Giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của vợ chồng
Ngày cập nhật 29/12/2022

1. Giao dịch dân sự đối với  tài sản chung phải có sự đồng ý của vợ chồng

- Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung như sau: Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây: a) Bất động sản; b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.

2. Tài sản chung đưa vào kinh doanh

- Theo Điều 36 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản.

- Việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh tại Điều 36 được phân biệt với trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung được quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cụ thể: Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật Hôn nhân và gia đình và các luật liên quan có quy định khác.

- Sự khác nhau cơ bản trong hai trường hợp trên là vấn đề liên đới trách nhiệm của vợ chồng. Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014  quy định trách nhiệm liên đới của vợ, chồng: “1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này. 2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này”.

Xác định rằng, trường hợp thỏa thuận một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì tài sản này vẫn là tài sản chung. Để thuận lợi trong giao dịch kinh doanh, vợ chồng thỏa thuận bằng văn bản để người trực tiếp thực hiện hoạt động kinh doanh có quyền thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó. Với bản chất vẫn là tài sản chung nên theo quy định tại Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, vợ chồng vẫn chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Tuy nhiên, vợ chồng không chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện (theo văn bản thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh).

 Nếu vợ chồng cùng tham gia kinh doanh thì vợ, chồng được xác định đương nhiên là đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó. Vợ, chồng cùng tham gia kinh doanh chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện và chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng.

3. Tài sản mà giấy tờ chỉ đứng tên một người 

Đối với tài sản mà giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng chỉ đứng tên một người thì có 02 khả năng: một là tài sản riêng; hai là tài sản chung.

- Trường hợp chứng minh được là tài sản riêng thì việc định đoạt thực hiện theo quy định về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng tại Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

- Trường hợp không chứng minh được là tài sản riêng thì đó được coi là tài sản chung (khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Việc định đoạt tài sản chung phải bảo đảm quy định tại Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Ngoài ra, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định cụ thể trong một số trường hợp như sau:

a) Tài sản theo quy định phải có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng

Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật này (Đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng); nếu có tranh chấp về tài sản đó thì được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật này (nghĩa là trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung).

Điều 26 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Việc đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 24 (Căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng) và Điều 25 (Đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh). Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi.

Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch được xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. 2. Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. 3...”.

Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “1. Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác. 2. Trong trường hợp vợ, chồng đưa tài sản chung vào kinh doanh thì áp dụng quy định tại Điều 36 của Luật này”.

Từ các quy định trên cho thấy, mặc dù pháp luật có quy định trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, nhưng vẫn nêu rõ là “trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác”. Như vậy, theo thỏa thuận này của vợ chồng thì mặc dù giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng chỉ đứng tên một người nhưng đó vẫn có thể là tài sản chung (nếu thỏa thuận của vợ chồng không phải là thỏa thuận về việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân). Và do đó, nếu tài sản chỉ đứng tên một người mà không xác định đó là tài sản riêng (nghĩa là tài sản chung) thì giao dịch liên quan đến tài sản này vẫn thực hiện như đối với tài sản chung. Vợ và chồng có thể uỷ quyền, đại diện cho nhau trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện và trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng theo quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Trường hợp tài sản chung đưa vào kinh doanh thì việc xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch theo quy định tương ứng như đã phân tích tại khoản 2 bài viết này và cũng trên tinh thần xác định đó là tài sản chung.

b) Tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng

Đối với giao dịch liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng của vợ chồng cũng phải tuân thủ quy định chung về định đoạt tài sản chung của vợ chồng, nghĩa là phải có sự thỏa thuận của vợ chồng.

Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền của người thứ ba ngay tình trong các giao dịch liên quan đến tài sản này, Điều 32 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình.

Điều 8 Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định người thứ ba xác lập, thực hiện giao dịch với vợ, chồng liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu thì bị coi là không ngay tình trong những trường hợp sau đây: (1) Đã được vợ, chồng cung cấp thông tin về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận theo quy định tại Điều 16 của Nghị định này mà vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với những thông tin đó; (2) Vợ chồng đã công khai thỏa thuận theo quy định của pháp luật có liên quan về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản và người thứ ba biết hoặc phải biết nhưng vẫn xác lập, thực hiện giao dịch trái với thỏa thuận của vợ chồng. (Cũng theo quy định tại Điều 16 Nghị định 126/2014/NĐ-CP thì nếu vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì người thứ ba được coi là ngay tình và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của Bộ luật Dân sự).

 Tóm lại, đối với tài sản mà giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng chỉ đứng tên một người nếu không phải là tài sản riêng thì khi thực hiện các giao dịch phải thực hiện theo quy định về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung, nghĩa là phải có sự thỏa thuận của vợ chồng hoặc thực hiện theo cơ chế đại diện giữa vợ và chồng. Nếu vi phạm quy định về thỏa thuận, đại diện của vợ chồng thì pháp luật chỉ xem xét công nhận trong trường hợp giao dịch với người thứ ba ngay tình mà được bảo vệ theo quy định của Bộ luật Dân sự./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày