Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Giải đáp các tình huống pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn
Ngày cập nhật 15/11/2024

1. Chị Ánh làm việc tại Cửa hàng cung cấp vật liệu xây dựng DM. Tuy nhiên, Chị Ánh phát hiện Cửa hàng không thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế. Do đó, chị Ánh hỏi, trong trường hợp này Cửa hàng DM có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (Có tính chất tham khảo)

Điểm b khoản 5 Điều 11 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh thuế và hóa đơn quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế.

Khoản 7 Điều 11 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký thuế.

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi không thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế của cửa hàng mua bán vật liệu DM sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký thuế.

2. Bà Sang, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thanh Tâm kinh doanh sắt thép và xi măng hỏi trong trường hợp Công ty bà khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế trong hồ sơ thuế thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời (Có tính chất tham khảo)

  Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh thuế và hóa đơn phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế trong hồ sơ thuế.

  Khoản 4 Điều 12 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

  - Buộc khai lại và nộp bổ sung các tài liệu trong hồ sơ thuế;

  - Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau (nếu có).

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế trong hồ sơ thuế của doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khai lại và nộp bổ sung các tài liệu trong hồ sơ thuế; buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau (nếu có) .

3. Bà Hồng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phước Lộc kinh doanh sắt thép và xi măng hỏi trong trường hợp Công ty bà không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp thì bị xử lý như thế nào?

Trả lời (Có tính chất tham khảo)

Điểm c khoản 4 Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh thuế và hóa đơn phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp.

  Khoản 6 Điều 13 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả:

  - Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế;

- Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế.

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp của doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế; Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế.

  4. Trong quá trình thanh tra thuế tại Doanh nghiệp X, cơ quan thuế yêu cầu Doanh nghiệp X cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, công nợ bên thứ ba có liên quan nhưng Doanh nghiệp X không thực hiện. Doanh nghiệp X hỏi trong trường hợp này doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật như thế nào?

Trả lời (Có tính chất tham khảo)

Điểm c khoản 2 Điều 14 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh thuế và hóa đơn phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, không chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, công nợ bên thứ ba có liên quan khi được cơ quan thuế yêu cầu.

Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cung cấp thông tin đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức..

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi không cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, công nợ bên thứ ba có liên quan khi được cơ quan thuế yêu cầu của doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cung cấp thông tin.

5. Trong quá trình thanh tra thuế tại Doanh nghiệp ACB, Doanh nghiệp đã tự ý tháo bỏ, thay đổi dấu hiệu niêm phong do cơ quan có thẩm quyền đã tạo lập hợp pháp. Doanh nghiệp ACB hỏi trong trường hợp này doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật như thế nào?

Trả lời (Có tính chất tham khảo)

Điểm c khoản 2 Điều 15 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh thuế và hóa đơn phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tự ý tháo bỏ, thay đổi dấu hiệu niêm phong do cơ quan có thẩm quyền đã tạo lập hợp pháp.

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi tự ý tháo bỏ, thay đổi dấu hiệu niêm phong do cơ quan có thẩm quyền đã tạo lập hợp pháp của doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng .

6. Anh H hỏi: Pháp luật xử lý như thế nào trong trường hợp thực hiện hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn?

Trả lời (Có tính chất tham khảo)

Điều 16 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh thuế và hóa đơn quy định phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định đối với một trong các hành vi sau đây:

- Khai sai căn cứ tính thuế hoặc số tiền thuế được khấu trừ hoặc xác định sai trường hợp được miễn, giảm, hoàn thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nhưng các nghiệp vụ kinh tế đã được phản ánh đầy đủ trên hệ thống sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ hợp pháp;

- Khai sai làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này nhưng người nộp thuế đã tự giác kê khai bổ sung và nộp đủ số tiền thuế thiếu vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế kết thúc thời hạn thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế;

- Khai sai làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số thuế được miễn, giảm đã bị cơ quan có thẩm quyền lập biên bản thanh tra, kiểm tra thuế, biên bản vi phạm hành chính xác định là hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế vi phạm hành chính lần đầu về hành vi trốn thuế, đã khai bổ sung và nộp đủ số tiền thuế vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt và cơ quan thuế đã lập biên bản ghi nhận để xác định là hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế;

- Khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn đối với giao dịch liên kết nhưng người nộp thuế đã lập hồ sơ xác định giá thị trường hoặc đã lập và gửi cơ quan thuế các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết;

- Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định.

Và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn, miễn, giảm cao hơn quy định và tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

7. Anh Huy hỏi: Pháp luật quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với ngân hàng thương mại không thực hiện trách nhiệm trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế vào tài khoản của ngân sách nhà nước theo yêu cầu của cơ quan thuế như thế nào?

Trả lời (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh thuế và hóa đơn quy định phạt tiền tương ứng với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không trích chuyển vào tài khoản của ngân sách nhà nước (trừ số dư tối thiểu trên tài khoản thanh toán theo quy định của ngân hàng thương mại cung ứng dịch vụ thanh toán cho người nộp thuế) đối với ngân hàng thương mại không thực hiện trách nhiệm trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế vào tài khoản của ngân sách nhà nước theo yêu cầu của cơ quan thuế, trừ trường hợp các tài khoản của người nộp thuế tại ngân hàng thương mại đó không còn số dư hoặc đã trích chuyển toàn bộ số dư tài khoản của người nộp thuế vào tài khoản của ngân sách nhà nước nhưng vẫn không đủ số tiền mà người nộp thuế phải nộp.

8. Anh Minh hỏi: Pháp luật quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với người bảo lãnh nộp tiền thuế như thế nào?

Trả lời (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh thuế và hóa đơn quy định người bảo lãnh phải nộp thay tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt (nếu có) cho người nộp thuế theo nội dung cam kết tại văn bản bảo lãnh trong trường hợp người nộp thuế không nộp vào ngân sách nhà nước.

Nếu quá thời hạn bảo lãnh mà người nộp thuế chưa nộp hoặc chưa nộp đủ tiền thuế nợ, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt mà người bảo lãnh chưa thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì người bảo lãnh bị tính tiền chậm nộp do chậm nộp tiền thuế, tiền phạt và bị cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

9. Hành vi không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin liên quan đến tài sản, quyền, nghĩa vụ về tài sản của người nộp thuế do mình nắm giữ; tài khoản của người nộp thuế tại tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?

Trả lời (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh thuế và hóa đơn phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin liên quan đến tài sản, quyền, nghĩa vụ về tài sản của người nộp thuế do mình nắm giữ; tài khoản của người nộp thuế tại tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước.

Khoản 4 Điều 19 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cung cấp thông tin đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin liên quan đến tài sản, quyền, nghĩa vụ về tài sản của người nộp thuế do mình nắm giữ; tài khoản của người nộp thuế tại tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cung cấp thông tin.

10. Chị Minh làm việc tại Cửa hàng cung cấp vật liệu xây dựng DM. Tuy nhiên, Chị Minh phát hiện Cửa hàng không ký hợp đồng in bằng văn bản. Do đó, chị Minh hỏi, trong trường hợp này Cửa hàng DM có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Trả lời (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh thuế và hóa đơn quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi không ký hợp đồng in bằng văn bản hoặc tổ chức in in hóa đơn đặt in để sử dụng nhưng không có quyết định in hóa đơn của người đại diện theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi không ký hợp đồng in bằng văn bản của cửa hàng mua bán vật liệu DM sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng.

11. Anh Tâm hỏi: Hành vi cho, bán hóa đơn đặt in của khách hàng đặt in hóa đơn cho tổ chức, cá nhân khác sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?

Trả lời (Có tính chất tham khảo)

Điểm b khoản 1 Điều 22 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh thuế và hóa đơn phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với hành vi cho, bán hóa đơn đặt in của khách hàng đặt in hóa đơn cho tổ chức, cá nhân khác.

  Khoản 3 Điều 22 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả:

  - Buộc hủy hóa đơn đối với hành vi quy định tại Điều này;

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính tại Điều này

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi cho, bán hóa đơn đặt in của khách hàng đặt in hóa đơn cho tổ chức, cá nhân khác sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy hóa đơn; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

12. Chị Linh là kế toán của công ty xây dựng MLK. Chị hỏi: Hành vi không niêm yết thông báo phát hành hóa đơn theo đúng quy định sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?

Trả lời (Có tính chất tham khảo)

Điểm b khoản 2 Điều 23 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh thuế và hóa đơn phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi không niêm yết thông báo phát hành hóa đơn theo đúng quy định.

Khoản 4 Điều 23 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện thủ tục phát hành hóa đơn theo quy định đối với hành vi quy định tại điểm a, b khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi không niêm yết thông báo phát hành hóa đơn theo đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện thủ tục phát hành hóa đơn theo quy định.

13.  Hành vi không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?

Trả lời (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh thuế và hóa đơn phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

- Không lập hóa đơn đối với các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động, trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng.

14. Do bất cẩn nên Doanh nghiệp ACB đã làm cháy hóa đơn đã mua của cơ quan thuế. Tuy nhiên Doanh nghiệp không khai báo. Doanh nghiệp ACB hỏi trong trường hợp này doanh nghiệp sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?

Trả lời (Có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 25 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh thuế và hóa đơn phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Khai báo mất, cháy, hỏng hóa đơn quá thời hạn từ 06 ngày trở lên, kể từ ngày hết thời hạn khai báo theo quy định.

- Không khai báo mất, cháy, hỏng hóa đơn.

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi không khai báo cháy hoá đơn sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

15. Do bất cẩn nên Doanh nghiệp ACB đã làm cháy sổ sách, chứng từ và hóa đơn đã mua của cơ quan thuế. Các hóa đơn trên chưa được lập. Doanh nghiệp ACB hỏi trong trường hợp này doanh nghiệp sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?

Trả lời (Có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 26 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh thuế và hóa đơn phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây

- Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập;

- Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp người mua làm mất, cháy, hỏng hóa đơn phải có biên bản của người bán và người mua ghi nhận sự việc.

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi làm cháy hóa đơn đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập của Doanh nghiệp ACB sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

16. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải lập và giao hóa đơn cho người mua. Vậy, trường hợp bán hàng mà không xuất hóa đơn bị xử lý thế nào?

Trả lời (Có tính chất tham khảo)

Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh thuế và hóa đơn quy định:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi không lập hóa đơn đối với các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động, trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua, trừ hành vikhông lập hóa đơn đối với các hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động, trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất” và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc lập hóa đơn theo quy định.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ mà không xuất hóa đơn sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 20.000.000 đồng và buộc lập hóa đơn theo quy định.

17. Các hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập, không còn giá trị sử dụng buộc phải bị huỷ. Nếu không thực hiện thì sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?

Trả lời (Có tính chất tham khảo)

Điểm b khoản 2 Điều 27 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh thuế và hóa đơn quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi không hủy các hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập, không còn giá trị sử dụng; không hủy hóa đơn mua của cơ quan thuế đã hết hạn sử dụng.

Khoản 4 Điều 27 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy, tiêu hủy hóa đơn đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2, điểm b, c, d khoản 3 Điều này.

Đồng thời, cũng tại Nghị định này, mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi không hủy các hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập, không còn giá trị sử dụng sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: buộc hủy, tiêu hủy hóa đơn theo quy định.

18. Hành vi xử dụng hóa đơn không hợp pháp bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?

Trả lời (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 28 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh thuế và hóa đơn quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn.

Khoản 2 Điều 28 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.

19. Chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế quá thời hạn từ 01 đến 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định thì sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?

Trả lời (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 30 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh thuế và hóa đơn quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế quá thời hạn từ 01 đến 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế quá thời hạn từ 01 đến 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

20. Việc cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử phải đảm bảo nguyên tắc theo quy định của pháp luật về hóa đơn. Nếu không thì sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?

Trả lời (Có tính chất tham khảo)

Điều 31 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh thuế và hóa đơn quy định phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Cung cấp phần mềm hóa đơn tự in không đảm bảo nguyên tắc hoặc khi in ra không đáp ứng đủ nội dung quy định của pháp luật về hóa đơn.

- Cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử không đảm bảo nguyên tắc theo quy định của pháp luật về hóa đơn

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử không đảm bảo nguyên tắc theo quy định của pháp luật về hóa đơn sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tin mới - Tin đọc nhiều
Tin mới
Tin nổi bật
Tin mới
Ngày 06 tháng 12 năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Công ty luật trách nhiệm hữu hạn...
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 và Kế hoạch số 2500/KH-STP ngày 08/10/2024 của Sở Tư pháp, ngày 21/11/2024, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị...
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 23.326.823
Lượt truy cập hiện tại 5.382