Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tin mới - Tin đọc nhiều
Tin mới
Tin nổi bật
Tin mới
Ngày 06 tháng 12 năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn...
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 và Kế hoạch số 2500/KH-STP ngày 08/10/2024 của Sở Tư pháp, ngày 21/11/2024, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị...
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.327.866
Lượt truy cập hiện tại 5.890
Nguyên tắc áp dụng tập quán về hôn nhân gia đình và những vướng mắc khi thực hiện
Ngày cập nhật 23/10/2024

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền sẽ có những bản sắc, phong tục tập quán khác nhau, trong đó đa dạng nhất là các tập quán về hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, không phải phong tục tập quán nào cũng phù hợp mà sẽ bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật. Vậy nguyên tắc áp dụng tập quán hôn nhân gia đình như thế nào, hãy cùng tác giả tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

 

Tập quán về hôn nhân gia đình

Khoản 4 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình quy định tập quán về hôn nhân và gia đình là các quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng.

Các tập quán tốt đẹp sẽ được pháp luật tôn trọng, làm rõ điều kiện để tập quán được áp dụng, nhấn mạnh việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình. Từ đó bảo đảm được tính nghiêm minh của pháp luật.

Điều kiện, nguyên tắc áp dụng tập quán hôn nhân gia đình

Việc áp dụng tập quán để giải quyết các tranh chấp về hôn nhân và gia đình quy định tại khoản 1 Điều 45 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Theo đó, khi yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền viện dẫn tập quán để yêu cầu Tòa án xem xét áp dụng. Trường hợp các đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự.

Khoản 1 Điều 5 của Bộ Luật Dân sự quy định: Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự. Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.

Theo Điều 2 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về nguyên tắc áp dụng tập quán: Tập quán được áp dụng phải là quy tắc xử sự phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 3 của Luật Hôn nhân và Gia đình. Việc áp dụng tập quán phải tuân theo các điều kiện được quy định tại Điều 7 của Luật Hôn nhân và Gia đình. Tôn trọng sự thỏa thuận của các bên về tập quán được áp dụng.

Việc áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình được quy định tại Điều 7 Luật hôn nhân và gia đình như sau:  Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 và không vi phạm điều cấm của Luật Hôn nhân và gia đình được áp dụng. 

Như vậy, có thể hiểu nếu pháp luật không có quy định, các bên không có thoả thuận thì tập quán về hôn nhân và gia đình có thể được áp dụng nhưng không được trái điều cấm của pháp luật và phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình.

Bên cạnh đó, nguyên tắc áp dụng tập quán theo Điều 7 Luật hôn nhân và gia đình còn được hướng dẫn bởi Điều 2 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình như sau:

Thứ nhất, tập quán áp dụng phải là quy tắc xử sự phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật hôn nhân gia đình.

Theo đó, tập quán được áp dụng phải bao gồm các quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng.

Thứ hai, việc áp dụng tập quán phải tuân theo các điều kiện được quy định tại Điều 7 Luật hôn nhân gia đình. Điều 7 Luật hôn nhân và gia đình quy định việc áp dụng tập quán đáp ứng đủ ba điều kiện sau đây thì mới được áp dụng: Pháp luật không đưa ra quy định điều chỉnh; không có sự thoả thuận giữa các bên, tức là không có thoả thuận về vụ việc cần được giải quyết; không trái với các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân gia đình và các điều cấm của pháp luật.

Thứ ba, tôn trọng sự thoả thuận của các bên về tập quán được áp dụng

Pháp luật tôn trọng sự thoả thuận các bên về việc áp dụng tập quán hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên thoả thuận đó không được trái pháp luật và đạo đức xã hội. Trường hợp các bên có thoả thuận về tập quán thì được áp dụng để giải quyết theo thoả thuận đó. Nếu các bên không có thoả thuận thì giải quyết theo quy định tại Điều 4 Nghị định 126/2014/NĐ-CP. Cụ thể:“1. Trường hợp giải quyết vụ, việc hôn nhân và gia đình có áp dụng tập quán thì thực hiện việc hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, khuyến khích sự tham gia hòa giải của người có uy tín trong cộng đồng, chức sắc tôn giáo.

2. Trường hợp hòa giải không thành hoặc vụ, việc hôn nhân và gia đình có áp dụng tập quán không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở thì Tòa án giải quyết vụ, việc đó theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.”

