tế - kỹ thuật cơ sở. Định mức kinh tế - kỹ thuật ngành là định mức kinh tế - kỹ thuật do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức xây dựng, thẩm định, ban hành và được áp dụng trong phạm vi toàn quốc. Định mức kinh tế - kỹ thuật địa phương là định mức kinh tế - kỹ thuật do các địa phương tổ chức xây dựng, thẩm định và ban hành đối với các ngành, nghề theo danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo phân cấp, thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Định mức kinh tế - kỹ thuật địa phương chỉ có hiệu lực áp dụng trong phạm vi quản lý của địa phương. Các địa phương có thể xem xét áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật ngành và định mức kinh tế - kỹ thuật của các địa phương khác đã ban hành. Định mức kinh tế - kỹ thuật cơ sở là định mức kinh tế - kỹ thuật do các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp (cơ sở giáo dục nghề nghiệp) xây dựng, thẩm định, ban hành và chỉ áp dụng trong phạm vi cơ sở giáo dục nghề nghiệp đó. Định mức kinh tế - kỹ thuật cơ sở chỉ ban hành đối với các ngành, nghề có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp hoặc khi cần cụ thể hóa định mức kinh tế - kỹ thuật ngành, định mức kinh tế - kỹ thuật của địa phương cho phù hợp với điều kiện và đặc thù của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Định mức kinh tế - kỹ thuật được xây dựng trên cơ sở đảm bảo tính đúng, tính đủ để hoàn thành việc đào tạo cho người học đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định hiện hành. Đáp ứng yêu cầu chung về kết cấu của các loại định mức kinh tế - kỹ thuật, đảm bảo tính trung bình tiên tiến, ổn định, thống nhất và tính kế thừa của định mức kinh tế - kỹ thuật trước đó.

Căn cứ để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật là tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, khung trình độ quốc gia, quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp, chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo (tùy theo loại định mức kinh tế - kỹ thuật mà cơ quan tổ chức xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật có thể lựa chọn một hoặc một số các căn cứ trên); quy định pháp luật hiện hành về chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; điều kiện thực tế hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; số liệu thống kê hàng năm và các tài liệu có liên quan.

Phương pháp xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật gồm phương pháp thống kê tổng hợp, phương pháp tiêu chuẩn, phương pháp phân tích thực nghiệm. Các phương pháp này được vận dụng (vận dụng một hoặc đồng thời các phương pháp) để xây dựng các định mức thành phần: Định mức lao động, định mức thiết bị và định mức vật tư.

Nguyễn Thị Đào
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 21.351.481
Lượt truy cập hiện tại 24.306