Theo thông báo của ông Nguyễn Mậu Chi – Chủ tịch Hiệp hội, năm 2014, toàn tỉnh có 5.213 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 99%. Trong tình hình chung của cả nước, doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế gặp không ít khó khăn nhưng đã cải thiện tình hình vào cuối năm, góp phần thu ngân sách tỉnh đạt hơn 4.700 tỷ đồng, trong đó thu từ doanh nghiệp đạt gần 2.800 tỷ đồng. Một trong những khó khăn của doanh nghiệp mà Hiệp hội quan tâm, phối hợp với các ngành để tháo gỡ và đang tiếp tục thực hiện là giúp doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng “gặp nhau”, giải tỏa cơn “khát vốn” để doanh nghiệp phát triển. Về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, ông Nguyễn Mậu Chi nêu rõ, đa số doanh nghiệp tỉnh nhà hiện chưa có khả năng “vươn xa” đến các thị trường lớn mà chỉ mới có cơ hội để tiếp cận tại vùng Đông Nam Á. Thời gian quan, với vai trò của mình, Hiệp Hội chú trọng tổ chức một số lớp tập huấn, giới thiệu về các Hiệp định thương mại đến doanh nghiệp nhưng đó chỉ như một sự “đánh động”, làm doanh nghiệp sớm nhận thức và chuẩn bị hành trang cho chính mình, tự nỗ lực để vượt qua khó khăn và hội nhập là trách nhiệm của chính bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân.
Liên quan đến vấn đề trên, trong phần giới thiệu chuyên đề “Cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam; những cam kết của Việt Nam khi hình thành cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng kinh tế ASEAN nói riêng”, ông Nguyễn Diễn – Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng cho biết, hầu hết doanh nghiệp trên cả nước khi được hỏi về Cộng đồng kinh tế ASEAN (gọi tắt là AEC) đều không biết hoặc không hiểu rõ về nội dung. Lý do và nguyên nhân mà những doanh nghiệp này đưa ra, đó là: ASEAN không phải là thị trường quan trọng của Việt Nam; công tác tuyên truyền về AEC của cơ quan Nhà nước chưa đạt hiệu quả; hiện tại doanh nghiệp đang cố vượt qua khó khăn và chưa quan tâm đến vấn đề này; doanh nghiệp nước ta còn thụ động… Lộ trình cắt giảm thuế quan của AEC đến năm 2015 có khoảng 90% dòng thuế giảm còn 0%, nhưng chỉ thực hiện ở 6 nước, còn 4 nước là Việt Nam, Lào, Camphuchia, Myanma thì được thực hiện từ năm 2018. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp quan tâm đến điều này và cũng chưa chuẩn bị các điều kiện để đón nhận. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội về ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại. Điều này cho thấy, doanh nghiệp nước ta chưa ý thức đầy đủ về Cộng đồng kinh tế ASEAN và đó là vấn đề hết sức “nguy hiểm”, bởi giờ đây và trong thời gian tới, với doanh nghiệp Việt Nam, AEC sẽ là thách thức nhiều hơn cơ hội.
Trên tinh thần khuyến nghị đó, Hội nghị đã chú trọng tìm hiểu chi tiết về Cộng đồng kinh tế ASEAN, về các ngành nghề, lao động tự do luân chuyển trong AEC, lộ trình giảm thuế… Hy vọng ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ biến những thách thức thành cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng, chú trọng phát triển tay nghề, kỹ năng, trình độ của người lao động đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới,…