Các tập quán lạc hậu về hôn nhân gia đình cần vận động xoá bỏ và cấm áp dụng

Để điều chỉnh quan hệ về hôn nhân và gia đình được hài hoà thì cần bổ trợ các phong tục tập quán và quy định pháp luật với nhau. Thực tế cho thấy, nhiều phong tục tập quán đã phát huy những giá trị tốt đẹp của mình trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, ngược lại tồn tại các phong tục tập quán xâm hại trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Do đó, cần thiết phải tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện xóa bỏ hoặc cấm áp dụng Danh mục hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, Tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình là tập quán trái với những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 2 của Luật Hôn nhân và gia đình hoặc vi phạm điều cấm quy định tại Khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình.

Trách nhiệm về xây dựng danh mục tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP, trong thời hạn ba năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt danh mục các tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng tại địa phương. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt danh mục các tập quán về hôn nhân và gia đình.

Qua thực tiễn áp dụng tập quán để giải quyết tranh chấp về hôn nhân gia đình theo yêu cầu của đương sự, nhận thấy có những bất cập như sau:

Thứ nhất, pháp luật chưa có quy định danh mục tập quán về hôn nhân và gia đình để Tòa án áp dụng. Theo phụ lục Danh mục tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ hoặc cấm áp dụng, ban hành kèm theo Nghị định số 126/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31/12/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình thì tập quán được chia thành hai loại: các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ và các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cấm áp dụng. Tuy nhiên, đây chỉ là một số ít các tập quán được quy định tại Nghị định số 126/2014/NĐ-CP, trong khi đó thực tế tập quán tại địa phương còn rất nhiều mà chưa được pháp luật điều chỉnh.

Thứ hai, về thỏa thuận áp dụng tập quán của các đương sự, theo quy định tại Điều 7 Luật Hôn nhân và Gia đình: “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 và không vi phạm điều cấm của Luật này được áp dụng; Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này”. Hướng dẫn thi hành khoản 2 Điều 7 Luật Hôn nhân và Gia đình, tại Điều 3 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định về thỏa thuận về áp dụng tập quán như sau: “Quy định các bên không có thỏa thuận tại Khoản 1 Điều 7 của Luật Hôn nhân và Gia đình được hiểu là các bên không có thỏa thuận về áp dụng tập quán và cũng không có thỏa thuận khác về vụ, việc cần được giải quyết. Trường hợp các bên có thỏa thuận về tập quán được áp dụng thì giải quyết theo thỏa thuận đó; nếu các bên không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này”. Theo quy định trên, khi Tòa án giải quyết các vụ tranh chấp về hôn nhân và gia đình, đương sự có quyền thỏa thuận việc áp dụng tập quán. Tuy nhiên, nếu việc thỏa thuận về tập quán giữa các bên không thành thì áp dụng tập quán nào?

Thứ ba, trách nhiệm về xây dựng danh mục tập quán được áp dụng tại các địa phương. Theo Điều 6 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP, trong thời hạn ba năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt danh mục các tập quán về hôn nhân và gia đình được áp dụng tại địa phương. Căn cứ vào thực tiễn áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp sửa đổi, bổ sung danh mục tập quán đã ban hành. Tuy Nghị định số 126/2014/NĐ-CP đã quy định như trên, song cho đến nay, việc xây dựng Danh mục tập quán để Tòa án giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Bộ Luật Tố tụng dân sự, hầu hết các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vẫn chưa trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt được danh mục các tập quán về hôn nhân và gia đình.

Thực tiễn này buộc Tòa án phải áp dụng khoản 2 Điều 45 Bộ Luật Tố tụng dân sự để giải quyết các tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Theo đó, Tòa án áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng theo quy định tại Điều 5 của Bộ luật Dân sự. Khi áp dụng tương tự pháp luật, Tòa án phải xác định rõ tính chất pháp lý của vụ việc dân sự, xác định rõ ràng trong hệ thống pháp luật hiện hành không có quy phạm pháp luật nào điều chỉnh quan hệ đó và xác định quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.

Từ những bất cập trên đề xuất, kiến nghị như sau: 

Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng khoản 1 Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng như sau: Khi giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình, Tòa án có quyền viện dẫn tập quán về hôn nhân và gia đình kết hợp với việc áp dụng quy định của pháp luật liên quan nhằm giải quyết các tranh chấp về hôn nhân và gia đình.

Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp cần ban hành Thông tư liên tịch quy định danh mục tập quán trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình để Tòa án áp dụng giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày