Một số quyền dân sự của người nước ngoài trong mua bán xe ô tô, thành lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện, nhận cho tiền và gửi giữ, vay vốn tại tổ chức tín dụng
Ngày cập nhật 21/03/2023

1. Mua bán, tặng cho xe ô tô

Điểm c khoản 1 Điều 2 Thông tư số 58/2020/TT-BCA ngày 16 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 15/2022/TT-BCA ngày 06/4/2022), quy định: “Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có trụ sở hoặc cư trú hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam liên quan đến hoạt động đăng ký xe”.

Khoản 4 Điều 3 Thông tư số 58/2020/TT-BCA (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 15/2022/TT-BCA) quy định Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là Phòng Cảnh sát giao thông) đăng ký, cấp biển số đối với xe ô tô, xe máy kéo, rơmoóc, sơ mi rơmoóc và các loại xe có kết cấu tương tự xe nêu trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài tại địa phương và cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp quân đội, cá nhân có trụ sở hoặc nơi thường trú tại quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc thành phố thuộc tỉnh nơi Phòng Cảnh sát giao thông đặt trụ sở (trừ các loại xe của cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này).

Khoản 3 Điều 9 Thông tư số 58/2020/TT-BCA (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 15/2022/TT-BCA) giấy tờ của chủ xe là người nước ngoài: Người nước ngoài làm việc trong các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế: Giấy giới thiệu của Cục Lễ tân Nhà nước hoặc Sở Ngoại vụ và xuất trình Chứng minh thư ngoại giao hoặc Chứng minh thư công vụ (còn giá trị sử dụng); người nước ngoài làm việc, học tập ở Việt Nam: Xuất trình thị thực (visa) thời hạn từ một năm trở lên hoặc giấy tờ khác có giá trị thay visa.

Đối với xe ô tô, xe hai bánh gắn máy (sau đây gọi tắt là xe gắn máy) của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam thực hiện chuyển nhượng, tặng, biếu theo Thông tư số 19/2014/TT-BTC ngày 11 tháng 02 năm 2014 Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thủ tục tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, tiêu hủy, chuyển nhượng xe ô tô, xe hai bánh gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 27/2021/TT-BTC ngày 19 tháng 4 năm 2021). Điều 7 Thông tư này quy định thủ tục và chính sách thuế chuyển nhượng xe ô tô. Thủ tục cấp giấy chuyển nhượng xe ô tô thực hiện tại Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy tạm nhập khẩu xe ô tô. Thủ tục chuyển nhượng xe ô tô thực hiện tại Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy tạm nhập khẩu xe ô tô.

Như vậy, pháp luật cho phép người nước ngoài được mua bán, tặng cho xe ô tô.

2. Góp vốn thành lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện

Điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện, quy định các sáng lập viên thành lập quỹ phải là công dân, tổ chức Việt Nam.

Điều 12 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP quy định cá nhân, tổ chức nước ngoài được góp tài sản cùng công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập quỹ ở Việt Nam. Điều kiện như sau: phải có cam kết nộp thuế và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của tài sản đóng góp; cam kết thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật Việt Nam và mục đích hoạt động của quỹ; có tài sản đóng góp thành lập quỹ theo quy định. Tài sản đóng góp thành lập quỹ của cá nhân, tổ chức nước ngoài không được vượt quá 50% số tài sản đóng góp thành lập quỹ theo quy định của Nghị định này.

Như vậy, người nước ngoài không được làm sáng lập viên thành lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Người nước ngoài được góp tài sản để thành lập quỹ theo quy định.

3. Nhận cho tiền

Không có quy định cấm người nước ngoài được nhận cho tiền.

4. Gửi giữ tài sản

Điều 554 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

Điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư số 02/2016/TT-NHNN ngày 26 tháng 02 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn của tổ chức tín dụng quy định đối tượng áp dụng của Thông tư này có “Cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác theo quy định của Bộ luật dân sự sử dụng dịch vụ bảo quản tài sản; sử dụng dịch vụ cho thuê tủ, két an toàn của tổ chức tín dụng (sau đây gọi là khách hàng)”.

Như vậy, người nước ngoài được gửi giữ tài sản tại tổ chức tín dụng.

5. Vay vốn ngân hàng

Khoản 3 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, quy định khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng (sau đây gọi là khách hàng) là pháp nhân, cá nhân, bao gồm: Pháp nhân được thành lập và hoạt động tại Việt Nam, pháp nhân được thành lập ở nước ngoài và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam; cá nhân có quốc tịch Việt Nam, cá nhân có quốc tịch nước ngoài.

Như vậy, người nước ngoài được vay vốn tại tổ chức tín dụng.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày