Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tin mới - Tin đọc nhiều
Tin mới
Tin nổi bật
Tin mới
Ngày 06 tháng 12 năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn...
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 và Kế hoạch số 2500/KH-STP ngày 08/10/2024 của Sở Tư pháp, ngày 21/11/2024, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị...
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.418.024
Lượt truy cập hiện tại 26.559
GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN DÂN SỰ (TT2)
Ngày cập nhật 23/10/2020

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN DÂN SỰ

 

 

1. Là hàng xóm, nên ông Lực đồng ý bán cho ông Hóa chiếc xe máy cũ trị giá 15 triệu đồng, thời hạn thanh toán là 2 tháng kể từ ngày hai bên ký hợp đồng. Ông Lực đã giao máy cho ông Hóa sử dụng, nhưng đến hết thời hạn thanh toán, ông Hóa mới chỉ trả được 5 triệu đồng. 6 tháng sau ông Hóa mới trả nốt số tiền còn lại là 10 triệu đồng nên ông Lực đã yêu cầu ông Hóa phải trả thêm số tiền lãi do thanh toán chậm nhưng ông Hóa không đồng ý. Hai bên lời qua tiếng lại dẫn đến mâu thuẫn. Ông Lực đã nhờ anh Tuấn là hòa giải viên giúp. Anh Tuấn áp dụng quy định nào của pháp luật để hòa giải?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 440 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về nghĩa vụ trả tiền như sau:

          1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền theo thời hạn, địa điểm và mức tiền được quy định trong hợp đồng.

          2. Trường hợp các bên chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản thì thời hạn thanh toán tiền cũng được xác định tương ứng với thời hạn giao tài sản. Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn giao tài sản và thời hạn thanh toán tiền thì bên mua phải thanh toán tiền tại thời điểm nhận tài sản.

          3. Trường hợp bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự.

          Điều 357 Bộ luật Dân sự quy định về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền như sau:

          1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

          2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự.

          Điều 468 Bộ luật Dân sự quy định về lãi suất như sau:

          1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

          Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

          Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

          2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 nêu trên tại thời điểm trả nợ.

  Như vậy, hòa giải viên có thể áp dụng quy định của pháp luật nêu trên phân tích để ông Lực và ông Hóa hiểu ông Hóa có nghĩa vụ phải thanh toán toàn bộ số tiền mua máy cho ông Lực theo thời hạn hai bên đã thỏa thuận. Tuy nhiên hết thời hạn trên, ông Hóa mới chỉ trả được 5 triệu. Như vậy, ngoài việc phải thanh toán tiền cho ông Lực thì ông Hóa còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả là 10 triệu theo quy định về lãi suất nêu trên.

  2. Chị Thúy có vay của chị Mai 30 triệu đồng với thời hạn mười hai tháng với lãi suất là 0,4%/tháng. Sau 10 tháng chị Thúy đến trả nợ chị Mai cả số tiền gốc và tiền lãi của 10 tháng. Chị Mai yêu cầu chị Thúy phải trả lãi đủ mười hai tháng nhưng chị Thúy không đồng ý. Hai bên to tiếng dẫn đến mâu thuẫn. Chị Thúy đã nhờ chị Năng, hòa giải viên của tổ hòa giải giúp. Chị Năng áp dụng quy định nào để giải thích cho hai bên hiểu?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 470 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn như sau:

          1. Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.

          2. Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

  Như vậy, chị Năng có thể áp dụng quy định của pháp luật nêu trên để giải thích với chị Thúy và chị Mai hiểu rằng, yêu cầu của chị Thúy là hoàn toàn hợp lý, chị Mai phải trả số tiền nợ gốc và toàn bộ lãi của 12 tháng.

3. Anh Khánh nhận vận chuyển hàng dễ vỡ cho bà Hoa. Mặc dù bà Hoa đã căn dặn kĩ lưỡng là hàng thủy tinh dễ vỡ nhưng trong quá trình vận chuyển, do anh Khánh lái xe không cẩn thận nên một số chiếc bình bị vỡ. Bà Hoa yêu cầu anh Khánh phải bồi thường. Do đó, anh Khánh đã nhờ chị Quyên, hòa giải viên của tổ hòa giải tư vấn. Chị Quyên áp dụng quy định nào để tư vấn?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 534  Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về nghĩa vụ của bên vận chuyển như sau:

          1. Bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn.

          2. Giao tài sản cho người có quyền nhận.

          3. Chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

          4. Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.

          5. Bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất, hư hỏng tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

          Điều 541 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

          1. Bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển nếu để tài sản bị mất hoặc hư hỏng, trừ trường hợp trông coi tài sản trên đường vận chuyển, nếu có thỏa thuận. Trường hợp bên thuê vận chuyển trông coi tài sản mà tài sản bị mất, hư hỏng thì không được bồi thường.

          2. Bên thuê vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên vận chuyển và người thứ ba về thiệt hại do tài sản vận chuyển có tính chất nguy hiểm, độc hại mà không có biện pháp đóng gói, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.

          3. Trường hợp bất khả kháng dẫn đến tài sản vận chuyển bị mất, hư hỏng hoặc bị hủy hoại trong quá trình vận chuyển thì bên vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Như vậy, chị Quyên có thể căn cứ quy định nêu trên, để giải thích cho anh Khánh hiểu giữa bà Hoa và anh Khánh đã giao kết hợp đồng vận chuyển tài sản. Đó là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, còn bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển. Mặc dù bà Hoa đã cảnh báo về hàng dễ vỡ nhưng do bất cẩn nên trong quá trình vận chuyển, anh Khánh đã làm hư hỏng hàng hóa, nên anh Khánh có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho bà Hoa theo quy định của pháp luật nêu trên.

4. Ông Tuất thuê anh Bảo vận chuyển hàng từ tổng kho đến cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, khi ông Tuất mở kho để chuyển số hàng anh Bảo chở đến thì phát hiện đường điện có dấu hiệu bất thường dễ gây chập cháy. Chính vì vậy, ông Tuất đề nghị anh Bảo lui thời gian giao hàng để cho người kiểm tra, sửa chữa đường dây điện trong kho. Anh Bảo không đồng ý và yêu cầu ông Tuất nhận ngay số hàng nói trên vì ngay sau đó anh Bảo có hợp đồng vận chuyển cho công ty khác. Do đó, hai bên xảy ra mâu thuẫn. Ông Tuất đã nhờ anh Bình hòa giải viên hòa giải? Anh Bình phải áp dụng quy định nào để hòa giải?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 539 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về nghĩa vụ của bên nhận tài sản như sau:

          1. Xuất trình cho bên vận chuyển vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác và nhận tài sản đúng thời hạn, địa điểm đã thỏa thuận.

          2. Chịu chi phí xếp, dỡ tài sản vận chuyển, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

          3. Thanh toán chi phí hợp lý phát sinh do việc chậm tiếp nhận tài sản.

          4. Trường hợp bên nhận tài sản là người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định thì phải thông báo cho bên thuê vận chuyển về việc nhận tài sản và thông tin cần thiết khác theo yêu cầu của bên thuê vận chuyển.

          Điều 538 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về giao tài sản cho bên nhận tài sản như sau:

          1. Bên nhận tài sản có thể là bên thuê vận chuyển tài sản hoặc là người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản.

          2. Bên vận chuyển phải giao tài sản đầy đủ, đúng thời hạn và địa điểm cho bên nhận tài sản theo thỏa thuận.

          3. Trường hợp tài sản đã được chuyển đến địa điểm giao tài sản đúng thời hạn nhưng không có bên nhận tài sản thì bên vận chuyển có thể gửi số tài sản đó tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên thuê vận chuyển hoặc người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản. Bên thuê vận chuyển hoặc người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản phải chịu chi phí hợp lý phát sinh từ việc gửi giữ tài sản.

          Nghĩa vụ giao tài sản hoàn thành khi tài sản đã được gửi giữ và bên thuê vận chuyển hoặc người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản đã được thông báo về việc gửi giữ.

 

  Như vậy, anh Bình có thể áp dụng quy định nêu trên để tư vấn cho ông Tuất hiểu, ông Tuất và anh Bảo đã có thỏa thuận về hợp đồng vận chuyển tài sản, đây là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, còn bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển. Nếu anh Bảo không đồng ý và đề nghị ông Tuất nhận ngay số hàng đã vận chuyển đến thì ông Tuất phải nhận số hàng đó; hoặc thỏa thuận gửi số hàng đó tại nơi nhận gửi giữ và ông Tuất phải chịu chi phí hợp lý phát sinh từ việc gửi giữ tài sản.

5. Anh Xung ký hợp đồng gửi xe ô tô tại bãi xe của bà Hà trong thời hạn 6 tháng, tiền trông xe được trả theo tháng là 500.000 đồng/tháng. Do có bão gây mưa và gió lớn khiến cây đổ làm mái che bị sập, gây vỡ kính và hư hỏng xe của A Xung. Do đó, anh Xung đề nghị bà Hà bồi thường. Bà Hà đã nhờ anh Cảnh là hòa giải viên tư vấn. Hòa giải viên áp dụng quy định nào của pháp luật để tư vấn?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 556 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về quyền của bên gửi tài sản như sau:

          1. Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý.

          2. Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

          Như vậy, Hòa giải viên áp dụng quy định nêu trên để tư vấn cho bà Hà, việc xe của anh Xung bị hỏng là do bão gây mưa và gió lớn khiến cây đổ làm mái che bị sập, đây được coi là trường hợp bất khả kháng nên bà Hà không phải bồi thường thiệt hại cho anh Xung.

6. Chị Quyên ký hợp đồng thuê xe ô tô 16 chỗ ngồi của anh Cường để đi du lịch trong 10 ngày. Tuy nhiên khi chưa hết thời hạn 10 ngày, anh Cường phát hiện ra chị Quyên không đi du lịch mà dùng xe của mình để buôn hàng quần áo. Anh Cường yêu cầu chấm dứt hợp đồng thuê xe, đề nghị chị Quyên trả xe và tiền thuê nhưng chị Quyên không đồng ý vì chưa hết hạn thuê, hai bên xảy ra tranh chấp. Do đó, anh Cường đã nhờ chị Bình là hòa giải viên tư vấn. Hòa giải viên áp dụng quy định nào của pháp luật để tư vấn?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 480 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về nghĩa vụ sử dụng tài sản thuê đúng công dụng, mục đích như sau:

          1. Bên thuê phải sử dụng tài sản thuê theo đúng công dụng của tài sản và đúng mục đích đã thỏa thuận.

          2. Trường hợp bên thuê sử dụng tài sản không đúng mục đích, không đúng công dụng thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

  Như vậy, chị Bình có thể áp dụng quy định nêu trên để tư vấn cho anh Cường, vì đã thỏa thuận thuê xe để đi du lịch nên chị Quyên phải thực hiện đúng, việc chị Quyên dùng xe để buôn hàng quần áo đã vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng. Do đó, anh Cường có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê xe. Chị Quyên có nghĩa vụ trả lại xe và tiền thuê xe tương ứng với số ngày thuê cho anh Cường.

7. Thấy trời sắp mưa, anh Việt là hàng xóm của ông Cúc chạy sang cất lúa vào bếp cho ông Cúc, nhưng vì số lúa quá nhiều nên anh Việt đã thuê thêm anh Miên cùng làm. Nhờ có sự giúp đỡ của anh Việt mà số thóc nhà ông Cúc không bị ướt. Sau đó, anh Việt có yêu cầu ông Cúc thanh toán số tiền mà anh Việt đã bỏ ra để thuê anh Miên. Ông Cúc chỉ đồng ý trả một nữa số tiền đó vì cho rằng đấy là do anh Việt tự ý thuê chưa có sự đồng ý của ông A. Hai bên to tiếng dẫn đến mâu thuẫn. Anh Việt đã nhờ anh Bách là hòa giải viên tư vấn. Hòa giải viên áp dụng quy định nào của pháp luật để tư vấn?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 576 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về nghĩa vụ thanh toán của người có công việc được thực hiện như sau:

          1. Người có công việc được thực hiện phải tiếp nhận công việc khi người thực hiện công việc không có ủy quyền bàn giao công việc và thanh toán các chi phí hợp lý mà người thực hiện công việc không có ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc, kể cả trường hợp công việc không đạt được kết quả theo ý muốn của mình.

          2. Người có công việc được thực hiện phải trả cho người thực hiện công việc không có ủy quyền một khoản thù lao khi người này thực hiện công việc chu đáo, có lợi cho mình, trừ trường hợp người thực hiện công việc không có ủy quyền từ chối.

Như vậy, Hòa giải viên có thể áp dụng quy định nêu trên để giải thích cho các bên hiểu yêu cầu của anh Việt là phù hợp với quy định của pháp luật. Ông Cúc có nghĩa vụ thanh toán số tiền mà anh Việt bỏ ra để thuê anh Miên cất lúa cho nhà ông Cúc. Đồng thời, ông Cúc còn phải trả cho anh Việt một khoản thù lao nhất định cho việc thực hiện công việc đó, trừ trường hợp anh Việt từ chối.

