Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):
Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân độc lập trong xét xử và chỉ tuân theo pháp luật. Trong tổ chức và hoạt động, Tòa án nhân dân có sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức; chịu sự quản lý về tổ chức và sự giám sát của các cơ quan, cụ thể:
Điều 17 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định trách nhiệm phối hợp của Tòa án nhân dân với cơ quan, tổ chức:
1. Tòa án nhân dân phối hợp với cơ quan, tổ chức phát huy tác dụng giáo dục của phiên tòa và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án nhân dân.
2. Tòa án nhân dân cùng với cơ quan, tổ chức nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
3. Trong trường hợp cần thiết, cùng với việc ra bản án, quyết định, Tòa án nhân dân kiến nghị yêu cầu cơ quan, tổ chức áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm hoặc vi phạm pháp luật tại cơ quan, tổ chức đó. Cơ quan, tổ chức nhận được kiến nghị có trách nhiệm thực hiện và trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị phải thông báo cho Tòa án về kết quả giải quyết kiến nghị.
Điều 18 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định quản lý các Tòa án nhân dân về tổ chức:
1. Tòa án nhân dân tối cao quản lý các Tòa án nhân dân về tổ chức.
2. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức.
Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.
Điều 19 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định về giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân:
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân theo quy định của luật.