Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tin mới - Tin đọc nhiều
Tin mới
Tin nổi bật
Tin mới
Ngày 06 tháng 12 năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn...
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 và Kế hoạch số 2500/KH-STP ngày 08/10/2024 của Sở Tư pháp, ngày 21/11/2024, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị...
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.397.479
Lượt truy cập hiện tại 11.840
Một số trao đổi về xác định độ tuổi trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay nghĩa vụ của người chưa thành niên và trong xử phạt vi phạm hành chính
Ngày cập nhật 31/03/2023

1. Xác định độ tuổi

Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định Cá nhân từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính”. Mặc dù không có văn bản nào giải thích thế nào là “từ”, thế nào là “từ đủ” nhưng mặc nhiên các quy định có nội dung tương tự[1] đều được hiểu rằng: “từ đủ” tuổi được hiểu là đủ ngày đủ tháng đủ năm.

Khoản 1 Điều 25 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định: Khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên, trường hợp không xác định được chính xác tuổi để áp dụng hình thức xử phạt, thì người có thẩm quyền xử phạt lựa chọn áp dụng hình thức xử phạt có lợi nhất cho người vi phạm.

Việc xác định tuổi như thế nào? Trước đây, Điều 13 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022) quy định xác định tuổi của đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, cụ thể: Người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính xác định tuổi của đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính căn cứ theo giấy khai sinh của đối tượng. Trường hợp không có giấy khai sinh hoặc không thể xác định chính xác ngày, tháng, năm sinh trong giấy khai sinh, thì căn cứ vào chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ hộ khẩu hoặc các giấy tờ khác được cơ quan có thẩm quyền cấp có ghi rõ ngày, tháng, năm sinh.

Trường hợp không có các giấy tờ trên để xác định độ tuổi xử lý vi phạm hành chính thì căn cứ vào sổ hộ tịch hoặc các giấy tờ, sổ sách, tài liệu khác của cơ quan nhà nước có liên quan để xác định độ tuổi của đối tượng.

Trường hợp thông tin ngày, tháng, năm sinh ghi trong các giấy tờ trên không thống nhất, thì xác định theo ngày, tháng, năm sinh trong giấy tờ theo hướng có lợi nhất cho đối tượng.

Trường hợp giấy tờ nêu trên không ghi rõ ngày, tháng, năm sinh, thì việc xác định ngày, tháng, năm sinh được tính như sau: a) Nếu xác định được tháng cụ thể, nhưng không xác định được ngày nào trong tháng, thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh; b) Nếu xác định được quý cụ thể của năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong quý, thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày sinh; c) Nếu xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm, nhưng không xác định được ngày, tháng nào trong nửa đầu năm hoặc nửa cuối năm, thì lấy ngày 30 tháng 6 hoặc ngày 31 tháng 12 của năm đó làm ngày sinh; d) Nếu xác định được năm cụ thể nhưng không xác định được ngày, tháng, thì lấy ngày 31 tháng 12 của năm đó làm ngày sinh.

Việc xác định độ tuổi phải được thể hiện bằng văn bản.

Mặc dù Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định xác định tuổi của đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng có thể nghiên cứu để áp dụng tương tự đối với trường hợp xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP (văn bản hiện hành đang có hiệu lực) thì không quy định về vấn đề này.

Để xem xét căn cứ xác định độ tuổi, theo Điều 6 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định: “Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân; Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó; Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh”.

 2. Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay nghĩa vụ

- Khoản 3 Điều 134 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính mà không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay.

Như vậy, nếu cha mẹ hoặc người giám hộ thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thay cho người chưa thành niên thì quyết định xử phạt vi phạm hành chính xem như được thi hành. Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thay thì sẽ như thế nào?

Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong các trường hợp: a) Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định; b) Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo quy định trên, biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với “Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính”, đối với cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên là những người không vi phạm hành chính thì không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Do đó, cần xem xét thêm tính khả thi trong trường hợp yêu cầu cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay cho người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính.

- Trường hợp người chưa thành niên bị áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi được sử dụng để vi phạm hành chính (điểm c khoản 1 Điều 135 Luật Xử lý vi phạm hành chính). Đây là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức (Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Theo quy định tại Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 23 Nghị định 118/2021/NĐ-CP thì đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp; cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước. Trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp có lỗi cố ý trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì tang vật, phương tiện đó bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu nhưng đã đăng ký biện pháp bảo đảm thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật dân sự thì bên nhận thế chấp được nhận lại tang vật, phương tiện hoặc trị giá tương ứng với nghĩa vụ được bảo đảm; cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước.

Vấn đề đặt ra, nếu người chưa thành viên chiếm đoạt, sử dụng trái phép tang vật, phương tiện để vi phạm hành chính thì thì tang vật, phương tiện này phải trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp hoặc cho bên nhận thế chấp (nếu đã đăng ký biện pháp bảo đảm thế chấp tài sản), đồng thời người vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước. Nhưng người chưa thành niên thông thường không có tài sản nên không thể thực hiện nghĩa vụ trên. Vậy có đặt ra trách nhiệm của bố mẹ hoặc người giám hộ không? Pháp luật không quy định trách nhiệm của bố mẹ hoặc người giám hộ trong trường hợp này.

3. Kiến nghị

Từ những phân tích về xác định độ tuổi và thực hiện thay nghĩa vụ như trên, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền:

- Hướng dẫn cách xác định độ tuổi đối với người chưa thành niên để xác định chủ thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

- Quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị xử phạt vi phạm hành chính là người chưa thành niên không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định.

- Quy định trách nhiệm của cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị xử phạt vi phạm hành chính là người chưa thành niên trong trường hợp phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước.

 


[1] Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015 “1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên”; Điều 107 Bộ luật Hình sự năm 2015 về xóa án tích: “1. Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi; b) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý”.

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày