Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tin mới - Tin đọc nhiều
Tin mới
Tin nổi bật
Tin mới
Ngày 27 tháng 12 năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Công ty luật TNHH MTV Công Khánh...
Ngày 06 tháng 12 năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn...
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.532.468
Lượt truy cập hiện tại 10.000
Đại diện theo pháp luật, đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp và quy định đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp
Ngày cập nhật 08/09/2022

Việc xác định người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền trong doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xem xét hiệu lực các giao dịch của doanh nghiệp do người đại diện xác lập, ký kết cũng như trách nhiệm liên quan. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp vừa mang tính chất là doanh nghiệp nhưng đồng thời lại có những tính chất đặc thù riêng. Do đó, các doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực này được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành mà không phải luật chung là luật doanh nghiệp. Từ thực tế đó, việc quy định người đại diện theo pháp luật trong các tổ chức bổ trợ tư pháp có một số điểm chưa thống nhấtvới Luật Doanh nghiệp năm 2020.

 

1. Phân biệt đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền trong doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 135 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (gọi chung là đại diện theo pháp luật).

Điều 85 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.  

Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm: Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ; người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật; người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án. Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định về thời hạn đại diện và phạm vi đại diện (Điều 137 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Đối với pháp nhân là doanh nghiệp, đại điện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền được quy định chi tiết tại Luật Doanh nghiệp năm 2020. Quy định chung về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tại Điều 12 và người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức tại Điều 14 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Ngoài ra, nhiều nội dung liên quan khác được quy định rải rác tại các điều luật tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp.

Phân biệt người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và người đại diện theo ủy quyền qua một số đặc điểm sau đây:

STT

Nội dung

Người đại diện theo pháp luật

Người đại diện theo ủy quyền

1

Đối tượng được đại diện

Đại diện cho doanh nghiệp

Đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức

2

Mục đích

Thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Nhân danh chủ sở hữu, thành viên, cổ đông đó thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Doanh nghiệp

3

Số lượng người đại diện

- DNTN: 01 người.

- Công ty TNHH và công ty cổ phần: có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật.

- Công ty hợp danh: Các thành viên hợp danh

Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì việc cử người đại diện theo ủy quyền thực hiện theo quy định sau đây:

- Tổ chức là thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên có sở hữu ít nhất 35% vốn điều lệ có thể ủy quyền tối đa 03 người đại diện theo ủy quyền;

- Tổ chức là cổ đông công ty cổ phần có sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần phổ thông có thể ủy quyền tối đa 03 người đại diện theo ủy quyền.

4

Căn cứ xác định người đại điện

Công ty TNHH và công ty cổ phần: Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. 

Văn bản cử người đại diện theo ủy quyền phải được thông báo cho công ty và chỉ có hiệu lực đối với công ty kể từ ngày công ty nhận được văn bản.

5

Tiêu chuẩn của người đại diện

1. Công ty TNHH 2 TV: Có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

2. Công ty TNHH 1 TV do tổ chức làm chủ: có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.

3. Công ty cổ phần: Trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

4. Công ty hợp danh: Các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Mọi hạn chế đối với thành viên hợp danh trong thực hiện công việc kinh doanh hằng ngày của công ty chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi người đó được biết về hạn chế đó.

5. Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật

1. Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp (Tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam);

2. Thành viên, cổ đông là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp không được cử người có quan hệ gia đình của người quản lý công ty và của người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty làm người đại diện tại công ty khác.

3. Tiêu chuẩn và điều kiện khác do Điều lệ công ty quy định.

6

Trách nhiệm của người đại diện

1. Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

2. Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

3. Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm nêu trên.

1. Nhân danh người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người được uỷ quyền theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Mọi hạn chế của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông đối với người đại diện theo ủy quyền trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty tương ứng tại Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông đều không có hiệu lực đối với bên thứ ba.

2. Người đại diện theo ủy quyền có trách nhiệm tham dự đầy đủ cuộc họp Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông; thực hiện quyền và nghĩa vụ được ủy quyền một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất, bảo vệ lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông cử đại diện.

3. Người đại diện theo ủy quyền chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu, thành viên, cổ đông cử đại diện do vi phạm trách nhiệm quy định tại Điều này. Chủ sở hữu, thành viên, cổ đông cử đại diện chịu trách nhiệm trước bên thứ ba đối với trách nhiệm phát sinh liên quan đến quyền và nghĩa vụ được thực hiện thông qua người đại diện theo ủy quyền.

2. Quy định về người đại diện theo pháp luật của các doanh nghiệp là tổ chức bổ trợ tư pháp

a) Doanh nghiệp đấu giá tài sản

Theo quy định tại Điều 23 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Tên của doanh nghiệp đấu giá tư nhân do chủ doanh nghiệp lựa chọn, tên của công ty đấu giá hợp danh do các thành viên thỏa thuận lựa chọn và theo quy định của Luật doanh nghiệp nhưng phải bao gồm cụm từ “doanh nghiệp đấu giá tư nhân” hoặc “công ty đấu giá hợp danh”.

