Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
GIẢI ĐÁP CÁC TÌNH HUỐNG LIÊN QUAN ĐẾN PHÁP LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC VÀ KHOÁNG SẢN
Ngày cập nhật 22/12/2020

Giải đáp các tình huống liên quan đến pháp luật tài nguyên nước và khoáng sản

1. Mặc dù chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép đối với hoạt động thăm dò nước dưới đất đối với công trình gồm 01 giếng khoan nhưng Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác khoáng sản L vẫn tiến hành tổ chức hoạt động thăm dò này tại xã A huyện M. Hành vi này của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác khoáng sản L có bị xử phạt vi phạm hành chính  không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 và khoản 16 Điều 9 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định:

1. Phạt tiền đối với hành vi thăm dò nước dưới đất không có giấy phép, cụ thể như sau:

a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thăm dò nước dưới đất không có giấy phép đối với công trình gồm 01 giếng khoan;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thăm do nước dưới đất không có giấy phép đối với công trình gồm 02 giếng khoan;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi thăm dò nước dưới đất không có giấy phép đối với công trình gồm 03 giếng khoan;

d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thăm dò nước dưới đất không có giấy phép đối với công trình gồm 04 giếng khoan;

đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi thăm dò nước dưới đất không có giấy phép đối với công trình gồm từ 05 giếng khoan trở lên.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;

b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đối với các hành vi vi phạm mà gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng và số lượng nguồn nước.

3. Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định:

Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, hành vi thăm dò nước dưới đất không có giấy phép đối với công trình gồm 01 giếng khoan của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác khoáng sản L sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, công ty L còn buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đối với các hành vi vi phạm mà gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng và số lượng nguồn nước.

 

2. Để cắt giảm chi phí trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, hàng ngày, Doanh nghiệp Tư nhân A đã tiến hành khai thác, sử dụng nước dưới đất với lưu lượng trên 15 m3/ngày đêm để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Hành vi này của Doanh nghiệp tư nhân A có vi phạm pháp luật không?  Nếu có thì hành vi này của Doanh nghiệp tư nhân A bị xử lý như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 3 và khoản 16 Điều 9 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng trên 10 m3/ngày đêm đến dưới 30 m3/ngày đêm.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;

b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đối với các hành vi vi phạm mà gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng và số lượng nguồn nước.

3. Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định:

Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, hành vi khai thác, sử dụng nước dưới đất với lưu lượng trên 15 m3/ngày đêm để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Doanh nghiệp tư nhân A là vi phạm pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với  mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, Doanh nghiệp Tư nhân A còn buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đối với các hành vi vi phạm mà gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng và số lượng nguồn nước.

 

3. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác khoáng sản M đang tiến hành hoạt động khai thác titan tại xã K huyện Q thì bị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền với lưu lượng trên 10.000 m3/ngày đêm đến dưới 30.000 m3/ngày đêm mà không có giấy phép. Công ty M muốn biết hành vi vi phạm của mình sẽ bị xử phạt hành chính với mức tiền phạt là bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 4 và khoản 16 Điều 9 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép sau:

a) Khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng từ 30 m3/ngày đêm đến dưới 50 m3/ngày đêm;

b) Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng trên 0,1 m3/giây đến dưới 0,2 m3/giây;

c) Khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp với lưu lượng trên 100 m3/ngày đêm đến dưới 1.000 m3/ngày đêm;

d) Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy trên 50 kW đến dưới 500 kW;

đ) Khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền với lưu lượng trên 10.000 m3/ngày đêm đến dưới 30.000 m3/ngày đêm.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;

b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đối với các hành vi vi phạm mà gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng và số lượng nguồn nước.

3. Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định:

Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, căn cứ vào quy định của pháp luật nêu trên, hành vi khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền với lưu lượng trên 10.000 m3/ngày đêm đến dưới 30.000 m3/ngày đêm mà không có giấy phép của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác khoáng sản M sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài ra, công ty M còn buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đối với các hành vi vi phạm mà gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng và số lượng nguồn nước.

 

4. Để cắt giảm chi phí sản xuất, kinh doanh của mình, Doanh nghiệp Tư nhân C đã tiến hành hoạt động khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 1.000 kW đến dưới 2.000 kW. Hành vi này của Doanh nghiệp Tư nhân C có vi phạm pháp luật không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 6 và khoản 16 Điều 9 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định:

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép sau:

a) Khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng từ 100 m3/ngày đêm đến dưới 200 m3/ngày đêm;

b) Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng từ 0,3 m3/giây đến dưới 0,5 m3/giây;

c) Khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp với lưu lượng từ 2.000 m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm;

d) Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 1.000 kW đến dưới 2.000 kW;

đ) Khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền với lưu lượng từ 50.000 m3/ngày đêm đến dưới 100.000 m3/ngày đêm.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;

b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đối với các hành vi vi phạm mà gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng và số lượng nguồn nước.

3. Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định:

Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, hành vi khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 1.000 kW đến dưới 2.000 kW của Doanh nghiệp Tư nhân C là vi phạm pháp luật. Doanh nghiệp Tư nhân C sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra, Doanh nghiệp Tư nhân C còn buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đối với các hành vi vi phạm mà gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng và số lượng nguồn nước.

 

5. Do xảy ra sai phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước nên Công ty Y đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ hiệu lực giấy phép. Tuy nhiên, trong thời gian này Công ty Y vẫn cố tình tiếp tục tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước. Vậy, pháp luật quy định xử phạt hành chính đối với hành vi này của Công ty Y như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 7 Điều 10 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định:

1. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong thời gian giấy phép bị đình chỉ hiệu lực.

2. Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định:

Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, hành vi tiếp tục thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong thời gian giấy phép bị đình chỉ hiệu lực của Công ty Y sẽ bị xử phạt hành chính với mức tiền phạt từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

 

6. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác khoáng sản QP được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề khoan đối với công trình có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 110 mm và có lưu lượng nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Công ty QP đã cho Công ty H thuê giấy phép này. Xin hỏi, hành vi này của Công ty QP có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 3, điểm a khoản 8 và điểm b khoản 9 Điều 11 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về hành nghề khoan đối với công trình có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 110 mm và có lưu lượng nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm:

a) Cho mượn, cho thuê giấy phép;

b) Hành nghề khoan nước dưới đất không có giấy phép;

c) Hành nghề khoan nước dưới đất khi giấy phép đã hết hạn, trừ trường hợp đã nộp hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép theo quy định.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi cho mượn, cho thuê giấy phép;

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xử lý, khắc phục sự cố sụt, lún đất hoặc sự cố bất thường khác đối với hành vi cho mượn, cho thuê giấy phép.

4. Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định:

Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác khoáng sản QP cho Công ty H thuê giấy phép hành nghề khoan đối với công trình có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 110 mm và có lưu lượng nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm là vi phạm pháp luật. Hành vi này của Công ty PQ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài ra, Công ty PQ còn bị tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi cho mượn, cho thuê giấy phép và buộc xử lý, khắc phục sự cố sụt, lún đất hoặc sự cố bất thường khác đối với hành vi cho mượn, cho thuê giấy phép.

 

7. Doanh nghiệp Tư nhân S nhận thi công trám lấp giếng khoan khai thác nước dưới đất có chiều sâu 35 m cho Công ty Khai thác khoáng sản K mà không có giấy phép hành nghề khoan. Xin hỏi, hành vi này của Doanh nghiệp Tư nhân S bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 4 và điểm b khoản 9 Điều 11 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Thi công giếng khoan không theo đúng quy trình, thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt;

b) Thi công trám lấp giếng khoan không đúng kỹ thuật theo quy định;

c) Sử dụng nước thải, nước bẩn, nước có chứa dầu mỡ, hóa chất độc hại, phụ gia chứa hóa chất gây ô nhiễm làm dung dịch khoan hoặc pha trộn dung dịch khoan và đưa vào lỗ khoan;

d) Thi công trám lấp giếng khoan khai thác nước dưới đất có đường kính ống chồng hoặc ống vách lớn hơn 60 mm hoặc chiều sâu từ 30 m trở lên không có giấy phép hành nghề khoan;

đ) Thực hiện hành nghề không đúng quy mô đã quy định trong giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất;

e) Thi công khoan thăm dò, khoan khai thác nước dưới đất cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất theo quy định.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xử lý, khắc phục sự cố sụt, lún đất hoặc sự cố bất thường khác đối với hành vi thi công trám lấp giếng khoan khai thác nước dưới đất có đường kính ống chồng hoặc ống vách lớn hơn 60 mm hoặc chiều sâu từ 30 m trở lên không có giấy phép hành nghề khoan.

3. Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định:

Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, hành vi thi công trám lấp giếng khoan khai thác nước dưới đất có chiều sâu từ 35 m mà không có giấy phép hành nghề khoan của Doanh nghiệp tư nhân S sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Ngoài ra, Doanh nghiệp tư nhân S còn buộc phải xử lý, khắc phục sự cố sụt, lún đất hoặc sự cố bất thường khác khi thực hiện hành vi này.

 

8. Công ty G đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất. Tuy nhiên, trong thời gian thi công khoan nước dưới đất cho Công ty R thì giấy phép hết hạn và Công ty G đã nộp hồ sơ xin gia hạn theo quy định. Vậy, trong trường hợp này, Công ty G có bị xử phạt vi phạm hành chính không? 

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 5 Điều 11 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định hành nghề khoan nước dưới đất đối với công trình có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 250 mm và có lưu lượng từ 200 m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm, như sau:

1. Cho mượn, cho thuê giấy phép;

2. Hành nghề khoan nước dưới đất không có giấy phép;

3. Hành nghề khoan nước dưới đất khi giấy phép đã hết hạn, trừ trường hợp đã nộp hồ sơ xin gia hạn theo quy định.

4. Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định:

Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, trong trường hợp này, Công ty G đã nộp hồ sơ xin gia hạn theo quy định nên Công ty G sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính.

 

9. Trong quá trình hành nghề khoan nước dưới đất của Công ty X đã làm sụt, lún đất ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực thi công công trình. Mặc dù, người dân ở đây đã nhiều lần yêu cầu Công ty X tiến hành xử lý, khắc phục hậu quả nhưng Công ty X vẫn chây ì. Xin hỏi, hành vi này của Công ty X có bị xử lý vi phạm hành chính không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 7 và điểm b khoản 9 Điều 11 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định:

1. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Tiếp tục khoan giếng khi gây sụt, lún đất hoặc gây sự cố bất thường khác ảnh hưởng đến công trình xây dựng và đời sống nhân dân trong khu vực thi công công trình;

b) Không xử lý, khắc phục sự cố sụt, lún đất hoặc sự cố bất thường khác ảnh hưởng đến công trình xây dựng và đời sống nhân dân trong khu vực thi công công trình.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xử lý, khắc phục sự cố sụt, lún đất hoặc sự cố bất thường khác đối với hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến công trình xây dựng và đời sống nhân dân trong khu vực thi công công trình.

3. Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định:

Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, hành vi không xử lý, khắc phục sự cố sụt, lún đất hoặc sự cố bất thường khác ảnh hưởng đến công trình xây dựng và đời sống nhân dân trong khu vực thi công công trình của Công ty X sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng. Ngoài ra, Công ty X còn buộc phải xử lý, khắc phục sự cố sụt, lún đất hoặc sự cố bất thường khác do hành vi của mình gây ra.

 

10. Công ty D muốn chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước cho Công ty B mà không cần giấy phép chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền thì có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 12 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước mà không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép chấp thuận.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 nêu trên;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 nêu trên.

3. Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định:

Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, nếu Công ty D muốn chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước cho Công ty B mà không có giấy phép chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra, Công ty D còn bị tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi này.

 

11. Nhằm tăng lợi nhuận trong kinh doanh, Công ty Thủy điện N đã sử dụng mặt nước hồ chứa có dung tích dưới 1.000.000 m3 để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, giải trí không được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chấp thuận. Hành vi này của Công ty Thủy điện N có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây với hồ chứa có dung tích dưới 1.000.000 m3:

1. Sử dụng mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, giải trí không được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chấp thuận bằng văn bản, trường hợp hồ chứa thuộc hệ thống công trình thủy lợi thì áp dụng xử phạt theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;

2. Không thực hiện chế độ thông báo, báo cáo liên quan đến vận hành công trình theo quy định.

3. Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định:

Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, hành vi sử dụng mặt nước hồ chứa có dung tích dưới 1.000.000 m3 để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, giải trí mà không được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chấp thuận của Công ty Thủy điện N sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

 

12. Qua hoạt động kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền phát hiện Công ty Thủy điện M đã không xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt, hạn hán thiếu nước cho vùng hạ du. Xin hỏi, hành vi này của Công ty Thủy điện M có bị xử phạt vi phạm pháp luật không? Nếu có thì mức phạt tiền là bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 7 Điều 13 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định:

1. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định đối với hồ chứa và đập dâng;

b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng kế hoạch điều tiết nước hàng năm của hồ chứa;

c) Không thực hiện quan trắc khí tượng, thủy văn và tính toán, dự báo lượng nước đến hồ, đập phục vụ vận hành hồ chứa, đập dâng;

d) Không xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt, hạn hán thiếu nước cho vùng hạ du;

đ) Không lắp đặt hệ thống cảnh báo, thông báo việc xả lũ của công trình;

e) Không đảm bảo duy trì mực nước theo quy định trong mùa lũ của quy trình vận hành hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

g) Vận hành xả nước với lưu lượng không đúng quy định của quy trình trong điều kiện thời tiết bình thường.

2. Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định:

Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

 

Như vậy, hành vi không xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt, hạn hán thiếu nước cho vùng hạ du của Công ty thủy điện M sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 240.000.000 đồng.

 

13. Để tránh vi phạm trong hoạt động của mình, Công ty Thủy Điện Z đề nghị cho biết các vi phạm về quy định không đảm bảo về thời gian xả nước hàng ngày trong mùa cạn theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 19 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định vi phạm quy định không đảm bảo về thời gian xả nước hàng ngày trong mùa cạn theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa sẽ bị xử lý như sau:

1. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với hành vi không đảm bảo thời gian xả nước dưới 05 ngày.

2. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng đối với hành vi không đảm bảo thời gian xả nước từ 05 ngày đến dưới 10 ngày.

3. Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 130.000.000 đồng đối với hành vi không đảm bảo thời gian xả nước từ 10 ngày đến dưới 20 ngày.

4. Phạt tiền từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi không đảm bảo thời gian xả nước từ 20 ngày đến dưới 30 ngày.

5. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng đối với hành vi không đảm bảo thời gian xả nước từ 30 ngày đến dưới 60 ngày.

6. Phạt tiền từ 170.000.000 đồng đến 190.000.000 đồng đối với hành vi không đảm bảo thời gian xả nước từ 60 ngày trở lên.

7. Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi không đảm bảo thời gian xả nước gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng thiếu nước ở hạ du.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều này mà gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng thiếu nước ở hạ du và việc vận hành của các hồ chứa khác trong lưu vực.

9. Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định:

Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Trên đây, là quy định của pháp luật về xử phạt vi phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định không đảm bảo về thời gian xả nước hàng ngày trong mùa cạn theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa, Công ty Thủy điện Z có thể tham khảo để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình tránh trường hợp vi phạm pháp luật.

 

14. Công ty nuôi trồng Thủy sản A thường xuyên xã nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải là 12.000 m3/ngày đêm mà không có giấy phép theo quy định của pháp luật, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong khu vực. Xin hỏi, hành vi xã nước thải này của Công ty nuôi trồng Thủy sản A bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt là bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 20 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định vi phạm quy định hành vi xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép theo quy định của pháp luật, như sau:

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ trên 5 m3/ngày đêm đến dưới 50 m3/ngày đêm, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ trên 10.000 m3/ngày đêm đến dưới 30.000 m3/ngày đêm.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 50 m3/ngày đêm đến dưới 100 m3/ngày đêm, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 30.000 m3/ngày đêm đến dưới 50.000 m3/ngày đêm.

3. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 100 m3/ngày đêm đến dưới 500 m3/ngày đêm, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 50.000 m3/ngày đêm đến dưới 70.000 m3/ngày đêm.

4. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với hành vi xả nước thải có chứa hóa chất độc hại, chất phóng xạ vào nguồn nước với lưu lượng nước thải không vượt quá 5 m3/ngày đêm.

5. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 500 m3/ngày đêm đến dưới 1.000 m3/ngày đêm, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 70.000 m3/ngày đêm đến dưới 100.000 m3/ngày đêm.

6. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm đến dưới 2.000 m3/ngày đêm, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 100.000 m3/ngày đêm đến dưới 150.000 m3/ngày đêm.

7. Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 2.000 m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 150.000 m3/ngày đêm đến dưới 200.000 m3/ngày đêm.

8. Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Xả nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 200.000 m3/ngày đêm trở lên.

9. Xả nước thải thuộc trường hợp phải có giấy phép xả nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung mà hệ thống đó chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước thì áp dụng mức phạt tương ứng quy định tại điểm a của các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 và khoản 8 nêu trên.

10. Hành vi xả nước thải vào nguồn nước khi giấy phép đã hết hạn áp dụng mức xử phạt như trường hợp không có giấy phép quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và khoản 8 nêu trên.

11. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái nguồn nước đối với các hành vi vi phạm mà gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng nguồn nước.

13. Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định:

Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, hành vi xã nước thải nuôi trồng thủy sản vào nguồn nước với lưu lượng nước thải là 12.000 m3/ngày đêm mà không có giấy phép theo quy định của pháp luật của Công ty nuôi trồng Thủy sản A sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.

 

15. Sau khi hoàn tất việc trám lấp giếng không còn sử dụng, Công ty Y đã không thông báo, báo cáo kết quả trám lấp giếng không sử dụng đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Xin hỏi, hành vi này của Công ty Y có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Nếu có thì mức phạt tiền là bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không thông báo, báo cáo kết quả trám lấp giếng không sử dụng đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

b) Không báo cáo kịp thời tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra sự cố bất thường về chất lượng nước, mực nước trong giếng khai thác theo quy định;

c) Không thực hiện trám lấp giếng sau khi đã sử dụng xong hoặc bị hỏng (cho từng giếng) đối với trường hợp không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất;

d) Không thông báo thời gian, địa điểm thực hiện thi công trám lấp giếng đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

2. Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định:

Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, hành vi không thông báo, báo cáo kết quả trám lấp giếng không sử dụng đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Công ty Y là vi phạm pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng./.

---------------

 

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tin mới - Tin đọc nhiều
Tin mới
Tin nổi bật
Tin mới
Ngày 06 tháng 12 năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn...
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 và Kế hoạch số 2500/KH-STP ngày 08/10/2024 của Sở Tư pháp, ngày 21/11/2024, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị...
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.367.186
Lượt truy cập hiện tại 7.762