Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tin mới - Tin đọc nhiều
Tin mới
Tin nổi bật
Tin mới
Ngày 06 tháng 12 năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn...
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 và Kế hoạch số 2500/KH-STP ngày 08/10/2024 của Sở Tư pháp, ngày 21/11/2024, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị...
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.367.186
Lượt truy cập hiện tại 815
Quy định pháp luật về thi hành án hình sự tái hòa nhập cộng đồng
Ngày cập nhật 25/11/2021

 

1. Anh La Văn Hữu có em trai chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù. Anh Hữu muốn biết trước khi chấp hành xong án phạt tù, em trai anh có được tư vấn xóa bỏ mặc cảm, tự tin cho phạm nhân không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 5 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, quy định như sau:

1. Trong khoảng thời gian hai tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hoặc sau khi có kết quả thẩm định nhất trí đề nghị đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện của cơ quan có thẩm quyền, các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân.

2. Tư vấn tâm lý nhằm cung cấp cho phạm nhân kiến thức, giúp họ định hướng và nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng. Nội dung tư vấn bao gồm:

a) Tư vấn tình cảm, hôn nhân, gia đình, sức khỏe; phòng, chống ma túy, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội;

b) Tư vấn xóa bỏ mặc cảm, tự ti; xây dựng ý chí, niềm tin, khả năng ứng phó, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng;

c) Tư vấn về lao động, việc làm, sử dụng các ngành nghề đã được học, bảo hiểm xã hội và các vấn đề khác có liên quan.

3. Phương pháp tư vấn tâm lý cho phạm nhân:

a) Các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức cho phạm nhân đăng ký nhu cầu tư vấn bằng phiếu nêu các nội dung cần được tư vấn hoặc chủ động phát hiện các vướng mắc cần được tư vấn của phạm nhân, từ đó phân công cán bộ có kinh nghiệm, hiểu biết về các lĩnh vực để tư vấn trực tiếp cho phạm nhân. Có thể tư vấn riêng cho từng phạm nhân hoặc tư vấn nhóm cho số phạm nhân có cùng nội dung tư vấn;

b) Việc tổ chức tư vấn riêng phải được thực hiện trong các phòng tư vấn, có trang bị bàn ghế làm việc và các phương tiện cần thiết phục vụ cho việc tư vấn.

4. Phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù được hỗ trợ về các thủ tục pháp lý như: đăng ký cư trú; đăng ký hộ tịch; cấp căn cước công dân; vay vốn, đăng ký kinh doanh, ký kết hợp đồng lao động và các thủ tục hành chính khác theo quy định của pháp luật.

5. Các cơ sở giam giữ phạm nhân có thể mời cán bộ của ngành Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Hội Luật gia, Hội Liên hiệp Thanh niên, trường đại học, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp hoặc các cơ quan chức năng khác đến tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân. Những người thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội đến tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân phải được lãnh đạo cơ quan, tổ chức đó giới thiệu đến làm việc bằng văn bản và được Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đồng ý bố trí làm việc.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, trong khoảng thời gian hai tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù các cơ sở giam giữ phạm nhân tổ chức tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho phạm nhân trong đó có nội dung tư vấn xóa bỏ mặc cảm, tự ti cho phạm nhân.

2. Chị Nguyễn Thị Mộng hỏi: phạm nhân là người dưới 18 tuổi có được ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao tay nghề để có điều kiện thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 6 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, quy định như sau:

1. Các cơ sở giam giữ phạm nhân có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá năng lực, nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh của từng phạm nhân để hướng dẫn họ lập kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng cho bản thân; phối hợp với các Trung tâm dịch vụ việc làm cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho phạm nhân.

2. Căn cứ vào khả năng, nhu cầu của phạm nhân, thị trường lao động và điều kiện cụ thể, ba tháng trước khi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, các cơ sở giam giữ phạm nhân lập kế hoạch, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, cấp chứng chỉ nghề cho phạm nhân.

3. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao tay nghề để có điều kiện thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng.

4. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức đào tạo nghề, nâng cao tay nghề, cấp chứng chỉ nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù và liên hệ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giới thiệu, tạo việc làm cho họ.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, phạm nhân là người dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao tay nghề để có điều kiện thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng.

