Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tin mới - Tin đọc nhiều
Tin mới
Tin nổi bật
Tin mới
Ngày 06 tháng 12 năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn...
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 và Kế hoạch số 2500/KH-STP ngày 08/10/2024 của Sở Tư pháp, ngày 21/11/2024, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị...
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.336.346
Lượt truy cập hiện tại 12.150
Quy định về lập biên bản làm việc, xác định giá trị tang vật, phương tiện, xác minh trước khi lập biên bản vi phạm hành chính và vấn đề trao đổi
Ngày cập nhật 04/04/2024

Theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính) thì mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật[1]. Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản[2]. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp chưa thể khẳng định được có phải là vi phạm hành chính ngay khi phát hiện, cần làm rõ các nội dung, tình tiết liên quan. Bài viết trao đổi về các quy định pháp luật trong trường hợp phải lập biên bản làm việc, kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, kết quả xác minh.

 


[1] Điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính

[2] Khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính

 

1. Biên bản làm việc

Khoản 1 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định 02 trường hợp lập biên bản làm việc là:

- Đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc không thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình, thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền.

- Trường hợp vụ việc phải giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm tang vật, phương tiện và các trường hợp cần thiết khác, thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thể lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc.

Biên bản làm việc là một trong những căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính.

Nghị định quy định sau khi lập biên bản làm việc thì phải “chuyển ngay” biên bản đến người có thẩm quyền. Tuy nhiên, thời hạn của “chuyển ngay” thì chưa được hướng dẫn. Theo quan điểm tác giả, cần căn cứ vào quy định về thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính để xác định “chuyển ngay” trong thời gian phù hợp, bảo đảm cho người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đúng thời hạn.  

2. Xác định giá trị tang vật, phương tiện

Điểm c khoản 2 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nhận được kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, xét nghiệm và xác minh tình tiết liên quan”. Theo quy định này, kết quả xác định giá trị tang vật, phương tiện trong trường hợp này là một trong những căn cứ để lập biên bản vi phạm hành chính.

 Cần phân biệt việc xác định giá trị tang vật, phương tiện quy định tại Nghị định số 118/2021/NĐ-CP với quy định xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt được quy định tại Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, trong trường hợp cần xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt, người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện và phải chịu trách nhiệm về việc xác định đó. Như vậy, việc xác định giá trị tang vật, phương tiện tại Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính được thực hiện khi đã khẳng định có hành vi vi phạm hành chính, mục đích xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là để xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt. Do đó, thẩm quyền thực hiện trong trường hợp này là người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc. Việc xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt trong trường hợp phải thành lập Hội đồng định giá thì được lập biên bản theo mẫu MBB04 được ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP. Căn cứ để xác định giá trị và các tài liệu liên quan đến việc xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải thể hiện trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.

Đối với việc xác định giá trị tang vật, phương tiện quy định tại điểm c khoản 2 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP chưa được hướng dẫn cụ thể.

3. Xác minh tình tiết vi phạm

Điểm c khoản 2 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải ... xác minh tình tiết liên quan, thì biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ... được kết quả ... xác minh tình tiết liên quan”. Căn cứ quy định này, có trường hợp cần dựa vào kết quả xác minh tình tiết liên quan để xác định vi phạm hành chính là lập biên bản vi phạm hành chính.

Việc xác minh tình tiết liên quan theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP được phân biệt với Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính, cụ thể: Khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết sau đây: a) Có hay không có vi phạm hành chính; b) Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm hành chính; c) Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; d) Tính chất, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra; đ) Trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật này; e) Tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt. Trong quá trình xem xét, ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định. Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính phải được thể hiện bằng biên bản theo mẫu số MBB05 được ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.

Đối với trường hợp xác minh tình tiết vi phạm tại điểm c khoản 2 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP thì chưa được hướng dẫn cụ thể, như: thẩm quyền thực hiện, thủ tục thực hiện, thời hạn nhận được kết quả xác minh là như thế nào,...

 Từ các vấn đề đã phân tích ở trên cho thấy, những vấn đề phát sinh cần thực hiện của giai đoạn trước khi lập biên bản vi phạm hành chính còn là “khoảng trống”, tạo nên sự lúng túng cho người áp dụng pháp luật. Do đó, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền rà soát, hướng dẫn đối với những nội dung trên./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày