Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tin mới - Tin đọc nhiều
Tin mới
Tin nổi bật
Tin mới
Ngày 27 tháng 12 năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Công ty luật TNHH MTV Công Khánh...
Ngày 06 tháng 12 năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn...
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.531.786
Lượt truy cập hiện tại 9.519
Quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình chỉ có vợ/chồng có xác định là tài sản chung của vợ chồng?
Ngày cập nhật 15/09/2022

Quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình. Tuy nhiên, vào thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong hai vợ chồng chỉ có một người và các con có tên trong sổ hộ khẩu, người còn lại có hộ khẩu ở nơi khác. Vậy khi xác định thành viên hộ gia đình có quyền sử dụng đất thì xác định như thế nào và phần quyền sử dụng đất của người chồng trong hộ gia đình có thuộc tài sản chung của vợ chồng? Vấn đề này đến nay còn nhiều ý kiến khác nhau và chưa có văn bản nào hướng dẫn để thực hiện thống nhất.

 

1. Xác định thành viên hộ gia đình

Hộ gia đình với vai trò là chủ thể sử dụng đất được đề cập đến đầu tiên tại Luật Đất đai năm 1993 đến nay. Ngoài Luật Đất đai năm 2013 đã có khái niệm hộ gia đình, hai đạo luật trước đó chưa giải thích về hộ gia đình. Việc xác định các thành viên hộ gia đình căn cứ vào các Giấy chứng nhận cũng không thể vì Giấy chứng nhận chỉ ghi tên người chủ hộ hoặc người đại diện.

Luật Đất đai năm 2013 quy định Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân) là người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai (Khoản 2 Điều 5). Đồng thời nêu rõ khái niệm: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất” (khoản 29 Điều 3).

Theo khái niệm trên, hộ gia đình sử dụng đất phải đáp ứng các yêu cầu:

(1) Là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

(2) Đang sống chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

(3) Có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

2. Quy định về tài sản chung của vợ chồng

Khoản 1, 2 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này[1]; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Điều 11 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình quy định tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật: 1. Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ. 2. Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác. 3. Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.

Theo quy định trên, Luật chỉ quy định tài sản chung là tài sản "trong thời kỳ hôn nhân". Quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình không thuộc trường hợp tài sản riêng và không thuộc các trường hợp tài sản riêng khác tại Điều 11 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP. Do đó, quyền sử dụng đất cấp  cho hộ gia định trong trường hợp này thì phần của người chồng/vợ cũng chình là tài sản chung của vợ chồng.

Như vậy, với hai căn cứ là Luật Đất đai và Luật Hôn nhân và gia đình như trên, hình thành hai quan điểm: (1) Quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình nếu vào thời điểm cấp không có vợ/chồng trong hộ khẩu thì không có phần của người vợ/chồng. (2) Quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình nếu vào thời điểm cấp không có vợ/chồng trong hộ khẩu nhưng phần của người chồng/vợ vẫn xác định là tài sản chung của vợ chồng.

Từ thực tiễn trên, để thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn để thực hiện./.

 


[1] “Điều 40. Hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

1. Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Phần tài sản còn lại không chia vẫn là tài sản chung của vợ chồng”.

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày