Ngày 29 tháng 10 năm 2014, tại thành phố Hải Phòng, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tập huấn Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bổ trợ Tư pháp, Hành chính tư pháp, Hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã cho Lãnh đạo, Thanh tra Sở Tư pháp và Cục Thi hành án Dân sự các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Hội nghị do đồng chí Hà Kế Vinh, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp chủ trì và dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo, Thanh tra các Sở Tư pháp, Cục thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Sau khi nghe Báo cáo viên giới thiệu nội dung cơ bản của Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, Hội nghị đã nhận được trên 30 câu hỏi và kiến nghị của các đại biểu, chủ yếu tập trung vào các nội dung về hành vi vi phạm, mức phạt, thẩm quyền xử phạt,… thể hiện sự quan tâm của Lãnh đạo địa phương đối với công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp.
Một trong những nội dung được Hội nghị thảo luận sôi nổi nhất là vấn đề về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Trao đổi về nội dung này, đồng chí Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã nêu tình huống cụ thể tại địa phương về vướng mắc khi tiếp nhận trường hợp xử phạt vi phạm hành chính trong công tác bán đấu giá tài sản do cơ quan điều tra chuyển sang và đề nghị Thanh tra Sở xử phạt vi phạt hành chính về hành vi thông đồng dìm giá theo kết luận của cơ quan điều tra; tuy nhiên khi được mời đến cơ quan để nhận Quyết định xử phạt thì các đối tượng không thừa nhận hành vi và tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến cơ quan điều tra và cơ quan cấp trên. Vì vậy, dù đã quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, nhưng Chánh thanh tra Sở Tư pháp vẫn chưa thể ban hành Quyết định xử phạt.
Mặc dù Nghị định có phạm vi điều chỉnh tương đối rộng, tuy nhiên, theo các đại biểu, Nghị định vẫn còn bỏ sót một số hành vi vi phạm, có tính chất phổ biến trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch cần bổ sung thêm hành vi “khai gian dối để làm hồ sơ đăng ký kết hôn, khai gian dối trong việc cấp phiếu lý lịch tư pháp và hành vi cam đoan gian dối”. Về công chứng, đa số đại biểu cho rằng hiện nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng năm 2014 đã có hiệu lực, đã có một số hành vi vi phạm trong công tác công chứng sẽ không còn phù hợp, do đó, kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu đề nghị sửa đổi, bổ sung để có sự thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, Nghị định cần bổ sung thêm biện pháp khắc phục hậu quả như: Những văn bản công chứng sai về trình tự, thủ tục, thẩm quyền cần phải được hủy bỏ để tránh gây tranh chấp về sau.
Một số vấn đề khác cũng được Hội nghị thảo luận như: Biên chế Thanh tra Sở hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ; về công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho cán bộ công chức làm công tác thanh tra; vấn đề về đối tượng được thanh tra, kiểm tra không hợp tác khi nhận quyết định xử phạt vi phạm hoặc có hành vi chống đối; về hiệu lực và thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính…
Sau nội dung giải đáp các vướng mắc, kiến nghị của các đại biểu, đồng chí Phạm Quý Tỵ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, chuyên gia pháp luật, đã giới thiệu nội dung Sổ tay nghiệp vụ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã với 160 câu hỏi-giải đáp tình huống. Sổ tay đã được các đại biểu đánh giá cao về nội dung biên tập, giúp Thanh tra các Sở Tư pháp, cơ quan Thi hành án dân sự địa phương nghiên cứu tham khảo phục vụ tốt hơn nhiệm vụ được giao./.