Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tình huống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, HTX
Ngày cập nhật 30/09/2020

          1. Công ty Luật hợp danh P tại thành phố K muốn thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của công ty. Công ty thực hiện đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động với cơ quan có thẩm quyền nhưng thông báo không đúng thời hạn theo quy định. Hành vi của Công ty Luật bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

 

Khoản 1 Điều 7, khoản 5 Điều 4 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đăng ký hoạt động hoặc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động không đúng thời hạn với cơ quan có thẩm quyền;

b) Thông báo không đúng thời hạn cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc đặt cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài hoặc chấm dứt hoạt động của cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài;

c) Thông báo, báo cáo không đúng thời hạn cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, tạm ngừng, tiếp tục hoạt động, tự chấm dứt hoạt động, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề;

d) Thông báo, báo cáo không đúng thời hạn cho cơ quan có thẩm quyền về việc thành lập, tạm ngừng, tiếp tục hoạt động hoặc tự chấm dứt hoạt động của chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam;

đ) Thông báo không đúng thời hạn cho cơ quan có thẩm quyền về việc thuê luật sư nước ngoài;

e) Báo cáo không đúng thời hạn, không đầy đủ hoặc không chính xác về tình hình tổ chức, hoạt động cho cơ quan có thẩm quyền;

g) Công bố không đúng nội dung, thời hạn, số lần, hình thức theo quy định đối với nội dung đăng ký hoạt động, nội dung thay đổi đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư;

h) Đăng báo không đúng thời hạn hoặc số lần về việc thành lập tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam;

i) Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp không đầy đủ cho luật sư thuộc tổ chức mình;

k) Không lập, quản lý, sử dụng sổ sách, biểu mẫu theo quy định.

5. Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 16, 17, 24, 26, 29, 33, 39, 50, 53, 63, 71, 72, 73, 74 và 80 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên hành vi của Công ty Luật hợp danh P bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

2. Công ty Luật M tại thành phố K, vì sự quen biết nên Công ty đã cho Luật sư S không phải là Luật sư của Công ty hành nghề dưới danh nghĩa của Công ty. Hành vi của Công ty Luật M bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Khoản 3, khoản 7, khoản 8 Điều 7, khoản 5 Điều 4 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, quy định như sau:

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép thành lập chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài hoặc chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam;

b) Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam;

c) Cho người không phải là luật sư của tổ chức mình hành nghề luật sư dưới danh nghĩa của tổ chức mình;

d) Hoạt động không đúng lĩnh vực hành nghề hoặc không đúng trụ sở đã ghi trong giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, giấy phép thành lập hoặc giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam;

đ) Không cử luật sư của tổ chức mình tham gia tố tụng theo phân công của Đoàn luật sư;

e) Hoạt động khi tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam không bảo đảm có 02 luật sư nước ngoài có mặt và hành nghề tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong khoảng thời gian liên tục 12 tháng, kể cả trưởng chi nhánh, giám đốc công ty luật nước ngoài;

g) Cho tổ chức khác sử dụng giấy đăng ký hoạt động, giấy phép thành lập để hoạt động hành nghề luật sư;

h) Hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản thiếu một trong các nội dung theo quy định.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và g khoản 3 nêu trên, điểm đ khoản 4, các điểm a và b khoản 5 Điều 7 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP;

b) Tịch thu tang vật là giấy phép, giấy đăng ký hoạt động bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và b khoản 3 nêu trên.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại các điểm a và b khoản 3 nêu trên;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm c và d khoản 3 nêu trên, các khoản 4, 5 và 6 Điều 7 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.

5. Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 16, 17, 24, 26, 29, 33, 39, 50, 53, 63, 71, 72, 73, 74 và 80 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên hành vi của Công ty Luật M bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, Công ty còn bị đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

3. Ông Nguyễn Văn Kiên ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với Công ty Luật hợp danh A. Sau khi tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông tại các cơ quan tiến hành tố tụng. Công ty Luật đòi ông thêm một số tiền (ngoài số tiền thanh toán theo hợp đồng) với lý do là bồi dưỡng cho Luật sư đã thực hiện thành công vụ việc cho ông. Ông Kiên muốn biết hành vi của Công ty Luật hợp danh A bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Khoản 4, khoản 8 Điều 7, khoản 5 Điều 4 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, quy định như sau:

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý;

b) Sử dụng giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư khác hoặc giấy phép thành lập, giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, chi nhánh của công ty luật nước ngoài khác tại Việt Nam để hoạt động hành nghề luật sư;

c) Cung cấp dịch vụ pháp lý thông qua văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư;

d) Thay đổi nội dung hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư khi chưa được cấp lại giấy đăng ký hoạt động; thay đổi nội dung giấy phép thành lập, giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam khi chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền;

đ) Hoạt động không đúng phạm vi hành nghề của chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, chi nhánh của công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại các điểm a và b khoản 3 Điều 7 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm c và d khoản 3 nêu trên, các khoản 4, 5 và 6 Điều 7 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.

5. Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 16, 17, 24, 26, 29, 33, 39, 50, 53, 63, 71, 72, 73, 74 và 80 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Công ty Luật hợp danh A bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ  20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

4. Đoàn Luật sư tỉnh S quyết định miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ cho Luật sư H, mặc dù Luật sư H không đủ điều kiện được miễn theo quy định. Hành vi của Đoàn Luật sư bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Điều 8, khoản 5 Điều 4 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi báo cáo không đúng thời hạn, không đầy đủ, không chính xác với cơ quan có thẩm quyền về tổ chức, hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về đề án tổ chức đại hội hoặc kết quả đại hội;

b) Không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về tổ chức, hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư;

c) Tổ chức lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho luật sư không đúng quy định; không báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho luật sư; không gửi để đăng tải hoặc không đăng tải kế hoạch bồi dưỡng hằng năm và chương trình bồi dưỡng;

d) Không phân công tổ chức hành nghề luật sư nhận người tập sự hành nghề luật sư theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư hoặc không trực tiếp cử luật sư hành nghề với tư cách cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng;

b) Đăng ký tập sự hành nghề luật sư, đăng ký gia nhập Đoàn luật sư trái quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư;

c) Không đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư không đúng quy định của pháp luật;

d) Không tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư không đúng thời hạn đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;

đ) Cho người không đủ điều kiện tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư; cấp giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư cho người không đủ điều kiện;

e) Gian dối trong việc xác nhận, cấp giấy chứng nhận tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ;

g) Quyết định miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ cho người không đủ điều kiện.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại các điểm đ, e và g khoản 3 nêu trên.

5. Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 16, 17, 24, 26, 29, 33, 39, 50, 53, 63, 71, 72, 73, 74 và 80 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của Đoàn Luật sư tỉnh S bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ  7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm quy định.

5. Trung tâm Tư vấn pháp luật AK tại thành phố B thực hiện tư vấn pháp luật các lĩnh vực pháp luật. Trong quá trình hoạt động, Trung tâm đã không niêm yết mức thù lao tư vấn pháp luật tại trụ sở cho người yêu cầu tư vấn biết về mức thù lao. Hành vi của Trung tâm Tư vấn pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Khoản 2 Điều 9, khoản 5 Điều 4 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, quy định như sau:

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không niêm yết mức thù lao tư vấn pháp luật tại trụ sở;

b) Không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về tổ chức và hoạt động định kỳ hằng năm hoặc khi được yêu cầu; không lập, quản lý, sử dụng sổ sách, biểu mẫu theo quy định;

c) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền khi thay đổi nội dung đăng ký hoặc chấm dứt hoạt động của trung tâm tư vấn pháp luật; thay đổi giám đốc trung tâm, trưởng chi nhánh, tư vấn viên pháp luật, luật sư; thành lập hoặc chấm dứt hoạt động của chi nhánh của trung tâm tư vấn pháp luật;

d) Không có biển hiệu hoặc sử dụng biển hiệu không đúng nội dung giấy đăng ký hoạt động;

đ) Cho người không phải là tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật của trung tâm tư vấn pháp luật, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho trung tâm để thực hiện tư vấn pháp luật dưới danh nghĩa của trung tâm tư vấn pháp luật;

e) Cử người không phải là luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho trung tâm tư vấn pháp luật tham gia tố tụng để bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu tư vấn pháp luật;

g) Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy đăng ký hoạt động của trung tâm tư vấn pháp luật;

h) Thực hiện tư vấn pháp luật khi chưa được cấp giấy đăng ký hoạt động.

5. Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 16, 17, 24, 26, 29, 33, 39, 50, 53, 63, 71, 72, 73, 74 và 80 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên hành vi của Trung tâm Tư vấn pháp luật AK bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.

          6. Anh Lê Thành Hiếu là Tư vấn viên của Trung tâm Tư vấn pháp luật M. Trong quá trình thực hiện tư vấn vụ việc cho khách hàng, anh Hiếu đã đòi hỏi khách hàng đưa thêm cho anh khoản tiền để lo vụ việc (ngoài khoản thù lao Trung tâm đã thu). Hành vi của anh Hiếu bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Điều 10 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp trong hồ sơ đề nghị cấp thẻ tư vấn viên pháp luật.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung thẻ tư vấn viên pháp luật;

b) Nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác ngoài khoản thù lao mà trung tâm tư vấn pháp luật, chi nhánh của trung tâm tư vấn pháp luật đã thu;

c) Lợi dụng danh nghĩa trung tâm tư vấn pháp luật, chi nhánh của trung tâm tư vấn pháp luật, tư vấn viên pháp luật, luật sư, cộng tác viên pháp luật để thực hiện tư vấn pháp luật nhằm trục lợi.

3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Xúi giục cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật;

b) Xúi giục cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật;

c) Tư vấn pháp luật cho các bên có quyền lợi đối lập trong cùng một vụ việc;

d) Tiết lộ thông tin về vụ việc, cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật, trừ trường hợp cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn pháp luật đồng ý hoặc pháp luật có quy định khác;

đ) Không phải là tư vấn viên pháp luật mà hoạt động tư vấn pháp luật với danh nghĩa tư vấn viên pháp luật.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng thẻ tư vấn viên pháp luật, chứng chỉ hành nghề luật sư từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 nêu trên;

b) Tước quyền sử dụng thẻ tư vấn viên pháp luật, chứng chỉ hành nghề luật sư từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 3 nêu trên;

c) Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 nêu trên.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 nêu trên; giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa, làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 nêu trên; thẻ tư vấn viên pháp luật bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại điểm a khoản 2 nêu trên;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm b và c khoản 2, điểm đ khoản 3 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên hành vi của anh Hiếu bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng. Ngoài ra, còn buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

7. Anh Phạm Thế Nam muốn thành lập Văn phòng Công chứng tại thành phố T. Trong khi làm thủ tục để thành lập văn phòng Công chứng, anh Nam đã tự ý sử dụng hồ sơ cá nhân của Công chứng viên M để đưa vào hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng mà không được sự đồng ý bằng văn bản của anh M. Hành vi của anh Nam bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Điều 11 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên;

b) Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp trong hồ sơ đề nghị miễn nhiệm công chứng viên;

c) Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp trong hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng;

d) Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp trong hồ sơ đăng ký hoạt động, đề nghị thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của văn phòng công chứng, đăng ký hành nghề và cấp thẻ công chứng viên.

2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không xác nhận hoặc xác nhận không đúng về thời gian công tác pháp luật để đề nghị bổ nhiệm công chứng viên; không xác nhận hoặc xác nhận không đúng về thời gian tập sự hoặc kết quả tập sự hành nghề công chứng để tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;

b) Sử dụng giấy tờ, văn bản xác nhận không đúng thời gian công tác pháp luật để đề nghị bổ nhiệm công chứng viên; sử dụng văn bản xác nhận không đúng thời gian tập sự hoặc kết quả tập sự hành nghề công chứng để tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;

c) Sử dụng hồ sơ cá nhân của công chứng viên để đưa vào hồ sơ đề nghị thành lập văn phòng công chứng mà không được sự đồng ý bằng văn bản của công chứng viên đó;

d) Cho người khác sử dụng hoặc sử dụng quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên của người khác để thành lập văn phòng công chứng hoặc để bổ sung thành viên hợp danh của văn phòng công chứng.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c và d khoản 2 nêu trên;

b) Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 nêu trên.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 nêu trên; giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 nêu trên;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên hành vi của anh Nam bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản đã cấp và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do có hành vi vi phạm.

8. Ông Lại Văn Quốc đến Văn phòng Công chứng để công chứng về hợp đồng mua bán nhà ở. Vì hồ sơ không đảm bảo theo quy định nên ông Quốc đã cung cấp giấy tờ sai sự thật để công chứng hợp đồng. Hành vi của ông Quốc bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Điều 12 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch;

b) Sử dụng giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Gian dối, không trung thực khi làm chứng hoặc phiên dịch;

b) Dịch không chính xác, không phù hợp với giấy tờ, văn bản cần dịch.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng; giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch để công chứng hợp đồng, giao dịch; giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng;

b) Yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo;

c) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng, giao dịch;

d) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng bản dịch;

đ) Cản trở hoạt động công chứng.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 nêu trên.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, các điểm a, b và c khoản 3 nêu trên;

b) Buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo trên cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở về bản dịch đã được công chứng quy định tại khoản 1 và điểm d khoản 3 nêu trên;

c) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên hành vi của anh Nam bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm.

9. Anh Trần Võ Nhân là Công chứng viên của Văn phòng Công chứng B. Vì có quan hệ thân quen với ông K nên anh Nhân đã thực hiện Công chứng di chúc cho mẹ của ông K. Tại thời điểm công chứng mẹ của ông K thể hiện rõ ràng vì già yếu, bị lú lẫn và mắc nhiều bệnh, nên không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Hành vi của Công chứng viên Nhân bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Điều 13 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không niêm phong bản di chúc trước mặt người lập di chúc hoặc không ghi giấy nhận lưu giữ hoặc không giao giấy nhận lưu giữ cho người lập di chúc khi nhận lưu giữ di chúc;

b) Không ghi rõ trong văn bản công chứng việc người yêu cầu công chứng không xuất trình đầy đủ giấy tờ theo quy định do người lập di chúc bị đe dọa tính mạng.

2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, khai nhận di sản trong trường hợp thừa kế theo di chúc mà có căn cứ cho rằng di chúc không hợp pháp;

b) Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản có nội dung chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng di sản thừa kế là tài sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Công chứng di chúc có nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; có hình thức trái quy định của luật;

b) Công chứng di chúc trong trường hợp tại thời điểm công chứng người lập di chúc thể hiện rõ ràng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối hoặc bị đe dọa hoặc bị cưỡng ép; người lập di chúc không đủ độ tuổi lập di chúc theo quy định; việc lập di chúc không có người làm chứng hoặc không được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý theo quy định;

c) Công chứng di chúc trong trường hợp người lập di chúc không tự mình ký hoặc điểm chỉ vào phiếu yêu cầu công chứng;

d) Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà không có giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết hoặc người thừa kế đã chết (nếu có); không có di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc; không có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản trong trường hợp thừa kế theo pháp luật;

đ) Công chứng di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản trong trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản khác mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu nhưng người yêu cầu công chứng không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó;

e) Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà có căn cứ cho rằng việc để lại di sản hoặc việc hưởng di sản là không đúng pháp luật ngoài trường hợp quy định tại các điểm d và đ nêu trên;

g) Công chứng văn bản từ chối nhận di sản trong trường hợp có căn cứ về việc người thừa kế từ chối nhận di sản nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác;

h) Công chứng văn bản từ chối nhận di sản mà không có giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết hoặc không có di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc không có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng trong trường hợp thừa kế theo pháp luật.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 nêu trên.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2, các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 3 nêu trên.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên hành vi của Công chứng viên Nhân bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Ngoài ra, anh Nhân còn bị tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 01 tháng đến 03 tháng; buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về hành vi vi phạm.

 

 

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.455.358
Lượt truy cập hiện tại 12.473