 Điều kiện đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản là: Doanh nghiệp đấu giá tư nhân có chủ doanh nghiệp là đấu giá viên, đồng thời là Giám đốc doanh nghiệp; Công ty đấu giá hợp danh có ít nhất một thành viên hợp danh là đấu giá viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty đấu giá hợp danh là đấu giá viên; có trụ sở, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho hoạt động đấu giá tài sản.

Những nội dung liên quan đến thành lập, tổ chức, hoạt động và chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản không quy định tại Luật Đấu giá tài sản thì thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Như vậy, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 không quy định về người đại diện theo pháp luật mà viện dẫn đến quy định của Luật Doanh nghiệp. Nếu áp dụng theo quy định pháp luật hiện hành là Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì cụ thể như sau: nếu doanh nghiệp đấu giá tài sản theo mô hình doanh nghiệp tư nhân thì Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật; nếu doanh nghiệp đấu giá tài sản theo mô hình công ty hợp danh thì các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty. Tuy nhiên, nếu người đại diện theo pháp luật của công ty đấu giá hợp danh áp dụng theo Luật Doanh nghiệp thì có điểm chưa phù hợp với doanh nghiệp đấu giá tài sản, đó là công ty đấu giá hợp danh có ít nhất một thành viên hợp danh là đấu giá viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty đấu giá hợp danh là đấu giá viên. Vậy những thành viên hợp danh khác không phải là đấu giá viên thì có thể làm người đại diện theo pháp luật cho công ty không?

b) Văn phòng luật sư và Công ty luật

Điều 33 Luật Luật sư năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định Văn phòng luật sư do một luật sư thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Luật sư thành lập văn phòng luật sư là Trưởng văn phòng và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi nghĩa vụ của văn phòng. Trưởng văn phòng là người đại diện theo pháp luật của văn phòng.

Điều 34 Luật Luật sư năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định Công ty luật bao gồm công ty luật hợp danh và công ty luật trách nhiệm hữu hạn. Thành viên của công ty luật phải là luật sư. Công ty luật hợp danh do ít nhất hai luật sư thành lập. Công ty luật hợp danh không có thành viên góp vốn. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn bao gồm công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do ít nhất hai luật sư thành lập. Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên do một luật sư thành lập và làm chủ sở hữu.

Các thành viên công ty luật hợp danh, công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thỏa thuận cử một thành viên làm Giám đốc công ty. Luật sư làm chủ sở hữu công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên là Giám đốc công ty.

 Như vậy, đối với luật sư, Luật Luật sư chỉ quy định cụ thể về người đại diện theo pháp luật của văn phòng luật sư là Trưởng văn phòng. Vậy đối với mô hình công ty luật hợp danh và công ty luật trách nhiệm hữu hạn thì người đại diện theo pháp luật áp dụng theo Luật Doanh nghiệp hay mặc định Giám đốc công ty là người đại diện theo pháp luật?

c) Văn phòng công chứng

Điều 22 Luật Công chứng năm 2014 quy định Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Công chứng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh. Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn.

Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng Văn phòng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên.

 Như vậy, đối với Văn phòng công chứng thì Luật Công chứng quy định cụ thể người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng Văn phòng. Tuy nhiên, Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh thì quy định về người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng lại không phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2020.

d) Văn phòng Thừa phát lại

Điều 17 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại quy định Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại để thực hiện các công việc được giao theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan. Văn phòng Thừa phát lại do 01 Thừa phát lại thành lập được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng Thừa phát lại do 02 Thừa phát lại trở lên thành lập được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh.

Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng Thừa phát lại là Trưởng Văn phòng Thừa phát lại. Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phải là Thừa phát lại. Văn phòng Thừa phát lại có thể có Thừa phát lại là thành viên hợp danh, Thừa phát lại làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và thư ký nghiệp vụ.

 Như vậy, Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng Thừa phát lại là Trưởng Văn phòng Thừa phát lại. Quy định này áp dụng đối với mô hình Văn phòng Thừa phát lại thành lập được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân là tương thích với Luật Doanh nghiệp năm 2020.Tuy nhiên, nếu áp dụng đối với mô hình Văn phòng Thừa phát lại thành lập được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp hợp danh thì chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2020.

e) Văn phòng giám định tư pháp

Điều 14 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định Văn phòng giám định tư pháp là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả. Văn phòng giám định tư pháp do 01 giám định viên tư pháp thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng giám định tư pháp do 02 giám định viên tư pháp trở lên thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.

Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng giám định tư pháp là Trưởng văn phòng. Trưởng văn phòng giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp.

Như vậy, Luật Giám định tư pháp quy định người đại diện theo pháp luật của Văn phòng giám định tư pháp là Trưởng văn phòng. Cũng như Văn phòng Thừa phát lại, quy định này áp dụng đối với mô hình Văn phòng giám định tư pháp được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân là tương thích với Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu áp dụng đối với mô hình Văn phòng giám định tư pháp thành lập được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp hợp danh thì chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp.

Từ phân tích trên, kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu quy định về người đại diện theo pháp luật tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp vừa tương thích với Luật Doanh nghiệp năm 2020 vừa phù hợp với tính chất của tổ chức bổ trợ tư pháp để đảm bảo sự thống nhất trong các quy định pháp luật./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày