Theo Báo cáo của Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp, sau hơn 06 năm triển khai thi hành Thông tư số 04/2015/TT-BTP, việc tập sự hành nghề công chứng đã đạt được nhiều kết quả tích cực thể hiện qua số lượng người đăng ký tập sự hành nghề công chứng ngày càng tăng, chất lượng tập sự được nâng cao và công tác quản lý nhà nước về tập sự cũng đi vào nề nếp...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tập sự hành nghề công chứng trong thời gian qua cũng còn một số điểm bất cập, hạn chế, mà chủ yếu là do quy định của Thông tư số 04/2015/TT-BTP còn những điểm chưa phù hợp: Một số quy định về người không được đăng ký tập sự và thời gian tập sự chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng ghi danh nhưng không tập sự trên thực tế; quy định về cách thức, thẩm quyền, trách nhiệm đánh giá việc hoàn thành tập sự chưa rõ ràng, trách nhiệm từ chối hướng dẫn tập sự chưa cụ thể… dẫn đến một số vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đối với việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng thì quy định về nội dung, hình thức, thời gian tổ chức kiểm tra; điều kiện tham dự kiểm tra, quyền và nghĩa vụ của người đăng ký tham dự kiểm tra… cũng có những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để vừa bảo đảm sự chặt chẽ, nghiêm túc của việc tập sự và kiểm tra kết quả tập sự, vừa tạo điều kiện tốt nhất cho người tập sự trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Một số mẫu giấy tờ quy định trong Thông tư còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế tập sự hành nghề công chứng.
Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, bảo đảm việc thực hiện nghiêm quy định của pháp luật liên quan đến tập sự hành nghề công chứng; đồng thời vừa đảm bảo đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính vừa đảm bảo chất lượng công tác quản lý nhà nước, Bộ Tư pháp xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 04/2015/TT-BTP.
Theo dự thảo, Thông tư dự kiến sửa đổi 25 Điều và bổ sung 02 Điều so với Thông tư số 04/2015/TT-BTP; bổ sung 02 biểu mẫu mới và sửa đổi nội dung của 03 biểu mẫu đã được ban hành theo Thông tư số 04/2015/TT-BTP. Dự thảo Thông tư gồm 6 chương với 37 điều. Các nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung, gồm:
- Các quy định mới được bổ sung: Dự thảo Thông tư bổ sung 02 Điều mới quy định về việc tiếp nhận người tập sự hành nghề công chứng và hoàn thành tập sự hành nghề công chứng, cụ thể:
Tiếp nhận người tập sự hành nghề công chứng: Để hướng dẫn cụ thể và chuẩn hóa quy định tại Điều 11 của Luật Công chứng về tiếp nhận người tập sự hành nghề công chứng, tháo gỡ vướng mắc cho địa phương vì Luật đã có quy định nhưng Thông tư 04/2015/TT-BTP hiện hành lại không có hướng dẫn, dự thảo Thông tư được bổ sung 01 điều quy định về vấn đề này. Theo đó, người đủ điều kiện tập sự hành nghề công chứng theo quy định của Luật Công chứng lựa chọn và thoả thuận với một tổ chức hành nghề công chứng về việc nhận tập sự. Trong trường hợp người đủ điều kiện tập sự đã liên hệ ít nhất là 03 tổ chức hành nghề công chứng đủ điều kiện nhận tập sự trong danh sách Sở Tư pháp công bố nhưng không được nhận vào tập sự thì gửi Giấy đề nghị Sở Tư pháp bố trí tập sự. Quy định này nhằm làm rõ trình tự tiếp nhận người tập sự theo khoản 1 Điều 11 của Luật Công chứng, mặt khác phát huy được tính chủ động của người tập sự, giảm bớt gánh nặng cho các Sở Tư pháp trong việc chỉ định tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự.
Hoàn thành tập sự hành nghề công chứng: Thông tư quy định rõ điều kiện công nhận hoàn thành tập sự hành nghề công chứng, trách nhiệm của Sở Tư pháp, hồ sơ cần nộp và thời hạn xem xét, quyết định việc hoàn thành tập sự. Việc quy định cụ thể về vấn đề này nhằm tránh cách hiểu cứ hết thời gian tập sự thì đương nhiên được coi là hoàn thành tập sự và làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc tập sự hành nghề công chứng.
- Các quy định được sửa đổi: Dự thảo Thông tư sửa đổi 25 Điều trong tổng số 35 Điều của Thông tư số 04/2015/TT-BTP, cụ thể: Đăng ký tập sự hành nghề công chứng; thời gian tập sự hành nghề công chứng; thay đổi nơi tập sự hành nghề công chứng; tạm ngừng, chấm dứt tập sự hành nghề công chứng; nhật ký tập sự, báo cáo quá trình tập sự hành nghề công chứng; quyền và nghĩa vụ của người tập sự; trách nhiệm của công chứng viên hướng dẫn tập sự; từ chối hướng dẫn tập sự; thay đổi công chứng viên hướng dẫn tập sự; quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng; nội dung và hình thức kiểm tra; đăng ký tham dự kiểm tra; trách nhiệm tổ chức kiểm tra; Hội đồng kiểm tra; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng kiểm tra; nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Hội đồng kiểm tra; nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban của Hội đồng kiểm tra; nhiệm vụ, quyền hạn của Cục Bổ trợ tư pháp và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp; nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xử lý vi phạm đối với việc tập sự hành nghề công chứng; điều khoản thi hành.
Các đại biểu tham gia Tọa đàm đã có nhiều ý kiến thảo luận về các nội dung của dự thảo, như: Quy định về thời gian tập sự hành nghề công chứng bắt đầu từ ngày Quyết định ghi tên người tập sự vào danh sách của Sở Tư pháp có hiệu lực; trường hợp người tập sự không bắt đầu tập sự từ ngày này thì Sở Tư pháp căn cứ vào văn bản giải trình của người tập sự để xem xét, quyết định việc ban hành quyết định ghi tên người tập sự mới hoặc quyết định xoá tên người tập sự khỏi danh sách. Để đảm bảo cho công tác thực hiện, cần quy định cụ thể trong thời hạn nhất định, người tập sự không bắt đầu tập sự thì tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm báo cáo với Sở Tư pháp để xem xét, giải quyết. Quy định về tạm ngừng tập sự hành nghề công chứng: Cần bổ sung trường hợp người tập sự tạm ngừng tập sự thì tổ chức hành nghề công chứng phải có báo cáo với Sở Tư pháp để biết, bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước. Về nội dung tập sự hành nghề công chứng đối với người có thời gian tập sự là 6 tháng thì công chứng viên hướng dẫn thống nhất với tổ chức hành nghề công chứng về thời lượng và nội dung tập sự phù hợp nhưng phải bảo đảm tất cả các kỹ năng hành nghề công chứng theo quy định. Dự thảo quy định người tập sự có nghĩa vụ đảm bảo thời gian tập sự ít nhất 04 giờ mỗi ngày làm việc của tổ chức hành nghề công chứng; trong khi theo quy định thì thời gian tập sự là 12 tháng hoặc 6 tháng tùy theo từng nhóm đối tượng; để thống nhất và thuận lợi cho các bên, có thể quy định theo hướng số giờ tập sự tối đa phải đạt được đối với trường hợp tập sự 12 tháng và trường hợp tập sự 6 tháng. Nhiều ý kiến lựa chọn hình thức kiểm tra trắc nghiệm và kiểm tra viết...