Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tin mới - Tin đọc nhiều
Tin mới
Tin nổi bật
Tin mới
Ngày 06 tháng 12 năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn...
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 và Kế hoạch số 2500/KH-STP ngày 08/10/2024 của Sở Tư pháp, ngày 21/11/2024, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị...
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.349.819
Lượt truy cập hiện tại 23.066
Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định XPVPHC do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản
Ngày cập nhật 26/12/2023

Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thứ ba trong số 4 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

1. Điều kiện áp dụng biện pháp cưỡng chế thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản[1]

Việc cưỡng chế thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác (sau đây gọi chung là bên thứ ba) đang giữ được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế không áp dụng được hoặc đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế: Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá, nhưng vẫn chưa thu đủ số tiền phạt, chưa thanh toán hoặc thanh toán chưa đủ chi phí cưỡng chế.

- Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có căn cứ xác định bên thứ ba đang giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế.

2. Xác minh thông tin về tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ[2]

Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm xác minh thông tin về tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế; điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế thu tiền, tài sản do bên thứ ba đang giữ và chứng minh được hành vi cố tình tẩu tán tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế sau khi vi phạm.

Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin về tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế và hành vi tẩu tán của đối tượng bị cưỡng chế khi có yêu cầu của cơ quan ra quyết định cưỡng chế.

3. Trách nhiệm của bên thứ ba đang giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế[3]

Bên thứ ba đang giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thông tin về số tiền, tài sản đang giữ của đối tượng cưỡng chế khi có yêu cầu. Khi nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế, không được chuyển trả tiền, tài sản cho đối tượng bị cưỡng chế cho đến khi thực hiện nộp tiền vào ngân sách nhà nước hoặc chuyển giao tài sản cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế để làm thủ tục bán đấu giá.

Trường hợp bên thứ ba không thực hiện được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế hoặc tẩu tán tiền, tài sản đang giữ của đối tượng bị cưỡng chế thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Quyết định cưỡng chế thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản[4]

Quyết định cưỡng chế thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản bao gồm những nội dung sau: Số quyết định; ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ, đơn vị người ra quyết định; họ tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế; họ tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức đang giữ tiền, tài sản; số tiền, tài sản bị thu; chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan ra quyết định.

5. Tổ chức thi hành cưỡng chế thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản[5]

Trước khi tiến hành cưỡng chế, nếu bên thứ ba đang giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế tự nguyện thi hành quyết định cưỡng chế thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành. Khi cưỡng chế để thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản phải có đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến.

Việc cưỡng chế phải được lập thành biên bản. Trong biên bản ghi rõ: Thời gian, địa điểm tổ chức cưỡng chế; cơ quan chủ trì tiến hành cưỡng chế; họ tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế; họ tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức đang giữ tiền, tài sản; đại diện chính quyền địa phương nơi tiến hành cưỡng chế, người chứng kiến; số tiền, tài sản và tình trạng tài sản bị thu. Cá nhân hoặc đại diện tổ chức bị cưỡng chế; cá nhân, đại diện tổ chức đang giữ tiền, tài sản; đại diện cơ quan ra quyết định cưỡng chế, đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến ký vào biên bản. Biên bản có nhiều tờ thì phải ký vào từng tờ biên bản. Trong trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì việc đó phải ghi vào biên bản và nêu rõ lý do. Trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, cá nhân, đại diện tổ chức đang giữ tiền, tài sản cố tình vắng mặt thì vẫn tiến hành cưỡng chế nhưng phải có đại diện của chính quyền địa phương và người chứng kiến.

6. Vấn đề trao đổi

Tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải là tiền, tài sản đang do cá nhân, tổ chức khác nắm giữ nhằm mục đích cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản. Nói cách khác, tiền, tài sản mà cá nhân, tổ chức khác nắm giữ phải sau khi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính chuyển giao với mục đích tẩu tán tài sản.

Tuy nhiên, tại Điều 28 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP về điều kiện áp dụng biện pháp này lại không đề cập đến điều kiện là tiền, tài sản mà cá nhân, tổ chức khác đang giữ là có được trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.

Để phù hợp với điều kiện áp dụng biện pháp cưỡng chế thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản, kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, hoàn thiện Điều 28 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP theo hướng bổ sung thêm điều kiện “nhằm tẩu tán tài sản” để bảo đảm nội hàm của biện pháp cưỡng chế này./.

 


[1] Điều 28 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

[2] Điều 29 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP

[3] Điều 30 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP

[4] Điều 31 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP

[5] Điều 32 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày