Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tin mới - Tin đọc nhiều
Tin mới
Tin nổi bật
Tin mới
Ngày 06 tháng 12 năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn...
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 và Kế hoạch số 2500/KH-STP ngày 08/10/2024 của Sở Tư pháp, ngày 21/11/2024, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị...
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.397.788
Lượt truy cập hiện tại 12.064
ĐỐI TƯỢNG BỊ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Ngày cập nhật 31/03/2023

1. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính

Khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (sau đây viết tắt là Luật Xử lý vi phạm hành chính) quy định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

(1) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác; trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý;

(2) Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra;

(3) Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Điều 20 Luật Xử lý vi phạm hành chính về áp dụng Luật xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: Công dân, tổ chức Việt Nam vi phạm pháp luật hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngoài lãnh thổ Việt Nam có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật này.

2. Quy định về tổ chức

Khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 3 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP  ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là tổ chức như sau:

- Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau đây:

(1) Là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật;

(2) Hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và hành vi đó được quy định tại nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.

- Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.

- Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của pháp nhân, tổ chức hoặc theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức, thì đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là pháp nhân, tổ chức đó và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức đó thực hiện.

Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi hoặc thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức, thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thực hiện.

- Hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư vi phạm hành chính bị áp dụng mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm hành chính. Người đại diện của hộ kinh doanh, chủ hộ của hộ gia đình, người đứng đầu của cộng đồng dân cư chịu trách nhiệm thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư.

- Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.

Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước, thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.

3. Kết luận

Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, gồm:

- Cá nhân từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

Trong đó, công dân Việt Nam vi phạm pháp luật hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính.

- Tổ chức là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật, bao gồm: Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

Trong đó, tổ chức Việt Nam vi phạm pháp luật hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính.

- Đối tượng khác: Hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư vi phạm hành chính bị áp dụng mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm hành chính.

- Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam,…

4. Vấn đề trao đổi

Khoản 5 Điều 3 Nghị định 118/2021/NĐ-C quy định hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư vi phạm hành chính bị áp dụng mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm hành chính. Người đại diện của hộ kinh doanh, chủ hộ của hộ gia đình, người đứng đầu của cộng đồng dân cư chịu trách nhiệm thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư.

- Khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ”.

 - Hộ gia đình được đề cập tại Luật Cư trú năm 2020, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 2013. Khoản 1 Điều 10 Luật Cư trú năm 2020 quy định: “Những người cùng ở tại một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột thì có thể đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú theo hộ gia đình”. Điều 101 – Điều 104 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hộ gia đình trong tham gia quan hệ dân sự. Khoản 29, 30 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “29. Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”, “30. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó”.

- Cộng đồng dân cư được quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Đất đai năm 2013: “Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ”.

Đối chiếu với Bộ luật Dân sự, một đối tượng có tính chất tương đương với các đối tượng trên chưa được quy định trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính là Tổ hợp tác. Tổ hợp tác cũng được quy định từ Điều 101 – Điều 104 Bộ luật Dân sự năm 2015 và tại Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2019 của Chính phủ về tổ hợp tác. Theo đó, Tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác, gồm từ 02 cá nhân, pháp nhân trở lên tự nguyện thành lập, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.

Vấn đề đặt ra, nếu tổ hợp tác có hành vi vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính thì áp dụng quy định như thế nào? Nghị định số 118/2021/NĐ-CP đã quy định chi tiết các trường hợp là hộ gia đình, hộ kinh doanh, cộng đồng dân cư  nhưng không đề cập đến tổ hợp tác (thay vì quy định mang tính chất chung) nên sẽ rất khó áp dụng trong thực tiễn. Chính vì vậy, kiến nghị cần có hướng dẫn thêm về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là tổ hợp tác trong các văn bản quy phạm pháp luật.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày