Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tin mới - Tin đọc nhiều
Tin mới
Tin nổi bật
Tin mới
Ngày 06 tháng 12 năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn...
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 và Kế hoạch số 2500/KH-STP ngày 08/10/2024 của Sở Tư pháp, ngày 21/11/2024, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị...
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.353.087
Lượt truy cập hiện tại 25.388
Giải đáp pháp luật về phòng, chống ma túy (tiếp theo)
Ngày cập nhật 04/05/2022

1. Theo anh Bảo được biết Nhà nước có các chính sách về phòng, chống ma túy...Vậy, việc bảo vệ, hỗ trợ cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia phòng, chống ma túy có nằm trong chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 3 Luật Phòng, chống ma túy quy định chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy như sau:

          1. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống ma túy; kết hợp với phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác.

2. Tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng, chống ma túy; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy.

3. Ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma túy cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về ma túy.

4. Cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, người làm công tác cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ.

5. Bảo vệ, hỗ trợ cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia phòng, chống ma túy.

6. Quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy; khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện ma túy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; khuyến khích cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy.

7. Bảo đảm kinh phí cai nghiện ma túy bắt buộc; hỗ trợ kinh phí cai nghiện ma túy tự nguyện, kinh phí quản lý sau cai nghiện ma túy.

8. Tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư vào hoạt động cai nghiện ma túy, hỗ trợ quản lý sau cai nghiện ma túy, phòng, chống tái nghiện ma túy được miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

9. Khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ứng dụng công nghệ cao trong phòng, chống ma túy.

10. Khen thưởng cá nhân, tổ chức, cơ quan có thành tích trong phòng, chống ma túy.

          Căn cứ quy định trên, chính sách bảo vệ, hỗ trợ cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia phòng, chống ma túy là một trong những chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy.

2. Chị Vân ở xã HP, thị xã HT hỏi: Em trai tôi vừa cai nghiện ma túy trở về nhà nhưng anh Việt (hàng xóm) thường có thái độ kỳ thị nó. Vậy, hành vi của anh Việt có bị pháp luật nghiêm cấm không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 4 Luật Phòng, chống ma túy quy định nguyên tắc thi hành án hình sự như sau:

          1. Trồng cây có chứa chất ma túy, hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy.

2. Nghiên cứu, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

3. Chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

4. Giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát, bảo quản chất ma túy, tiền chất trái quy định của pháp luật; cho phép người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần tới quy định của pháp luật.

5. Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy.

6. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.

7. Chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy.

8. Trả thù hoặc cản trở người thực thi nhiệm vụ phòng, chống ma túy, người tham gia phòng, chống ma túy.

9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

10. Hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn sử dụng trái phép chất ma túy; quảng cáo, tiếp thị chất ma túy.

11. Kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.

12. Các hành vi bị nghiêm cấm khác do luật định liên quan đến ma túy.

          Căn cứ quy định nêu trên, hành vi của anh Việt bị pháp luật nghiêm cấm.

          3. Anh Chung ở xã HV, thị xã HT hỏi: Tôi phát hiện nhà hàng xóm trồng cây có chứa chất ma túy. Vậy, tôi có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan công an không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 6 Luật Phòng, chống ma túy quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình như sau:

1. Tuyên truyền, giáo dục thành viên trong gia đình, người thân về tác hại của ma túy và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy; quản lý, ngăn chặn thành viên trong gia đình vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

2. Thực hiện đúng chỉ định của người có thẩm quyền về sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

3. Hợp tác với cơ quan chức năng trong đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy; tham gia hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; theo dõi, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện ma túy.

4. Cung cấp kịp thời thông tin về tội phạm, tệ nạn ma túy và việc trồng cây có chứa chất ma túy cho cơ quan công an hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tham gia xóa bỏ cây có chứa chất ma túy do chính quyền địa phương tổ chức.

          Căn cứ quy định trên, anh Chung có trách nhiệm cung cấp kịp thời thông tin về việc trồng cây có chứa chất ma túy của hàng xóm cho cơ quan công an.

          4. Chị Thương ở thị trấn PL, huyện PL hỏi: Cơ quan nhà nước có trách nhiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân phát hiện, tố giác, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy không?

Điều 7 Luật Phòng, chống ma túy quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước như sau:

1. Tổ chức phòng, chống ma túy trong cơ quan, đơn vị; phòng ngừa, ngăn chặn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy; tuyên truyền, vận động Nhân dân phát hiện, tố giác, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy.

2. Tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội để thay thế việc trồng cây có chứa chất ma túy tại các vùng xóa bỏ cây có chứa chất ma túy.

Căn cứ quy định trên, cơ quan nhà nước có trách nhiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân phát hiện, tố giác, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy.

5. Anh Dũng công tác tại trường đại học X hỏi: Cơ sở giáo dục có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tổ chức xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể khi cần thiết để phát hiện sinh viên sử dụng trái phép chất ma túy không?

Điều 8 Luật Phòng, chống ma túy quy định trách nhiệm của cơ sở giáo dục như sau:

1. Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma túy; phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

2. Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma túy.

3. Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tổ chức xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên sử dụng trái phép chất ma túy.

Căn cứ quy định trên, cơ sở giáo dục có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tổ chức xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể khi cần thiết để phát hiện sinh viên sử dụng trái phép chất ma túy.

6. Anh Xanh ở phường TH, thành phố H hỏi: Các hoạt động hợp pháp nào liên quan đến ma túy được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 12 Luật Phòng, chống ma túy quy định các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy như sau:

1. Hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy là hoạt động được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép, bao gồm:

a) Nghiên cứu, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, sản xuất chất ma túy (không bao gồm trồng cây có chứa chất ma túy), tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất;

b) Vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất;

c) Nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

2. Hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy quy định tại khoản 1 nêu trên được kiểm soát chặt chẽ theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Như vậy, các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy được viện dẫn như trên là hoạt động được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.

7. Anh Minh ở phường AH, thành phố H hỏi: Tôi muốn mang theo thuốc hướng thần để điều trị bệnh cho bản thân khi đi du lịch quốc tế. Vậy, việc mang theo thuốc này có bị xem là mang hàng xuất khẩu không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 20 Luật Phòng, chống ma túy quy định về kiểm soát thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất vì mục đích sơ cứu, cấp cứu trong cuộc hành trình, du lịch quốc tế, điều trị bệnh cho bản thân người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh như sau:

1. Việc mang theo thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất dự phòng cho việc sơ cứu, cấp cứu trên tàu thủy, tàu bay, tàu hỏa, ô tô hoặc các phương tiện vận tải khác trong cuộc hành trình, du lịch quốc tế không bị coi là mang hàng xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.

Người chỉ huy, người điều khiển phương tiện vận tải có trách nhiệm khai báo với cơ quan Hải quan của Việt Nam, giải trình về số lượng thuốc đã sử dụng, áp dụng các biện pháp an toàn thích hợp để ngăn chặn việc sử dụng không đúng mục đích hoặc vận chuyển trái phép các thuốc đó và chịu sự kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

2. Việc mang theo thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất để điều trị bệnh cho bản thân người nhập cảnh, xuất cảnh hoặc quá cảnh lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ và chịu sự kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

Căn cứ quy định nêu trên, việc anh Minh mang theo thuốc này không bị xem là mang hàng xuất khẩu.

8. Anh Bắc cho biết em trai anh có dấu hiệu nghiện ma túy. Vậy, gia đình anh Bắc có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền đưa người sử dụng trái phép chất ma túy đi xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 25 Luật Phòng, chống ma túy quy định về trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức, cộng đồng trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy như sau:

1. Gia đình người sử dụng trái phép chất ma túy có trách nhiệm sau đây:

a) Quản lý, giáo dục người sử dụng trái phép chất ma túy; ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép chất ma túy;

b) Cung cấp thông tin về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của người sử dụng trái phép chất ma túy cho công an cấp xã nơi người đó cư trú;

c) Ngăn chặn người sử dụng trái phép chất ma túy có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội;

d) Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền đưa người sử dụng trái phép chất ma túy đi xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể.

2. Cơ quan, tổ chức nơi người sử dụng trái phép chất ma túy làm việc, cộng đồng nơi người sử dụng trái phép chất ma túy sinh sống có trách nhiệm sau đây:

a) Động viên, giúp đỡ, giáo dục người sử dụng, trái phép chất ma túy; ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép chất ma túy;

b) Phối hợp với gia đình, cơ quan có thẩm quyền đưa người sử dụng trái phép chất ma túy đi xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể.

          Căn cứ quy định nêu trên, gia đình anh Bắc có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền đưa người sử dụng trái phép chất ma túy đi xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể.

9. Chị Sương ở phường AD, thành phố H hỏi: Người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy có thuộc trường hợp xác định tình trạng nghiện ma túy không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Khoản 1 Điều 27 Luật Phòng, chống ma túy quy định xác định tình trạng nghiện ma túy được thực hiện đối với người thuộc trường hợp sau đây:

a) Người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời gian quản lý bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

b) Người sử dụng trái phép chất ma túy không có nơi cư trú ổn định;

c) Người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc trong thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

d) Người đang trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

đ) Người tự nguyện xác định tình trạng nghiện ma túy.

          Căn cứ quy định nêu trên, người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thuộc trường hợp xác định tình trạng nghiện ma túy .

10. Con trai anh Nam (15 tuổi) trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy. Do đó, anh Nam hỏi: con trai tôi có được tiếp tục cai nghiện ma túy tự nguyện hay bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy quy định người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;

b) Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;

c) Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.

          Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, con trai anh Nam sẽ bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

          11. Con trai chị Sen là cháu H (13 tuổi) trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy nên bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Do đó, chị Sen hỏi: Con trai tôi có phải chịu trách nhiệm gì không? Thời hạn cai nghiện ma túy bắt buộc là bao lâu?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Khoản 2 Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy quy định người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có trách nhiệm sau đây:

a) Tuân thủ các quy định về cai nghiện ma túy bắt buộc, nội quy, quy chế và chịu sự quản lý, giáo dục, điều trị của cơ sở cai nghiện bắt buộc;

b) Tham gia các hoạt động điều trị, chữa bệnh, giáo dục, tư vấn, học văn hóa, học nghề, lao động trị liệu và các hoạt động phục hồi hành vi, nhân cách.

Khoản 3 Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy quy định thời hạn cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi là từ đủ 06 tháng đến 12 tháng.

Như vậy, con trai chị Sen phải có trách nhiệm như viện dẫn trên. thời hạn cai nghiện ma túy bắt buộc là từ đủ 06 tháng đến 12 tháng.

12. Anh Văn ở xã HT, thị xã HT, tỉnh TTH hỏi: Tôi có người thân ở nước ngoài bị trục xuất về nước do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy. Vậy, khi về nước có bị áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 37 Luật Phòng, chống ma túy quy định áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy cho người Việt Nam bị nước ngoài trục xuất về nước do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy; người nước ngoài nghiện ma túy sinh sống tại Việt Nam như sau:

1. Người Việt Nam bị nước ngoài trục xuất về Việt Nam do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy khi về nước phải tiến hành xác định tình trạng nghiện ma túy. Trường hợp được xác định là nghiện ma túy thì người đó phải thực hiện các biện pháp cai nghiện ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy.

2. Người nước ngoài nghiện ma túy sinh sống tại Việt Nam có trách nhiệm đăng ký thực hiện cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy và phải chi trả toàn bộ các khoản chi phí liên quan đến cai nghiện. Trường hợp không thực hiện cai nghiện ma túy tự nguyện thì người đó bị xử lý theo quy định của pháp luật.

          Như vậy, Người Việt Nam bị nước ngoài trục xuất về Việt Nam do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy khi về nước phải tiến hành xác định tình trạng nghiện ma túy. Trường hợp được xác định là nghiện ma túy thì người đó phải thực hiện các biện pháp cai nghiện ma túy theo quy định của Luật này.

          13. Con trai anh Tánh bị nghiện ma túy và đang trong thời gian bị tam giam. Do đó, anh Tánh hỏi: Trong trường hợp này, Nhà nước có  áp dụng biện pháp cai nghiện cho người bị tạm giam không?

  Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 38 Luật Phòng, chống ma túy quy định cai nghiện ma túy cho người bị tạm giam, phạm nhân, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng như sau:

1. Nhà nước áp dụng biện pháp cai nghiện thích hợp đối với người nghiện ma túy là người bị tạm giam, phạm nhân, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng.

2. Giám thị trại giam, giám thị trại tạm giam, trưởng nhà tạm giữ, giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, hiệu trưởng trường giáo dưỡng phối hợp chặt chẽ với cơ sở y tế tại địa phương để thực hiện quy định tại khoản 1 nêu trên.

          Như vậy, con trai anh Tánh sẽ được áp dụng biện pháp cai nghiện thích hợp trong thời gian bị tạm giam.

          14. Ông Cần có con trai (16 tuổi) đang chấp hành quyết định cai nghiện ma túy bắt buộc thì bị phát hiện thực hiện hành vi phạm tội và bị Tòa án xử phạt tù. Do đó, ông Cần hỏi: Con trai tôi có được miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 39 Luật Phòng, chống ma túy quy định về miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi đang cai nghiện ma túy bắt buộc như sau:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi đang cai nghiện ma túy bắt buộc mà bị phát hiện thực hiện hành vi phạm tội trước hoặc trong thời gian chấp hành quyết định cai nghiện ma túy bắt buộc và bị Tòa án xử phạt tù nhưng không được hưởng án treo thì được miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Căn cứ quy định nêu trên, con trai ông Cần được miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

15. Chị Quyên ở xã HP, thành phố H hỏi: Người đã hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy trong thời hạn bao lâu? Nội dung quản lý sau cai nghiện ma túy bao gồm các vấn đề gì?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1, khoản 3 Điều 40  Luật Phòng, chống ma túy quy định như sau:

1. Người đã hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện, người đã hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hoàn thành việc cai nghiện hoặc chấp hành xong quyết định.

3. Nội dung quản lý sau cai nghiện ma túy bao gồm:

a) Lập danh sách người bị quản lý sau cai nghiện ma túy;

b) Tư vấn, giúp đỡ, phòng, chống tái nghiện ma túy;

c) Theo dõi, phát hiện, ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, người đã hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy trong thời hạn 01 năm kể từ ngày hoàn thành việc cai nghiện. Nội dung quản lý sau cai nghiện ma túy được quy định như viện dẫn trên.

16. Con trai chị Hồng (15 tuổi) đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Do đó, chị Hồng hỏi: Con trai tôi phải chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy trong thời hạn bao lâu? Trong thời gian quản lý sau cai nghiện có được hỗ trợ học văn hóa không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2, khoản 4 Điều 40  Luật Phòng, chống ma túy quy định như sau:

2. Người đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định.

4. Hỗ trợ xã hội trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy bao gồm:

a) Hỗ trợ học văn hóa đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi;

b) Hỗ trợ học nghề, vay vốn, tìm việc làm và tham gia các hoạt động xã hội để hòa nhập cộng đồng.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, con trai chị Hồng phải chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định và được hỗ trợ học văn hóa trong thời gian này.

17. Anh Xá ở phường PV, thành phố H hỏi: Biện pháp can thiệp giảm tác hại đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy là biện pháp gì? Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế có phải là biện pháp can thiệp không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 41 Luật Phòng, chống ma túy quy định biện pháp can thiệp giảm tác hại đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy như sau:

1. Biện pháp can thiệp giảm tác hại đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy là biện pháp làm giảm tác hại liên quan đến hành vi sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

2. Biện pháp can thiệp giảm tác hại đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy bao gồm:

a) Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

b) Các biện pháp khác theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, biện pháp can thiệp giảm tác hại đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy là biện pháp làm giảm tác hại liên quan đến hành vi sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế là biện pháp can thiệp giảm tác hại đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy.

18. Con trai chị Hạnh nghiện ma túy và bị áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc. Do đó, chị Hạnh hỏi: Tôi có trách nhiệm phối hợp với người có thẩm quyền trong việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 42 Luật Phòng, chống ma túy quy định trách nhiệm của gia đình người nghiện ma túy, cộng đồng như sau:

1. Gia đình người nghiện ma túy có trách nhiệm sau đây:

a) Hỗ trợ người nghiện ma túy trong quá trình cai nghiện ma túy, sau cai nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng;

b) Phối hợp với cơ quan, người có thẩm quyền trong việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc; phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan hỗ trợ người nghiện ma túy trong quá trình cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng.

2. Cộng đồng nơi người nghiện ma túy cư trú có trách nhiệm sau đây:

a) Động viên, giúp đỡ người nghiện ma túy;

b) Phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan hỗ trợ người nghiện ma túy trong quá trình cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, chị Hạnh có trách nhiệm phối hợp với người có thẩm quyền trong việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày