Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tin mới - Tin đọc nhiều
Tin mới
Tin nổi bật
Tin mới
Ngày 06 tháng 12 năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn...
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 và Kế hoạch số 2500/KH-STP ngày 08/10/2024 của Sở Tư pháp, ngày 21/11/2024, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị...
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.361.307
Lượt truy cập hiện tại 506
PHÁP LUẬT XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO TRỢ, CỨU TRỢ XÃ HỘI VÀ TRẺ EM
Ngày cập nhật 22/02/2022

1. Bà Mai Hương, 62 tuổi ở phường PV, thành phố H, tỉnh TTH có hành vi khai báo gian dối để được hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng. Xin hỏi, hành vi của bà Mai Hương bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều 6 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Khai báo gian dối để được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;

- Khai báo gian dối để được hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng;

- Khai báo gian dối để được tiếp nhận vào các cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Như vậy, hành vi của Mai Hương sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Đồng thời, bà Mai Hương buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.

2. Do là trẻ mồ côi, cậu ruột không có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng nên Bảo được nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội H. Tại đây, Bảo được cho đi học. Trong một lần đến thăm Bảo, anh Huy (cậu ruột của Bảo) đã tình cờ chứng kiến sau khi đi học về Bảo phải làm những công việc hết sức nặng nhọc. Do đó, anh Huy đề nghị cho biết, việc bắt Bảo làm những công việc nặng nhọc của cơ sở bảo trợ xã hội H có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 7 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc thực hiện các hình thức đối xử tồi tệ khác với đối tượng bảo trợ xã hội mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Không chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Lợi dụng việc nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội để trục lợi;

b) Bắt buộc đối tượng bảo trợ xã hội lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi dụ dỗ, lôi kéo hoặc ép buộc đối tượng bảo trợ xã hội thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 1, 2 và 3 nêu trên.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại điểm b khoản 1, điểm a, b khoản 2 và khoản 3 nêu trên;

b) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho đối tượng bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng sức khỏe do hành vi vi phạm tại điểm a, b khoản 1 và điểm b khoản 2 nêu trên.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của cơ sở bảo trợ xã hội H là vi phạm pháp luật. Do đó, cơ sở bảo trợ xã hội H sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Đồng thời, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho đối tượng bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng sức khỏe do hành vi vi phạm.

3. Anh Mạnh ở phường ĐB, thành phố H, tỉnh TTH hỏi: Tôi đang theo học tại Trường Cao đẳng M và được biết những người bị khuyết tật như anh sẽ được miễn học phí nhưng trường của anh Mạnh không thực hiện việc giảm học phí cho anh. Trong trường hợp này, Trường Cao đẳng M có bị pháp luật xử phạt không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Không thực hiện miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo và các khoản đóng góp khác theo quy định của pháp luật về giáo dục;

- Không thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất dạy và học bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật khi tiến hành cải tạo, sửa chữa cơ sở giáo dục.

          Như vậy, Trường Cao đẳng M không thực hiện việc miễn giảm học phí cho anh Mạnh sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

4. Thấy anh Mộc là người khuyết tật lên xe bus, anh Quốc từ chối chở.  Xin hỏi: hành vi của anh Quốc bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 15 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

1. Không ưu tiên bán vé cho người khuyết tật, người cao tuổi;

2. Người có trách nhiệm theo quy định của pháp luật mà không giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện cho người khuyết tật, người cao tuổi;

3. Từ chối chuyên chở người khuyết tật hoặc từ chối chuyên chở phương tiện, thiết bị hỗ trợ phù hợp của người khuyết tật bằng phương tiện giao thông công cộng.

Căn cứ quy định trên, hành vi của anh Quốc sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

5. Bà Nguyễn Thị lành thường trú tại xã HP, huyện HT đã gửi đơn đến UBND xã HP đề nghị xác định lại mức độ khuyết tật của bản thân do có sự kiện làm thay đổi mức độ khuyết tật. Tuy nhiên, UBND xã HP nhiều lần từ chối với lý do đã xác định rồi. Ông Tiến muốn hỏi: Ông có quyền xin xác định lại mức độ khuyết tật không? Việc UBND xã HP từ chối có đúng quy định của pháp luật không?Nếu không thì UBND xã HP có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

- Khoản 1 Điều 20 Luật Người khuyết tật quy định việc xác định lại mức độ khuyết tật được thực hiện theo đề nghị của người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật khi có sự kiện làm thay đổi mức độ khuyết tật.

- Khoản 3 Điều 17 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Lợi dụng việc xác định mức độ khuyết tật để trục lợi;

b) Từ chối xác định lại mức độ khuyết tật mà không có lý do chính đáng;

c) Gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.

Như vậy, căn cứ quy định trên, chị Lành có quyền xác định lại mức độ khuyết tật. Việc từ chối của UBND xã HP là không đúng quy định của pháp luật đồng thời sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

6. Bà Phúc, 68 tuổi, thường trú tại xã ĐM, huyện QĐ có hai người con là Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Thị Hương. Do chị Hương đi lấy chồng, nên bà sống với anh Hải. Tuy nhiên, anh Hải cố tình không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc mẹ dù bà thương xuyên đau yếu. Đề nghị cho biết, hành vi của con trai bà Phúc có bị pháp luật xử lý không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 19 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi theo quy định của pháp luật;

b) Không thực hiện đầy đủ cam kết theo hợp đồng dịch vụ đã ký kết để chăm sóc người cao tuổi theo quy định của pháp luật;

c) Lợi dụng việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi để trục lợi.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại điểm c khoản 1 nêu trên.

Căn cứ quy định trên, hành vi của con trai bà Phúc sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng

          7. Công an phường ĐB, thành phố H đã điều tra và tìm ra bố mẹ của cháu T bị bỏ rơi trước cửa Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi P. Được biết, khi sinh ra, cháu T bị khuyết tật ở chân nên bố mẹ không muốn nuôi và đã bỏ cháu vào trung tâm. Xin hỏi, hành vi bỏ rơi con của bố mẹ cháu T bị xử lý như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Điều 21 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định hành vi vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật;

b) Cha mẹ, người chăm sóc trẻ em không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em hoặc bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em.

Như vậy, căn cứ quy định trên, hành vi của bố mẹ cháu T sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.

8. Bà Cúc ở phường AD, thành phố H cho biết: cháu Tươi ở cạnh nhà bà thường bị bố bắt làm công việc gia đình quá sức. Tôi đã nhiều lần góp ý nhưng bố cháu Tươi nói đó là việc của gia đình không ai có quyền can thiệp. Tôi muốn biết, hành vi của bố cháu Tươi có bị pháp luật xử phạt vi phạm hành chính không?

Khoản 1 và điểm b khoản 5 Điều 23 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Bắt trẻ em làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em;

- Tổ chức, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định trên, hành vi của bố cháu Tươi sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Đồng thời, phải chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho cháu Tươi đối với hành vi vi phạm.

9. Chị Huyền đưa con gái là Út (5 tuổi) đến bệnh viện P để khám vì sốt. Mẹ con chị Huyền đã ngồi đây từ sáng nhưng đến trưa vẫn chưa được vào khám vì chị T không mang theo thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, sau khi được thông báo, Giám đốc bệnh viện P đã ra giải quyết vụ việc và tạo điều kiện cho P được khám bệnh. Chị T đề nghị cho biết hành vi không ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Không thực hiện, cản trở phụ nữ mang thai tiếp cận dịch vụ y tế để được tư vấn sàng lọc, phòng ngừa các bệnh tật bẩm sinh cho trẻ em;

- Không chấp hành các quyết định, biện pháp, quy định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của trẻ em;

- Áp dụng phong tục, tập quán có hại, ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em;

- Không ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.

Như vậy, hành vi của bệnh viện P sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

10. Với suy nghĩ con gái học nhiều để làm gì nên anh Việt đề nghị con gái Thu Hằng (12 tuổi) nghỉ học. Thu Hằng rất thích đi học nên đã nhiều lần xin bố đừng cho em nghỉ học. Xin hỏi: Hành vi ép con nghỉ học của anh Việt bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Điều 26 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định hành vi vi phạm quy định về quyền được giáo dục của trẻ em bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Hủy hoại sách, vở, đồ dùng học tập của trẻ em;

b) Cố ý không thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho việc học tập của trẻ em theo quy định của pháp luật;

c) Không bảo đảm thời gian, điều kiện học tập cho trẻ em.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi cản trở việc đi học của trẻ em.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ học, nghỉ học.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc chịu mọi chi phí để mua sách, vở, đồ dùng học tập cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại điểm a khoản 1 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của anh Việt sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

11. Do Linh Nhi (12 tuổi) hát hay và múa dẻo nên được cô giáo chủ nhiệm lớp cử đi tham gia các hoạt động văn nghệ của trường. Tuy nhiên, bố mẹ của Linh Nhi không cho phép em tham gia những hoạt động văn nghệ đó vì cho rằng những hoạt động văn nghệ đó là vô bổ,  làm ảnh hưởng đến việc học của em. Xin hỏi: Việc ngăn cấm đó của bố mẹ Linh Nhi có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 27 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Cản trở trẻ em tham gia các hoạt động xã hội phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, nhu cầu, năng lực của trẻ em, trừ trường hợp vì lợi ích tốt nhất của trẻ em;

- Cản trở trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng và tham gia vào các vấn đề về trẻ em;

- Cản trở quyền giữ gìn, phát huy bản sắc;

- Cản trở quyền vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch theo quy định của pháp luật.

Như vậy, căn cứ quy định trên, việc ngăn cấm của bố mẹ Linh Nhi là không đúng quy định của pháp luật. Hành vi của bố mẹ Linh Nhi sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

12. Chị Tuyền ở xã PH, huyện PĐ, tỉnh TTH hỏi: vừa qua chị có đưa con gái đi xem chương trình biểu diễn của Đoàn nghệ thuật N. Tuy nhiên, chị thấy nội dung biểu diễn không phù hợp với trẻ em nhưng Đoàn nghệ thuật N không thông báo tuổi của trẻ em không được xem. Chị rất bức xúc và muốn biết Đoàn nghệ thuật N có bị xử phạt đối với hành vi này không?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 30 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Không ghi chú về việc trẻ em không được sử dụng trên xuất bản phẩm, ấn phẩm, đồ chơi nếu xuất bản phẩm, ấn phẩm, đồ chơi có nội dung không phù hợp với trẻ em;

- Không thông báo tuổi của trẻ em không được xem, nghe các chương trình phát thanh, truyền hình, nghệ thuật, điện ảnh và các cuộc trình diễn nếu có nội dung không phù hợp với trẻ em;

- Không thực hiện yêu cầu về ghi thông tin trên xuất bản phẩm dành cho trẻ em.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân vi phạm, trừ quy định tại các Điều 8, 9, 12, 13, 14, khoản 1 Điều 16, Điều 33 và khoản 2 Điều 36 của Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm.

Như vậy, đối với hành vi trên, Đoàn nghệ thuật N sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

 

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày