Một số vấn đề trao đổi về thời điểm có hiệu lực và việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, chấm dứt Văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng
Ngày cập nhật 08/05/2023

Văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng là văn bản thỏa thuận về tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản. Văn bản này có hiệu lực từ thời điểm nào và việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, chấm dứt văn bản chưa quy định cụ thể và có những quan điểm áp dụng pháp luật khác nhau.

1. Hiệu lực của Văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng

Theo quy định tại Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng phải được lập trước khi kết hôn và chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Vấn đề được đặt ra là nếu trường hợp hai người chuẩn bị kết hôn đã xác lập văn bản thỏa thuận tài sản của vợ chồng nhưng sau đó không kết hôn với nhau mà một trong hai người kết hôn với người khác, vậy thì chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận sẽ không được xác lập. Tuy nhiên, nếu sau đó người đã kết hôn ly hôn, hai người đã lập Văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng lại tiến đến kết hôn. Vậy văn bản thỏa thuận đã xác lập trước đó còn hiệu lực pháp luật không? Về vấn đề này, tác giả có quan điểm như sau:

Nếu văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng được lập đảm bảo nội dung, hình thức thì cần thêm điều kiện để chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập là hai bên phải kết hôn.

Văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng phải được lập trước khi kết hôn. Pháp luật không quy định thời điểm “trước khi kết hôn” đến khi kết hôn là khoảng thời gian bao lâu và hai thời điểm này có bắt buộc mang tính chất liền kề hay không?

Theo quy định tại Điều 422 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hợp đồng bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

“1. Hợp đồng đã được hoàn thành;

2. Theo thỏa thuận của các bên;

3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;

4. Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;

5. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn;

6. Hợp đồng chấm dứt theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật này;

7. Trường hợp khác do luật quy định”.

Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Theo đó, việc hai bên không thể kết hôn không bảo đảm điều kiện để xem xét theo trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Hơn nữa, việc chấm dứt hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản phải do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Như vậy, khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản không thuộc trường hợp đương nhiên chấm dứt hợp đồng.

Cũng cần xét thêm rằng, văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng đương nhiên chấm dứt nếu hai bên không kết hôn với nhau do đối tượng của hợp đồng không còn.

Căn cứ quy định trên, theo quan điểm của tác giả, văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng đã có hiệu lực (sau khi được công chứng, chứng thực), nếu hai bên kết hôn thì chế độ tài sản của vợ chồng phát sinh hiệu lực.

2. Sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, chấm dứt văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng

Điều 49 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 17, 18 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP  về sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng. Theo đó, trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đó hoặc áp dụng chế độ tài sản theo luật định. Hình thức sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản theo thỏa thuận phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực từ ngày được công chứng hoặc chứng thực. Vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan theo quy định. Quyền, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm việc sửa đổi, bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Một số vấn đề pháp lý trao đổi như sau:

- Từ các quy định trên, văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng có thể được sửa đổi, bổ sung trong thời kỳ hôn nhân. Vậy trước khi kết hôn thì các bên có thể thỏa thuận sửa đổi, bổ sung văn bản này không? Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Nghị định 126/2014/NĐ-CP chỉ quy định quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung của vợ chồng (nghĩa là trong thời kỳ hôn nhân) mà không phải là quy định chung về quyền này. Tuy nhiên,  theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 thì văn bản được công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Điều 421 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định các bên có thể thỏa thuận sửa đổi hợp đồng. Hợp đồng có thể được sửa đổi khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật Dân sự. Hợp đồng sửa đổi phải tuân theo hình thức của hợp đồng ban đầu. Do đó, theo quan điểm của tác giả, việc thỏa thuận sửa đổi, bổ sung văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng có thể được thực hiện trước và trong thời kỳ hôn nhân.

- Văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng có được chấm dứt không? Từ quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP “Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận ... áp dụng chế độ tài sản theo luật định”. Điều này có nghĩa, vợ chồng phải chấm dứt Văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng để chuyển sang thực hiện chế độ tài sản theo luật định.

Có quan điểm cho rằng, nếu vợ chồng thỏa thuận không áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận thì phải thực hiện hủy bỏ Văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vì theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 thì chỉ có thủ tục hủy bỏ hợp đồng, giao dịch (Điều 51) mà không có thủ tục chấm dứt hợp đồng, giao dịch.

Theo quan điểm thứ hai, việc chấm dứt hay hủy bỏ hợp đồng, giao dịch phải căn cứ vào nội dung,bản chất của vấn đề để xác định. Theo quy định tại Điều 427 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch là “hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp”, “Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản”. Điều 422 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định 7 trường hợp chấm dứt hợp đồng: 1. Hợp đồng đã được hoàn thành; 2. Theo thỏa thuận của các bên; 3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện; 4. Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện; 5. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn; 6. Hợp đồng chấm dứt theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật Dân sự về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản; 7. Trường hợp khác do luật quy định.

Theo tinh thần Điều 422 Bộ luật Dân sự năm 2015, chấm dứt hợp đồng (trừ trường hợp do hủy bỏ hợp đồng) thì hậu quả pháp lý của chấm dứt hợp đồng là xác định quyền và nghĩa vụ của các bên tương ứng tại thời điểm chấm dứt hợp đồng. Do đó, văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng nếu đã được xác lập (kể từ ngày đăng ký kết hôn) thì vợ chồng được thỏa thuận chấm dứt áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận và “Quyền, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm việc sửa đổi, bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác” (khoản 2 Điều 18 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP).

- Văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng có thể được hủy bỏ không? Xét về hậu quả pháp lý như đã phân tích ở trên, nếu trong thời kỳ hôn nhân mà hủy bỏ văn bản này thì có nghĩa về cơ bản, văn bản không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, mọi việc quay trở lại như trước khi chưa có thỏa thuận. Điều này không phù hợp với thực tiễn khi đã áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thoả thuận, đã làm thay đổi, phát sinh những quyền, nghĩa vụ đối với hai bên và với bên thứ ba cũng như không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP là “Quyền, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm việc sửa đổi, bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Do đó, trong thời kỳ hôn nhân, các bên không thể thỏa thuận hủy bỏ Văn bản thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng.

Tuy nhiên, việc hủy bỏ có thể được xem xét vào thời điểm trước khi chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập, nghĩa là trước ngày đăng ký kết hôn vì lúc này chưa phát sinh các quyền và nghĩa vụ của các bên, chưa có hậu quả pháp lý xảy ra./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày