Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
GIẢI ĐÁP CÁC TÌNH HUỐNG LIÊN QUAN ĐẾN PHÁP LUẬT VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC
Ngày cập nhật 06/01/2022

Hành vi vi phạm quy định về thành lập, cho phép thành lập; sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục hoặc tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục; chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục

Tình huống 1. Qua kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền phát hiện cơ sở đào tạo A đã có hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung ghi trong quyết định cho phép thành lập trường. Hành vi vi phạm của cơ sở đào tạo A đã bị lập biên bản hành chính. Người đại diện của cơ sở đào tạo A muốn biết, trong trường hợp này cơ sở đào tạo A sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt là bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2, điểm a khoản 4 và khoản Điều 5 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định:

1. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung một trong các loại văn bản sau:

a) Quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập; quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục;

b) Quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập; quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

2. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật là quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục; quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập, quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm các quy định nêu trên.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm các quy định nêu trên.

Như vậy, hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung ghi trong quyết định cho phép thành lập trường của cơ sở đào tạo A sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đồng thời, cơ sở đào tạo A còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 nêu trên.

          Hành vi vi phạm quy định về thành lập hoặc cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể; chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép

Tình huống 2. Trường Đại học Tư thục A đã nộp hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi sang loại hình Trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi cơ quan có thẩm quyền cho phép, Trường Đại học Tư thục A đã tiến hành điều hành các hoạt động của Trường theo loại hình Trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Vậy, hành vi này của Trường Đại học Tư thục A có vi phạm pháp luật không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 3, điểm b khoản 4 và khoản 5 Điều 5 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định phạt tiền đối với hành vi thành lập hoặc cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể; chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo các mức phạt sau:

1. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập;

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ;

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên;

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trường trung cấp có đào tạo nhóm ngành giáo viên;

5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với trường cao đẳng có đào tạo nhóm ngành giáo viên;

6. Từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục đại học.

7. Hình thức xử phạt bổ sung: Trục xuất người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm các quy định nêu trên.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm các quy định nêu trên.

Như vậy, hành vi chuyển đổi từ Trường Đại học tư thục A sang loại hình Trường Đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép là vi phạm pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Nếu người thực hiện hành vi vi phạm là người nước ngoài thì sẽ bị trục xuất, đồng thời, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 8 nêu trên.

Hành vi vi phạm quy định về không đảm bảo một trong các điều kiện cho phép hoạt động giáo dục, đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đăng ký, cho phép hoạt động hoặc công nhận hoạt động tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục

Tình huống 3. Trường mầm non K được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, qua phản ánh của một số phụ huynh thì các phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, phòng vệ sinh, hiên chơi của Trường mầm non K không bảo đảm theo đúng quy chuẩn quy định. Xin hỏi, trong trường hợp này, Trường mầm non K có bị đình chỉ hoạt động giáo dục không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1, điểm a khoản 6, điểm b khoản 7 Điều 6 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định:

1. Phạt tiền đối với hành vi không đảm bảo một trong các điều kiện cho phép hoạt động giáo dục, đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đăng ký, cho phép hoạt động hoặc công nhận hoạt động tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục mầm non;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường trung cấp, trường cao đẳng có đào tạo nhóm ngành giáo viên;

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục đại học; viện hàn lâm, viện được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.

2. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động giáo dục hoặc dịch vụ giáo dục từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm các quy định nêu trên.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm các quy định nêu trên.

Như vậy, hành vi không đảm bảo một trong các điều kiện cho phép hoạt động giáo dục của Trường mầm non A sẽ bị đình chỉ hoạt động giáo dục hoặc dịch vụ giáo dục từ 06 tháng đến 12 tháng và bị xử phạt hành chính với mức tiền phạt từ từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, Trường mầm non A còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 3 nêu trên.

Hành vi vi phạm quy định về tổ chức hoạt động giáo dục hoặc thực hiện dịch vụ giáo dục ngoài địa điểm được phép, đăng ký hoặc công nhận

Tình huống 4. Do số lượng sinh viên đầu vào lớn hơn so với số phòng được bố trí để đào tạo sinh viên nên Trường Đại học M đã thuê trụ sở của Công ty N để tổ chức các lớp học cho sinh viên ngoài địa điểm được cơ quan thẩm quyền cho phép. Xin hỏi, hành vi này có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2, điểm a khoản 7 Điều 6 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định:

1. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức hoạt động giáo dục hoặc thực hiện dịch vụ giáo dục ngoài địa điểm được phép, đăng ký hoặc công nhận theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục mầm non;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với trường trung cấp, trường cao đẳng có đào tạo nhóm ngành giáo viên;

d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục đại học; viện hàn lâm, viện được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chuyển người học về địa điểm đã được cấp phép hoặc đăng ký hoạt động giáo dục đối với hành vi vi phạm các quy định nêu trên.

Như vậy, việc Trường Đại học M thuê trụ sở của Công ty N để tổ chức đào tạo sinh viên ngoài địa điểm được cơ quan thẩm quyền cho phép là vi phạm pháp luật. Hành vi này của Trường Đại học M sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Ngoài ra, Trường Đại học M còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 2 nêu trên.

Hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục; đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đăng ký hoặc công nhận tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục

Tình huống 5. Qua xem xét hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cơ quan có thẩm quyền phát hiện cơ sở giáo dục nghề nghiệp G có hành vi gian lận trong việc giả mạo chữ ký. Xin hỏi, hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 4; điểm c khoản 6;  điểm b, điểm c khoản 7 Điều 6 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định:

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục; đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đăng ký hoặc công nhận tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục.

2. Hình thức xử phạt bổ sung: Trục xuất người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm quy định nêu trên.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên.

b) Buộc nộp lại và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi quyết định cho phép hoạt động giáo dục, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoặc quyết định công nhận tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên.

          Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên thì hành vi gian lận để được cho phép đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp G sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài ra, cơ sở giáo dục này còn phải bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả nêu tại khoản 2 và khoản 3 nêu trên.

Hành vi vi phạm quy định về công khai không đầy đủ các nội dung theo quy định tại quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các văn bản pháp luật khác có liên quan

Tình huống 6: Sau một năm thành lập và đi vào hoạt động nhưng Trường Trung học cơ sở M vẫn không tiến hành công khai các khoản thu, chi theo quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Xin hỏi, hành vi này của Trường Trung học cơ sở M có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Nếu có thì mức phạt tiền là bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1, điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Công khai không đầy đủ các nội dung theo quy định tại quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các văn bản pháp luật khác có liên quan;

b) Thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng chế độ thông tin báo cáo theo quy định của pháp luật hiện hành;

c) Lập báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất có nội dung không chính xác;

d) Sử dụng tên hoặc đặt trụ sở không đúng địa điểm theo quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập;

đ) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện công khai theo quy định đối với hành vi vi phạm các quy định nêu trên.

Như vậy, hành vi không công khai các khoản thu, chi theo quy định tại quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của Trường Trung học cơ sở M là hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, Trường Trung học cơ sở M còn buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 2 nêu trên.

Hành vi vi phạm quy định về công khai không chính xác các nội dung theo quy định của pháp luật hiện hành

Tình huống 7. Do sơ xuất trong quá trình ban hành văn bản, Trường Đại học tư thục D đã công khai không chính xác một số thông tin về quy mô đào tạo hiện tại và thông tin về sinh viên tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 01 năm ra trường trên Trang thông tin điện tử của trường này. Vậy, hành vi này của Trường Đại học tư thục D có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2, điểm b khoản 5 Điều 7 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Ban hành không đầy đủ văn bản thuộc trách nhiệm của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật hiện hành;

b) Công khai không chính xác các nội dung theo quy định của pháp luật hiện hành;

c) Không thực hiện công khai theo quy định của pháp luật hiện hành;

d) Không thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định của pháp luật hiện hành;

đ) Không gửi thông báo, quyết định của cơ sở giáo dục đại học đến Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin sai sự thật đối với hành vi vi phạm các quy định nêu trên.

Như vậy, hành vi công khai không chính xác một số thông tin về quy mô đào tạo hiện tại và thông tin về sinh viên tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 01 năm ra trường trên Trang thông tin điện tử của Trường Đại học Tư thục D sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, Trường này còn buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 2 nêu trên.

Hành vi vi phạm quy định về thực hiện quy trình tuyển sinh theo quy định của pháp luật hiện hành

Tình huống 8: Để rút ngắn thời gian tuyển sinh, Trường Trung học phổ thông H đã không thực hiện đúng quy trình tuyển sinh theo quy định của pháp luật hiện hành. Xin hỏi, hành vi này của Trường Trung học phổ thông H có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Nếu có thì mức phạt tiền là bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

1. Công bố chỉ tiêu tuyển sinh vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

2. Không thực hiện đúng quy trình tuyển sinh theo quy định của pháp luật hiện hành.

Như vậy, hành vi không thực hiện đúng quy trình tuyển sinh theo quy định của pháp luật hiện hành của Trường Trung học phổ thông H sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Hành vi vi phạm quy định về thực hiện tuyển sinh không đúng đề án tuyển sinh đã công bố

Tình huống 9: Để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh của năm học mới, Trường Đại học S đã công bố Đề án tuyển sinh trên Trang thông tin điện tử của mình. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Trường Đại học S đã thực hiện tuyển sinh không đúng đề án tuyển sinh đã được công bố. Vậy, pháp luật có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp này không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

1. Không công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào;

2. Thực hiện tuyển sinh không đúng đề án tuyển sinh đã công bố.

Như vậy, với quy định của pháp luật nêu trên, hành vi thực hiện tuyển sinh không đúng đề án tuyển sinh đã công bố của Trường Đại học S sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Hành vi vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh đối với ngành, chuyên ngành hoặc chương trình giáo dục của nước ngoài khi chưa được phép thực hiện

Tình huống 10: Nhằm nâng cao lợi nhuận, Trường Đại học tư thục B đã tiến hành tổ chức tuyển sinh đối với chuyên ngành đào tạo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép và đã bị cơ quan có thẩm quyền lập biên bản đối với hành vi vi phạm này. Xin hỏi, trong trường hợp này, pháp luật quy định việc xử lý của Trường Đại học tư thục B như thế nào đối với sinh viên trúng tuyển?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 4; khoản 5, khoản 6 Điều 8 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định:

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức tuyển sinh đối với ngành, chuyên ngành hoặc chương trình giáo dục của nước ngoài khi chưa được phép thực hiện.

2. Hình thức xử phạt bổ sung: Trục xuất người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm quy định nêu trên.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên.

Như vậy, trong trường hợp này Trường Đại học tư thục B buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm.

Hành vi vi phạm quy định về tuyển sinh sai đối tượng quy định tại Quy chế tuyển sinh ở cấp trung học phổ thông

Tình huống 11: Do số lượng đầu vào cần tuyển sinh của Trường Trung học phổ thông dân lập X ít hơn so với dự kiến nên Trường X đã chủ động tuyển sinh sai đối tượng quy định tại Quy chế tuyển sinh đối với 30 người học. Xin hỏi, hành vi này của Trường Trung học phổ thông dân lập X có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1 và điểm a, điểm b khoản 7 Điều 9 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định:

1. Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh sai đối tượng quy định tại quy chế tuyển sinh ở cấp trung học phổ thông theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai dưới 10 người học;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai từ 10 người học đến dưới 30 người học;

c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai từ 30 người học trở lên.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc hủy bỏ quyết định trúng tuyển; buộc trả lại cho người học số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức trả lại đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên nếu hành vi vi phạm có lỗi của cả đối tượng thực hiện hành vi vi phạm và người học;

b) Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên nếu người học không có lỗi.

          Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên, Trường Trung học phổ thông X sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời, Trường Trung học phổ thông X buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 2 nêu trên.

Hành vi vi phạm quy định về tuyển sinh đào tạo trình độ đại học sai đối tượng quy định tại Quy chế tuyển sinh

Tình huống 12: Ông An, nhân viên văn phòng của Trường Đại học PX, hỏi: Việc tuyển sinh đào tạo trình độ đại học sai đối tượng quy định tại Quy chế tuyển sinh có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Nếu có thì mức phạt tiền là bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 3 và điểm a, điểm b khoản 7 Điều 9 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định:

1. Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh đào tạo trình độ đại học sai đối tượng quy định tại quy chế tuyển sinh theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai dưới 10 người học;

b) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai từ 10 người học đến dưới 30 người học;

c) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi tuyển sai từ 30 người học trở lên.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc hủy bỏ quyết định trúng tuyển; buộc trả lại cho người học số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức trả lại đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên nếu hành vi vi phạm có lỗi của cả đối tượng thực hiện hành vi vi phạm và người học;

b) Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên nếu người học không có lỗi.

          Trên đây là quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tuyển sinh đào tạo trình độ đại học sai đối tượng quy định tại Quy chế tuyển sinh, ông An có thể tham khảo để tìm hiểu thêm về mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm này.

Hành vi vi phạm quy định về chỉ tiêu tuyển sinh

Tình huống 13: Trường Trung học phổ thông dân lập M đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu theo quy định. Trường Trung học phổ thông dân lập M đề nghị cho biết, pháp luật quy định như thế nào về mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định về vượt chỉ tiêu tuyển sinh?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 10 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định:

1. Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh vượt chỉ tiêu ở cấp trung học phổ thông theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 03% đến dưới 10%;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 10% đến dưới 15%;

c) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 15% đến dưới 20%;

d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 20% trở lên.

2. Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nhóm ngành giáo viên vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 03% đến dưới 10%;

b) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 10% đến dưới 15%;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 15% đến dưới 20%;

d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 20% trở lên.

3. Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ đại học vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 03% đến dưới 10%;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 10% đến dưới 15%;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 15% đến dưới 20%;

d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 20% trở lên.

4. Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 03% đến dưới 10%;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 10% đến dưới 15%;

c) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 15% đến dưới 20%;

d) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 20% trở lên.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số lượng đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu đối với hành vi vi phạm các quy định nêu trên.

Trên đây là quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Trường Trung học phổ thông dân lập M có thể tham khảo để tìm hiểu thêm mức tiền phạt và biện pháp khắc phục hậu quả mà mình phải thực hiện khi xảy ra vi phạm.

Hành vi vi phạm quy định về tự chủ mở ngành, chuyên ngành đào tạo khi chưa đủ một trong các điều kiện theo quy định đối với một ngành, chuyên ngành

Tình huống 14: Trường Đại học Z mở thêm chuyên ngành đào tạo thuộc nhóm ngành Nghệ thuật nhưng không đảm bảo điều kiện về giảng viên theo quy định tại Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 9 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học. Vậy, hành vi này của Trường Đại học Z có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2, điểm a khoản 4 Điều 12 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Tự chủ mở ngành, chuyên ngành đào tạo khi chưa đủ một trong các điều kiện theo quy định đối với một ngành, chuyên ngành;

b) Gian lận để được cho phép mở đối với một ngành, chuyên ngành đào tạo;

c) Không đảm bảo duy trì một trong các điều kiện đã được mở ngành, chuyên ngành đào tạo theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên.

Như vậy, việc mở thêm chuyên ngành đào tạo thuộc nhóm ngành Nghệ thuật nhưng không đảm điều kiện về giảng viên của Trường Đại học Z là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài ra, Trường Đại học Z còn buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 2 nêu trên.

Hành vi vi phạm quy định về không báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo; không công khai hoặc công khai không đầy đủ các nội dung về đào tạo liên thông trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật hiện hành

Tình huống 15: Trường Cao đẳng Sư phạm H phối hợp với Trường Đại học Sư phạm B tổ chức đào tạo liên thông trình độ đại học cho sinh viên đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm H. Tuy nhiên, Trường Đại học Sư phạm B đã công khai không đầy đủ các nội dung về đào tạo liên thông này trên trang thông tin điện tử của mình và cũng không báo cáo việc này với Bộ giáo dục và Đào tạo. Xin hỏi hành vi này của Trường Đại học Sư phạm B có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về đào tạo liên thông theo các mức phạt sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo; không công khai hoặc công khai không đầy đủ các nội dung về đào tạo liên thông trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật hiện hành;

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tự chủ tổ chức đào tạo liên thông không đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Như vậy, hành vi không báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và không công khai không đầy đủ các nội dung về đào tạo liên thông trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật hiện hành của Trường Đại học Sư phạm B là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính với mức tiền phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Hành vi vi phạm quy định về liên kết đào tạo khi chưa có văn bản cho phép thực hiện liên kết đào tạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Tình huống 16: Trường Cao đẳng nghề X phối hợp với Trường Đại học V để liên kết đào tạo một số chuyên ngành về điện tử. Tuy nhiên, việc liên kết đào tạo này lại chưa có văn bản cho phép thực hiện liên kết đào tạo của cơ quan nhà nước có thẩm. Vậy, xin hỏi pháp luật quy định như thế nào về việc xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật này?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điểm đ khoản 2, khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 13 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định:

1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi liên kết đào tạo khi chưa có văn bản cho phép thực hiện liên kết đào tạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tự chủ liên kết đào tạo khi chưa bảo đảm điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động liên kết đào tạo từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm nêu trên.

Như vậy, hành vi vi phạm quy định về liên kết đào tạo khi chưa có văn bản cho phép thực hiện liên kết đào tạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt hành chính với mức tiền phạt từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Đồng thời, Trường Cao đẳng nghề X, Trường Đại học V còn buộc phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 2 và khoản 3 nêu trên.

Hành vi vi phạm quy định về cho thuê, cho mượn giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

Tình huống 17. Do không còn nhu cầu sử dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, Doanh nghiệp T đã cho Doanh nghiệp L thuê giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học của mình để mở Văn phòng tư vấn du học. Xin hỏi, hành vi này của Doanh nghiệp T có được pháp luật cho phép không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2, khoản 5 và điểm b khoản 6 Điều 16 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cho thuê, cho mượn giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

2. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động tư vấn du học từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định nêu trên.

Như vậy, căn cứ vào quy định của pháp luật nêu trên thì hành vi cho thuê giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học của Doanh nghiêp T là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính với mức tiền phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, đồng thời, còn buộc phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 2 và khoản 3 nêu trên.

Hành vi vi phạm quy định về ký hợp đồng tư vấn du học với người có nhu cầu đi du học hoặc cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của người có nhu cầu đi du học

Tình huống 18. Công ty C kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn du học. Tuy nhiên, hoạt động tư vấn giữa Công ty C với người có nhu cầu đi du học hoặc cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của người có nhu cầu đi du học không được lập thành hợp đồng mà chỉ tiến hành giao dịch thông qua hình thức trao đổi miệng. Vậy, hành vi không ký hợp đồng khi tiến hành dịch vụ tư vấn du học của Công ty C có phù hợp với quy định của pháp luật không? Nếu có thì hành vi này được xử lý như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 3 và khoản 5 Điều 16 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định:

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Tư vấn, đưa người đi du học đến các cơ sở giáo dục nước ngoài thực hiện chương trình giáo dục đại học, thạc sĩ, tiến sĩ chưa được kiểm định hoặc công nhận chất lượng tại nước sở tại;

b) Tư vấn, đưa người đi du học đến các cơ sở giáo dục khi chưa ký hợp đồng với cơ sở giáo dục nước ngoài;

c) Không ký hợp đồng tư vấn du học với người có nhu cầu đi du học hoặc cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của người có nhu cầu đi du học;

d) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học đối với người học đã được tư vấn và đưa ra nước ngoài học tập.

2. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động tư vấn du học từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên.

Như vậy, hành vi không ký hợp đồng tư vấn du học với người có nhu cầu đi du học hoặc cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của người có nhu cầu đi du học của Công ty C là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài ra, Công ty C còn bị đình chỉ hoạt động tư vấn du học từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm này.

Vi phạm quy định về in phôi và quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tình huống 19. Anh Tâm vừa được Trường Đại học Tư thục M tuyển dụng vào làm nhân viên Văn phòng. Để chuẩn bị tốt cho công việc của mình trong thời gian đến, anh Tâm hỏi, trong trường hợp nào thì cơ sở giáo dục vi phạm quy định về in phôi và quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 22 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, an toàn, phòng chống cháy nổ trong việc in, bảo quản phôi văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật hiện hành;

b) Không lập hoặc lập hồ sơ quản lý việc in, cấp, sử dụng, thu hồi, hủy bỏ phôi văn bằng, chứng chỉ không đầy đủ, không chính xác thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành;

c) Không quy định việc lập số hiệu, các ký hiệu nhận dạng phôi văn bằng, chứng chỉ để phục vụ việc bảo mật, nhận dạng và chống làm giả phôi văn bằng, chứng chỉ;

d) In phôi văn bằng, chứng chỉ có nội dung không đúng quy định của pháp luật hiện hành;

đ) Thực hiện việc hủy phôi văn bằng chứng chỉ không đúng quy định của pháp luật hiện hành.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ phôi văn bằng, chứng chỉ có nội dung không đúng quy định của pháp luật hiện hành đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 nêu trên.

Trên đây là các hành vi vi phạm quy định về in phôi và quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo và mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm này, anh Tâm có thể tham khảo để thực hiện tốt công tác tham mưu của mình.

Hành vi vi phạm quy định về sử dụng nhà giáo

Tình huống 20. Trường Trung học cơ sở X nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo đối với hành vi vi phạm quy định sử dụng nhà giáo không đủ điều kiện, tiêu chuẩn với mức tiền phạt là 45.000.000 đồng. Tuy nhiên, Trường Trung học cơ sở X cho rằng Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo không có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi này. Xin hỏi nhận định của Trường Trung học cơ sở X có đúng với quy định của pháp luật không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

* Điều 24 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định đối hành vi vi phạm quy định về sử dụng nhà giáo, như sau:

1. Phạt tiền đối với hành vi sử dụng nhà giáo không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm ở cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm ở trường trung cấp, trường cao đẳng có đào tạo nhóm ngành giáo viên;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm ở cơ sở giáo dục đại học; viện hàn lâm, viện được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nhà giáo không đúng quy định về trình độ chuyên môn hoặc trình độ ngoại ngữ trong giảng dạy chương trình giáo dục, chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài hoặc giảng dạy chương trình tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; trong thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài.

* Khoản 2 Điều 37 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định: Chánh Thanh tra cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có quyền:

1. Phạt cảnh cáo;

2. Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

3. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

4. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định nêu trên;

5. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 4 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ.

* Điểm a khoản 2 Điều 39 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra, như sau:

Chánh Thanh tra cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục cấp Sở xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại: các khoản 1 và 2 Điều 5; khoản 1 và các điểm a, b, c khoản 2 Điều 6; các khoản 1, 2 và 3 Điều 7; các khoản 1, 2 và 3 Điều 8; các khoản 1 và 2, điểm a khoản 3, điểm a khoản 4 và khoản 5 Điều 9; khoản 1, khoản 2, các điểm a, b, c khoản 3 và các điểm a, b khoản 4 Điều 10; Điều 11; Điều 12; khoản 1 và các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 13; Điều 14; Điều 15; Điều 16; Điều 17; khoản 1 Điều 19; khoản 1 Điều 20; các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 21; Điều 22; Điều 23; Điều 24; Điều 25; Điều 26; Điều 27; Điều 28; Điều 29; Điều 30; Điều 31; khoản 2 Điều 32; Điều 33; khoản 1 và các điểm a, b, C khoản 2 Điều 34; các điểm a, b, c khoản 3 Điều 5; các khoản 3, 4 và các điểm a, b khoản 5 Điều 6 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ nếu người thực hiện hành vi vi phạm là công dân Việt Nam.

Như vậy, với quy định của pháp luật nêu trên thì việc Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng nhà giáo không đủ điều kiện, tiêu chuẩn với mức tiền phạt là 45.000.000 đồng là phù hợp và đúng thẩm quyền./.

-----------------

Lê Thị Huế

 

 

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tin mới - Tin đọc nhiều
Tin mới
Tin nổi bật
Tin mới
Ngày 06 tháng 12 năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn...
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 và Kế hoạch số 2500/KH-STP ngày 08/10/2024 của Sở Tư pháp, ngày 21/11/2024, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị...
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.367.168
Lượt truy cập hiện tại 5.244