  8. Anh Song say rượu lái xe loạng choạng và tông vào xe máy của anh Trình đang đi cùng chiều. Anh Song bị xây xước nhẹ nhưng xe máy thì bị vỡ yếm, vỡ đèn. Anh Trình bị ngã nhưng cả người và xe đều an toàn. Anh Song yêu cầu anh Trình phải chịu một nửa tiền chi phí sửa xe. Anh Trình không đồng ý vì anh không có lỗi gì. Hai bên xảy ra mâu thuẫn. Do đó, anh Trình đã nhờ anh Tài là hòa giải viên can thiệp. Anh Tài áp dụng quy định nào của pháp luật để hòa giải?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

           Điều 585 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:

          1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

          2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

          3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

          4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

          5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Như vậy, anh Tài có thể căn cứ quy định nêu trên để giải thích hai bên hiểu thiệt hại của anh Song hoàn toàn do lỗi của anh Song gây ra nên anh Song phải tự chịu trách nhiệm đối với thiệt hại đó. Anh Trình hoàn toàn không có lỗi gì và anh cũng không gây ra thiệt hại đó. Do vậy, anh Trình không phải bồi thường.

9. Anh Tú đi xe máy lấn đường, đâm vào chị Dao làm chị Dao bị gãy chân, phải nghỉ làm mất hai tháng. Anh Tú đã bồi thường cho chị Dao số tiền thuốc, tiền viện phí nhưng chị Dao còn yêu cầu anh Tú phải bồi thường cả số tiền lương hai tháng chị Mai không đi làm được. Do đó, anh Tú đã nhờ bà Ái là hòa giải viên tư vấn.  Bà Ái áp dụng quy định nào của pháp luật để tư vấn?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:

          1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

          a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

          b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

          c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

          d) Thiệt hại khác do luật quy định.

          2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 nêu trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Như vậy, bà Ái có thể áp dụng quy định trên của pháp luật để giải thích cho hai bên hiểu yêu cầu của chị Dao là hoàn toàn hợp lý, ngoài số tiền thuốc, tiền viện phí, anh Tú còn phải bồi thường cho chị Dao thu nhập thực tế chị Dao bị mất (tức là số tiền tương ứng với tiền lương của hai tháng chị Dao không đi làm được do bị gãy chân), chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc chị Dao trong thời gian điều trị (nếu có).

10. Anh Đức đâm xe máy vào ông Sáu làm ông Sáu bị thương nặng, sau hai ngày thì chết. Anh Đức đã trả toàn bộ số tiền chi phí cho việc cứu chữa cho ông Sáu trước khi chết, chi phí cho việc mai táng theo thực tế. Gia đình ông Sáu còn yêu cầu anh Đức phải bồi thường thêm một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho họ. Do đó, anh Đức đã nhờ hòa giải viên Dũng tư vấn. Anh Dũng phải áp dụng quy định nào của pháp luật để tư vấn?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 591 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như sau:

          1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

          a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự;

          b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

          c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

          d) Thiệt hại khác do luật quy định.

          2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 nêu trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

  Như vậy, anh Dũng có thể áp dụng quy định nêu trên để cho anh Đức hiểu, yêu cầu của gia đình ông Sáu là hợp lý, anh Đức phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của ông Sáu. Theo quy định của pháp luật thì mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

11. Do uống rượu say, anh Phước đã đâm xe máy vào cửa hàng của chị Huyền làm vỡ tủ kính. Khi anh Phước tỉnh rượu, chị Huyền yêu cầu anh Phước bồi thường. Anh Phước không đồng ý vì cho rằng do say chứ không cố ý gây thiệt hại cho chị Huyền. Hai bên xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Do đó, chị Huyền đã nhờ hòa giải viên là chị Sương can thiệp. Chị Sương phải áp dụng quy định nào của pháp luật để giải thích cho hai bên?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 596 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra như sau:

          1. Người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.

          2. Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Như vậy, chị Sương có thể áp dụng quy định nêu trên để giải thích cho hai bên hiểu mặc dù anh Phước không cố ý nhưng anh Phước đã uống rượu không làm chủ được hành vi của mình gây thiệt hại nên phải bồi thường cho chị Huyền.

12. Khi  lắp máy nóng lạnh cho nhà bà Sen, do sơ suất anh Tiến làm chập điện làm cháy tivi và toàn bộ hệ thống đèn của bà Sen. Bà Sen bắt cửa hàng K nơi anh Tiến làm việc phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Anh Vinh, chủ cửa hàng K không đồng ý nên đã nhờ hòa giải viên là anh Tín tư vấn. Anh Tín phải áp dụng quy định nào của pháp luật để tư vấn?      

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 597 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra như sau:

          Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Như vậy, anh Tín có thể áp dụng quy định nêu trên để giải thích cho các bên hiểu bà Sen yêu cầu cửa hàng K phải bồi thường toàn bộ thiệt hại là đúng pháp luật. Anh Vinh, chủ cửa hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bà Sen và cũng có quyền yêu cầu anh Tiến phải hoàn trả một khoản tiền (theo quy định của pháp luật). Bởi vì anh Tiến có lỗi trong việc gây thiệt hạị cho ông Sen (sơ suất để chập điện, gây cháy tivi, đèn).

13. Chị Hạnh thế chấp xe ô tô cho ông Sanh để vay tiền. Xe ô tô này đã được bảo hiểm vật chất. Trong một lần sử dụng xe ô tô, chị Hạnh bị tai nạn và được chi trả bảo hiểm vật chất. Sau khi biết sự việc, ông Sanh yêu cầu chị Hạnh thanh toán số tiền chi trả bảo hiểm vật chất xe ô tô cho ông Sanh nhưng chị Hạnh không đồng ý. Hai bên xảy ra mâu thuẩn, tranh chấp. Ông Sanh đã nhờ hòa giải viên là anh Cảnh tư vấn. Anh Cảnh phải áp dụng quy định nào của pháp luật để tư vấn?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 317 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về thế chấp tài sản như sau:

          1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

          2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

          Điều 318 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về tài sản thế chấp như sau:

          1. Trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

          2. Trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ gắn với tài sản đó thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

          3. Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

          4. Trường hợp tài sản thế chấp được bảo hiểm thì bên nhận thế chấp phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp.   Tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

          Trường hợp bên nhận thế chấp không thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp thì tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán cho bên nhận thế chấp.

Như vậy, anh Cảnh có thể áp dụng quy định nêu trên để giải thích cho các bên hiểu về thế chấp tài sản và tài sản thế chấp. Trong trường hợp cụ thể này, khi ông Sanh nhận thế chấp xe ô tô của chị Hạnh thì phải báo với tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng thế chấp. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp là ông Sanh. Tuy nhiên, ông Sanh đã không thông báo cho tổ chức bảo hiểm về vấn đề này nên tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và chị Hạnh có nghĩa vụ thanh toán cho bên nhận thế chấp là ông Sanh. Như vậy, nếu chị Hạnh không thanh toán số tiền chi trả bảo hiểm vật chất xe ô tô cho ông Sanh là không đúng quy định pháp luật.

14. Bà Kim nhận bảo lãnh cho anh Phúc  vay 200 triệu đồng của ông Tý trong thời hạn 12 tháng. Thời hạn vay được 6 tháng thì ông Tý yêu cầu bà Kim phải trả tiền vay cho anh Phúc. Bà Kim không đồng ý vì chưa đến hạn trả nợ và chưa biết anh Phúc có khả năng trả nợ hay không. Tuy nhiên, ông Tý vẫn nhiều lần đòi nợ bà Kim nên hai bên xảy ra mâu thuẩn, tranh chấp. Do đó, bà Kim đã nhờ hòa giải viên của thôn là anh Vui can thiệp. Anh Vui phải áp dụng quy định nào của pháp luật để hòa giải?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 339 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về quan hệ giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh như sau:

          1. Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.

          2. Bên nhận bảo lãnh không được yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi nghĩa vụ chưa đến hạn.

          3. Bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh.

          Như vậy, anh Vui có thể áp dụng quy định nêu trên để giải thích cho hai bên hiểu quy định về quan hệ giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh. Trường hợp anh Phúc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì ông Tý có quyền yêu cầu bên bảo lãnh là bà Kim phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bà Kim chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho anh Phúc trong trường hợp anh Phúc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ. Ông Tý không được yêu cầu bà Kim thực hiện nghĩa vụ thay cho anh Phúc khi nghĩa vụ chưa đến hạn. Như vậy, việc ông Tý nhiều lần đòi bà Kim trả nợ thay anh Phúc khi chưa đến hạn và chưa biết rõ anh Phúc có khả năng trả nợ hay không là không đúng quy định pháp luật.

15. Anh Hải, chị Hồng và chị Xí cùng đứng ra bảo lãnh cho chị Huệ vay 300 triệu đồng từ anh Khá. Phạm vi bảo lãnh là nghĩa vụ trả số tiền gốc 300 triệu đồng, được chia đều cho 3 người. Đến hạn trả nợ, chị Huệ không có khả năng trả nợ nên anh Hải, chị Hồng và chị Xí họp bàn về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho chị Huệ. Do chị Hồng chưa có đủ tiền nên anh Hải thực hiện nghĩa vụ của anh và chị Hồng. Riêng chị Xí được anh Khánh miễn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Tuy nhiên, sau đó anh Khá vẫn yêu cầu anh Hải phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ đầy đủ số tiền mà chị Huệ đã vay. Anh Hải  không đồng ý vì đó không phải là phần nghĩa vụ mà anh thực hiện bảo lãnh. Hai bên xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Anh Hải nhờ anh Quốc là hòa giải viên can thiệp. Anh Quốc phải áp dụng quy định nào của pháp luật để hòa giải?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 338 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về nhiều người cùng bảo lãnh như sau:

          Khi nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập; bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

          Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình.

          Điều 341 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh như sau:

          1. Trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

          2. Trường hợp chỉ một trong số nhiều người cùng bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.

          3. Trường hợp một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại.

Như vậy, anh Quốc có thể áp dụng quy định nêu trên để giải thích cho hai bên hiểu về quy định về nhiều người cùng bảo lãnh và miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Khi anh Hải, chị Hồng và chị Xí cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh. Bên có quyền là anh Khá có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình.

Trường hợp chị Xí phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà anh Khá miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho chị Xí thì chị Huệ không phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ 100 triệu đối với anh Khá. Như vậy, nghĩa vụ trả nợ tiền vay (số tiền gốc) của chị Huệ lúc này là 200 triệu đồng. Số tiền này đã được anh Hải thay mặt những người bảo lãnh trả nợ cho anh Khá. Do đó, việc anh Khá yêu cầu anh Hải phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ số tiền gốc 300 triệu đồng là không đúng pháp luật.

  16. Vinh (18 tuổi) cùng với Hùng (17 tuổi), Lực (16 tuổi), Nam (14 tuổi) đá bóng tại sân chơi của khu tập thể. Trong khi đá bóng, không may các em đá quả bóng vào sân nhà ông Trung làm vỡ chậu cửa kính. Ông Trung không biết phải yêu cầu ai bồi thường nhờ hòa giải viên là anh Vinh tư vấn. Anh Vinh phải áp dụng quy định nào của pháp luật để tư vấn?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 288 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về thực hiện nghĩa vụ liên đới như sau:

          1. Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

          2. Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.

          3. Trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ.

          4. Trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ.

          Điều 586 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau:

          1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

          2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 Bộ luật Dân sự (Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý).

          Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

          3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

          Điều 587 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra như sau:

          Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

Như vậy, anh Vinh có thể áp dụng quy định nêu trên để tư vấn cho ông Trung hiểu: pháp luật dân sự quy định nguyên tắc người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ và kịp thời. Trong trường hợp này Vinh, Hùng, Lực và Nam đá bóng làm vỡ chậu cảnh nhà ông Hùng nên họ có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của từng người trong trường hợp này được xác định: Vinh đủ 18 tuổi gây thiệt hại phải tự bồi thường; Hùng 17 tuổi, Lực 16 tuổi mà có tài sản thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình; Nam 14 tuổi, gây thiệt hại thì cha, mẹ của Nam phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do Nam gây ra; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà Nam có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu. Do đó, ông Trung có quyền yêu cầu bất kỳ ai trong số họ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Trong trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ bồi thường cho ông Trung thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.

17. Do mưa bão nên cây bàng nhà ông Tuấn bị gãy nhiều cành. Khi đi qua đó, anh Duy bị một cành bàng to gãy, rơi xuống làm bị thương ở đầu. Anh Duy yêu cầu ông Tuấn bồi thường thiệt hại nhưng ông Tuấn không đồng ý vì cho rằng ông không làm cho cây gãy. Hai bên đã phát sinh mâu thuẫn. Ông Tuấn đã nhờ hòa giải viên là anh Hải hòa giải? Anh Hải phải áp dụng quy định nào của pháp luật để hòa giải?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 604 Bộ luật dân sự  (năm 2015) quy định về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra như sau: chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.

          Điều 584 Bộ luật dân sự  (năm 2015) quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

          1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật dân sự, luật khác có liên quan quy định khác.

          2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

          3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 nêu trên.

Như vậy, anh Tuấn có thể áp dụng quy định nêu trên phân tích để giải thích cho hai bên hiểu cành cây nhà ông Tuấn gãy, rơi xuống gây thiệt hại cho anh Duy là do sự kiện bất khả kháng (do mưa bão) nên ông Tuấn không phải bồi thường.

18. Tường bao nhà ông Quân bỗng nhiên bị đổ đã làm bị thương hai cháu nhà hàng xóm đang chơi gần đó.Ba của hai cháu là anh Hòa đã yêu cầu ông Quân bồi thường nhưng ông Quân không đồng ý. Hai bên to tiếng dẫn đến mâu thuẫn. Do đó, anh Hòa đã nhờ hòa giải viên là anh Cảnh hòa giải. Anh Cảnh phải áp dụng quy định nào của pháp luật để hòa giải?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 605 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra như sau:

          Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.

          Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.

          Như vậy, anh Cảnh có thể áp dụng quy định nêu trên để giải thích cho các bên hiểu ông Quân phải bồi thường thiệt hại do tường bao nhà mình bị đổ gây thiệt hại cho hai cháu hàng xóm.

  19. Do không có con cái nên vợ chồng chị Ánh và anh Bi thường cãi nhau, dẫn đến mâu thuẫn. Do đó, anh chị thoả thuận nộp đơn lên Toà án thành phố xin ly hôn. Trong thời gian chờ đợi quyết định của Tòa án, không may anh Bi bị tai nạn giao thông chết. Gia đình anh Bi buộc chị Ánh phải trả lại một nửa số tài sản của hai anh chị với lý do anh chị đã có đơn ly hôn gửi Toà án. Chị Ánh đã nhờ hòa giải viên là anh Cảnh tư vấn. Anh Cảnh phải áp dụng quy định nào của pháp luật để tư vấn?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 655 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung; vợ, chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác như sau:

          1. Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.

          2. Trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.

          3. Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.

          Điều 651 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:

          1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

          a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

          b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

          c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

          2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

          3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy, anh Cảnh có thể áp dụng quy định nêu trên để giải thích cho các bên hiểu mặc dù đã có đơn xin ly hôn, nhưng anh Bi và chị Ánh chưa được Tòa án cho ly hôn bằng một bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nên chị Ánh vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế của anh Bi. Cha mẹ anh Bi cũng là người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất như chị Ánh  nhưng không phải là một nửa giá trị tài sản mà chỉ được hưởng 1/3 một nửa tài sản chung của anh Bi và chị Ánh do: tài sản của vợ chồng chị Ánh và anh Bi là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia nên khi có sự kiện để phân chia khối tài sản thì mỗi người chỉ có 1/2 khối tài sản đó; anh Bi  và chị Ánh không có con nên người thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất của anh Bi chỉ có 3 người (cha, mẹ và vợ của anh Bi - chị Ánh).

20. Ông Viên qua đời để lại số tiền riêng của ông gửi tại ngân hàng là 500.000.000 đồng cho vợ là bà Oanh và hai  người con gái là Sương và Tuyết. Dũng là con cả nhưng hay rượu chè, cờ bạc nên trong di chúc, ông Viên không thừa kế lại cho Dũng. Dũng không chịu và đòi mình cũng phải được thừa kế một phần bằng mẹ và các em nên thường xuyên gây gỗ. Do đó, bà Oanh đã nhờ hòa giải viên của thôn là anh Vui can thiệp. Anh Vui phải áp dụng quy định nào của pháp luật để hòa giải?

Trả lời (có tính chất tham khảo)

          Điều 644 Bộ luật Dân sự (năm 2015) quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như sau:

          1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

          a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

          b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

          2. Quy định tại khoản 1 nêu trên không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự.

Như vậy, anh Vui có thể áp dụng quy định nêu trên để giải thích cho anh Dũng hiểu Dũng không thuộc trường hợp những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Do đó, anh Dũng không được hưởng phần di sản của ông Viên để lại.

 

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày