Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tin mới - Tin đọc nhiều
Tin mới
Tin nổi bật
Tin mới
Ngày 27 tháng 12 năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Công ty luật TNHH MTV Công Khánh...
Ngày 06 tháng 12 năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn...
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.496.782
Lượt truy cập hiện tại 3.528
Tình huống pháp luật về quyền dân chủ ở cơ sở; quyền tự do đi lại và cư trú
Ngày cập nhật 27/03/2020

Quy định các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm liên quan đến cư trú

Câu 1: Bà Lê Thị Lan đến cơ quan có thẩm quyền để đăng ký tạm trú. Khi đến làm thủ tục thì cán bộ nhận hồ sơ của bà có thái độ sách nhiễu, gây phiền hà. Bà muốn hỏi, hành vi của cán bộ nhận hồ sơ có bị pháp luật nghiêm cấm không?

Trả lời:

Điều 8 Luật Cư trú năm 2006 quy định các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm như sau:

- Cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú.

- Lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

- Nhận hối lộ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây phiền hà trong việc đăng ký, quản lý cư trú.

- Thu, sử dụng lệ phí đăng ký cư trú trái với quy định của pháp luật.

- Tự đặt ra thời gian, thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu trái với quy định của pháp luật hoặc làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về cư trú.

- Cố ý cấp hoặc từ chối cấp giấy tờ về cư trú trái với quy định của pháp luật.

- Lợi dụng quyền tự do cư trú để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Thuê, cho thuê, làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác có liên quan đến cư trú; sử dụng giấy tờ giả về cư trú; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về cư trú; giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú.

- Tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, môi giới, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú.

- Giải quyết cho đăng ký cư trú khi biết rõ người được cấp đăng ký cư trú không sinh sống tại chỗ ở đó.

- Đồng ý cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người đăng ký cư trú không sinh sống tại chỗ ở đó.

          Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi sách nhiễu, gây phiền hà của cán bộ nhận hồ sơ đối với bà Lan là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

  Pháp luật quy định như thế nào về quyền của công dân về cư trú và những trường hợp nào bị hạn chế quyền tự do cư trú?

Câu 2. Anh Nguyễn Nam đã xin được việc làm tại một công ty của thành phố H, anh hiện đang ở xã A, huyện M. Anh muốn đăng ký tạm trú tại thành phố H để làm việc, anh muốn biết pháp luật quy định như thế nào về quyền của công dân về cư trú và những trường hợp nào bị hạn chế quyền tự do cư trú?

Trả lời:

Điều 9 Luật Cư trú năm 2006 quy định quyền của công dân về cư trú như sau:

- Lựa chọn, quyết định nơi thường trú, tạm trú của mình phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Được cấp, cấp lại, đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú.

- Được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền cư trú.

- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền cư trú của mình.

- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật.

Điều 10 Luật Cư trú năm 2006 quy định các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú như sau:

- Người bị cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

- Người bị Tòa án áp dụng hình phạt cấm cư trú; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án, được hưởng án treo hoặc đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; người đang bị quản chế.

- Người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành.

Như vậy, quyền của công dân về cư trú và những trường hợp nào bị hạn chế quyền tự do cư trú được pháp luật quy định nêu trên, anh Nam nghiên cứu để thực hiện yêu cầu của mình.

Quy định điều kiện để đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương

Câu 3. Anh Hà Văn Tuấn hiện đang thường trú tại thành phố M, đến nay anh Tuấn kết hôn với chị Nguyễn Thị Nga thường trú tại thành phố N. Đến nay, để tìm kiếm việc làm, anh Tuấn và vợ cùng sinh sống tại thành phố N là thành phố trực thuộc trung ương. Anh muốn đăng ký thường trú tại thành phố N, thành phố trực thuộc trung ương, anh hỏi trường hợp anh có đăng ký được không?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú năm 2013 quy định điều kiện để đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, như sau:

Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:

1. Có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên;

2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột;

c) Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

đ) Người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột;

e) Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột;

3. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp;

4. Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình;

5. Trường hợp quy định tại các khoản 1, 3 và 4 nêu trên đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố;

b) Có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về điều kiện diện tích bình quân;

c) Được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;

6. Việc đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật Thủ đô.

Như vậy, anh Tuấn phải được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình và thuộc trường hợp chồng về ở với vợ thì anh được đăng ký thường trú tại thành phố N, thành phố trực thuộc trung ương.

Thủ tục đăng ký thường trú được pháp luật quy định như thế nào?

Câu 4. Chị Dương Thị Anh chuyển đến sinh sống tại phường A, thành phố B, chị muốn đi đăng ký hộ khẩu thường trú. Chị hỏi thủ tục đăng ký thường trú được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Điều 21 Luật Cư trú năm 2006 quy định thủ tục đăng ký thường trú, như sau:

1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:

a) Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;

 b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

2. Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:

a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;

b) Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật Cư trú;

c) Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật Cư trú (Khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú năm 2013).

3. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 nêu trên phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Như vậy, thủ tục đăng ký thường trú được pháp luật quy định như trên, bà Anh nghiên cứu để thực hiện yêu cầu của mình.

Quy định nơi cư trú của người chưa thành niên

Câu 5. Em Nguyễn Văn Hậu năm nay 17 tuổi và hiện vẫn đang sống cùng cha, mẹ. Tuy nhiên, do có tính tự lập từ nhỏ và bản thân em rất thích làm kinh doanh trên mạng, em có thu nhập rất cao từ việc kinh doanh. Vì vậy em muốn được dọn ra ngoài ở riêng, nhưng cha mẹ em không đồng ý, vì lo lắng em dọn ra ngoài ở, gia đình khó chăm sóc và quản lý. Em muốn hỏi, em có thể ra ở riêng được không?

Trả lời

Điều 13 Luật Cư trú năm 2006 quy định nơi cư trú của người chưa thành niên như sau:

- Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.

- Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

Như vậy, trong trường hợp này nơi cư trú của em Hậu là nơi cư trú của cha, mẹ. Em có thể ra ở riêng nếu em có thể thuyết phục được cha, mẹ đồng ý.

 

Quy định xoá đăng ký thường trú

Câu 6. Chị Lê Minh Phương lấy chống được hơn 10 năm, không may trong một lần chống chị đi biển để đánh bắt cá thì mất tích, đến nay cũng không có thông tin liên lạc gì, chị đã làm thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố chồng chị đã chết. Chị muốn hỏi, chống chị bị Tòa án tuyên bố đã chết có thuộc trường hợp xóa đăng ký thường trú không?

Trả lời:

Điều 22 Luật Cư trú năm 2006 quy định xoá đăng ký thường trú như sau:

1. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xoá đăng ký thường trú:

a) Chết, bị Toà án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết;

b) Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại;

c) Đã có quyết định huỷ đăng ký thường trú quy định tại Điều 37 của Luật Cư trú;

d) Ra nước ngoài để định cư;

đ) Đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới; trong trường hợp này, cơ quan đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho công dân ở nơi cư trú mới có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để xoá đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ.

2. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú thì cũng có thẩm quyền xoá đăng ký thường trú.

3. Thủ tục cụ thể xoá đăng ký thường trú và điều chỉnh hồ sơ, tài liệu, sổ sách có liên quan do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên chồng chị Phương thuộc trường hợp xóa đăng ký thường trú.

Quy định sổ hộ khẩu

Câu 7. Anh Dương Đình Cảnh kết hôn với chị Nguyễn Lan Hương, anh muốn cùng vợ mua nhà ở riêng. Anh mua nhà tại thành phố A, tỉnh B để tiện cho vợ chồng đi làm gần nhà. Anh đăng ký thường trú tại thành phố A, anh hỏi anh có được cấp sổ hộ khẩu và anh đứng tên trong chủ hộ được không?

Trả lời:

Điều 24 Luật Cư trú năm 2006 quy định sổ hộ khẩu như sau:

1. Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.

2. Sổ hộ khẩu bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại.

3. Bộ Công an phát hành mẫu sổ hộ khẩu và hướng dẫn việc cấp, cấp lại, đổi, sử dụng, quản lý sổ hộ khẩu thống nhất trong toàn quốc.

Điều 25 Luật Cư trú năm 2006 quy định sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình như sau:

1. Sổ hộ khẩu được cấp cho từng hộ gia đình. Mỗi hộ gia đình cử một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ làm chủ hộ để thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú. Trường hợp không có người từ đủ mười tám tuổi trở lên hoặc có người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì được cử một người trong hộ làm chủ hộ.

Những người ở chung một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột thì có thể được cấp chung một sổ hộ khẩu.

2. Nhiều hộ gia đình ở chung một chỗ ở hợp pháp thì mỗi hộ gia đình được cấp một sổ hộ khẩu.

3. Người không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 nêu trên nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật Cư trú, khoản 2 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú (2013) và được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình thì được nhập chung vào sổ hộ khẩu đó.

Như vậy, anh Cảnh được cấp sổ hộ khẩu khi đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của anh và khi được gia đình cử thì anh được đứng tên trong chủ hộ.

Quy định sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân

Câu 8. Anh Trần Văn Nhân hiện đang chung sống với gia đình gồm có bố, mẹ, vợ chồng anh trai anh Nhân. Vì gia đình đông đúc, chật chội và cũng vì yêu cầu công việc cần yên tĩnh, nên anh đã xây thêm một căn phòng độc lập dành riêng cho anh. Đến nay anh Nhân muốn được cấp sổ hộ khẩu cho cá nhân. Anh Nhân muốn biết anh thuộc trường hợp được cấp sổ hộ khẩu cho cá nhân không?

Trả lời:

Điều 26 Luật Cư trú năm 2006 quy định sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân như sau:

1. Sổ hộ khẩu được cấp cho cá nhân thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có chỗ ở độc lập với gia đình của người đó, người sống độc thân, người được tách sổ hộ khẩu theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú;

b) Người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền, phương tiện hành nghề lưu động khác, nếu họ không sống theo hộ gia đình;

c) Thương binh, bệnh binh, người thuộc diện chính sách ưu đãi của Nhà nước, người già yếu, cô đơn, người tàn tật và các trường hợp khác được cơ quan, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung;

d) Chức sắc tôn giáo, nhà tu hành hoặc người khác chuyên hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo mà sống tại cơ sở tôn giáo.

2. Người không thuộc đối tượng quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 25 nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật Cư trú, khoản 2 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú (2013) và được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân thì được nhập chung vào sổ hộ khẩu đó.

Như vậy, theo quy định nêu trên, anh Nhân thuộc trường hợp được cấp sổ hộ khẩu cho cá nhân.

Quy định tách sổ hộ khẩu

Câu 9. Anh Nguyễn Văn Long kết hôn với chị Lê Thị Sang, vợ chồng anh hiện đang chung sống với gia đình anh, gồm có bố, mẹ, vợ chồng em trai anh. Anh Long muốn tách hộ khẩu, vì vậy anh muốn biết trường hợp nào cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu?

Trả lời:

Điều 27 Luật Cư trú năm 2006 quy định tách sổ hộ khẩu như sau:

1. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:

a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;

b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật Cư trú năm 2006 mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.

2. Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 nêu trên.

3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Như vậy, những trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu được pháp luật quy định như trên. Anh Long tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

Quy định giấy chuyển hộ khẩu

          Câu 10. Vợ chồng anh Trần Hà đang ở tại xã A, huyện B, tỉnh K, hai vợ chồng mới mua ngôi nhà mới tại xã M, huyện B, tỉnh K. Anh Hà biết khi chuyển nơi thường trú thì được cấp giấy chuyển hộ khẩu. Anh hỏi trong trường hợp của anh thì cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu?

Trả lời:

Điều 28 Luật Cư trú năm 2006 quy định giấy chuyển hộ khẩu như sau:

1. Công dân khi chuyển nơi thường trú thì được cấp giấy chuyển hộ khẩu.

2. Giấy chuyển hộ khẩu được cấp cho công dân trong các trường hợp sau đây:

a) Chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh;

b) Chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

3. Thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu được quy định như sau:

a) Trưởng Công an xã, thị trấn cấp giấy chuyển hộ khẩu cho trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 nêu trên;

b) Trưởng Công an huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương, Trưởng Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp giấy chuyển hộ khẩu cho trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 nêu trên.

4. Hồ sơ cấp giấy chuyển hộ khẩu bao gồm sổ hộ khẩu và phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

5. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp giấy chuyển hộ khẩu cho công dân.

Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được thông báo tiếp nhận của cơ quan quản lý cư trú nơi công dân chuyển hộ khẩu đến, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có người chuyển đi phải chuyển hồ sơ đăng ký, quản lý hộ khẩu cho Công an cùng cấp nơi người đó chuyển đến.

6. Công dân thuộc một trong các trường hợp sau đây không phải cấp giấy chuyển hộ khẩu:

a) Chuyển đi trong phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh; chuyển đi trong cùng một huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; chuyển đi trong cùng một thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

b) Học sinh, sinh viên, học viên học tại nhà trường và cơ sở giáo dục khác;

c) Đi làm nghĩa vụ quân sự, phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân;

d) Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại hoặc nhà ở tập thể;

đ) Chấp hành hình phạt tù; chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc, quản chế.

Như vậy, trong trường hợp của anh Hà, thì Trưởng Công an xã có thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu.

Quy định điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu

Câu 11. Vợ chồng anh Vương Đình Kiên sinh sống cùng bố mẹ anh Kiên. Thời gian trước gia đình anh Kiên có sổ hộ khẩu chung với bố mẹ anh và do bố anh đứng tên chủ hộ. Đến nay, bố của anh đã mất, anh muốn thay đổi chủ hộ và điều chỉnh trong sổ hộ khẩu. Anh muốn biết khi làm thủ tục thay đổi chủ hộ, anh phải chuẩn bị giấy tờ gì?

Trả lời:

Điều 29 Luật Cư trú năm 2006 quy định điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu như sau:

1. Trường hợp có thay đổi chủ hộ thì hộ gia đình phải làm thủ tục thay đổi chủ hộ. Người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến của chủ hộ hoặc người khác trong gia đình về việc thay đổi chủ hộ.

2. Trường hợp có thay đổi về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh hoặc các thay đổi khác về hộ tịch của người có tên trong sổ hộ khẩu thì chủ hộ hoặc người có thay đổi hoặc người được uỷ quyền phải làm thủ tục điều chỉnh. Người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy khai sinh hoặc quyết định được phép thay đổi của cơ quan có thẩm quyền về đăng ký hộ tịch; nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

3. Trường hợp có thay đổi địa giới hành chính, đơn vị hành chính, đường phố, số nhà thì cơ quan quản lý cư trú có thẩm quyền căn cứ vào quyết định thay đổi địa giới hành chính, đơn vị hành chính, đường phố, số nhà của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đính chính trong sổ hộ khẩu.

4. Trường hợp chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới trong phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh; chuyển đi trong cùng một huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; chuyển đi trong cùng một thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì chủ hộ hoặc người trong hộ hoặc người được uỷ quyền phải làm thủ tục điều chỉnh. Người đến làm thủ tục điều chỉnh phải nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; xuất trình sổ hộ khẩu; giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp mới.

5. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật Cư trú năm 2006 phải điều chỉnh, bổ sung các thay đổi trong sổ hộ khẩu.

6. Trường hợp làm thủ tục điều chỉnh thay đổi trong sổ hộ khẩu thì người đến làm thủ tục phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; đối với người chưa thành niên thì việc làm thủ tục phải thông qua người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật về dân sự.

Như vậy, theo quy định tại khoản 1 nêu trên, khi làm thủ tục thay đổi chủ hộ anh Kiên phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến của người trong gia đình về việc thay đổi chủ hộ.

Quy định đăng ký tạm trú

          Câu 12. Chị Phạm Mộc Nhiên đến thành phố H để chuẩn bị nhập học đại học. chị đang thuê nhà tại đường LH, phường M, thành phố H, chị muốn đăng ký tạm trú để hoc đại học tại đây. Chị hỏi, trong thời hạn bao nhiêu ngày phải đăng ký tạm trú, đăng ký ở đâu và trong thời hạn bao lâu được cấp sổ tạm trú?

          Trả lời:

Điều 30 Luật Cư trú năm 2006 quy định đăng ký tạm trú như sau:

1. Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ.

2. Người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.

3. Người đến đăng ký tạm trú phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đã đăng ký thường trú; giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở đó; nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản khai nhân khẩu; trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

4. Trưởng Công an xã, phường, thị trấn trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 3 nêu trên phải cấp sổ tạm trú theo mẫu quy định của Bộ Công an.

Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và không xác định thời hạn.

Việc điều chỉnh thay đổi về sổ tạm trú được thực hiện theo quy định tại Điều 29 của Luật Cư trú năm 2006. Sổ tạm trú bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại. Trường hợp đến tạm trú tại xã, phường, thị trấn khác thì phải đăng ký lại.

5. Trường hợp người đã đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống, làm việc, lao động, học tập từ sáu tháng trở lên tại địa phương đã đăng ký tạm trú thì cơ quan đã cấp sổ tạm trú phải xoá tên người đó trong sổ đăng ký tạm trú.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến, Chị Nhiên phải đăng ký tạm trú tại Công an phường M.Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ quy định thì Trưởng Công an phường M phải cấp sổ tạm trú cho chị.        Quy định khai báo tạm vắng

Câu 13. Anh Nguyễn Vui hiện đang thường trú tại xã A, huyện M, tỉnh K, là bị can trong vụ án “Cướp tài sản”, hiện anh Vui đang được tại ngoại. Sắp tới có ngày giỗ ông nội ở quê anh tại xã N, huyện P, tỉnh B, nên anh muốn về quê 01 ngày để lo việc kỵ giỗ cho ông nội. Anh muốn biết anh có khai báo tạm vắng trong trường hợp này không và khai báo với cơ quan nào?

Trả lời:

Điều 32 Luật Cư trú năm 2006 quy định khai báo tạm vắng như sau:

1. Bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo; người bị phạt cải tạo không giam giữ; người đang bị quản chế; người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành khi đi khỏi nơi cư trú từ một ngày trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng.

2. Người trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên đi khỏi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi mình cư trú từ ba tháng trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng.

3. Người quy định tại khoản 1 và khoản 2 nêu trên phải khai báo tạm vắng tại Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú. Khi đến khai báo tạm vắng phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân và ghi vào phiếu khai báo tạm vắng.

4. Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn nội dung khai báo, kiểm tra nội dung khai báo, ký xác nhận vào phần phiếu cấp cho người khai báo tạm vắng.

Như vậy, theo quy định nêu trên, trường hợp của anh Vui là bị can được tại ngoại, về quê 01 ngày thì anh phải khai báo tạm vắng tại Công an xã A nơi anh cư trú.

Giấy tờ tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú là giấy tờ gì?

Câu 14. Anh Hoàng Văn Dương hiện đang làm việc và sinh sống tại thành phố M, đến nay anh Dương muốn đăng ký thường trú tại thành phố M. Anh đang làm hồ sơ để đăng ký thường trú, trong đó có quy định là giấy tờ tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Anh Dương muốn biết giấy tờ tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú là giấy tờ gì?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú quy định như sau:

1. Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú là một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

a) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của công dân là một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ;

- Giấy tờ về quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai (đã có nhà ở trên đất đó);

- Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp phải cấp giấy phép);

- Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

- Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;

- Giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã);

- Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình di dân theo kế hoạch của Nhà nước hoặc các đối tượng khác;

- Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;

- Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;

- Giấy tờ chứng minh về đăng ký tàu, thuyền, phương tiện khác thuộc quyền sở hữu và địa chỉ bến gốc của phương tiện sử dụng để ở. Trường hợp không có giấy đăng ký thì cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc có tàu, thuyền, phương tiện khác sử dụng để ở thuộc quyền sở hữu hoặc xác nhận việc mua bán, tặng cho, đổi, thừa kế tàu, thuyền, phương tiện khác và địa chỉ bến gốc của phương tiện đó.

b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cơ quan, tổ chức hoặc của cá nhân (trường hợp văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cá nhân phải được công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã). Đối với nhà ở, nhà khác tại thành phố trực thuộc trung ương phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý băng văn bản;

c) Giấy tờ của cơ quan, tổ chức, cơ sở tôn giáo về việc công dân có chỗ ở thuộc trường hợp quy định tại Điểm c, Điểm d Khoản 1 Điều 26 của Luật Cư trú năm 2006;

d) Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).

Như vậy, giấy tờ tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký thường trú được pháp luật quy định như đã nêu trên. Anh Dương tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

Quy định điều kiện công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương

Câu 15. Anh Lê Trung Định làm việc tại thành phố Đ đã gần 5 năm. Anh đã đăng ký tạm trú tại thành phố Đ, thành phố trực thuộc trung ương, đến nay anh muốn đăng ký thường trú tại thành phố Đ. Anh hỏi, đối với công dân tạm trú thì cần có điều kiện gì để được đăng ký thường trú tại thành phố Đ, thành phố trực thuộc trung ương?

Trả lời:

Điều 8 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú quy định điều kiện công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, như sau:

- Công dân đang tạm trú nếu có đủ các điều kiện dưới đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:

a) Có chỗ ở hợp pháp tại thành phố trực thuộc trung ương;

b) Có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố trực thuộc trung ương từ một năm trở lên đối với trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương; từ hai năm trở lên đối với trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương;

Trường hợp tạm trú liên tục tại nhiều chỗ ở khác nhau thì thời gian tạm trú liên tục được tính bằng tổng thời gian tạm trú tại các chỗ ở đó;

c) Nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.

- Thời hạn tạm trú liên tục được tính từ ngày công dân đăng ký tạm trú đến ngày công dân nộp hồ sơ đăng ký thường trú.

- Giấy tờ chứng minh thời hạn tạm trú là sổ tạm trú cấp cho hộ gia đình hoặc cấp cho cá nhân theo mẫu quy định của Bộ Công an.

- Trường hợp đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 19 của Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô.

Như vậy, điều kiện để công dân tạm trú được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương được pháp luật quy định như trên. Anh Định nghiên cứu để thực hiện yêu cầu của mình.

Quy định về đăng ký thường trú

Câu 16. Chị Nguyễn Thị Khôi hiện đang thường trú tại nhà bố mẹ ở xã X, huyện N. Chị Khôi lấy chồng và chuyển hộ khẩu về nhà chồng tại xã M, huyện N. Hiện nay, chị vẫn đi làm tại xã X, gần nhà bố mẹ, chị Khôi hỏi: chị muốn đăng ký thường trú thêm tại nhà bố mẹ có được không?

 Trả lời:

Khoản 1, 2 và 3 Điều 5 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú quy định như sau:

1. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống.

Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Đối với chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân, tổ chức tại thành phố trực thuộc trung ương phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố.

2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại Khoản 1 nêu trên, thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống và có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn.

3. Chỗ ở hợp pháp bao gồm:

a) Nhà ở;

b) Tàu, thuyền, phương tiện khác nhằm mục đích để ở và phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân;

c) Nhà khác không thuộc Điểm a, Điểm b nêu trên nhưng được sử dụng nhằm mục đích để ở và phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.

Như vậy, chị Khôi chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi chị thường xuyên sinh sống. Chị không thể đăng ký thường trú thêm tại nhà bố mẹ của mình.

Quy định không đăng ký thường trú khi công dân chuyển đến chỗ ở mới

Câu 17. Do làm ăn thua lỗ và phải bán đi ngôi nhà của mình nên vợ chồng anh Phạm Phú Quý mua ngôi nhà và diện tích đất 130m2 tại xã B, huyện V. Vì đây là khu vực đã có phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên vợ chồng anh mua với giá rẻ. Sau này, nghe nhiều người nói vợ chồng anh không đăng ký thường trú được trong trường hợp này. Anh Quý muốn biết anh có được đăng ký thường trú tại đây không?

Trả lời:

Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú quy định như sau:

Không đăng ký thường trú khi công dân chuyển đến chỗ ở mới, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn chiếm mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng;

b) Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn chiếm trái phép;

c) Chỗ ở đã có phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp những người có quan hệ là ông, bà nội, ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con chuyển đến ở với nhau);

d) Chỗ ở bị kê biên, tịch thu để thi hành án, trưng mua theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên, vợ chồng anh Quý không được đăng ký thường trú tại nơi ở mới này, vì chỗ ở này đã có phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Quy định thời hạn đăng ký thường trú

Câu 18. Vợ chồng anh Vương Kha hiện đang làm việc và sinh sống tại thành phố B, đến nay anh Kha muốn đăng ký thường trú tại thành phố B. Anh Kha muốn biết thời hạn đăng ký thường trú bao nhiêu lâu?

Trả lời:

 

Điều 7 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú quy định thời hạn đăng ký thường trú, như sau:

1. Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới và có đủ điều kiện đăng ký thường trú thì người thay đổi chỗ ở hợp pháp hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú tại chỗ ở mới.

2. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của người có sổ hộ khẩu, người được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ của mình hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú.

3. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày trẻ em được đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, người giám hộ, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ em đó.

Như vậy, Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới và có đủ điều kiện đăng ký thường trú thì anh Kha có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú tại chỗ ở mới.

Quy định các nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú

Câu 19. Vợ chồng chị Lê Thị Sen mới chuyển đến cư trú tại thành phố A, tỉnh B. Gia đình chị Sen muốn đăng ký thường trú tại nơi ở mới. Chị Sen muốn biết chị phải tuân thủ những nguyên tắc như thế nào về cư trú và quản lý cư trú?

Trả lời:

Điều 4 Luật Cư trú năm 2006 quy định các nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú như sau:

- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

- Bảo đảm hài hoà quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và xã hội; kết hợp giữa việc bảo đảm quyền tự do cư trú, các quyền cơ bản khác của công dân và trách nhiệm của Nhà nước với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

- Trình tự, thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú phải đơn giản, thuận tiện, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, không gây phiền hà; việc quản lý cư trú phải bảo đảm hiệu quả.

- Mọi thay đổi về cư trú phải được đăng ký; mỗi người chỉ được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại một nơi.

Như vậy, chị Sen phải tuân thủ những nguyên tắc về cư trú và quản lý cư trú như đã nêu trên.

Câu 20. Anh Lê Thanh Lý bị Tòa án nhân dân huyện M, tỉnh K tuyên phạt  24 tháng tù giam nhưng cho hưởng án treo về tội “Trộm cắp tài sản”. Anh Lý muốn chuyển đến thành phố Đ để thay đổi môi trường sống. Anh muốn biết, trường hợp của anh có được đăng ký thay đổi nơi cư trú không?

Quy định các trường hợp tạm thời chưa được giải quyết thủ tục thay đổi nơi cư trú

Trả lời:

Điều 4 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 09 năm 2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú quy định các trường hợp sau đây tạm thời chưa được giải quyết thủ tục thay đổi nơi cư trú:

1. Người dưới đây, trong thời gian bị hạn chế quyền tự do cư trú thì tạm thời chưa được giải quyết thủ tục thay đổi nơi cư trú (trừ trường hợp có sự đồng ý cho thay đổi nơi cư trú bằng văn bản của cơ quan đã áp dụng biện pháp đó):

a) Người đang bị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú;

b) Người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án, được hưởng án treo hoặc đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; người đang bị quản chế;

c) Người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành.

2. Người đang bị áp dụng hình phạt cấm cư trú thì không giải quyết các thủ tục về đăng ký thường trú, tạm trú tại những địa phương mà Tòa án cấm người đó cư trú.

Như vậy, căn cứ vào quy định trên của pháp luật, trường hợp của anh Lý chưa được giải quyết thủ tục thay đổi nơi cư trú.

Hồ sơ đăng ký thường trú

Câu 21. Vợ chồng anh Nguyễn Đình Trung hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố M, vợ chồng anh chỉ đăng ký tạm trú, đến nay anh Trung muốn đăng ký thường trú tại thành phố M, anh muốn hỏi hồ sơ đăng ký thường trú gồm những giấy tờ gì?

Trả lời:

Điều 6 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 09 năm 2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú quy định như sau:

1. Hồ sơ đăng ký thường trú, bao gồm:

a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;

b) Bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);

c) Giấy chuyển hộ khẩu (đối với các trường hợp phải cấp giấy chuyển hộ khẩu quy định tại khoản 2 Điều 28 Luật Cư trú năm 2006);

d) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CPngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú (sau đây viết gọn là Nghị định số 31/2014/NĐ-CP). Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên; trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Đối với chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương.

Trường hợp có quan hệ gia đình là ông, bà nội, ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, cháu ruột chuyển đến ở với nhau; người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng, người khuyết tật mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với người giám hộ thì không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây viết gọn là Ủy ban nhân dân cấp xã) về mối quan hệ nêu trên.

2. Hồ sơ đăng ký thường trú đối với một số trường hợp cụ thể

Ngoài các giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ đăng ký thường trú hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, các trường hợp dưới đây phải có thêm giấy tờ sau:

a) Trẻ em đăng ký thường trú theo quy định tại Điều 13 Luật Cư trú, khi đăng ký thường trú phải có giấy khai sinh;

b) Người chưa thành niên nếu không đăng ký thường trú cùng cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ mà đăng ký thường trú cùng với người khác thì phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã;

c) Người được cơ quan, tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung khi đăng ký thường trú thì cơ quan, tổ chức đó có văn bản đề nghị. Trường hợp được cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung thì cá nhân đó có văn bản đề nghị có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã. Văn bản đề nghị cần nêu rõ các thông tin cơ bản của từng người như sau: Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nguyên quán, dân tộc, quốc tịch, tôn giáo, số chứng minh nhân dân, nơi thường trú trước khi chuyển đến, địa chỉ chỗ ở hiện nay;

d) Người sinh sống tại cơ sở tôn giáo khi đăng ký thường trú phải có giấy tờ chứng minh là chức sắc tôn giáo, nhà tu hành hoặc người khác chuyên hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo;

Chức sắc tôn giáo, nhà tu hành hoặc người khác chuyên hoạt động tôn giáo thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo, khi đăng ký thường trú tại các cơ sở tôn giáo phải có giấy tờ chứng minh việc thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo;

đ) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài, giấy tờ thay hộ chiếu do nước ngoài cấp còn giá trị hoặc không có hộ chiếu nhưng có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp nay trở về Việt Nam thường trú, khi đăng ký thường trú phải có giấy tờ hồi hương do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp (nếu người đó ở nước ngoài) hoặc văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú của Cục Quản lý xuất nhập cảnh (nếu người đó đang tạm trú ở trong nước), kèm theo giấy giới thiệu do Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh nơi người đó xin thường trú cấp;

e) Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu còn giá trị sử dụng trở về Việt Nam thường trú khi đăng ký thường trú phải có hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu có dấu kiểm chứng của lực lượng kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu;

g) Người nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam khi đăng ký thường trú phải có giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam;

h) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân, viên chức Công an nhân dân ở trong doanh trại của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân khi đăng ký thường trú ngoài doanh trại thì phải có giấy giới thiệu hoặc xác nhận của Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp (ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của đơn vị mình). Trường hợp đã đăng ký thường trú ngoài doanh trại khi thay đổi nơi đăng ký thường trú phải có giấy chuyển hộ khẩu;

i) Cá nhân được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình khi đăng ký thường trú phải có ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chữ ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

3. Nơi nộp hồ sơ đăng ký thường trú

a) Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;

b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

          Như vậy, hồ sơ đăng ký thường trú gồm những giấy tờ nêu trên, anh Trung nghiên cứu để thực hiện yêu cầu của mình.

          Quy định về thông báo lưu trú

Câu 22. Nhà chị Nguyễn Thị Châu có em gái từ quê ra chơi và ở lại qua đêm. Chị Châu nghĩ rằng em gái chị chỉ ở chơi có vài ngày nên đã không thông báo với công an phường về sự có mặt của em gái chị. Đến khi có người hàng xóm nói với chị về việc em gái chị ở lại nhà chị nhiều ngày mà chị không thông báo với cơ quan có thẩm quyền là vi phạm pháp luật. Chị muốn biết việc làm của chị có vi phạm pháp luật không?

Trả lời:

Điều 31 Luật Cư trú năm 2006, khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú năm 2013 quy định như sau:

1. Lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú.

2. Đại diện gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác khi có người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn; trường hợp người đến lưu trú tại nhà ở của gia đình, nhà ở tập thể mà chủ gia đình, nhà ở tập thể đó không đăng ký thường trú tại địa bàn xã, phường, thị trấn đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp hoặc bằng điện thoại hoặc qua mạng Internet, mạng máy tính. Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thông báo địa điểm, địa chỉ mạng Internet, địa chỉ mạng máy tính, số điện thoại nơi tiếp nhận thông báo lưu trú cho nhân dân biết.”

3. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ, nếu người đến lưu trú sau 23 giờ thì thông báo lưu trú vào sáng ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.

4. Việc thông báo lưu trú được ghi chép vào sổ tiếp nhận lưu trú.

Như vậy,căn cứ vào quy định nêu trên của pháp luật, việc chị Châu không thông báo lưu trú cho em gái của chị như trên là vi phạm pháp luật.

Quy định về nơi cư trú của công dân

Câu 23. Anh Phan Lê Phương có hộ khẩu thường trú tại xã A, huyện B, tỉnh H. Sau khi tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố M sinh sống và làm việc. Anh Phương cũng đã đăng ký tạm trú tại thành phố M. Anh Phương muốn biết, trong trường hợp của anh, nơi cư trú được xác định như thế nào?

Trả lời:

Tại Điều 12 Luật Cư trú năm 2006 quy định về nơi cư trú của công dân như sau:

1. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.

Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.

Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.

2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 nêu trên thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống.

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên, nơi cú trú của anh Phương được xác định là thành phố M.

Thời hạn để điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu là bao nhiêu ngày?

Câu 24. Do giấy khai sinh của anh Dương Văn Lân không đúng ngày tháng năm sinh, nên anh đã làm lại giấy khai sinh. Vì vậy, ngày tháng năm sinh trong sổ hộ khẩu không đúng, anh muốn điều chỉnh ngày tháng năm sinh của anh trong sổ hộ khẩu cho khớp với giấy khai sinh. Anh muốn biết thời hạn để điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu là bao nhiêu ngày?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 12 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 09 năm 2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú quy định như sau:

Thời hạn điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày có quyết định thay đổi về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh hoặc các thay đổi khác về hộ tịch của cơ quan có thẩm quyền thì chủ hộ hoặc người có thay đổi hoặc người đại diện trong hộ phải làm thủ tục điều chỉnh trong sổ hộ khẩu;

b) Trong thời hạn 03 (ba) tháng, kể từ ngày có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thay đổi địa giới hành chính, đơn vị hành chính, đường phố, số nhà thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thông báo để công dân đến làm thủ tục điều chỉnh trong sổ hộ khẩu. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày có thông báo của cơ quan đăng ký cư trú, công dân có trách nhiệm đến để làm thủ tục điều chỉnh trong sổ hộ khẩu;

c) Trong thời hạn 12 (mười hai) tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới trong phạm vi xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh; trong cùng một huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố, thị xã thuộc tỉnh thì chủ hộ hoặc người trong hộ hoặc người được ủy quyền phải làm thủ tục điều chỉnh trong sổ hộ khẩu.

3. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải thông báo cho tàng thư căn cước công dân và Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người có thay đổi.

4. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, Công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh có trách nhiệm chuyển hồ sơ điều chỉnh, bổ sung cho Công an huyện lưu tàng thư hồ sơ hộ khẩu. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Công an huyện phải thông báo cho tàng thư căn cước công dân.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định thay đổi ngày tháng năm sinh anh Lân phải làm thủ tục điều chỉnh trong sổ hộ khẩu.

Thời hạn tạm trú theo quy định của pháp luật là bao nhiêu ngày?

Câu 25. Chị Nguyễn Châu Anh hiện đang đi làm tại thành phố B và chị đang tạm trú tại thành phố này, chị muốn biết thời hạn tạm trú theo quy định của pháp luật là bao nhiêu ngày và chị có phải gia hạn tạm trú hay không?

Trả lời:

Điều 17 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 09 năm 2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú năm 2006 và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú quy định như sau:

1. Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú theo quy định tại Điều 30 Luật Cư trú và quy định tại Thông tư này, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và có thời hạn tối đa là hai mươi bốn tháng.

Thời hạn tạm trú theo đề nghị của công dân nhưng tối đa không quá hai mươi bốn tháng. Hết thời hạn tạm trú, hộ gia đình hoặc cá nhân vẫn tiếp tục tạm trú thì đại diện hộ gia đình hoặc cá nhân đến cơ quan Công an nơi cấp sổ tạm trú làm thủ tục gia hạn tạm trú; thời hạn tạm trú của mỗi lần gia hạn tối đa không quá thời hạn còn lại của sổ tạm trú. Trường hợp sổ tạm trú hết thời hạn sử dụng mà hộ gia đình hoặc cá nhân vẫn tiếp tục tạm trú tại đó thì đại diện hộ gia đình hoặc cá nhân đến cơ quan Công an nơi cấp sổ tạm trú làm thủ tục cấp lại sổ tạm trú.

Mỗi hộ gia đình đăng ký tạm trú thì được cử một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ làm chủ hộ để thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú. Trường hợp không có người từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc có người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì được cử một người trong hộ làm chủ hộ.

Học sinh, sinh viên, học viên ở tập trung trong ký túc xá, khu nhà ở của học sinh, sinh viên, học viên; người lao động ở tập trung tại các khu nhà ở của người lao động thì cá nhân, cơ quan, tổ chức phải có văn bản đề nghị đăng ký tạm trú, kèm theo danh sách và được ghi vào sổ đăng ký tạm trú. Danh sách bao gồm các thông tin cơ bản của từng cá nhân: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nguyên quán; dân tộc; tôn giáo; số chứng minh nhân dân; nghề nghiệp, nơi làm việc; nơi thường trú; nơi tạm trú, thời hạn tạm trú. Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xác nhận về việc đã đăng ký tạm trú vào danh sách đăng ký tạm trú của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Trường hợp cá nhân có nhu cầu cấp sổ tạm trú riêng thì được cấp riêng.

2. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày trước ngày hết thời hạn tạm trú, cá nhân, cơ quan, tổ chức đến cơ quan Công an nơi đăng ký tạm trú để làm thủ tục gia hạn tạm trú.

a) Hồ sơ gia hạn tạm trú, bao gồm:

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;

- Sổ tạm trú;

- Đối với trường hợp học sinh, sinh viên, học viên ở tập trung trong ký túc xá, khu nhà ở của học sinh, sinh viên, học viên; người lao động ở tập trung tại các khu nhà ở của người lao động thì phải có văn bản đề nghị gia hạn tạm trú kèm theo danh sách.

b) Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Công an xã, phường, thị trấn phải gia hạn tạm trú cho công dân.

3. Trường hợp sổ tạm trú hư hỏng thì được đổi, sổ tạm trú bị mất hoặc hết thời hạn sử dụng thì được cấp lại. Sổ tạm trú được đổi, cấp lại có số, nội dung như sổ đã được cấp trước đó.

a) Hồ sơ đổi, cấp lại sổ tạm trú bao gồm:

- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;

- Sổ tạm trú (đối với trường hợp sổ tạm trú bị hư hỏng hoặc hết thời hạn sử dụng).

b) Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Công an xã, phường, thị trấn phải đổi, cấp lại sổ tạm trú cho công dân.

4. Công dân thay đổi nơi tạm trú ngoài phạm vi xã, phường, thị trấn thì được cấp sổ tạm trú mới.

5. Quá trình đăng ký tạm trú nếu có sai sót của cơ quan đăng ký trong khi ghi sổ tạm trú thì trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày công dân đề nghị, cơ quan đăng ký tạm trú phải có trách nhiệm điều chỉnh trong sổ tạm trú cho phù hợp với hồ sơ đăng ký tạm trú.

6. Người tạm trú có trách nhiệm bảo quản, sử dụng sổ tạm trú theo đúng quy định. Phải xuất trình sổ tạm trú khi cán bộ Công an có thẩm quyền kiểm tra. Nghiêm cấm sửa chữa, tẩy xóa, thế chấp, cho mượn, cho thuê hoặc sử dụng sổ tạm trú trái pháp luật.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thời hạn tạm trú theo đề nghị của công dân nhưng tối đa không quá hai mươi bốn tháng. Hết thời hạn tạm trú, nếu chị Anh vẫn tiếp tục tạm trú thì đến cơ quan Công an nơi cấp sổ tạm trú làm thủ tục gia hạn tạm trú.

Sổ hộ khẩu bị hư hỏng vậy có đổi lại không và hồ sơ đổi sổ hộ khẩu được pháp luật quy định gồm những hồ sơ nào?

Câu 26. Chị Trần Thị Hậu trong lần sử dụng sổ hổ khẩu không cất vào tủ, con của chị không biết cầm chơi và lấy kéo cắt làm hỏng sổ hộ khẩu. Chị muốn biết sổ hộ khẩu bị hư hỏng vậy có đổi lại không và hồ sơ đổi sổ hộ khẩu được pháp luật quy định gồm những hồ sơ nào?

Trả lời:

Điều 10 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 09 năm 2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú quy định như sau:

1. Sổ hộ khẩu được cấp cho cá nhân hoặc hộ gia đình đã đăng ký thường trú theo quy định tại Điều 24, Điều 25 và Điều 26 Luật Cư trú. Sổ hộ khẩu có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.

Công dân thay đổi nơi thường trú ngoài phạm vi xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh, ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài phạm vi thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì được cấp sổ hộ khẩu mới.

2. Trường hợp sổ hộ khẩu bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại. Sổ hộ khẩu được đổi, cấp lại có số, nội dung như sổ hộ khẩu đã cấp trước đây. Hồ sơ đổi, cấp lại sổ hộ khẩu bao gồm:

a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Trường hợp cấp lại sổ hộ khẩu tại thành phố, thị xã thuộc tỉnh và quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;

b) Sổ hộ khẩu (đối với trường hợp đổi sổ hộ khẩu do bị hư hỏng) hoặc sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể (đối với trường hợp đổi từ mẫu sổ cũ đổi sang mẫu số mới).

Cơ quan đăng ký cư trú thu lại sổ hộ khẩu bị hư hỏng hoặc sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể và đóng dấu hủy để lưu hồ sơ hộ khẩu.

3. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú phải đổi, cấp lại sổ hộ khẩu.

4. Trong quá trình đăng ký thường trú, nếu có sai sót trong sổ hộ khẩu do lỗi của cơ quan đăng ký thì trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của công dân, cơ quan đăng ký thường trú phải có trách nhiệm điều chỉnh sổ hộ khẩu cho phù hợp với hồ sơ gốc.

5. Người có nhu cầu tách sổ hộ khẩu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú thì chủ hộ phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu đồng ý cho tách sổ hộ khẩu, ký, ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm. Khi tách sổ hộ khẩu không cần xuất trình giấy tờ về chỗ ở hợp pháp.

6. Trưởng Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Trưởng công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh là người có thẩm quyền ký sổ hộ khẩu.

7. Người trong hộ gia đình có trách nhiệm bảo quản, sử dụng sổ hộ khẩu theo đúng quy định. Phải xuất trình sổ hộ khẩu khi cán bộ Công an có thẩm quyền kiểm tra. Nghiêm cấm sửa chữa, tẩy xóa, thế chấp, cho mượn, cho thuê hoặc sử dụng sổ hộ khẩu trái pháp luật.

8. Người đứng tên chủ hộ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật. Trường hợp cố tình gây khó khăn, không cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì sổ hộ khẩu bị hư hỏng thì được đổi, Hồ sơ đổi sổ hộ khẩu được pháp luật quy định tại khoản 2 nêu trên, chị Hậu tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

Thủ tục xóa đăng ký thường trú

Câu 27. Chị Nguyễn Thị Mai có chị ruột sang Mỹ để định cư, đoàn tụ gia đình với con cái. Chị ruột của chị Mai thuộc trường hợp xóa đăng ký thường trú. Chị Mai muốn biết trong thời hạn bao nhiêu ngày chị làm thủ tục xóa đăng ký thường trú đối với trường hợp của chị gái chị?

Trả lời:

Khoản 1, khoản 2  Điều 11 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 09 năm 2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú quy định như sau:

1. Xóa đăng ký thường trú là việc cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú xóa tên người đã đăng ký thường trú trong sổ hộ khẩu và sổ đăng ký thường trú.

2. Thủ tục xóa đăng ký thường trú đối với các trường hợp thuộc các điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 Điều 22 Luật Cư trú

a) Trong thời hạn 60 (sáu mươi) ngày, kể từ ngày có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú thì đại diện hộ gia đình có trách nhiệm đến làm thủ tục xóa đăng ký thường trú. Hồ sơ bao gồm: Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; sổ hộ khẩu; giấy tờ chứng minh thuộc một trong các trường hợp xóa đăng ký thường trú.

b) Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ thì cơ quan đăng ký thường trú phải xóa tên công dân trong sổ đăng ký thường trú và trong sổ hộ khẩu;

c) Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày xóa đăng ký thường trú, Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh điều chỉnh hồ sơ đăng ký thường trú trong tàng thư hồ sơ hộ khẩu, thông báo cho tàng thư căn cước công dân và Công an phường, xã, thị trấn nơi có người bị xóa đăng ký thường trú;

d) Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày xóa đăng ký thường trú, Công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh có trách nhiệm thông báo Công an huyện. Sau khi điều chỉnh hồ sơ trong tàng thư hồ sơ hộ khẩu, Công an huyện có trách nhiệm thông báo cho tàng thư căn cước công dân.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì trong thời hạn 60 (sáu mươi) ngày chị Mai có trách nhiệm đến làm thủ tục xóa đăng ký thường trú cho trường hợp của chị gái chị.

Quy định hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật

Câu 28. Anh Nguyễn Văn Khoa cho vợ chồng người em họ ở nhờ tại nhà của mình, anh Khoa biết được vợ chồng em họ đăng đăng ký thường trú tại địa chỉ nhà của mình nhưng chưa được sự đồng ý của anh, việc đăng ký thường trú này là trái pháp luật. Anh Khoa muốn biết pháp luật quy định như thế nào về hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật?

Trả lời:

Điều 14 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 09 năm 2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú quy định hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật, như sau:

1. Trường hợp đăng ký thường trú không đúng thẩm quyền, không đúng điều kiện và đối tượng quy định tại Điều 19 và Điều 20 Luật Cư trú và hướng dẫn tại Thông tư số 35/2014/TT-BCA thì Giám đốc Công an cấp tỉnh hủy bỏ việc đăng ký thường trú trái pháp luật của Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Trưởng Công an huyện thuộc tỉnh hủy bỏ việc đăng ký thường trú trái pháp luật của Công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh.

2. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định hủy bỏ việc đăng ký thường trú trái pháp luật, cơ quan đã đăng ký thường trú phải có trách nhiệm xóa tên trong sổ hộ khẩu và sổ đăng ký thường trú, thu hồi sổ hộ khẩu (nếu hủy bỏ kết quả đăng ký của tất cả những người có tên trong sổ hộ khẩu).

3. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày xóa đăng ký thường trú thì Công an quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải thông báo cho tàng thư căn cước công dân và Công an xã, phường, thị trấn; Công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh phải thông báo cho Công an huyện và Công an huyện phải thông báo cho tàng thư căn cước công dân trong thời hạn 03 (ba) ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Công an xã, thị trấn.

Như vậy, hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật được pháp luật quy định như trên, anh Khoa nghiên cứu để thực hiện yêu cầu của mình.

 

 

Hồ sơ đăng ký tạm trú gồm những hồ sơ gì?

 

Câu 29. Chị Dương Thị Nêm hiện đang làm việc và sinh sống tại thành phố V, chị muốn đăng ký tạm trú tại thành phố này. Chị muốn biết hồ sơ đăng ký tạm trú gồm những hồ sơ gì?

Trả lời:

 

Điều 16 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 09 năm 2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú quy định như sau:

1. Hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm:

a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu (đối với các trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);

b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP (trừ trường hợp được chủ hộ có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đồng ý cho đăng ký tạm trú thì không cần xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp). Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên; trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

Xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú.

2. Người tạm trú được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ tạm trú hoặc đồng ý cho đăng ký tạm trú tại nơi thường trú của chủ hộ thì việc đồng ý phải được ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm.

3. Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.

Như vậy, hồ sơ đăng ký tạm trú gồm những hồ sơ theo quy định nêu trên. Chị Nêm nghiên cứu để thực hiện yêu cầu của mình.

Người đến lưu trú phải cung cấp các giấy tờ gì và phải đến thông báo tại cơ quan nào?

Câu 30. Anh Lê Văn Dũng có người bác ruột đến nhà anh tại phường A, thành phố K ở một thời gian, trong thời gian chờ con của bác đi công tác tại nước ngoài về. Anh Dũng muốn đến cơ quan có thẩm quyền đăng ký lưu trú cho bác của anh. Anh muốn biết người đến lưu trú phải cung cấp các giấy tờ gì và anh phải đến thông báo tại cơ quan nào?

Trả lời:

Điều 21 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 09 năm 2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú quy định như sau:

1. Lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú.

2. Đại diện gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác khi có người đến lưu trú có trách nhiệm:

a) Đề nghị người đến lưu trú xuất trình một trong các giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân; hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng; giấy tờ tùy thân khác hoặc giấy tờ do cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp. Đối với người dưới 14 tuổi đến lưu trú thì không phải xuất trình các giấy tờ nêu trên nhưng phải cung cấp thông tin về nhân thân của người dưới 14 tuổi;

b) Thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn.

Trường hợp người đến lưu trú tại nhà ở của gia đình, nhà ở tập thể mà chủ gia đình, nhà ở tập thể đó không cư trú tại địa bàn xã, phường, thị trấn đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn.

3. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp hoặc bằng điện thoại hoặc qua mạng internet, mạng máy tính. Thời gian lưu trú tùy thuộc nhu cầu của công dân. Người tiếp nhận thông báo lưu trú phải ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú và không cấp giấp tờ chứng nhận lưu trú cho công dân.

4. Nơi tiếp nhận thông báo lưu trú là trụ sở Công an xã, phường, thị trấn. Căn cứ vào điều kiện thực tế, các địa phương quyết định thêm địa điểm khác để tiếp nhận thông báo lưu trú. Trước 23 giờ hàng ngày, cán bộ tiếp nhận thông báo lưu trú tại các địa điểm ngoài trụ sở Công an xã, phường, thị trấn phải thông tin, báo cáo số liệu kịp thời về Công an xã, phường, thị trấn; những trường hợp đến lưu trú sau 23 giờ thì báo cáo về Công an xã, phường, thị trấn vào sáng ngày hôm sau. Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thông báo địa điểm, địa chỉ mạng internet, địa chỉ mạng máy tính, số điện thoại nơi tiếp nhận thông báo lưu trú và hướng dẫn cách thông báo lưu trú.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì bác của anh phải xuất trình một trong các giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân; hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng; giấy tờ tùy thân khác hoặc giấy tờ do cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp. Anh Dũng đến Công an phường A để thông báo việc lưu trú cho bác anh.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày