Chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức hành nghề luật sư, doanh nghiệp đấu giá tài sản và một số vấn đề về công tác quản lý nhà nước
Ngày cập nhật 04/01/2023

Thời gian qua, một số vụ việc phát sinh trên thực tế liên quan đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện trong lĩnh vực luật sư, đấu giá. Tuy nhiên, việc xem xét, giải quyết vẫn còn những vướng mắc, bất cập do cách hiểu liên quan đến thẩm quyền quản lý, xử phạt vi phạm hành chính đối với chi nhánh, văn phòng đại điện chưa đầy đủ, rõ ràng. Bài viết phân tích về vấn đề liên quan đến chi nhánh, văn phòng đại diện và thẩm quyền quản lý, xử lý vi phạm hành chính của cơ quan quản lý nhà nước nơi có trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện.

 

1. Quy định về chi nhánh, văn phòng đại điện của tổ chức hành nghề luật sư, doanh nghiệp đấu giá tài sản

 Trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp (công chứng, thừa phát lại, luật sư, đấu giá, giám định tư pháp) thì chỉ có lĩnh vực luật sư, đấu giá là pháp luật cho phép mở chi nhánh, văn phòng đại điện.

a) Chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức hành nghề luật sư

- Điều 41 Luật Luật sư năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư được thành lập ở trong hoặc ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của tổ chức hành nghề luật sư, hoạt động theo sự ủy quyền của tổ chức hành nghề luật sư phù hợp với lĩnh vực hành nghề ghi trong Giấy đăng ký hoạt động. Tổ chức hành nghề luật sư phải chịu trách nhiệm về hoạt động của chi nhánh do mình thành lập.  

Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có trụ sở của chi nhánh. Chi nhánh được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.

- Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư được quy định tại Điều 42 Luật Luật sư năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012). Văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư được thành lập trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động. Văn phòng giao dịch là nơi tiếp nhận vụ, việc, yêu cầu của khách hàng. Văn phòng giao dịch không được phép thực hiện việc cung cấp dịch vụ pháp lý.

- Chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng giao dịch: Theo quy định tại Điều 48 Luật Luật sư năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012), chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề luật sư chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây: Tổ chức hành nghề luật sư đã thành lập chi nhánh, văn phòng giao dịch chấm dứt hoạt động; theo quyết định của tổ chức hành nghề luật sư đã thành lập chi nhánh, văn phòng giao dịch; bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh. Tổ chức hành nghề luật sư phải chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ và giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến việc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng giao dịch do mình thành lập.

Khoản 2 Điều 17 Nghị định số123/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số137/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ) quy định Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư bị thu hồi khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: (1) Tổ chức hành nghề luật sư thành lập chi nhánh bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động; (2) tổ chức hành nghề luật sư thành lập chi nhánh quyết định chấm dứt hoạt động của chi nhánh; (3) chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư thuộc một trong các trường hợp sau đây: bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng Giấy đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; không đăng ký mã số thuế trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động; không hoạt động liên tục tại trụ sở đã đăng ký trong thời hạn 06 tháng, trừ trường hợp tạm ngừng hoạt động theo quy định của pháp luật; không hoạt động trở lại hoặc không có báo cáo về việc tiếp tục tạm ngừng hoạt động quá 06 tháng, kể từ ngày hết thời hạn tạm ngừng hoạt động theo quy định của pháp luật.

b) Chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp đấu giá tài sản

- Điều 29 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định chi nhánh của doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập ở trong hoặc ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đấu giá tài sản đăng ký hoạt động. Doanh nghiệp đấu giá tài sản chịu trách nhiệm về hoạt động của chi nhánh. Chi nhánh hoạt động kể từ ngày được Sở Tư pháp nơi đặt chi nhánh cấp Giấy đăng ký hoạt động.  

- Điều 30 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định văn phòng đại diện của doanh nghiệp đấu giá tài sản do doanh nghiệp thành lập trong hoặc ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Văn phòng đại diện không được thực hiện việc đấu giá tài sản. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thành lập văn phòng đại diện, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản về địa chỉ của văn phòng đại diện cho Sở Tư pháp nơi văn phòng đại diện đặt trụ sở và Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động.

2. Quản lý nhà nước đối với hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện và việc xử phạt vi phạm hành chính

a) Quy định về quản lý tổ chức và hoạt động, xử lý vi phạm

- Tại khoản 4 Điều 83 Luật Luật sư quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có nhiệm vụ: “d) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động của Đoàn luật sư, tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại địa phương”.

Tại mục 2 Chương VIII của Luật này về xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp quy định các nội dung: Xử lý vi phạm đối với luật sư; Xử lý vi phạm đối với tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam; Xử lý vi phạm đối với các hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; Xử lý vi phạm đối với cá nhân, tổ chức hành nghề luật sư bất hợp pháp.

Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, tại Điều 2 Nghị định nêu đối tượng bị xử phạt là tổ chức là “Tổ chức hành nghề luật sư; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư; tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam,...”. Từ Điều 5 đến Điều 8 Nghị định các hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực luật sư.

- Tại Điều 79 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về đấu giá tài sản tại địa phương, trong đó có nhiệm vụ “e) Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về tổ chức, hoạt động đấu giá tài sản trong phạm vi địa phương theo thẩm quyền”.

Tại Điều 69, 70, 71 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định xử lý vi phạm đối với: đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan; người có tài sản đấu giá.

Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, tại Điều 2 Nghị định nêu đối tượng bị xử phạt là tổ chức “...tổ chức đấu giá tài sản; tổ chức mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; tổ chức có tài sản đấu giá;...”, từ Điều 21 đến Điều 24 quy định các hành vi bị xử phạt trong lĩnh vực đấu giá tài sản.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về luật sư, đấu giá tài sản tại địa phương

Từ các quy định trên, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực luật sư và đấu giá tài sản như nêu ở trên không đề cập cụ thể đến đối tượng là chi nhánh và văn phòng đại diện. Tuy nhiên, từ quy định về chi nhánh và văn phòng đại diện, có thể hiểu: chi nhánh và văn phòng đại diện như những “cánh tay nối dài” của tổ chức hành nghề luật sư, doanh nghiệp đấu giá tài sản trong thực hiện hoạt động luật sư, đấu giá tài sản trong phạm vi cho phép; và tổ chức hành nghề luật sư, doanh nghiệp đấu giá tài sản là tổ chức chịu trách nhiệm về hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện đó. Do đó, hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện trong phạm vi ủy quyền cũng chính là hoạt động luật sư, hoạt động đấu giá của tổ chức đã thành lập.

Về thẩm quyền quản lý của địa phương: theo quy định tại khoản 4 Điều 83 Luật Luật sư và Điều 79 Luật Đấu giá tài sản thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động trong phạm vi địa phương. Điều này có nghĩa, cơ quan có thẩm quyền ở địa phương có quyền thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm trên địa bàn.

c) Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm xảy ra tại chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương

- Theo quy định đã viện dẫn ở điểm a khoản này, việc xử lý vi phạm không áp dụng đối với chi nhánh và văn phòng đại diện trong lĩnh vực luật sư, đấu giá tài sản mà áp dụng đối với tổ chức hành nghề luật sư, doanh nghiệp đấu giá tài sản đã thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện.

Điều kiện xử phạt đối với pháp nhân trong trường hợp này phải bảo đảm theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 3 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, cụ thể:

“2. Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và hành vi đó được quy định tại nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.

4. Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của pháp nhân, tổ chức hoặc theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức, thì đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là pháp nhân, tổ chức đó và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức đó thực hiện.

Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi hoặc thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức, thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thực hiện”.

- Trường hợp tổ chức đã thành lập và chi nhánh, văn phòng đại diện và chi nhánh, văn phòng đại diện có trụ sở ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nhau thì địa phương (cấp tỉnh) nào có thẩm quyền xử lý? Là cơ quan có thẩm quyền tại nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư, doanh nghiệp đấu giá tài sản hay cơ quan có thẩm quyền tại nơi chi nhánh, văn phòng đại diện đóng trụ sở - là nơi có hành vi vi phạm?

Khoản 1 Điều 71 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020, quy định chuyển quyết định xử phạt để tổ chức thi hành: “Trong trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm hành chính ở địa bàn cấp tỉnh này nhưng cư trú, đóng trụ sở ở địa bàn cấp tỉnh khác và không có điều kiện chấp hành quyết định xử phạt tại nơi bị xử phạt thì quyết định xử phạt được chuyển đến cơ quan cùng cấp nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để tổ chức thi hành; nếu nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở không có cơ quan cùng cấp thì quyết định xử phạt được chuyển đến Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổ chức thi hành”.

Ngoài ra, tại điểm c khoản 4 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì “Nếu hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm”.

Mặt khác, như đã viên dẫn tại khoản 4 Điều 83 Luật Luật sư và Điều 79 Luật Đấu giá tài sản thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý nhà nước về  tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, tổ chức, hoạt động đấu giá tài sản tại địa phương.

Với các quy định trên, theo quan điểm tác giả, trường hợp có hành vi vi phạm trong tổ chức, hoạt động luật sư, đấu giá tài sản xảy ra tại Chi nhánh, Văn phòng đại diện mà bảo đảm điều kiện xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền tại địa phương nơi có trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện (là nơi xảy ra hành vi vi phạm) thực hiện xử phạt theo quy định./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày