Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tin mới - Tin đọc nhiều
Tin mới
Tin nổi bật
Tin mới
Ngày 06 tháng 12 năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn...
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 và Kế hoạch số 2500/KH-STP ngày 08/10/2024 của Sở Tư pháp, ngày 21/11/2024, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị...
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.350.183
Lượt truy cập hiện tại 23.348
Hình thức xử phạt vi phạm hành chính trục xuất
Ngày cập nhật 28/12/2023

1. Quy định chung

Trục xuất là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Hình thức có thể được quy định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính[1]. Trục xuất là hình thức xử phạt buộc người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính tại Việt Nam phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam[2].

 Đối tượng áp dụng hình thức xử phạt trục xuất là cá nhân là người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì tùy theo mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức bị xử phạt trục xuất[3].

Thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất: Giám đốc Công an cấp tỉnh và Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh[4].

Việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất phải bảo đảm đúng nguyên tắc, đúng đối tượng, đúng thủ tục, thẩm quyền và thời hạn quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, các quy định tại Nghị định Nghị định số 142/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Việc Việc tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính, áp dụng hình thức xử phạt trục xuất được thực hiện theo quy định tại Điều 122, Điều 124 Luật Xử lý vi phạm hành chính[5].

Người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất có quyền được biết lý do bị trục xuất, nhận quyết định trục xuất chậm nhất 48 giờ trước khi thi hành; được yêu cầu có người phiên dịch khi làm việc với cơ quan, người có thẩm quyền; được thực hiện các chế độ quy định tại Nghị định số 65/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2020 quy định về tổ chức và các chế độ đối với người lưu trú tại cơ sở lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh; được mang theo tài sản hợp pháp của mình ra khỏi lãnh thổ Việt Nam; được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị trục xuất có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các quy định ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; xuất trình giấy tờ tùy thân theo yêu cầu của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh; tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, chịu sự quản lý của cơ quan Công an trong thời gian làm thủ tục trục xuất; nhanh chóng chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật (nếu có); hoàn thành các thủ tục cần thiết để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam[6].

2. Hồ sơ, thủ tục

- Trong thời hạn 02 ngày làm việc, cơ quan phát hiện vi phạm xét thấy người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đủ điều kiện áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, phải gửi tài liệu, tang vật, phương tiện bị tạm giữ (nếu có) liên quan đến vụ vi phạm đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi người nước ngoài đăng ký thường trú, tạm trú hoặc nơi xảy ra hành vi vi phạm để lập hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Đối với trường hợp vi phạm do cơ quan ở trung ương, đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an phát hiện thì hồ sơ vi phạm được gửi đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh để lập hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ vi phạm, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh, phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Hồ sơ gồm có: Tóm tắt lý lịch và hành vi vi phạm pháp luật của người bị đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; Biên bản vi phạm hành chính của người bị đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; tài liệu, chứng cứ về vi phạm hành chính; tài liệu về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính đã bị áp dụng (đối với trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm); văn bản đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.

 Việc lập hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính trong trường hợp là hình thức xử phạt bổ sung cũng được thực hiện theo quy định trên[7].

- Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh hoặc phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh phải tiến hành xem xét, ra quyết định xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính. Nếu không đủ điều kiện áp dụng hình thức xử phạt trục xuất thì phải thông báo ngay cho cơ quan phát hiện vi phạm biết. Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất phải ghi rõ những nội dung sau: Địa danh, ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ pháp lý để ban hành Quyết định; Biên bản vi phạm hành chính, kết quả xác minh, văn bản giải trình của người bị đề nghị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; Họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, số hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu của người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; hnh vi vi phạm hành chính của người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ; điều khoản của văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng; hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, các biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có); quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định; hiệu lực của Quyết định; thời hạn thi hành quyết định; nơi bị trục xuất đến; nơi thi hành quyết định; nơi ở bắt buộc của người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất; họ tên, chữ ký của người ra quyết định; cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định.

Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất phải được gửi cho người bị trục xuất và Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện ngoại giao của nước mà người bị trục xuất là công dân hoặc nước mà người đó cư trú cuối cùng trước khi đến Việt Nam trước khi thi hành. Quyết định trục xuất phải được thể hiện bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính trong trường hợp được quy định là hình thức xử phạt bổ sung  được thực hiện như trên[8].

- Cơ quan Công an, người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; đồng thời, có trách nhiệm chuyển toàn bộ hồ sơ, giấy tờ có liên quan, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (nếu có) cho cơ quan tiếp nhận quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất để thi hành quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đối với trường hợp người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất cố tình không nhận quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận quyết định, gửi cho Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện ngoại giao của nước mà người bị trục xuất là công dân hoặc nước mà người đó cư trú cuối cùng trước khi đến Việt Nam. Cá nhân là người nước ngoài bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt. 

Việc thi hành Quyết định áp dụng áp dụng hình thức xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính trong trường hợp được quy định là hình thức xử phạt bổ sung theo quy định trên[9].

- Việc hoãn thi hành Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất được thực hiện trong các trường hợp sau đây: (1) Bị bệnh nặng, phải cấp cứu hoặc vì lý do sức khỏe khác không thể thực hiện được Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất có chứng nhận của bệnh viện hoặc cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện trở lên; (2) Phải thực hiện nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật. Khi điều kiện hoãn không còn thì quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất được tiếp tục thi hành[10].

- Hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, bao gồm: Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; Biên bản vi phạm hành chính; Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp trục xuất; bản sao hộ chiếu hoặc bản sao giấy tờ tùy thân khác thay hộ chiếu của người bị trục xuất; giấy tờ chứng nhận đã chấp hành xong các nghĩa vụ khác (nếu có); các tài liệu khác có liên quan.

Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh hoặc phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an có trách nhiệm lập hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất. Hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính trong trường hợp quy định là hình thức xử phạt bổ sung theo được thực hiện như trên. Hồ sơ áp dụng biện pháp trục xuất phải được đánh bút lục và lưu trữ tại cơ quan có thẩm quyền[11]./.

 

 

 

Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp trục xuất

Cơ quan Công an có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định trục xuất, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính[12]. Đối với hình thức xử phạt trục xuất, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính là quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất[13].

- Quản lý đối với người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất[14] được áp dụng khi có căn cứ cho rằng nếu không áp dụng biện pháp này thì người đó sẽ trốn tránh hoặc cản trở việc thi hành quyết định xử phạt trục xuất hoặc để ngăn chặn người đó tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Trưởng phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh (nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất) đề xuất với Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định áp dụng các biện pháp quản lý đối với người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất. Các biện pháp quản lý như sau: Hạn chế việc đi lại của người bị quản lý; chỉ định chỗ ở của người bị quản lý; tạm giữ hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác thay hộ chiếu.

 Việc áp dụng biện pháp quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam phải được ghi rõ trong Quyết định áp dụng biện pháp quản lý đối với người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất, bao gồm những nội dung sau: Địa danh, ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, số hộ chiếu/giấy tờ thay thế hộ chiếu của người bị áp dụng biện pháp quản lý; biện pháp quản lý (ghi rõ biện pháp quản lý cụ thể); hiệu lực của Quyết định áp dụng biện pháp quản lý; thời hạn áp dụng quyết định quản lý; phạm vi, địa điểm áp dụng việc hạn chế đi lại (đối với biện pháp hạn chế việc đi lại của người bị quản lý); nơi ở bắt buộc của người bị áp dụng biện pháp quản lý (đối với biện pháp chỉ định chỗ ở của người bị quản lý); lý do tạm giữ hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác thay hộ chiếu (đối với biện pháp tạm giữ hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác thay hộ chiếu); họ, tên, chữ ký của người ra quyết định; cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định.

 Việc chỉ định chỗ ở của người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất được thực hiện như sau: Lưu trú tại cơ sở lưu trú do Bộ Công an quản lý; tại cơ sở lưu trú khác do Bộ Công an chỉ định. Việc áp dụng biện pháp lưu trú đối với người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất tại cơ sở lưu trú do Bộ Công an quản lý, chỉ định được thực hiện trong các trường hợp sau: (1) Người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất không có hộ chiếu hoặc các giấy tờ thay thế hộ chiếu, chưa có đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện việc trục xuất (vé máy bay, thị thực, hộ chiếu, các giấy tờ thay thế hộ chiếu...); (2) Không có nơi cư trú hoặc hết thời hạn cư trú; (3) Vi phạm quy định trong thời gian làm thủ tục trục xuất hoặc không chấp hành các biện pháp quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền; (4) Có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ cho rằng người đó có thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian chờ xuất cảnh; (5) Có hành vi bỏ trốn, chuẩn bị bỏ trốn hoặc hành vi khác gây khó khăn cho việc thi hành quyết định trục xuất; (6) Mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm phải tổ chức cách ly y tế; (7) Người mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi; (8) Tự nguyện xin vào cơ sở lưu trú. Không được sử dụng nhà tạm giữ người theo thủ tục hành chính, nhà tạm giữ hình sự, trại tạm giam, trại giam để quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.

- Các chế độ lưu trú đối với người nước ngoài bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất trong thời gian làm thủ tục trục xuất được thực hiện theo quy định[15]. Trong trường hợp người bị trục xuất không có khả năng chi trả thì Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc Công an cấp tỉnh (nơi lập hồ sơ quản lý đối tượng) yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó là công dân hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân mời người nước ngoài vào Việt Nam hoặc xin gia hạn thị thực cho người nước ngoài chi trả. Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức nêu trên không có điều kiện, khả năng chi trả thì Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ quản lý đối tượng chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước[16]./.

 


[1] Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính)

[2] Khoản 1 Điều 27 Luật Xử lý vi phạm hành chính

[3] Điều 5 Nghị định số 142/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.

[4] Điểm đ khoản 5, khoản 7 Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 6 Nghị định số 142/2021/NĐ-CP

[5] Điều 3 Nghị định số 142/2021/NĐ-CP

[6] Điều 7 Nghị định số 142/2021/NĐ-CP

[7] Điều 8 Nghị định số 142/2021/NĐ-CP

[8] Điều 9 Nghị định số 142/2021/NĐ-CP

[9] Điều 10 Nghị định số 142/2021/NĐ-CP

[10] Điều 11 Nghị định số 142/2021/NĐ-CP

[11] Điều 12 Nghị định số 142/2021/NĐ-CP

[12] Khoản 2 Điều 84 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính)

[13] Khoản 7 Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính

[14] Điều 130 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 13 Nghị định số 142/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.

[15] Chương II Nghị định số 65/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2020 quy định về tổ chức quản lý và các chế độ đối với người lưu trú tại cơ sở lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh.

[16] Điều 14 Nghị định số 142/2021/NĐ-CP

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày