Anh Ngo và chị Cheo là vợ chồng. Do chung sống với nhau không hạnh phúc, anh Ngo thường xuyên nhậu nhẹt, say xỉn, ham chơi, không lo cho vợ con, chị Cheo đã nhiều lần khuyên giải nhưng anh Ngo vẫn “chứng nào tật nấy”. Chị Cheo quyết định ly hôn. Anh Ngo và gia đình anh Ngo yêu cầu chị Cheo phải trả lại toàn bộ đồ sính lễ và các chi phí liên quan khác; con cái theo cha; nếu chị Cheo kết hôn với người khác thì không được hưởng và mang đi bất cứ tài sản gì. Chị Cheo bức xúc và không đồng ý, chị và gia đình chồng nảy sinh mâu thuẩn, to tiếng. Chị Cheo nhờ Tổ hòa giải giúp đỡ. Hòa giải viên phải vận dụng quy định pháp luật gì để hòa giải trong trường hợp này?
Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Danh mục các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ hoặc cấm áp dụng được ban hành kèm theo Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, quy định chế độ phụ hệ (khi ly hôn, nếu do người vợ yêu cầu ly hôn thì nhà gái phải trả lại toàn bộ đồ sính lễ và các chi phí liên quan khác; sau khi ly hôn, con cái phải theo cha; sau khi ly hôn, nếu người vợ kết hôn với người khác thì không được hưởng và mang đi bất cứ tài sản gì) là quan hệ không bảo đảm quyền bình đẳng giữa vợ và chồng. Do đó, tập quán này cần được vận động xóa bỏ.
Mặc khác, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, các vấn đề liên quan đến tài sản khi ly hôn được giải quyết theo mục 1 Chương IV, mục 1 Chương V. Trong đó, chia tài sản về cơ bản phải bảo đảm nguyên tắc: Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng,…
Đối với con cái, Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Trên đây là một số quy định pháp luật cần lưu ý khi giải quyết tài sản và vấn đề liên quan đến con cái trong ly hôn. Hòa giải viên áp dụng để thuyết phục các bên liên quan thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em; đồng thời tiến tới chấm dứt các tập tục lạc hậu về hôn nhân và gia đình.