Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tin mới - Tin đọc nhiều
Tin mới
Tin nổi bật
Tin mới
Ngày 06 tháng 12 năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn...
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 và Kế hoạch số 2500/KH-STP ngày 08/10/2024 của Sở Tư pháp, ngày 21/11/2024, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị...
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.481.252
Lượt truy cập hiện tại 30.641
Công chứng viên có trách nhiệm thực hiện tư vấn pháp luật?
Ngày cập nhật 29/12/2022

Công chứng viên có trách nhiệm tư vấn pháp luật không? Đó là vấn đề được đặt ra trong quá trình giải quyết hồ sơ công chứng của công chứng viên. Việc xem xét nội dung này có ý nghĩa giúp xác định đầy đủ trách nhiệm cũng như đặt ra vấn đề bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công chứng viên.

 

1. Khái niệm tư vấn pháp luật

Khoản 1 Điều 32 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 về tư vấn pháp luật nêu “Người thực hiện trợ giúp pháp lý tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý bằng việc hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, vướng mắc pháp luật; hướng dẫn giúp các bên hòa giải, thương lượng, thống nhất hướng giải quyết vụ việc”.

Một trong những dịch vụ pháp lý của luật sư là tư vấn pháp luật. Tại Điều 28 Luật Luật sư năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) về dịch vụ pháp lý của luật sư quy định:

“1. Tư vấn pháp luật là việc luật sư hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ.

Luật sư thực hiện tư vấn pháp luật trong tất cả các lĩnh vực pháp luật.

2. Khi thực hiện tư vấn pháp luật, luật sư phải giúp khách hàng thực hiện đúng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ”.

Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 07 năm 2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật không quy định thế nào là tư vấn pháp luật.

Từ các quy định nêu trên thì tư vấn pháp luật gồm có 03 việc: một là là hướng dẫn người được tư vấn về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ; hai là đưa ra ý kiến giúp người được tư vấn về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ; ba là giúp soạn thảo các văn bản, giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ.

Tư vấn pháp luật có thể là thực hiện một trong các việc trên hoặc toàn bộ các công việc. Việc tư vấn phụ thuộc nhiều vào trình độ, kiến thức, kỹ năng của người tư vấn. Từ khả năng hiểu, áp dụng pháp luật của người tư vấn mà có sự hướng dẫn, đưa ra ý kiến giúp người được tư vấn thực hiện quyền, nghĩa vụ đúng pháp luật và hiệu quả nhất.

2. Công chứng viên có trách nhiệm tư vấn pháp luật?

Điểm d  khoản 2 Điều 17 Luật Công chứng năm 2014 quy định công chứng viên có nghĩa vụ “Giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng; trường hợp từ chối yêu cầu công chứng thì phải giải thích rõ lý do cho người yêu cầu công chứng”.

Tại Điều 40 Luật Công chứng năm 2014 quy định thủ tục chung về công chứng hợp đồng, giao dịch có quy định công chứng viên hướng dẫn người yêu cầu công chứng tuân thủ đúng các quy định về thủ tục công chứng và các quy định pháp luật có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng, giao dịch; giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc tham gia hợp đồng, giao dịch.

Khoản 1 Điều 55 Luật Công chứng năm 2014 quy định khi công chứng các hợp đồng ủy quyền, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền đó cho các bên tham gia.

 Luật Công chứng không đề cập đến việc tư vấn pháp luật mà chỉ có “hướng dẫn”, “giải thích” cho người yêu cầu công chứng và soạn thảo hợp đồng, giao dịch theo yêu cầu của người công chứng. Việc hướng dẫn, giải thích của công chứng viên cho người yêu cầu công chứng về các vấn đề có liên quan trong phạm vi vụ việc yêu cầu công chứng. Trong tư vấn pháp luật, người tư vấn giúp người được tư vấn trong việc thực hiện, áp dụng pháp luật để đạt được mục đích, bất kể giai đoạn nào trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của người được tư vấn. Trong công chứng, việc hướng dẫn, giải thích được xác định từ sau khi người yêu cầu công chứng đã có hồ sơ yêu cầu công chứng, nghĩa là về cơ bản, người yêu cầu công chứng đã xác định được mục đích của mình khi lập hồ sơ yêu cầu công chứng theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu công chứng, công chứng viên áp dụng pháp luật để hướng dẫn cho người yêu cầu công chứng tuân thủ đúng quy định pháp luật về hình thức (thủ tục công chứng) và pháp luật nội dung (các quy định liên quan đến nội dung hợp đồng, giao dịch); giải thích để người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, ý nghĩa, hậu quả pháp lý của việc công chứng đê người yêu cầu công chứng suy xét một lần nữa trước khi quyết định. Có thể hình dung rằng, công chứng viên giúp người yêu cầu công chứng hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn về hậu quả pháp lý của giao dịch sẽ được công chứng. Đây là trách nhiệm của công chứng viên trong quy trình, thủ tục thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch.

 Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy, công chứng viên phải tư vấn cho người có ý định công chứng hợp đồng, giao dịch trước khi người này lập hồ sơ yêu cầu công chứng. Hoặc khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, công chứng viên hướng dẫn, giải thích cho người yêu cầu công chứng hoàn thiện đầy đủ giấy tờ trong hồ sơ công chứng và thực hiện đúng mục đích của giao dịch. Công chứng viên phải nắm bắt được ý định, mong muốn của người yêu cầu công chứng, từ đó giải thích, hướng dẫn người yêu cầu công chứng xác định đúng vấn đề, nội dung, hình thức hợp đồng, giao dịch và lập hồ sơ đúng quy định. Trong nhiều trường hợp, công chứng viên phải hướng dẫn người yêu cầu công chứng trong việc bổ sung các giấy tờ, bảo đảm sự thống nhất thông tin trong các giấy tờ, hoàn thiện hồ sơ công chứng. Đó là cả quá trình “tư vấn pháp luật” để người yêu cầu công chứng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. 

Việc xem xét công chứng viên có thể thực hiện “tư vấn pháp luật” hay có trách nhiệm phải tư vấn pháp luật liên quan đến phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch có ý nghĩa không chỉ làm rõ trách nhiệm của công chứng viên trong quy trình công chứng mà còn làm cơ sở xây dựng thù lao công chứng. Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Luật Công chứng năm 2014 thì “Người yêu cầu công chứng phải trả thù lao khi yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp, dịch giấy tờ, văn bản và các việc khác liên quan đến việc công chứng”. Như vậy, liên quan đến tư vấn pháp luật, chỉ có thù lao soạn thảo văn bản, việc hướng dẫn, giải thích, thậm chí có đưa ra ý kiến giúp người yêu cầu công chứng đạt được mục đích chưa được xác định là công việc mà đó là trách nhiệm phải làm của công chứng viên trong thủ tục công chứng. Do đó, kiến nghị cơ quan chức năng xem xét vấn đề trên trên bình diện lý luận và thực tiễn nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công chứng viên, nâng cao trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động công chứng./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày