Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HÓA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỚI VAI TRÒ GÓP PHẦN HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT
Ngày cập nhật 16/12/2011

Nhằm đáp ứng các yêu cầu của quá trình quản lý đất nước, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã ban hành một số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hình thành và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho công cuộc đổi mới. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hệ thống pháp luật hiện vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế: cồng kềnh, nhiều tầng nấc; thường xuyên thay đổi; văn bản còn hiệu lực và văn bản hết hiệu lực tồn tại đan xen lẫn nhau; có nhiều văn bản mâu thuẫn, chồng chéo, văn bản cấp dưới trái với văn bản cấp trên; văn bản không phù hợp với thực tiễn cuộc sống nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời...

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp nhằm đổi mới và nâng cao kỹ thuật lập pháp, tăng cường công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, còn cần phải đặc biệt quan tâm tới việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
Rà soát văn bản quy phạm pháp luật là việc xem xét lại các văn bản quy phạm pháp luật đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, nhằm phát hiện những nội dung không phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, các văn bản được ban hành mới hoặc nhằm phát hiện những nội dung trái pháp luật, chồng chéo, mâu thuẫn để kịp thời xem xét, xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ.
Hoạt động thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Mục tiêu trực tiếp của công tác này là kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc loại bỏ các quy định, các văn bản quy phạm pháp luật trái với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn hoặc những quy định không còn phù hợp với tình hình phát triển của đất nước để xây dựng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn thiện, thống nhất, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, có tính khả thi.
Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật giúp người tìm kiếm văn bản dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận được những quy định hiện hành; giảm thời gian tìm kiếm điều luật áp dụng.
Hoạt động rà soát, hệ thống hóa đã đạt được những kết quả cụ thể; đóng góp không nhỏ cho việc “làm sạch” hệ thống pháp luật; giúp nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện pháp luật.
Tại Thừa Thiên Huế, trong nhiều năm qua, công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản đã được thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả khả quan. Đầu tiên là việc thực hiện đợt tổng rà soát theo Quyết định số 355/TTg ngày 28/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Trong đợt tổng rà soát này, cơ quan chức năng đã thực hiện rà soát đối với các văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành từ năm 1989 đến năm 1999, trong đó có 559 văn bản hết hiệu lực pháp luật. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định số 672/QĐ-UB ngày 13/3/2002 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành từ năm 1989 đến năm 1999 hết hiệu lực. Có thể nói đợt rà soát này đã góp phần cơ bản “làm sạch” hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành trong giai đoạn này. Đây cũng là cơ sở làm tiền đề để thực hiện các đợt rà soát sau này. Đợt rà soát tiếp theo được tiến hành trong năm 2007. Đối tượng rà soát đợt này là các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành từ năm 2000 đến năm 2006. Kết quả là Ủy ban nhân dân tỉnh đã ra quyết định công bố hết hiệu lực đối với 347 văn bản. Tiếp đó là các quyết định công bố danh mục văn bản QPPL do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hết hiệu lực năm 2008 (54 văn bản) và năm 2011 (137 văn bản).
Ngoài ra, theo yêu cầu của các bộ, ngành ở Trung ương, Sở Tư pháp đã thực hiện rà soát theo chuyên đề, lĩnh vực đối với nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực khác nhau, như: tư pháp, biển đảo, tài nguyên và môi trường, y tế, thông tin – truyền thông, ngân hàng, biến giới đất liền, văn hóa thể thao và du lịch…
Cùng là hoạt động hậu kiểm, bên cạnh công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, công tác rà soát đã góp phần đáng kể vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản. 
Tuy nhiên, qua công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã bộc lộ môt số vấn đề đáng được quan tâm.
Thứ nhất, điều dễ nhận thấy nhất qua công tác rà soát nói chung và rà soát theo chuyên đề, lĩnh vực nói riêng là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay nói cách khác là việc xây dựng thể chế ở một số lĩnh vực còn chưa được quan tâm thỏa đáng. Có những văn bản tồn tại khá lâu, trong khi văn bản làm căn cứ pháp lý ban hành đã hết hiệu lực pháp luật do bị thay thế bởi văn bản khác dẫn đến nội dung của văn bản vừa trái với pháp luật hiện hành vừa không phù hợp với thực tiễn, mà văn bản đó vẫn chưa được cơ quan chức năng tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới thay thế. Việc áp dụng những văn bản này có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường.
Thứ hai, ở một góc độ nhất định, việc cập nhật văn bản mới ban hành của cấp trên để xem xét, rà soát lại văn bản của địa phương có liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp cũng chưa hoàn toàn được quan tâm đúng mực. Đây cũng chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vấn đề đã được nêu ở nội dung thứ nhất. Ở một khía cạnh khác, điều này cũng cho thấy việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật chưa được thực hiện nghiêm túc.
Thứ ba, thể chế về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật  chưa hoàn thiện cũng là vấn đề ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện và hiệu quả đạt được của công tác này. Thể chế liên quan đến công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Nghị định 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những quy định chung về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Để công tác này được thực hiện đồng bộ, thống nhất và đạt được kết quả như mong muốn cần có những văn bản quy định cụ thể, chi tiết về công tác này.
Một văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện kiểm tra, tự kiểm tra một lần sau khi ban hành. Tuy nhiên, cũng văn bản đó được rà soát trong suốt quá trình tồn tại của nó. Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên góp phần vào việc đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản. Điều đó cho thấy vai trò và ý nghĩa của công tác này trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật./.
 

Trương Thị Xuân Hải
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 21.355.344
Lượt truy cập hiện tại 1.562