 3. Anh Trương Văn San hỏi: thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng nhằm mục đích gì?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 9 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, quy định như sau:

 

1. Thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng nhằm định hướng, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa việc tái phạm tội, vi phạm pháp luật của người chấp hành xong hình phạt tù.

2. Nội dung thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng:

a) Chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù;

b) Quyền và nghĩa vụ của công dân, quyền và nghĩa vụ của người chấp hành xong hình phạt tù được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật;

c) Biện pháp, kinh nghiệm tốt, mô hình, điển hình tiên tiến trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ, đấu tranh xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù;

d) Nhân tố tích cực tham gia thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng và những gương hoàn lương, tiến bộ tiêu biểu;

đ) Các nội dung khác có liên quan đến việc bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù.

3. Hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục:

a) Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, mạng internet, trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức có liên quan;

b) Phát hành các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền;

c) Thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt cộng đồng, tư vấn, giáo dục cá biệt do báo cáo viên, tuyên truyền viên, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức;

d) Thông qua các loại hình văn hóa truyền thống, văn hóa quần chúng, sáng tác văn học, nghệ thuật;

đ) Các hình thức thông tin, truyền thông giáo dục khác.

Như vậy, thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng nhằm định hướng, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa việc tái phạm tội, vi phạm pháp luật của người chấp hành xong hình phạt tù.

4. Ông Trần Văn Hà muốn hỏi quy định về trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho người chấp hành xong hình phạt tù, như vậy nội dung về tâm lý gồm những nội dung gì?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 10 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, quy định như sau:

1. Trợ giúp về tâm lý nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù xây dựng niềm tin, nghị lực, ý chí phấn đấu tái hòa nhập cộng đồng và phòng tránh các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật. Nội dung trợ giúp về tâm lý gồm: tư vấn xóa bỏ mặc cảm tự ti; rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cộng đồng; nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong các quan hệ xã hội. Trợ giúp về tâm lý được thực hiện ngay khi người chấp hành xong hình phạt tù trở về nơi cư trú, thông qua các hình thức sau:

a) Tổ chức tư vấn riêng, tư vấn nhóm;

b) Cung cấp thông tin, tài liệu trên cơ sở nhu cầu cần được trợ giúp của người chấp hành xong hình phạt tù;

c) Thông qua các buổi nói chuyện, sinh hoạt cộng đồng, diễn đàn với chủ đề về các nội dung người chấp hành xong hình phạt tù cần được trợ giúp;

d) Tư vấn thông qua mạng xã hội, trang thông tin điện tử, email, điện thoại và các phương tiện thông tin, truyền thông khác.

2. Người chấp hành xong hình phạt tù được hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục pháp lý cần thiết khi là người tham gia tố tụng hình sự; là đương sự tham gia tố tụng dân sự, hành chính; khi thực hiện các giao kết hợp đồng dân sự; làm thủ tục đề nghị Tòa án ra quyết định xóa án tích, đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp và thực hiện các thủ tục hành chính khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, trợ giúp về tâm lý nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù xây dựng niềm tin, nghị lực, ý chí phấn đấu tái hòa nhập cộng đồng và phòng tránh các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật. Nội dung trợ giúp về tâm lý gồm: tư vấn xóa bỏ mặc cảm tự ti; rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cộng đồng; nâng cao khả năng tự giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong các quan hệ xã hội. Trợ giúp về tâm lý được thực hiện ngay khi người chấp hành xong hình phạt tù trở về nơi cư trú.

5. Bà Lê Thị Hân có con trai vừa chấp hành xong hình phạt tù. Con trai bà dự định sẽ tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ trung cấp. Bà muốn biết, trong trường hợp này, con trai bà có được miễn, giảm học phí không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 11 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, quy định như sau:

1. Người chấp hành xong hình phạt tù tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 03 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trường hợp người chấp hành xong hình phạt tù không thuộc đối tượng hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng này.

2. Người chấp hành xong hình phạt tù được vay vốn đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, được ưu tiên đăng ký tham gia chính sách việc làm công theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sử dụng các nguồn tín dụng khác để hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với người chấp hành xong hình phạt tù để phát triển sản xuất, tạo việc làm.

3. Người chấp hành xong hình phạt tù dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm; trẻ em chấp hành xong hình phạt tù được thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật.

4. Căn cứ nhu cầu của người chấp hành xong hình phạt tù và thực tiễn thị trường lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người chấp hành xong hình phạt tù; theo dõi, báo cáo tình trạng việc làm của người chấp hành xong hình phạt tù do trung tâm giới thiệu với cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ việc làm.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, người chấp hành xong hình phạt tù tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 03 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.

6. Anh Trần Trung hỏi: các biện pháp hỗ trợ khác đối với người chấp hành xong hình phạt tù gồm các biện pháp nào?

 Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 12 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, quy định như sau:

1. Người chấp hành xong hình phạt tù được chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, giáo dục, giúp đỡ để tái hòa nhập cộng đồng và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật.

2. Nhà nước khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, giúp đỡ những người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; khuyến khích việc tiếp nhận người chấp hành xong hình phạt tù vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

3. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù được ưu tiên thuê nhà, cơ sở hạ tầng của Nhà nước; được hưởng các chế độ miễn, giảm thuế theo quy định của các luật thuế có liên quan và văn bản hướng dẫn thi hành.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố căn cứ vào thẩm quyền quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khả năng quỹ đất ở địa phương và các nguồn tài nguyên khác để giúp các tổ chức, cá nhân trong hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù.

Như vậy, các biện pháp hỗ trợ khác đối với người chấp hành xong hình phạt tù được pháp luật quy định như trên, anh Trung tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

 

7. Bà Lê Thị Lan hỏi: Công an cấp xã có trách nhiệm như thế nào trong thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng.

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 25 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, quy định trách nhiệm của công an cấp xã, như sau:

1. Tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù về cư trú tại địa phương.

2. Chủ động nắm tình hình, điều kiện, hoàn cảnh và tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người chấp hành xong hình phạt tù để tư vấn, hướng dẫn họ thực hiện kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng của bản thân và tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân cùng cấp tạo điều kiện giúp đỡ họ giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống.

3. Lập hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong hình phạt tù; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể xã hội tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù.

4. Hướng dẫn, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú, đăng ký hộ tịch, cấp căn cước công dân, cấp Phiếu lý lịch tư pháp, xin xóa án tích; chủ động báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã làm thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định xóa án tích cho người chấp hành xong hình phạt tù trong trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật.

5. Quan tâm giúp đỡ, bảo đảm về an ninh, trật tự, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề và tiếp nhận, giúp đỡ tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù.

6. Kịp thời xem xét, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã áp dụng biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ đối với người chấp hành xong hình phạt tù là trẻ em; biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và xử lý người chấp hành xong hình phạt tù tái phạm, vi phạm pháp luật, vi phạm nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

7. Theo định kỳ hoặc khi có yêu cầu, tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả và đề xuất, kiến nghị những vấn đề liên quan đến công tác quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

Như vậy, thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng, Công an cấp xã có trách nhiệm như đã nêu trên.

8. Ông Phạm Văn Tuấn hỏi: Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm như thế nào trong thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 20 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, quy định như sau:

1. Chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng, phòng, chống tái phạm tội và vi phạm pháp luật.

2. Xây dựng chương trình, kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng.

3. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan, tổ chức liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tiếp nhận, quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù về cư trú ở địa phương; quyết định tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội đối với người chấp hành xong hình phạt tù không nơi nương tựa thuộc đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội.

4. Quyết định thành lập các quỹ xã hội, quỹ từ thiện do các cơ quan, tổ chức, cá nhân đề xuất theo quy định của pháp luật để hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù vay vốn học nghề, tạo việc làm, ổn định cuộc sống.

5. Bố trí ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng; xem xét quyết định các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, cho vay ưu đãi đối với người chấp hành xong hình phạt tù để tạo việc làm và có chính sách phù hợp để khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tạo điều kiện để người chấp hành xong hình phạt tù có điều kiện học nghề, tìm việc làm, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Như vậy, để thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng, Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm như đã nêu trên. Ông Tuấn tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày