Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
20 TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT VỀ LUẬT THƯƠNG MẠI
Ngày cập nhật 07/05/2024

Tình huống 1: Áp dụng biện pháp khẩn cấp đối với hàng hóa

          Hỏi: Ông Trần Quang Trung là Giám đốc doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn thành phố H, theo ông tìm hiểu và được biết về việc nhà nước thực hiện áp dụng một số biện pháp khẩn cấp đối với một số loại hàng hóa kinh doanh như cấm lưu thông hàng hóa, thu hồi hàng hóa...Để chuẩn bị kí kết hợp đồng mua-bán hàng hóa với một công ty nước ngoài, ông Trung muốn tìm hiểu quy định cụ thể của pháp luật về trường hợp này như thế nào?

          Trả lời: (có tính chất tham khảo)

          Theo Điều 26 Luật Thương mại quy định về các trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp đối với hàng hóa lưu thông trong nước, như sau:

          “1. Hàng hóa đang được lưu thông hợp pháp trong nước bị áp dụng một hoặc các biện pháp buộc phải thu hồi, cấm lưu thông, tạm ngừng lưu thông, lưu thông có điều kiện hoặc phải có giấy phép đối với một trong các trường hợp sau đây:

          a) Hàng hóa đó là nguồn gốc hoặc phương tiện lây truyền các loại dịch bệnh;

          b) Khi xảy ra tình trạng khẩn cấp.

          2. Các điều kiện cụ thể, trình tự, thủ tục và thẩm quyền công bố việc áp dụng biện pháp khẩn cấp đối với hàng hóa lưu thông trong nước được thực hiện theo quy định của pháp luật.

          Cũng theo quy định tại Điều 31 Luật Thương mại, áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối với hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, như sau:

          “Trong trường hợp cần thiết, để bảo vệ an ninh quốc gia và các lợi ích quốc gia khác phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối với hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế.”

          Tình huống 2: Quy định về việc xác định địa điểm giao hàng trong hoạt động thương mại

          Hỏi: Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc công ty xuất nhập khẩu CH trên địa bàn tỉnh HG hỏi: Công ty của ông đang có khiếu nại với công ty X về trách nhiệm thực hiện giao hàng không đúng địa điểm gây thất thoát hàng hóa của công ty. Ông Chiến muốn hỏi theo quy định của pháp luật thì địa điểm giao hàng và trách nhiệm của bên bán khi thực hiện giao hàng quy định như thế nào?    

          Trả lời: (có tính chất tham khảo)

          Theo Điều 35 Luật Thương mại quy định về trách nhiệm của bên bán khi thực hiện nghĩa vụ giao hàng đúng địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng mua bán hàng hóa như sau:

          “1. Bên bán có nghĩa vụ giao hàng đúng địa điểm đã thoả thuận.

          2. Trường hợp không có thoả thuận về địa điểm giao hàng thì địa điểm giao hàng được xác định như sau:

          a) Trường hợp hàng hoá là vật gắn liền với đất đai thì bên bán phải giao hàng tại nơi có hàng hoá đó;

          b) Trường hợp trong hợp đồng có quy định về vận chuyển hàng hoá thì bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho người vận chuyển đầu tiên;

          c) Trường hợp trong hợp đồng không có quy định về vận chuyển hàng hoá, nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng, các bên biết được địa điểm kho chứa hàng, địa điểm xếp hàng hoặc nơi sản xuất, chế tạo hàng hoá thì bên bán phải giao hàng tại địa điểm đó;

          d) Trong các trường hợp khác, bên bán phải giao hàng tại địa điểm kinh doanh của bên bán, nếu không có địa điểm kinh doanh thì phải giao hàng tại nơi cư trú của bên bán được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng mua bán.

          Căn cứ vào các quy định nêu trên của pháp luật, anh Chiến có thể tham khảo để bảo vệ quyền lợi của mình và yêu cầu bên giao hàng thực hiên đúng trách nhiệm có liên quan phù hợp với quy định của pháp luật.

          Tình huống 3: Quy định của pháp luật về trách nhiệm khi giao hàng có liên quan đến người vận chuyển

          Hỏi: Ông Trần Lê Anh Tuấn, Giám đốc công ty TNHH TRẦN LÊ, công ty của ông có hợp đồng mua bán hàng hóa vật liệu với đơn vị VX, trong quá trình vận chuyển, giao hàng có một số phát sinh về trách nhiệm liên quan đến đến người vận chuyển như xác định hàng hóa, hóa đơn, chứng từ vận chuyển. Để đảm bảo quyền lợi của công ty, ông Tuấn muốn hỏi quy định của pháp luật đối với trách nhiệm giao hàng có liên quan đến người vận chuyển quy định như thế nào?

          Trả lời: (có tính chất tham khảo)

          Theo Điều 36 Luật Thương mại quy định về nội dung trách nhiệm khi giao hàng có liên quan đến người vận chuyển như sau:

          ‘Điều 36. Trách nhiệm khi giao hàng có liên quan đến người vận chuyển

          1. Trường hợp hàng hóa được giao cho người vận chuyển nhưng không được xác định rõ bằng ký mã hiệu trên hàng hóa, chứng từ vận chuyển hoặc cách thức khác thì bên bán phải thông báo cho bên mua về việc đã giao hàng cho người vận chuyển và phải xác định rõ tên và cách thức nhận biết hàng hoá được vận chuyển.

          2. Trường hợp bên bán có nghĩa vụ thu xếp việc chuyên chở hàng hoá thì bên bán phải ký kết các hợp đồng cần thiết để việc chuyên chở được thực hiện tới đích bằng các phương tiện chuyên chở thích hợp với hoàn cảnh cụ thể và theo các điều kiện thông thường đối với phương thức chuyên chở đó.

          3. Trường hợp bên bán không có nghĩa vụ mua bảo hiểm cho hàng hoá trong quá trình vận chuyển, nếu bên mua có yêu cầu thì bên bán phải cung cấp cho bên mua những thông tin cần thiết liên quan đến hàng hoá và việc vận chuyển hàng hoá để tạo điều kiện cho bên mua mua bảo hiểm cho hàng hoá đó.”

          Vậy, căn cứ quy định nêu trên, ông có thể tham khảo để yêu cầu bên giao hàng hoặc bên vận chuyển có liên quan thực hiện trách nhiệm để đảm bảo quyền lợi cho công ty.

          Tình huống 4: Quy định pháp luật về thời hạn giao hàng trong thực hiện hợp đồng mua bàn hàng hóa.

          Hỏi: Ông Nguyễn Ngọc Xuân Tùng, đại diện Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Tùng có hợp đồng mua bán hàng hóa với một đơn vị cung ứng vật liệu, để nắm bắt cụ thể về trách nhiệm của bên cung ứng, giao hàng đảm bảo tiến độ và thời gian thỏa thuận, ông Tùng hỏi pháp luật quy định về thời hạn giao hàng trong thực hiện hợp đồng mua bàn hàng hóa như thế nào?

          Trả lời: (có tính chất tham khảo)

          Theo Điều 37 Luật Thương mại quy định về thời hạn thực hiện gaio hàng của các bên mua bán như sau:

          “Điều 37. Thời hạn giao hàng

          1. Bên bán phải giao hàng vào đúng thời điểm giao hàng đã thoả thuận trong hợp đồng.

          2. Trường hợp chỉ có thỏa thuận về thời hạn giao hàng mà không xác định thời điểm giao hàng cụ thể thì bên bán có quyền giao hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong thời hạn đó và phải thông báo trước cho bên mua.

          3. Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn giao hàng thì bên bán phải giao hàng trong một thời hạn hợp lý sau khi giao kết hợp đồng.

          Cũng theo quy định tại Điều 38 Luật Thương mại quy định về việc giao hàng trước thời hạn thỏa thuận, cụ thể: Trường hợp bên bán giao hàng trước thời hạn đã thỏa thuận thì bên mua có quyền nhận hoặc không nhận hàng nếu các bên không có thoả thuận khác.

          Vậy, căn cứ quy định nêu trên của pháp luật anh Tùng có thể tham khảo và thảo thuận với đơn vị cung cấp hàng hóa về thời hạn thực hiện giao hàng nhằm đảm bảo quyền lợi của công ty.

          Tình huống 5: Quy định của pháp luật về hàng hoá không phù hợp với hợp đồng và trách nhiệm đối với hàng hoá không phù hợp với hợp đồng

          Hỏi: Ông Phạm Bá Phú, giám đốc công ty TNHH MTV BÁ PHÚ hỏi pháp luật hiện hành quy định xử lý như thế nào đối với trường hợp bên bán chuyển giao hàng hóa cho bên mua nhưng không phù hợp với quy định của hợp đồng đã ký kết?

          Trả lời: (có tính chất tham khảo)

          Theo Điều 39 và Điều 40 Luật Thương mại quy định về hàng hóa không phù hợp với hợp đồng và trách nhiệm của các bên liên quan như sau:  

          “1. Trường hợp hợp đồng không có quy định cụ thể thì hàng hoá được coi là không phù hợp với hợp đồng khi hàng hoá đó thuộc một trong các trường hợp sau đây: Không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hoá cùng chủng loại; Không phù hợp với bất kỳ mục đích cụ thể nào mà bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng; Không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hoá mà bên bán đã giao cho bên mua;  Không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thông thường đối với loại hàng hoá đó hoặc không theo cách thức thích hợp để bảo quản hàng hoá trong trường hợp không có cách thức bảo quản thông thường.

          2. Bên mua có quyền từ chối nhận hàng nếu hàng hoá không phù hợp với hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Thương mại.

          Trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng được quy định như sau:

           Bên bán không chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng bên mua đã biết hoặc phải biết về những khiếm khuyết đó;

           Trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Thương mại, trong thời hạn khiếu nại theo quy định của Luật Thương mại, bên bán phải chịu trách nhiệm về bất kỳ khiếm khuyết nào của hàng hoá đã có trước thời điểm chuyển rủi ro cho bên mua, kể cả trường hợp khiếm khuyết đó được phát hiện sau thời điểm chuyển rủi ro;

           Bên bán phải chịu trách nhiệm về khiếm khuyết của hàng hóa phát sinh sau thời điểm chuyển rủi ro nếu khiếm khuyết đó do bên bán vi phạm hợp đồng.”

          Vậy, căn cứ các quy định nêu trên ông Phú có thể tham khảo để giúp Công ty thực hiện đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và bảo vệ quyền lợi cho Công ty.

          Tình huống 6: Quy định của pháp luật về trách nhiệm của bên mua và bên bán trong trường hợp giao thiếu hàng, giao hàng không phù hợp với hợp đồng

          Hỏi: Bà Lê Thúy Anh, giám đốc Công ty TNHH MTV A&N, công ty của bà Anh hợp đồng với một công ty cung cấp các sản phẩm về giấy. Trong một đợt chuyển hàng, đơn vị cung cấp đã giao thiếu số lượng theo thỏa thuận trong hợp đồng dẫn đến một số việc gây ảnh hưởng đến hoạt động gia công, sản xuất của công ty? Bà Anh hỏi trách nhiệm khắc phục của công ty bên ban hàng trong trường hợp giao thiếu hàng pháp luật quy định như thế nào?

          Trả lời: (có tính chất tham khảo)

          Theo Điều 41 Luật Thương mại quy định về việc khắc phục trong trường hợp giao thiếu hành, giao hàng không phù hợp với hợp đồng như sau:

          “Khắc phục trong trường hợp giao thiếu hàng, giao hàng không phù hợp với hợp đồng

          1. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu hợp đồng chỉ quy định thời hạn giao hàng và không xác định thời điểm giao hàng cụ thể mà bên bán giao hàng trước khi hết thời hạn giao hàng và giao thiếu hàng hoặc giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì bên bán vẫn có thể giao phần hàng còn thiếu hoặc thay thế hàng hoá cho phù hợp với hợp đồng hoặc khắc phục sự không phù hợp của hàng hoá trong thời hạn còn lại.

          2. Khi bên bán thực hiện việc khắc phục quy định tại khoản 1 Điều này mà gây bất lợi hoặc làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho bên mua thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán khắc phục bất lợi hoặc chịu chi phí đó”.

          Vậy, căn cứ quy định nêu trên, công ty của bà Anh có thể tham khảo để yêu cầu công ty bên bán hàng thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ khắc phục trường hợp giao thiếu hàng, giao hàng không phù hợp với hợp đồng để đảm bảo quyền lợi của công ty.

          Tình huống 7: Quy định của pháp luật về giao chứng từ liên quan đến hàng hoá

          Hỏi: Ông Hoàng Công Thành, giám đốc Công ty TNHH MTV THÀNH CÔNG muốn hỏi: Trong một lần công ty ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa với đối tác nhưng đối tác không chuyển giao chứng từ về hàng hóa tại thời điểm giao hàng mà hẹn chuyển giao sau thời gian một tháng. Ông Công muốn hỏi hành vi bên bán có đúng không và pháp luật quy định về trách nhiệm giao chứng từ liên quan đến hàng hóa của các bên liên quan đến hợp đồng mua-bán hàng hóa như thế nào?

 

          Trả lời: (có tính chất tham khảo)

          Theo Điều 42 của Luật Thương mại quy định về việc giao chứng từ có liên quan đến hàng hóa như sau:

          “Giao chứng từ liên quan đến hàng hoá

          1. Trường hợp có thỏa thuận về việc giao chứng từ thì bên bán có nghĩa vụ giao chứng từ liên quan đến hàng hoá cho bên mua trong thời hạn, tại địa điểm và bằng phương thức đã thỏa thuận.

          2. Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn, địa điểm giao chứng từ liên quan đến hàng hoá cho bên mua thì bên bán phải giao chứng từ liên quan đến hàng hoá cho bên mua trong thời hạn và tại địa điểm hợp lý để bên mua có thể nhận hàng.

          3. Trường hợp bên bán đã giao chứng từ liên quan đến hàng hoá trước thời hạn thỏa thuận thì bên bán vẫn có thể khắc phục những thiếu sót của các chứng từ này trong thời hạn còn lại.

          4. Khi bên bán thực hiện việc khắc phục những thiếu sót quy định tại khoản 3 Điều này mà gây bất lợi hoặc làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho bên mua thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán khắc phục bất lợi hoặc chịu chi phí đó.

          Căn cứ các quy định của pháp luật nêu trên, Công ty của ông Công tham khảo và yêu cầu Công ty bên bán thực hiện trách nhiệm giao chứng từ liên quan đến hàng hóa đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật để bảo về quyền lợi cho Công ty.

          Tình huống 8: Pháp luật quy định kiểm tra hàng hoá trước khi giao hàng giữa bên bán và bên mua

          Hỏi: Ông Phan Anh Tuấn, giám đốc Công ty TNHH MTV TUẤN TÚ có giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa với công ty X, theo ông Tú nêu thì khi giao hàng có đại diện công ty kiểm tra sản phấm hàng hóa, sau khi giao hàng cho công ty X xong không phát sinh vấn đề gì đối với hàng hóa được giao, tuy nhiên 03 ngày sau Công ty X báo trong đơn giao hàng có 01 số hàng hóa bị hư hỏng, cho nên Công ty X yêu cầu bồi bồi thường. Ông Tú hỏi, việc yêu cầu của Công ty X có phù hợp không, pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này?     

 

Trả lời: (có tính chất tham khảo)

          Theo Điều 44 Luật Thương mại quy định về việc kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng như sau:

          “Kiểm tra hàng hoá trước khi giao hàng

          1. Trường hợp các bên có thoả thuận để bên mua hoặc đại diện của bên mua tiến hành kiểm tra hàng hoá trước khi giao hàng thì bên bán phải bảo đảm cho bên mua hoặc đại diện của bên mua có điều kiện tiến hành việc kiểm tra.

          2. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên mua hoặc đại diện của bên mua trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này phải kiểm tra hàng hóa trong một thời gian ngắn nhất mà hoàn cảnh thực tế cho phép; trường hợp hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hóa thì việc kiểm tra hàng hoá có thể được hoãn lại cho tới khi hàng hoá được chuyển tới địa điểm đến.

          3. Trường hợp bên mua hoặc đại diện của bên mua không thực hiện việc kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng theo thỏa thuận thì bên bán có quyền giao hàng theo hợp đồng.

          4. Bên bán không phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của hàng hoá mà bên mua hoặc đại diện của bên mua đã biết hoặc phải biết nhưng không thông báo cho bên bán trong thời hạn hợp lý sau khi kiểm tra hàng hoá.

          5. Bên bán phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của hàng hoá mà bên mua hoặc đại diện của bên mua đã kiểm tra nếu các khiếm khuyết của hàng hoá không thể phát hiện được trong quá trình kiểm tra bằng biện pháp thông thường và bên bán đã biết hoặc phải biết về các khiếm khuyết đó nhưng không thông báo cho bên mua.”

          Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, công ty của ông Tú có thể tham khảo về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên khi giao hàng hóa để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của bên bán và bên mua theo quy định của pháp luật.

          Tình huống 9: Pháp luật quy định về nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa

          Hỏi: Ông Lê Xuân Thành, đại diện cho Công ty TNHH MTV TL kinh doanh về lĩnh vực thời trang, công ty của ông đặt hàng với nhiều đối tác để cung cấp các sản phẩm thời trang với nhiều thương hiệu nổi tiếng trên khắp thế giới. Để đảm bảo công việc kinh doanh của Công ty không vi phạm quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, ông Thành muốn tìm hiểu quy định của pháp luật về trách nhiệm của bên bán hàng đối với nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa như thế nào?

          Trả lời: (có tính chất tham khảo)

          Theo Điều 46 Luật Thương mại quy định về nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa của bên bán như sau:

          Nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hoá

          1. Bên bán không được bán hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bên bán phải chịu trách nhiệm trong trường hợp có tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa đã bán.

          2. Trường hợp bên mua yêu cầu bên bán phải tuân theo bản vẽ kỹ thuật, thiết kế, công thức hoặc những số liệu chi tiết do bên mua cung cấp thì bên mua phải chịu trách nhiệm về các khiếu nại liên quan đến những vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phát sinh từ việc bên bán đã tuân thủ những yêu cầu của bên mua.

          Công ty có thể tham khảo quy định trên và các quy định về sở hữu trí tuệ khác có lien quan để thực hiện nhằm đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của Công y khi tham gia mua bán hàng hóa.

          Tình huống 10: Quy định pháp luật về nghĩa vụ bảo hành hàng hoá

          Hỏi: Bà Nguyễn Thu Thủy, đại diện của Công ty TNHH xuất nhập khẩu QT cho biết, công ty QT ký kết hợp đồng mua bán một số sản phẩm hàng hóa để sử dụng trong công ty với đối tác là chi nhánh của một công ty nước ngoài trên địa bàn tỉnh KG. Qua quá trình chuyển giao công ty phát hiện một số sản phẩm hàng hóa chuyển giao không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng khi sử dụng cho nên công ty QT đã yêu cầu đơn vị cung cấp thực hiện việc bảo hành, bảo dưỡng đối với sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, phía đối tác nhiều lần thất hẹn với lý do này khác, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của công ty. Bà Thủy muốn hỏi pháp luật quy định về trách nhiệm bảo hành của bên bán hàng như thế nào? Bên bán có nghĩa vụ bảo hành sản phẩm hàng hóa đã bán không đảm bảo chất lượng không?

          Trả lời: (có tính chất tham khảo)

          Theo Điều 49 Luật Thương mại quy định về nghĩa vụ bảo hành hàng hóa của các bên mua bán như sau:

          “Nghĩa vụ bảo hành hàng hoá

          1. Trường hợp hàng hoá mua bán có bảo hành thì bên bán phải chịu trách nhiệm bảo hành hàng hoá đó theo nội dung và thời hạn đã thỏa thuận.

          2. Bên bán phải thực hiện nghĩa vụ bảo hành trong thời gian ngắn nhất mà hoàn cảnh thực tế cho phép.

          3. Bên bán phải chịu các chi phí về việc bảo hành, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

          Công ty của bà Thủy tham khảo quy định nêu trên của pháp luật để yêu cầu bên bán hàng thực nghĩa trách nhiệm và nghĩa vụ bảo hành hàng hóa đảm bảo phù hợp với quy định.

          Tình huống 11: Quy định pháp luật về thanh toán và ngừng thanh toán tiền mua hàng

          Hỏi: Ông Nguyễn Công Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH CH cho biết, công ty của ông hợp đồng mua bán sản phẩm hàng hóa với Công ty X. Qua quá trình chuyển giao, công ty phát hiện một số mặt hàng được Công ty X giao không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng như trong hợp đồng giao kết, vì vậy công ty của ông đã tạm thời không thanh toán đủ tiền hàng hóa cho công ty X. Sau đó, đại diện công ty đã liên lạc yêu cầu ông phái thanh toán đầy đủ số tiền hàng đã quy định trong hợp đồng, nếu không sẽ kiện ra tòa. Ồng Hoàn muốn hỏi pháp luật quy định việc dừng thanh toán tiền hàng hóa theo hợp đồng như thế nào, ông có bị kiện không?

          Trả lời: (có tính chất tham khảo)

          Theo Điều 50 và 51 Luật Thương mại quy định về việc thanh toán và dừng thanh toán tiền mua hàng hóa của các bên mua bán như sau:

          “Thanh toán tiền mua hàng hóa

          1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng theo thỏa thuận.

          2. Bên mua phải tuân thủ các phương thức thanh toán, thực hiện việc thanh toán theo trình tự, thủ tục đã thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.

          3. Bên mua vẫn phải thanh toán tiền mua hàng trong trường hợp hàng hoá mất mát, hư hỏng sau thời điểm rủi ro được chuyển từ bên bán sang bên mua, trừ trường hợp mất mát, hư hỏng do lỗi của bên bán gây ra.

          Việc ngừng thanh toán tiền mua hàng

          Trừ trường hợp có thoả thuận khác, việc ngừng thanh toán tiền mua hàng được quy định như sau:

          1. Bên mua có bằng chứng về việc bên bán lừa dối thì có quyền tạm ngừng việc thanh toán;

          2. Bên mua có bằng chứng về việc hàng hóa đang là đối tượng bị tranh chấp thì có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi việc tranh chấp đã được giải quyết;

          3. Bên mua có bằng chứng về việc bên bán đã giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi bên bán đã khắc phục sự không phù hợp đó;

          4. Trường hợp tạm ngừng thanh toán theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 51 Luật Thương mại mà bằng chứng do bên mua đưa ra không xác thực, gây thiệt hại cho bên bán thì bên mua phải bồi thường thiệt hại đó và chịu các chế tài khác theo quy định của Luật Thương mại”.

          Công ty của ông Hoàn có thể tham khảo các quy định nêu trên của pháp luật, để thực hiện việc thanh toán hoặc dừng việc thanh toán đảm bảo hợp lý, tránh trường hợp kiện cáo ra tòa làm ảnh hưởng công việc kinh doanh của các bên mua bán.

          Tình huống 12: Quy định pháp luật về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa  

          Hỏi: Bà Diệu Thúy, là CEO của Công ty TNHH Thương mại CMX. Công ty đang xúc tiến và triển khai hoạt động mua bán hàng hóa thông qua sàn giao dịch hàng hóa, bà Diệu Thúy muốn tìm hiểu quy định của pháp luật về hoạt động giao dịch hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa hiện nay nhu thế nào?          

          Trả lời: (có tính chất tham khảo)

          Theo Điều 63 Luật Thương mại quy định về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa như sau:

          “Mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó các bên thỏa thuận thực hiện việc mua bán một lượng nhất định của một loại hàng hóa nhất định qua Sở giao dịch hàng hoá theo những tiêu chuẩn của Sở giao dịch hàng hoá với giá được thỏa thuận tại thời điểm giao kết hợp đồng và thời gian giao hàng được xác định tại một thời điểm trong tương lai.”

          Nghị định số 156/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về việc thành lập Sở Giao dịch hàng hóa và hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa, quy định cụ thể một số nội dung lên quan đến hoạt động mau bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa như:

          “Thời gian giao dịch: Sở Giao dịch hàng hóa phải công bố thời gian giao dịch cụ thể, bao gồm ngày giao dịch, phiên giao dịch, thời gian khớp lệnh giao dịch và giờ mở cửa, đóng cửa của ngày giao dịch.

          Sở Giao dịch hàng hóa có thể tạm thời thay đổi thời gian giao dịch trong các trường hợp sau đây: Hệ thống giao dịch có sự cố dẫn đến việc không thể thực hiện các lệnh giao dịch như thường lệ; Quá nửa số thành viên có sự cố về hệ thống chuyển lệnh giao dịch; Các trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật...

          Hạn mức giao dịch: Tổng hạn mức giao dịch đối với một loại hàng hoá của toàn bộ các hợp đồng đang trong thời hạn giao dịch không được vượt quá 50% tổng khối lượng hàng hoá đó được sản xuất tại Việt Nam của năm ngay trước đó.

           Hạn mức giao dịch của một thành viên không được vượt quá 10% tổng hạn mức giao dịch quy định tại khoản 1 Điều 34 Nghị định156/2008/NĐ-CP

          Lệnh giao dịch: Thành viên kinh doanh yêu cầu giao dịch qua Sở Giao dịch hàng hóa bằng lệnh giao dịch.

          Nội dung lệnh giao dịch cho từng loại giao dịch và từng loại hàng hoá do Sở Giao dịch hàng hóa quy định.

          Thành viên được phép sửa đổi hoặc huỷ bỏ lệnh giao dịch của mình trong trường hợp chưa khớp lệnh và các trường hợp khác theo quy định của Điều lệ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa.

           Phương thức giao dịch: Sở Giao dịch hàng hóa tổ chức giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung, trên cơ sở khớp các lệnh mua và lệnh bán theo nguyên tắc xác định giá ...”

          Bà Diệu Thúy có thể tham khảo các quy định của pháp luật nêu trên và các văn bản pháp luật có liên quan khác để giúp công ty thực hiện việc mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa phù hợp với quy định của pháp luật.

          Tình huống 13: Quy định pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hoá

          Hỏi: Ông Lê Quang Hùng, là Giám đốc của Công ty TNHH xuất nhập khẩu QH. Công ty và đối tác đang thỏa thuận để mua một số hàng hóa phục vụ sản xuất của công ty thông qua Sở giao dịch hàng hóa, ông Hùng muốn hỏi một số quy định của pháp luật hiện hành về hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa để thuận lợi cho công ty khi tham giá ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng?

         

          Trả lời: (có tính chất tham khảo)

          Theo Điều 64 Luật Thương mại quy định về Hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hoá như sau:

          “1. Hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hoá bao gồm hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn.

          2. Hợp đồng kỳ hạn là thỏa thuận, theo đó bên bán cam kết giao và bên mua cam kết nhận hàng hoá tại một thời điểm trong tương lai theo hợp đồng.

          3. Hợp đồng về quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán là thỏa thuận, theo đó bên mua quyền có quyền được mua hoặc được bán một hàng hóa xác định với mức giá định trước (gọi là giá giao kết) và phải trả một khoản tiền nhất định để mua quyền này (gọi là tiền mua quyền). Bên mua quyền có quyền chọn thực hiện hoặc không thực hiện việc mua hoặc bán hàng hóa đó.

          Cũng theo quy định của Điều 40, 41 Nghị định số 156/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về việc thành lập Sở Giao dịch hàng hóa và hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa, quy định về thời hạn thực hiện và phương thức thực hiện hợp đồng như sau:

          1. Thời hạn giao dịch hợp đồng qua Sở Giao dịch hàng hóa được tính từ phiên giao dịch đầu tiên của ngày đầu tiên giao dịch hợp đồng cho đến phiên giao dịch cuối cùng của ngày cuối cùng giao dịch hợp đồng.

          Ngay sau khi hết thời hạn giao dịch hợp đồng, các bên nắm giữ hợp đồng có nghĩa vụ phải thực hiện hợp đồng.

          2. Phương thức thực hiện hợp đồng

           Các bên giao dịch hợp đồng kỳ hạn có thể lựa chọn thực hiện hợp đồng theo một trong hai phương thức dưới đây: Thanh toán bù trừ qua Trung tâm thanh toán vào phiên cuối cùng của ngày cuối cùng giao dịch hợp đồng; Giao nhận hàng hoá qua Trung tâm giao nhận hàng hoá.

          Các bên giao dịch hợp đồng quyền chọn có thể lựa chọn thực hiện theo một trong hai phương thức dưới đây: Thực hiện quyền chọn theo các phương thức quy định tại khoản 1 Điều 40 Nghị định 156/2008/NĐ-CP; Không thực hiện quyền chọn.

           Trước ngày cuối cùng giao dịch hợp đồng, theo quy định của Điều lệ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa, Sở Giao dịch hàng hóa phải yêu cầu các thành viên kinh doanh lựa chọn việc thực hiện hợp đồng theo các phương thức được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 41 Nghị định 156/2008/NĐ-CP.  Các thành viên kinh doanh phải thông báo bằng văn bản cho Sở Giao dịch hàng hóa theo quy định của Điều lệ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa trong trường hợp lựa chọn thực hiện hợp đồng bằng phương thức giao nhận hàng hoá.

           Trường hợp lựa chọn thực hiện hợp đồng bằng phương thức giao nhận hàng hoá, trong một thời hạn nhất định theo quy định của Sở Giao dịch hàng hóa, thành viên kinh doanh có nghĩa vụ: Nộp tiền vào tài khoản nếu là bên mua; Giao hàng vào Trung tâm giao nhận hàng hoá nếu là bên bán.

          Công ty của ông Hùng có thể tham khảo quy định của các vawnbanr trên đây và quy định pháp luật có liên quan khác để giúp công ty thực hiện ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và quyền lợi của công ty.

          Tình huống 14: Quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa

          Hỏi: Ông Lê Tấn lực, là Giám đốc của Công ty TNHH đầu tư và xuất khẩu TẤN LỰC. Ông Lực muốn hỏi về quyền lợi cũng như trách nhiệm của các bên khi tham gia ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa như thế nào?

          Trả lời: (có tính chất tham khảo)

          Điều 65 Luật Thương mại quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng kỳ hạn khi mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa như sau:

          “Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng kỳ hạn

          1. Trường hợp người bán thực hiện việc giao hàng theo hợp đồng thì bên mua có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán.

          2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc bên mua có thể thanh toán bằng tiền và không nhận hàng thì bên mua phải thanh toán cho bên bán một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thoả thuận trong hợp đồng và giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện.

          3. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc bên bán có thể thanh toán bằng tiền và không giao hàng thì bên bán phải thanh toán cho bên mua một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện và giá thoả thuận trong hợp đồng.”

          Cũng theo Điều 66 Luật Thương mại, quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng quyền chọn như sau:

          “Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng quyền chọn

          1. Bên mua quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán phải trả tiền mua quyền chọn để được trở thành bên giữ quyền chọn mua hoặc giữ quyền chọn bán. Số tiền phải trả cho việc mua quyền chọn do các bên thoả thuận.

          2. Bên giữ quyền chọn mua có quyền mua nhưng không có nghĩa vụ phải mua hàng hoá đã giao kết trong hợp đồng. Trường hợp bên giữ quyền chọn mua quyết định thực hiện hợp đồng thì bên bán có nghĩa vụ phải bán hàng hoá cho bên giữ quyền chọn mua. Trường hợp bên bán không có hàng hoá để giao thì phải thanh toán cho bên giữ quyền chọn mua một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thoả thuận trong hợp đồng và giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện.

          3. Bên giữ quyền chọn bán có quyền bán nhưng không có nghĩa vụ phải bán hàng hoá đã giao kết trong hợp đồng. Trường hợp bên giữ quyền chọn bán quyết định thực hiện hợp đồng thì bên mua có nghĩa vụ phải mua hàng hoá của bên giữ quyền chọn bán. Trường hợp bên mua không mua hàng thì phải thanh toán cho bên giữ quyền chọn bán một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện và giá thoả thuận trong hợp đồng.

          4. Trường hợp bên giữ quyền chọn mua hoặc giữ quyền chọn bán quyết định không thực hiện hợp đồng trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực thì hợp đồng đương nhiên hết hiệu lực.

          Căn cứ các quy định nêu trên của pháp luật, ông Lực có thể tham khảo để thực hiện nhằm đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ khi công ty tham gia ký kết các loại hợp đồng mua bán hàng hóa thông qua Sở giao dịch hàng hóa.

          Tình huống 15: Thương nhân môi giới mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hoá

          Hỏi: Ông Phan Quốc Anh là giám đốc bộ phận kinh doanh của Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu T&Đ được một thương nhân hoạt động môi giới hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa giới thiệu để kí kết hợp đồng mua, bán hàng hóa với một công ty cung ứng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của công ty T&Đ, tuy nhiên ông Phan Quốc Anh chưa biết thương nhân đó hoạt động với vai trò như thế nào. Cho nên ông Anh muốn tìm hiểu quy định của pháp luật về thương nhân môi giới mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa như thế nào?

          Trả lời: (có tính chất tham khảo)

          Điều 69 Luật Thương mại quy định về Thương nhân môi giới mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hoá như sau:

          1. Thương nhân môi giới mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá chỉ được phép hoạt động tại Sở Giao dịch hàng hoá khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện hoạt động của thương nhân môi giới mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá.

          2. Thương nhân môi giới mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá chỉ được phép thực hiện các hoạt động môi giới mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá và không được phép là một bên của hợp đồng mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá.

          3. Thương nhân môi giới mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá có nghĩa vụ đóng tiền ký quỹ tại Sở giao dịch hàng hoá để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ phát sinh trong quá trình hoạt động môi giới mua bán hàng hoá. Mức tiền ký quỹ do Sở giao dịch hàng hoá quy định.

          Cũng theo Điều 70 Luật Thương mại quy định các hành vi bị cấm đối với thương nhân môi giới hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá như sau:

          Cấm lôi kéo khách hàng ký kết hợp đồng bằng cách hứa bồi thường toàn bộ hoặc một phần thiệt hại phát sinh hoặc bảo đảm lợi nhuận cho khách hàng.

          Cấm chào hàng hoặc môi giới mà không có hợp đồng với khách hàng.

          Cấm sử dụng giá giả tạo hoặc các biện pháp gian lận khác khi môi giới cho khách hàng.

          Từ chối hoặc tiến hành chậm trễ một cách bất hợp lý việc môi giới hợp đồng theo các nội dung đã thoả thuận với khách hàng.

           Các hành vi bị cấm khác quy định tại khoản 2 Điều 71 của Luật Thương mại, cụ thể:

          “2. Các bên liên quan đến hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch hàng hoá không được thực hiện các hành vi sau đây:

          a) Gian lận, lừa dối về khối lượng hàng hóa trong các hợp đồng kỳ hạn hoặc hợp đồng quyền chọn được giao dịch hoặc có thể được giao dịch và gian lận, lừa dối về giá thực tế của loại hàng hoá trong các hợp đồng kỳ hạn hoặc hợp đồng quyền chọn;

          b) Đưa tin sai lệch về các giao dịch, thị trường hoặc giá hàng hoá mua bán qua Sở giao dịch hàng hóa;

          c) Dùng các biện pháp bất hợp pháp để gây rối loạn thị trường hàng hóa tại Sở giao dịch hàng hoá;

          d) Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.”

          Ông Phan Quốc Anh có thể tham khảo các quy định trên đây để giúp Công ty thực hiện các giao dịch mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa đảm bảo quyền lợi chính đáng và phù hợp với quy định của pháp luật.

          Tình huống 16: Hình thức hợp đồng dịch vụ và quyền cung ứng và sử dụng dịch vụ của thương nhân

          Hỏi: Bà Hoài An, đại diện Công ty cung ứng dịch vụ thương mại HOAI CT hỏi pháp luật hiện hành quy định quyền cung ứng và sử dụng dịch vụ của thương nhân như thế nào? Có mấy hình thức kí kết hợp đồng dịch vụ?

          Trả lời: (có tính chất tham khảo)

          Theo Điều 74 Luật Thương mại quy định hình thức hợp đồng dịch vụ đối với hoạt động cung ứng dịch vụ như sau:

          “Hình thức hợp đồng dịch vụ

          1. Hợp đồng dịch vụ được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.

          2. Đối với các loại hợp đồng dịch vụ mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.”

          Cũng theo Điều 74 Luật Thương mại quy định về quyền cung ứng và sử dụng dịch vụ của thương nhân, cụ thể:

          “Trừ trường hợp pháp luật hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác, thương nhân có các quyền cung ứng dịch vụ sau đây: Cung ứng dịch vụ cho người cư trú tại Việt Nam sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam; Cung ứng dịch vụ cho người không cư trú tại Việt Nam sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam; Cung ứng dịch vụ cho người cư trú tại Việt Nam sử dụng trên lãnh thổ nước ngoài; Cung ứng dịch vụ cho người không cư trú tại Việt Nam sử dụng trên lãnh thổ nước ngoài.

           Trừ trường hợp pháp luật hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác, thương nhân có các quyền sử dụng dịch vụ sau đây: Sử dụng dịch vụ do người cư trú tại Việt Nam cung ứng trên lãnh thổ Việt Nam; Sử dụng dịch vụ do người không cư trú tại Việt Nam cung ứng trên lãnh thổ Việt Nam; Sử dụng dịch vụ do người cư trú tại Việt Nam cung ứng trên lãnh thổ nước ngoài; Sử dụng dịch vụ do người không cư trú tại Việt Nam cung ứng trên lãnh thổ nước ngoài.

           Chính phủ quy định cụ thể đối tượng người cư trú, người không cư trú để thực hiện các chính sách thuế, quản lý xuất khẩu, nhập khẩu đối với các loại hình dịch vụ.”

          Tình huống 17: Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng dịch vụ

          Hỏi: Bà Nguyễn Thúy Dung cho biết, Doanh nghiệp của bà kí kết hợp đồng dịch vụ vận tải hàng hóa với một công ty HT để vận chuyển hàng hóa cung cấp nguyên liệu sản xuất theo thỏa thuận. Trong quá trình thực hiện, do không chủ động được số lượng xe vận chuyển, nên đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của công ty bà Dung. Bà muốn hỏi Công ty của bà Dung có quyền yêu cầu công ty HT phải chịu trách nhiệm về việc chậm trể trong vận chuyển dẫn đến ảnh hưởng công tác sản xuất hay không? Pháp luật quy định nghĩa vụ và quyền của bên cung ứng dịch vụ như thế nào?

          Trả lời: (có tính chất tham khảo)

          Theo Điều 78, 79 và Điều 80 Luật Thương mại quy định về nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ như sau:

          “Trừ trường hợp có thoả thuận khác, bên cung ứng dịch vụ có các nghĩa vụ sau đây:

          1. Cung ứng các dịch vụ và thực hiện những công việc có liên quan một cách đầy đủ, phù hợp với thoả thuận và theo quy định của Luật Thương mại;

           Bảo quản và giao lại cho khách hàng tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện dịch vụ sau khi hoàn thành công việc;

           Thông báo ngay cho khách hàng trong trường hợp thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm để hoàn thành việc cung ứng dịch vụ;

           Giữ bí mật về thông tin mà mình biết được trong quá trình cung ứng dịch vụ nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.”

          “Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ theo kết quả công việc: Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu tính chất của loại dịch vụ được cung ứng yêu cầu bên cung ứng dịch vụ phải đạt được một kết quả nhất định thì bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện việc cung ứng dịch vụ với kết quả phù hợp với các điều khoản và mục đích của hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng không có quy định cụ thể về tiêu chuẩn kết quả cần đạt được, bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện việc cung ứng dịch vụ với kết quả phù hợp với tiêu chuẩn thông thường của loại dịch vụ đó”.

           “Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ theo nỗ lực và khả năng cao nhất: Trừ trường hợp có thoả thuận khác, nếu tính chất của loại dịch vụ được cung ứng yêu cầu bên cung ứng dịch vụ phải nỗ lực cao nhất để đạt được kết quả mong muốn thì bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện nghĩa vụ cung ứng dịch vụ đó với nỗ lực và khả năng cao nhất”

          Vậy căn cứ vào nội dung và các Điều nêu trên của Luật Thương mại, công ty của bà có thể tham khảo để bảo vệ quyền lợi của mình khi bên cung ứng dịch vụ trong hợp đồng dịch vụ không thực hiện đảm bảo yêu cầu của hợp đồng.

          Tình huống 18: Pháp luật quy định về thời hạn hoàn thành dịch vụ trong hợp đồng dịch vụ

          Hỏi: Ông Minh Tuấn, đại diện Công ty MT xin hỏi: Công ty của ông có hợp đồng với một đơn vị cung cấp dịch vụ in ấn các sản phầm để quảng cáo, tuy nhiên trong hợp đồng dịch vụ không xác định rõ thời gian hoàn thành cho nên có sự chậm trể việc thực hiện trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ. Ông Tuấn hỏi pháp luật hiện hành quy định về thời hạn hoàn thành dịch vụ trong hợp đồng dịch vụ được quy định như thế nào?

          Trả lời: (có tính chất tham khảo)

          Theo Điều 82 Luật Thương mại quy định thời hạn hoàn thành dịch vụ đối với hợp đồng dịch vụ như sau:

          Thời hạn hoàn thành dịch vụ

          1. Bên cung ứng dịch vụ phải hoàn thành dịch vụ đúng thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng.

          2. Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn hoàn thành dịch vụ thì bên cung ứng dịch vụ phải hoàn thành dịch vụ trong một thời hạn hợp lý trên cơ sở tính đến tất cả các điều kiện và hoàn cảnh mà bên cung ứng dịch vụ biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng, bao gồm bất kỳ nhu cầu cụ thể nào của khách hàng có liên quan đến thời gian hoàn thành dịch vụ.

          3. Trường hợp một dịch vụ chỉ có thể được hoàn thành khi khách hàng hoặc bên cung ứng dịch vụ khác đáp ứng các điều kiện nhất định thì bên cung ứng dịch vụ đó không có nghĩa vụ hoàn thành dịch vụ của mình cho đến khi các điều kiện đó được đáp ứng.”

          Cũng theo quy định tại Điều 84 Luật Thương mại quy định việc tiếp tục cung ứng dịch vụ sau khi hết thời hạn hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, thì: “sau khi hết thời hạn hoàn thành việc cung ứng dịch vụ mà dịch vụ vẫn chưa hoàn thành, nếu khách hàng không phản đối thì bên cung ứng dịch vụ phải tiếp tục cung ứng theo nội dung đã thoả thuận và phải bồi thường thiệt hại, nếu có”.

          Ông Tuấn có thể tham khảo các quy định trên đây của Luật Thương mại và pháp luật có liên quan khác để thực hiện quyền lợi của công ty đối với việc chậm hoàn thành dịch vụ của đơn vị cung ứng dịch vụ.

         

          Tình huống 19: Pháp luật quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại  

          Hỏi: Anh Lương Trí Tâm, đại diện Công ty TRÍ TÂM cho biết, công ty anh đang xúc tiến chương trình khuyến mại một số sản phẩm trong dịp lễ Tết Nguyên Đán, để dảm bảo phù hợp với quy định về khuyến mại, anh Tâm xin hỏi pháp luật quy định các hành vi nào bị cấm thực hiện khi tổ chức chương trình khuyến mại?

          Trả lời: (có tính chất tham khảo)

          Theo Điều 100 Luật Thương mại quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại như sau:

          “Các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại

          1. Khuyến mại cho hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hoá chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng.

          2. Sử dụng hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng.

          3. Khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người dưới 18 tuổi.

          4. Khuyến mại hoặc sử dụng thuốc lá, rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.

          5. Khuyến mại thiếu trung thực hoặc gây hiểu lầm về hàng hoá, dịch vụ để lừa dối khách hàng.

          6. Khuyến mại để tiêu thụ hàng hoá kém chất lượng, làm phương hại đến môi trường, sức khoẻ con người và lợi ích công cộng khác.

          7. Khuyến mại tại trường học, bệnh viện, trụ sở của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân.

          8. Hứa tặng, thưởng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng.

          9. Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh.

          10. Thực hiện khuyến mại mà giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại vượt quá hạn mức tối đa hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại quá mức tối đa theo quy định tại khoản 4 Điều 94 của Luật Thương mại”.

          Anh Tâm có thể tham khảo quy định nêu trên và các quy định có liên quan khác để giúp công ty thực hiện chương trình khuyến mại đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.

          Tình huống 20: Pháp luật quy định về quyền quảng cáo thương mại 

          Hỏi: Anh Hào Hưng, Công ty TNHH HƯNG TRÍ hỏi pháp luật quy định về quyền thực hiện quảng cáo thương mại của thương nhân hoạt động kinh doanh như thế nào? Trường hợp nào thì không được thực hiện quảng cáo thương mại?

          Trả lời: (có tính chất tham khảo)

          Theo Điều 103 Luật Thương mại quy định về quyền quảng cáo thương mại của thương nhân như sau:

          1. Thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài được phép hoạt động thương mại tại Việt Nam có quyền quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện việc quảng cáo thương mại cho mình.

          2. Văn phòng đại diện của thương nhân không được trực tiếp thực hiện hoạt động quảng cáo thương mại. Trong trường hợp được thương nhân ủy quyền, Văn phòng đại diện có quyền ký hợp đồng với thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại để thực hiện quảng cáo cho thương nhân mà mình đại diện.

          3. Thương nhân nước ngoài muốn quảng cáo thương mại về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình tại Việt Nam phải thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại Việt Nam thực hiện.”

          Cũng theo quy định tại Điều 109 Luật Thương mại, các hoạt động quảng cáo thương mại sau đây bị cấm, gồm:

          “Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

          Quảng cáo có sử dụng sản phẩm quảng cáo, phương tiện quảng cáo trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và trái với quy định của pháp luật.

          Quảng cáo hàng hoá, dịch vụ mà Nhà nước cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh hoặc cấm quảng cáo.

          Quảng cáo thuốc lá, rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên và các sản phẩm, hàng hoá chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng trên thị trường Việt Nam tại thời điểm quảng cáo.

          Lợi dụng quảng cáo thương mại gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

          Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hoá, dịch vụ.

          Quảng cáo cho hoạt động kinh doanh của mình bằng cách sử dụng sản phẩm quảng cáo vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; sử dụng hình ảnh của tổ chức, cá nhân khác để quảng cáo khi chưa được tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

          Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật.”

          Vậy, anh Hưng có thể tham khảo các nội dung và quy định của pháp luật nêu trên để thực hiện việc quảng cáo thương mại đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tin mới - Tin đọc nhiều
Tin mới
Tin nổi bật
Tin mới
Ngày 06 tháng 12 năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn...
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 và Kế hoạch số 2500/KH-STP ngày 08/10/2024 của Sở Tư pháp, ngày 21/11/2024, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị...
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.326.466
Lượt truy cập hiện tại 5.142