Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tin mới - Tin đọc nhiều
Tin mới
Tin nổi bật
Tin mới
Ngày 14/8/2024, Công đoàn Viên chức tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị biểu dương cán bộ Công đoàn cơ sở tiêu biểu và trao Kỷ niệm...
Thực hiện Kế hoạch phối hợp số 02/KHPH ngày 19/01/2024 giữa Công đoàn cơ sở Sở Tư pháp, Hội Cựu chiến binh và Chi đoàn Sở Tư pháp năm 2024; được sự đồng...
Sáng ngày 30 tháng 7 năm 2024, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành một số Luật, Nghị quyết...
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 20.811.852
Lượt truy cập hiện tại 1.874
GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Ngày cập nhật 29/08/2024

1. Anh Nguyễn Văn C ở xã QA huyện QĐ đề nghị cho biết theo quy định của pháp luật hiện hành thì người được thi hành án có quyền yêu cầu thay đổi chấp hành viên hay không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 7 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm  2014) quy định:

“1. Người được thi hành án có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định, áp dụng biện pháp bảo đảm, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định trong Luật này;

b) Được thông báo về thi hành án;

c) Thỏa thuận với người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án;

d) Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án;

đ) Tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án;

e) Không phải chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án do Chấp hành viên thực hiện;

g) Yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ;

h) Ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình;

i) Chuyển giao quyền được thi hành án cho người khác;

k) Được miễn, giảm phí thi hành án trong trường hợp cung cấp thông tin chính xác về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;

l) Khiếu nại, tố cáo về thi hành án.

2. Người được thi hành án có các nghĩa vụ sau đây:

a) Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định;

b) Thực hiện các quyết định, yêu cầu của Chấp hành viên trong thi hành án; thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú;

c) Chịu phí, chi phí thi hành án theo quy định của Luật này.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì người được thi hành án có quyền yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ.

2. Chị Trần Thị H ở huyện PV cho biết chị đã nộp tiền án phí tại Chi cục thi hành án dân sự huyện PV nhưng do sơ xuất chị làm mất biên lai thu tiền do cơ quan thi hành án cấp. Do đó, chị hỏi: Cơ quan thi hành án có cấp lại biên lai cho chị được không? Nếu không được thì chị phải làm gì?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 53 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm  2014) quy định:

“Đương sự có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xác nhận kết quả thi hành án.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp giấy xác nhận kết quả thi hành án.”

Biên lai nộp tiền án phí, phạt chỉ có 01 liên duy nhất đã cấp cho người nộp tiền. Do vậy, cơ quan thi hành án không cấp lại biên lai này nhưng có thể sao chụp lại biên lai gốc. Căn cứ Điều 53 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014) viện dẫn nêu trên, chị có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xác nhận kết quả thi hành án.

3. Ông Bùi Quang A ở thị trấn S huyện NĐ đề nghị cho biết theo quy định hiện hành thì thời hiệu thi hành án dân sự là bao lâu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm  2014) quy định:

“1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

2. Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.

3. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì thời hiệu thi hành án dân sự là 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

4. Anh Ngô N ở xã PM huyện AL đề nghị cho biết quyết định về thi hành án dân sự sẽ bị thu hồi trong trường hợp nào? Ai là người có thẩm quyền ra quyết định thu hồi?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 37 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm  2014) quy định:

“1. Người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án ra quyết định thu hồi quyết định về thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Quyết định về thi hành án được ban hành không đúng thẩm quyền;

b) Quyết định về thi hành án có sai sót làm thay đổi nội dung vụ việc;

c) Căn cứ ra quyết định về thi hành án không còn;

d) Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này.

2. Người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có quyền ra quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án trong trường hợp quyết định về thi hành án có sai sót mà không làm thay đổi nội dung vụ việc thi hành án.

3. Người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có quyền ra quyết định hủy hoặc yêu cầu hủy quyết định về thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới, Chấp hành viên thuộc quyền quản lý trực tiếp trong các trường hợp sau đây:

a) Phát hiện các trường hợp quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Điều này mà Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới, Chấp hành viên thuộc quyền quản lý trực tiếp không tự khắc phục sau khi có yêu cầu;

b) Quyết định về thi hành án có vi phạm pháp luật theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

4. Quyết định thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ quyết định về thi hành án phải ghi rõ căn cứ, nội dung và hậu quả pháp lý của việc thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án ra quyết định thu hồi quyết định về thi hành án trong các trường hợp: (i) Quyết định về thi hành án được ban hành không đúng thẩm quyền; (ii) Quyết định về thi hành án có sai sót làm thay đổi nội dung vụ việc; (iii) Căn cứ ra quyết định về thi hành án không còn; và (iv) Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật Thi hành án dân sự.

5. Ông Nguyễn S ở huyện PV cho biết, gia đình ông xây dựng nhà trái quy định của pháp luật và có bản án quyết định thi hành phá dỡ nhà có hiệu lực pháp luật. Vào lúc 7h00 phút cơ quan thi hành án dân sự tiến hành thi hành bản án. Ông S hỏi: Trường hợp cơ quan thi hành án thực hiện cưỡng chế vào thời gian nêu trên có đúng theo quy định của pháp luật không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 45 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm  2014) quy định:

“1. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.

2. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng ngay biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này.”

Điều 46 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm  2014) quy định:

 “1. Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.

2. Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì việc cơ quan thi hành dân sự tổ chức cưỡng chế thi hành án vào lúc 7h00 là đảm bảo quy định của pháp luật.

6. Gia đình anh B đang chấp hành thi hành án dân sự về bồi thường thiệt hại, trong đó có một lô đất được kê biên thi hành án nhưng phần đất này đang có tranh chấp với người khác và đã được Tòa án thụ lý giải quyết. Anh B hỏi phần đất này có được tạm hoãn để thi hành án không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm  2014) quy định:

“1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp sau đây:

a) Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án;

b) Chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định;

c) Đương sự đồng ý hoãn thi hành án; việc đồng ý hoãn thi hành án phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của đương sự; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác;

d) Tài sản để thi hành án đã được Tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật này; tài sản được kê biên theo Điều 90 của Luật này nhưng sau khi giảm giá theo quy định mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm;

đ) Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 170 và khoản 2 Điều 179 của Luật này;

e) Người được nhận tài sản, người được giao nuôi dưỡng đã được thông báo hợp lệ 02 lần về việc nhận tài sản, nhận người được nuôi dưỡng nhưng không đến nhận;

g) Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Điều 54 của Luật này chưa thực hiện được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;

h) Tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án không nhận để thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 104 của Luật này.”

Như  vậy, căn cứ các quy định nêu trên thì đối với tài sản là bất động sản đã được kê biên để thi hành án nhưng lại đang tranh chấp đã được Tòa án thụ lý để giải quyết thì sẽ được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự xem xét ra quyết định hoãn thi hành án.

7. Chị Bùi Thị H ở thị xã T cho biết, theo bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh TTH, ông Trân Đình C phải có nghĩa vụ thanh toán số tiền 200.000.000đ cho chị và chị đã có đơn yêu cầu thi hành án tại Chi cục thi hành án dân sự thị xã T và được biết ông C có đứng tên chủ sử dụng quyền sử dụng đất 100m2 đất tại thị trấn A. Do đó, chị hỏi chị có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp ngăn chặn việc chuyển quyền sở hữu của ông C không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 66 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm  2014) quy định:

“1. Chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, Chấp hành viên không phải thông báo trước cho đương sự.

2. Người yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.

3. Các biện pháp bảo đảm thi hành án bao gồm:

a) Phong tỏa tài khoản;

b) Tạm giữ tài sản, giấy tờ;

c) Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên chị có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp ngăn chặn việc chuyển quyền sở hữu của ông C.

8. Anh Đặng Ngọc H ở huyện PĐ, cho biết anh có cho em trai mượn chiếc xe máy của mình để sử dụng. Tuy nhiên, khi em trai của anh sử dụng thì bị cơ quan thi hành án dân sự tạm giữ. Do đó, anh hỏi: Nếu anh chứng minh được xe máy đó là của mình thì anh có được cơ quan thi hành án trả lại hay không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 68 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm  2014) quy định:

“1. Chấp hành viên đang thực hiện nhiệm vụ thi hành án có quyền tạm giữ tài sản, giấy tờ liên quan đến việc thi hành án mà đương sự, tổ chức, cá nhân khác đang quản lý, sử dụng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên trong việc tạm giữ tài sản, giấy tờ.

2. Quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ phải xác định rõ loại tài sản, giấy tờ bị tạm giữ. Chấp hành viên phải giao quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ cho đương sự hoặc tổ chức, cá nhân đang quản lý, sử dụng.

Trường hợp cần tạm giữ ngay tài sản, giấy tờ mà chưa ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ thì Chấp hành viên yêu cầu giao tài sản, giấy tờ và lập biên bản về việc tạm giữ.

Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ. Biên bản, quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

3. Khi tạm giữ tài sản, giấy tờ phải lập biên bản có chữ ký của Chấp hành viên và người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ; trường hợp người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ không ký thì phải có chữ ký của người làm chứng. Biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ phải được giao cho người quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ.

4. Chấp hành viên yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng; thông báo cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ.

Trường hợp cần thiết, Chấp hành viên phải xác minh, làm rõ hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền xác định người có quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ.

5. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV của Luật này; trường hợp có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án hoặc thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án nhưng đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì Chấp hành viên phải ra quyết định trả lại tài sản, giấy tờ cho người có quyền sở hữu, sử dụng.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì nếu anh chứng minh được tài sản tạm giữ không thuộc thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án (em trai anh) thì anh được trả lại.

9. Anh Lê Văn H ở huyện QĐ cho biết, Chi cục thi hành án dân sự huyện QĐ đang thi hành bản án dân sự sơ thẩm về việc ông A phải trả cho anh H số tiền 50.000.000đ, Chấp hành viên triệu tập anh H và ông A đến làm việc  tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã QA, tại đây, ông A đã nộp đủ số tiền trên. Vậy, anh H có đề nghị được nhận tiền ngay tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 4 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ) quy định:

“Khi thi hành án tại cơ sở, trường hợp người phải thi hành án và người được thi hành án cùng có mặt, Chấp hành viên có thể chi trả ngay cho đương sự số tiền, tài sản thu được, sau khi đã trừ khoản phí thi hành án. Việc chi trả tiền, tài sản phải lập biên bản ghi đầy đủ thời gian, địa điểm, họ tên đương sự, lý do, nội dung giao nhận, số tiền, tài sản, chữ ký và họ tên của đương sự, Chấp hành viên và phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành việc chi trả tiền, tài sản. Biên bản phải giao cho đương sự, lưu hồ sơ thi hành án và chuyển cho kế toán cơ quan thi hành án dân sự để vào sổ theo dõi.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì trường hợp của anh H có thể được chi trả ngay tại Ủy ban nhân dân xã QA.

10. Chị Ngô Thị V ở huyện NĐ đề nghị cho biết Luật Thi hành án dân sự quy định trường hợp tài sản khi cưỡng chế có tranh chấp hoặc có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì xử lý như thế nào? 

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 75 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm  2014) quy định:

“1. Trường hợp tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế để thi hành án mà có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp về quyền của họ được khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì việc xử lý tài sản được thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp không khởi kiện tại Tòa án hoặc không đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì Chấp hành viên xử lý tài sản để thi hành án theo quy định của Luật này.

2. Trường hợp có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.

Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.

3. Trường hợp Chấp hành viên yêu cầu Tòa án giải quyết các việc quy định tại khoản 1 Điều 74 của Luật này và khoản 1, khoản 2 Điều này để thi hành án thì không phải chịu án phí, lệ phí Tòa án.”

Như vậy, trường hợp tài sản khi cưỡng chế có tranh chấp hoặc có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì được xử lý theo các quy định viện dẫn nêu trên./.

 

 GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

 

1. Anh Bùi C hiện là giám định viên tư pháp và đang có ý định cùng với bạn anh thành lập văn phòng giám định tư pháp tại thành phố H. Do đó, anh C đề nghị cho biết điều kiện để thành lập văn phòng giám định tư pháp và theo quy định hiện hành thì có được thành lập dưới hình thức là Công ty cổ phần không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 14 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định:

“1. Văn phòng giám định tư pháp là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.

2. Văn phòng giám định tư pháp do 01 giám định viên tư pháp thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng giám định tư pháp do 02 giám định viên tư pháp trở lên thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.

Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng giám định tư pháp là Trưởng văn phòng. Trưởng văn phòng giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp.”

Điều 15 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định:

“1. Giám định viên tư pháp được thành lập Văn phòng giám định tư pháp khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có từ đủ 03 năm trở lên là giám định viên tư pháp và có hoạt động giám định trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng;

b) Có Đề án thành lập theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 16 của Luật này.

2. Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng không được thành lập Văn phòng giám định tư pháp.”

Như vậy, Giám định viên tư pháp được thành lập Văn phòng giám định tư pháp khi có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 15 nêu trên và Văn phòng giám định tư pháp do 02 giám định viên tư pháp trở lên thành lập thì chỉ được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.

2. Chị Lê Thị H đang theo một vụ kiện tranh chấp đất đai, trong hồ sơ vụ án có một số giấy tờ chị đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giám định mà không được chấp nhận. Do đó, chị đề nghị cho biết chị phải liên hệ ở đâu và cần làm những công việc gì để yêu cầu giám định tư pháp?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 26 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định:

“1. Người yêu cầu giám định phải gửi văn bản yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định, các tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) và bản sao giấy tờ chứng minh mình là đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.

2. Văn bản yêu cầu giám định tư pháp phải có các nội dung sau đây:

a) Tên tổ chức hoặc họ, tên người yêu cầu giám định;

b) Nội dung yêu cầu giám định;

c) Tên và đặc điểm của đối tượng giám định;

d) Tên tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có);

đ) Ngày, tháng, năm yêu cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định;

e) Chữ ký, họ, tên người yêu cầu giám định.”

Như vậy, chị cần phải gửi văn bản yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định, các tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) và bản sao giấy tờ chứng minh mình là đương sự trong vụ việc dân sự đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định. Văn bản yêu cầu giám định cần đảm bảo các nội dung theo quy định viện dẫn nêu trên.

3. Ông Đặng C ở thành phố H đang tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực giám định tư pháp. Trong quá trình tìm hiểu ông có vấn đề cần được giải đáp là theo quy định hiện hành thì thành phần hồ sơ giám định tư pháp được quy định cụ thể như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 33 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định:

“1. Hồ sơ giám định tư pháp do người thực hiện giám định tư pháp lập bao gồm:

a) Quyết định trưng cầu, văn bản yêu cầu giám định và tài liệu kèm theo (nếu có);

b) Biên bản giao, nhận hồ sơ, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định;

c) Văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định;

d) Bản ảnh giám định (nếu có);

đ) Kết luận giám định trước đó hoặc kết quả xét nghiệm, thực nghiệm giám định do người khác thực hiện (nếu có);

e) Tài liệu khác có liên quan đến việc giám định (nếu có);

g) Kết luận giám định tư pháp.

2. Hồ sơ giám định tư pháp phải được lập theo mẫu thống nhất.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm quy định chi tiết về mẫu, thành phần hồ sơ từng loại việc giám định và chế độ lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.

3. Tổ chức được trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp chịu trách nhiệm bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp do người giám định thuộc tổ chức mình thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ và quy định của bộ, ngành, cơ quan mình.

Người thực hiện giám định có trách nhiệm bàn giao hồ sơ giám định tư pháp cho cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp theo quy định của pháp luật về lưu trữ và quy định của bộ, ngành, cơ quan mình.

4. Hồ sơ giám định tư pháp được xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự.”

Như vậy, theo Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì hồ sơ giám định tư pháp được quy định cụ thể như đã viện dẫn nêu trên.

4. Chị Trần Thị M ở thị xã HT hỏi: Theo quy định hiện hành thì người nước ngoài có được bổ nhiệm làm giám định viên tư pháp không hay bắt buộc phải là công dân Việt Nam?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 7 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định:

“1. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư­ pháp:

a) Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt;

b) Có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên.

Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn từ đủ 03 năm trở lên;

c) Đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự phải có chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định.

2. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp:

a) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

b) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

c) Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định chi tiết khoản 1 Điều này đối với giám định viên tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì người nước ngoài không được bổ nhiệm làm giám định viên tư pháp.

5. Chị Ngô Thanh V ở thị trấn S huyện QĐ có yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định nhưng không được chấp nhận. Do đó, chị đề nghị cho biết chị có quyền tự mình yêu cầu giám định không và quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện khi nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 2 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định:

“Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì chị có quyền tự mình yêu cầu giám định khi chị đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính;

- Nguyên đơn dân sự;

- Bị đơn dân sự;

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

6. Anh Bùi Ngọc K là nguyên đơn trong vụ án dân sự, vụ việc của anh đã được Tòa án nhân dân huyện PĐ có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Khi xem các giấy tờ anh thấy cần thiết phải giám định. Do đó anh đề nghị cho biết quyền tự yêu cầu giám định có được thực hiện sau khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

 Điều 22 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định:

“1. Người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu trưng cầu giám định, phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.

2. Người yêu cầu giám định có quyền:

a) Yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trả kết luận giám định đúng thời hạn đã thỏa thuận và theo nội dung đã yêu cầu;

b) Yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định;

c) Đề nghị Tòa án triệu tập người giám định tư pháp đã thực hiện giám định tham gia phiên tòa để giải thích, trình bày về kết luận giám định;

d) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại; yêu cầu giám định bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.

3. Người yêu cầu giám định tư pháp có nghĩa vụ:

a) Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của người giám định tư pháp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu do mình cung cấp;

b) Nộp tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi yêu cầu giám định; thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định.

4. Người yêu cầu giám định chỉ được thực hiện quyền tự yêu cầu giám định trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì người yêu cầu giám định chỉ được thực hiện quyền tự yêu cầu giám định trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

7. Chị Nguyễn Thị Y qua tìm hiểu được biết, tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết được khi tiến hành giám định tư pháp là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Chị hỏi theo quy định hiện hành, nếu vi phạm điều cấm nêu trên thì bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định:

“2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đánh tráo hoặc có hành vi làm sai lệch đối tượng giám định;

b) Không bảo quản các mẫu vật, tài liệu có liên quan đến vụ việc giám định;

c) Tiết lộ nội dung kết luận giám định cho người khác mà không được người trưng cầu, người yêu cầu giám định đồng ý bằng văn bản;

d) Không lập, lưu giữ hồ sơ giám định;

đ) Không thực hiện giám định theo đúng nội dung yêu cầu giám định;

e) Không tuân thủ quy trình giám định, quy chuẩn chuyên môn trong quá trình thực hiện giám định;

g) Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung kết luận giám định;

h) Can thiệp, cản trở việc thực hiện giám định của người giám định tư pháp;

i) Không phân công hoặc phân công người không có khả năng chuyên môn phù hợp với nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định;

k) Đưa ra bản kết luận giám định không tuân thủ về hình thức hoặc nội dung theo quy định;

l) Kết luận giám định những vấn đề không thuộc phạm vi chuyên môn được yêu cầu.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì với hành vi tiết lộ nội dung kết luận giám định cho người khác mà không được người trưng cầu, người yêu cầu giám định đồng ý bằng văn bản sẽ bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

8. Chị Bùi Thị Q ở phường XP, thành phố Hu, đề nghị cho biết thời hạn thực hiện giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành là bao lâu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 17 Thông tư số 23/2022/TT-BLĐTBXH ngày 25/11/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp quy định:

“1. Thời hạn giám định tư pháp theo vụ việc được tính từ ngày cơ quan, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc nhận được quyết định trưng cầu giám định và đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật nêu tại quyết định trưng cầu giám định.

2. Thời hạn giám định tư pháp theo vụ việc lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo thời hạn được ghi trong quyết định trưng cầu của người trưng cầu giám định.

3. Thời hạn giám định tư pháp tối đa đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này với từng loại việc giám định như sau:

a) Giám định các nội dung liên quan đến thu bảo hiểm xã hội, thu bảo hiểm thất nghiệp, thời hạn giám định tối đa là 01 tháng;

b) Giám định các nội dung liên quan đến giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội thời hạn giám định tối đa là 02 tháng;

c) Giám định các nội dung liên quan đến chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, thời hạn giám định tối đa là 01 tháng;

d) Giám định các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời hạn giám định tối đa là 03 tháng;

đ) Đối với trường hợp giám định theo vụ việc có từ 02 nội dung giám định khác nhau trở lên thuộc lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều 3 Thông tư này hoặc có tính chất phức tạp liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, thời hạn giám định tối đa là 04 tháng.

3. Trong trường hợp cần thiết, cá nhân người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc có văn bản đề nghị cơ quan trưng cầu giám định gia hạn theo thẩm quyền.

Như vậy, thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo các quy định nêu trên.

9. Anh Lê Viết T ở huyện PĐ đề nghị cho biết việc giám định viên tư pháp từ chối giám định khi thời gian không đủ để thực hiện giám định theo quy định của pháp luật hiện hành có đúng không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 11 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định:

“1. Thực hiện giám định theo trưng cầu, yêu cầu của người trưng cầu, người yêu cầu giám định hoặc theo sự phân công của cơ quan, tổ chức được trưng cầu, yêu cầu.

2. Từ chối giám định trong trường hợp nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định; đối tượng giám định, tài liệu liên quan được cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định tư pháp sau khi đã đề nghị người trưng cầu, người yêu cầu giám định bổ sung, làm rõ nhưng không được đáp ứng; thời gian không đủ để thực hiện giám định; tính độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định không được bảo đảm. Trường hợp từ chối giám định thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu giám định, phải thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám định, kiến thức pháp luật.

4. Thành lập Văn phòng giám định tư pháp khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 15 của Luật này.

5. Thành lập, tham gia hội giám định viên tư pháp theo quy định của pháp luật về hội.

6. Hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

7. Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 23 và khoản 1 Điều 34 của Luật này.”

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì giám định viên tư pháp được quyền từ chối giám định trong trường hợp thời gian không đủ để thực hiện giám định theo quy định của pháp luật.

10. Anh Lê Cảnh C, đề nghị cho biết người giám định tư pháp theo vụ việc có được độc lập đưa ra kết luận giám định theo quy định của pháp luật hay không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

- Khoản 3 Điều 18 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định:

“3. Người giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định theo quy định của Luật này. Người giám định tư pháp theo vụ việc có quyền và nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3, 6 và 7 Điều 11 của Luật này.”

- Khoản 7 Điều 11 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định:

“7. Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 23 và khoản 1 Điều 34 của Luật này.”

- Khoản 1 Điều 23 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định:

“1. Người giám định tư pháp có quyền:

a) Lựa chọn phương pháp cần thiết, phù hợp để tiến hành giám định theo nội dung yêu cầu giám định;

b) Sử dụng kết quả thực nghiệm, xét nghiệm bổ sung hoặc kết luận chuyên môn do cá nhân, tổ chức khác thực hiện nhằm phục vụ cho việc giám định;

c) Độc lập đưa ra kết luận giám định.

d) Đề nghị người trưng cầu giám định hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật khi có dấu hiệu bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bản thân hoặc người thân thích do việc thực hiện giám định tư pháp, tham gia vụ án, vụ việc với tư cách là người giám định tư pháp;

đ) Từ chối thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật này;

e) Được bố trí vị trí phù hợp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa.”

Căn cứ các quy định nêu trên, người giám định tư pháp theo vụ việc có quyền độc lập đưa ra kết luận giám định khi thực hiện giám định tư pháp theo quy định của pháp luật.

Các tin khác
Xem tin theo ngày