Giải đáp một số trường họp hòa giải liên quan đến các quyền sở hữu
Ngày cập nhật 09/12/2022

1. Ngày cưới anh B và chị T, mẹ chồng và bà con họ hàng nội ngoại đã tặng chị T rất nhiều nữ trang (khoảng 03 lượng vàng). Sau ngày cưới, hai anh chị đã bán số vàng đó lấy tiền mua một chiếc xe máy (anh B đứng tên chủ sở hữu). Số tiền còn lại dùng làm vốn mở cửa hàng tạp hóa. Do nợ tiền chơi cờ bạc đến hạn phải trả, anh B đã bán chiếc xe máy lấy tiền trả nợ mà không hỏi ý kiến chị T. Hai vợ chồng to tiếng, cãi vã nhau, anh B cho rằng xe máy đứng tên anh, anh có quyền bán. Chị T cho rằng tiền mua xe là từ tiền bán vàng của chị được tặng. Không ai chịu ai, cả giận, mất khôn anh B cầm gậy đánh vào chân chị T làm rạn xương mu bàn chân phải đi viện, cuộc sống gia đình ngày càng căng thẳng. Nếu được phân công hòa giải vụ việc này, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào ?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 33, Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định:

Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung...

Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng…”

-  Khoản 1 Điều 8 Luật phòng chống bạo lực gia đình nghiêm cấm: “ Các hành vi bạo lực gia đình sau:  Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng…”.

- Khoản 1, Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình”.

Hòa giải viên căn cứ các quy định  phân tích để anh B hiểu việc anh bán xe máy (được mua từ số tiền, vàng  chị T được tặng ngày cưới) không hỏi ý kiến chị mà còn đánh chị là vi phạm pháp luật. Đồng thời, thuyết phục hai bên vì tình cảm vợ chồng không nên cãi vã to tiếng và không để xảy ra xung đột. Khuyên chị T cần nhẹ nhàng khuyên bảo, nói chuyện phải trái với chồng. Không nên phản ứng lại thái quá như đổ thêm dầu vào lửa làm rạn vỡ tình cảm vợ chồng. Hai vợ chồng nên ngồi lại cùng nhau bàn bạc cách giải quyết những khó khăn trước mắt.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật./.

2. Sau khi kết hôn, cho rằng mình là người làm ra tiền, vợ thì lương thấp nên anh K không cho phép chị M (là vợ) tham gia ý kiến khi mua sắm, định đoạt tài sản của gia đình, kể cả việc mua sắm những vật dụng nhỏ. Nhiều lần chị M góp ý anh nên bàn bạc để thống nhất giữa vợ và chồng nhưng anh K không nghe. Nhiều lúc chán, chị M sinh căng thẳng, bức xúc, vợ chồng to tiếng. Gần đây vợ chồng anh K thường xuyên xung đột, cãi vã, cuộc sống gia đình rất căng thẳng làm ảnh hưởng đến trật tự khu dân cư. Nếu được phân công hòa giải vụ việc, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Khoản 2, Điều 18 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định:

2. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.

Hòa giải viên căn cứ quy định trên để phân tích để anh K hiểu, vợ anh mặc dù thu nhập thấp nhưng cũng được bình đẳng trong việc sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng, việc anh không cho phép chị M tham gia ý kiến khi mua sắm là vi phạm quy định của pháp luật.

Hòa giải viên cần thuyết phục anh K vì tình cảm vợ chồng không nên cãi vã to tiếng và không để xảy ra xung đột; nên tôn trọng và hỏi ý kiến vợ khi mua sắm, định đoạt tài sản của gia đình. Từ xưa các cụ nhà ta đã dạy rằng “Của chồng công vợ” anh nên xem xét lại hành vi của mình và biết yêu thương chia se với vợ hơn.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

3. Vợ chồng ông Nông và bà Lâm có một người con trai là Hà. Ông Nông còn có một người con riêng là Mạnh. Anh Mạnh đã được ông Nông hoàn tất các thủ tục nhận cha, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Sau khi ông Nông mất (không để lại di chúc), anh Mạnh yêu cầu được chia thừa kế đối với phần di sản của ông Nông để lại (bao gồm nhà và đất mà trước đây ông Nông và bà Lâm cùng chung sức tạo dựng). Bà Lâm và anh Hà không đồng ý, vì cho rằng, ông Nông không có tài sản nào để lại cả, tất cả nhà, đất và tài sản đều thuộc quyền sở hữu của mẹ con anh Hà; anh Mạnh là con riêng của ông Nông nên không có quyền hưởng thừa kế. Anh Mạnh đã tìm đến Tổ Hòa giải đề nghị giúp đỡ. Nếu được giao hòa giải vụ việc này, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”

Khoản 2 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau”

Hòa giải viên căn cứ quy định trên để phân tích cho các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ việc và các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.

Hòa giải viên phân tích để bà Lâm và anh Hà hiểu dù không muốn nhưng anh Mạnh vẫn là con ruột của ông Nông, vì vậy anh Mạnh vẫn được hưởng phần di sản của ông Nông để lại. Khi ông Nông mất, tài sản của ông và bà Lâm được chi làm 2 phần, phần di sản của ông để lại sẽ được chia đều cho 3 người (Bà Lâm, anh Hà, anh Mạnh). Thuyết phục anh Mạnh nên thỏa thuận với bà Lâm và anh Hà về di sản do ông Nông để lại theo hướng các bên cùng có lợi.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

4. Ông bà K sinh được 3 người con gái. Cả ba người đều đã xây dựng gia đình và ra ở riêng. Khi mất, ông bà K có để lại di chúc chung, chia đều toàn bộ di sản gồm ngôi nhà và diện tích đất đang ở cho 3 người con gái. Sau khi cả bố và mẹ mất, do ở xa và muốn có chỗ để thờ tự và cũng là nơi để cả ba chị em gặp nhau vào những ngày giỗ chạp, lễ, tết, người con gái thứ 2 và con gái út thoả thuận giao toàn bộ phần di sản thuộc quyền thừa kế của mình cho người chị cả quản lý. Do mải cờ bạc, lô đề, người chị cả muốn bán toàn bộ nhà đất đó nhưng cả hai em gái đều không đồng ý và tuyên bố nếu chị bán thì cả hai người sẽ đòi lại phần của họ đã giao cho người chị quản lý, bất đồng trong gia đình ngày càng lớn, hai người em gái đã tìm đến tổ hoà giải đề nghị giúp đỡ. Nếu được giao hòa giải vụ việc này, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

 Khoản 1 Điều 616 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“1. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.”

Điểm b Khoản 1 Điều 617 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

b) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản”

Hòa giải viên căn cứ quy định trên phân tích để người chị cả hiểu khi được giao quản lý di sản không được bán.

Thuyết phục chị cả vì tình cảm chị em, khi 2 người em đã tin tưởng giao toàn bộ phần di sản thuộc quyền thừa kế của mình cho chị cả quản lý thì chị cả phải quản lý di sản cho tốt . Trường hợp chị cả muốn bán có thể thỏa thuận với các em cho mình bán đất được hưởng thừa kế của mình theo di chúc.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

 

5. Là hàng xóm, láng giềng thân thiết của nhau, ông A đã cho bà B vay 02 cây vàng để bà B bán đi lấy tiền hỗ trợ con trai xây dựng nhà mới. Thời hạn vay là 06 tháng (có giấy viết tay của bà B), con trai của bà B cũng biết mẹ mình vay 02 cây vàng của ông A là để hỗ trợ cho mình. Ba tháng sau, trong một tai nạn giao thông, bà B đột ngột qua đời. Đến thời hạn trả nợ, ông A đã yêu cầu con trai bà B trả ông 02 cây vàng đó. Nhưng con trai bà B không trả vì việc vay vàng là do mẹ anh vay chứ anh không vay. Mẹ anh đã mất nên anh không có nghĩa vụ phải trả nợ thay. Sau nhiều lần đòi không được, ông A đã tìm đến Tổ hòa giải đề nghị giúp đỡ. Nếu được giao hòa giải vụ việc trên, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản như sau:

“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Khoản 1, Khoản 2 Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định nghĩa vụ trả nợ của bên vay:

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý”

Khoản 1 Điều 615 Bộ luật quy định: “ Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Hòa giải viên khi trên cơ sở quy định Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu trên  phân tích để con trai bà B hiểu việc mẹ anh vay vàng của ông A đến hạn trả nhưng mẹ anh đột ngột qua đời, là con trai anh đương nhiên được hưởng thừa kế do mẹ anh để lại. Vì vậy anh phải có nghĩa vụ trả nợ số vàng mẹ anh vay.

Thuyết phục con trai bà B vì là hàng xóm láng giềng thân thiết của nhau, hơn nữa mẹ anh lại vay để hỗ trợ anh xây dựng nhà mới, anh nên nghĩ đến mẹ mình mà trả nợ cho ông A. Thuyết phục ông A, nếu con trai bà B chưa có điều kiện trả có thể kéo dài thêm thời gian trả nợ.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

6. Gia đình anh Tú và chị Hồng là hàng xóm liền kề, sống với nhau rất hòa thuận, vui vẻ, bọn trẻ hay sang nhà nhau chơi, thậm chí ngủ lại qua đêm. Khi anh Tú phá nhà cũ để xây ngôi nhà mới 4 tầng, cao, đẹp thì nhà của chị Hồng bị nứt dài bên tường (phần liền kề với ngôi nhà của anh Tú), phải cải tạo lại thì mới bảo đảm an toàn. Theo chị Hồng, nguyên nhân tường bị nứt là do nhà anh Tú đã xây sát nhà chị, trong quá trình xây anh Tú đã không áp dụng biện pháp chằng chống, đào móng nhà còn sâu hơn móng nhà chị. Anh Tú thì cho rằng nguyên nhân tường nhà chị Hồng nứt không phải là do anh xây nhà tường đè vào mà do trước đây gia đình chị làm móng không chắc lâu ngày thì tường nứt là chuyện bình thường. Hai bên lời qua tiếng lại, không ai chịu ai, tình cảm giữa hai gia đình có dấu hiệu rạn nứt và ngày càng nghiêm trọng. Chị Hồng đã đề nghị tổ hòa giải khu phố hòa giải giúp vụ việc, bảo đảm hợp tình, hợp lý. Nếu được giao hòa giải vụ việc trên, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 174 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng:

“Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh”.

Khoản 2,3  Điều 177 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

1. Trường hợp cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu tài sản thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, chặt cây, sửa chữa hoặc dỡ bỏ công trình xây dựng đó theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu không tự nguyện thực hiện thì chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây, phá dỡ. Chi phí chặt cây, phá dỡ do chủ sở hữu cây cối, công trình xây dựng chịu.

2. Khi đào giếng, đào ao hoặc xây dựng công trình dưới mặt đất, chủ sở hữu công trình phải đào, xây cách mốc giới một khoảng cách do pháp luật về xây dựng quy định.

Khi xây dựng công trình vệ sinh, kho chứa chất độc hại và các công trình khác mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường thì chủ sở hữu tài sản đó phải xây cách mốc giới một khoảng cách và ở vị trí hợp lý, phải bảo đảm vệ sinh, an toàn và không làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu bất động sản khác.

Điều 605, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra:

Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.

Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường”

Hòa giải viên căn cứ quy định trên phân tích để anh Tú hiểu việc anh xây nhà sát nhà chị Hồng không tuân thủ xây cách mốc giới một khoảng cách do pháp luật về xây dựng quy định là sai  và anh phải có nghĩa vụ bồi thường cho gia đình chị Hồng khi việc xây dựng nhà của anh Tú có nguy cơ đe dọa sự an toàn cho căn nhà chị Hồng.

Thuyết phục chị Hồng và anh Tú vì tình cảm hàng xóm, sống với nhau rất hòa thuận vui vẻ nên thỏa thuận với nhau về việc bồi thường để đảm bảo cho công trình nhà chị Hường sử dụng an toàn. Thuyết phục anh Toàn phải tuân thủ quy tác về xây dựng, bảo đảm cho công trình liền kề và an toàn tính mạng của hàng xóm.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

7. Bà Quỳnh cho bà Nhàn thuê nhà để kinh doanh tạp hóa. Theo nội dung hợp đồng thuê nhà đã được công chứng, giá thuê nhà là 02 triệu đồng/1 tháng; tiền thuê được trả định kỳ 02 lần/1 năm (vào ngày đầu tiên của tháng 12 và tháng 5), mỗi lần trả 12 triệu đồng; ngay sau khi kí hợp đồng, phải trả trước 12 triệu đồng; thời hạn thuê là 05 năm, hết thời hạn hai bên sẽ thỏa thuận lại việc cho thuê nhà. Sau khi thuê nhà được 01 năm, trong lúc đang kinh doanh tốt thì bà Quỳnh đề nghị tăng giá thuê nhà lên 2,5 triệu đồng/tháng do nhà ông Thành đối diện cũng đang cho thuê với giá đó trong khi diện tích và điều kiện kinh doanh không tốt bằng, nếu không bà Quỳnh sẽ không cho thuê nhà nữa. Bà Nhàn không đồng tình vì thời hạn cho thuê chưa hết, hợp đồng đã quy định rõ số tiền thuê, không có nội dung về việc điều chỉnh tăng giá trong thời gian cho thuê. Hai bên đã phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của bà Nhàn. Nếu được phân công hòa giải vụ việc này, ông (bà) sẽ hòa giải như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 472 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng thuê tài sản:

“Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.

Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Khoản 1, khoản 2 Điều 129 Luật nhà ở năm 2014 quy định:

“1. Bên cho thuê và bên thuê nhà ở được thỏa thuận về thời hạn thuê, giá thuê và hình thức trả tiền thuê nhà theo định kỳ hoặc trả một lần; trường hợp Nhà nước có quy định về giá thuê nhà ở thì các bên phải thực hiện theo quy định đó.

2. Trường hợp chưa hết hạn hợp đồng thuê nhà ở mà bên cho thuê thực hiện cải tạo nhà ở và được bên thuê đồng ý thì bên cho thuê được quyền điều chỉnh giá thuê nhà ở. Giá thuê nhà ở mới do các bên thỏa thuận; trường hợp không thỏa thuận được thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở và phải bồi thường cho bên thuê theo quy định của pháp luật.”

Khoản 2 Điều 132 Luật nhà ở năm 2014 quy định:

“2. Bên cho thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà và thu hồi nhà ở đang cho thuê khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Bên cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội cho thuê không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không đúng điều kiện theo quy định của Luật này;

b) Bên thuê không trả tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận từ 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng;

c) Bên thuê sử dụng nhà ở không đúng mục đích như đã thỏa thuận trong hợp đồng;

d) Bên thuê tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê;

đ) Bên thuê chuyển đổi, cho mượn, cho thuê lại nhà ở đang thuê mà không có sự đồng ý của bên cho thuê;

e) Bên thuê làm mất trật tự, vệ sinh môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của những người xung quanh đã được bên cho thuê nhà ở hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc lập biên bản đến lần thứ ba mà vẫn không khắc phục;

g) Thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 129 của Luật này.”

Hòa giải viên căn cứ quy định trên để phân tích cho bà Quỳnh hiểu việc đòi tăng giá thuê nhà do nhà ông thành đối diện cũng đang cho thuê giá đó không thuộc một trong các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà trước thời hạn. các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong việc thực hiện hợp đồng để Thuyết phục bà Quỳnh  thực hiện hợp đồng như ban đầu đã ký kết, mặt khác  thuyết phục bà Nhàn để không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của bà có thể xem xét tăng một phần giá tiền thuê nhà do trượt giá theo yêu cầu của bà Quỳnh. Hai bên cùng thương lượng, thống nhất để giải quyết mâu thuẫn cùng nhau hợp tác làm ăn.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

8. Nhà ông Tý và ông Mão ở cạnh nhau, ông Mão ở trong, ông Tý ở ngoài. Hai hộ sử dụng lối đi chung và đây cũng là lối đi duy nhất vào nhà ông Mão. Tuất (là con ông Mão) thường tụ tập bạn bè ăn nhậu tại nhà vào mỗi chiều tối thứ bảy. Mỗi lần ăn nhậu là một lần ồn ào, náo nhiệt, xe cộ để lộn xộn, ngăn cả lối đi. Ông Tý nhiều lần nhắc nhở Tuất và ông Mão về việc này để không làm ảnh hưởng đến khu xóm, nếu không ông sẽ rào đường, không cho đi chung ngõ nữa. Tuy nhiên, tình trạng không có chuyển biến tích cực, thậm chí Tuất còn thách thức ông Tý. Bực mình, cứ mỗi chiều tối thứ bảy ông Tý kê bàn ghế ra ngõ ngồi uống nước, không cho để xe cộ và làm ảnh hưởng đến việc đi lại của hộ gia đình ông Mão. Mâu thuẫn, xích mích giữa hai hộ ngày càng gia tăng và có biểu hiện phức tạp. Được giao hòa giải vụ việc trên, ông/bà sẽ hòa giải như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 254 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về Quyền về lối đi qua:

“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.”

Là hòa giải viên khi được phân công tiến hành hòa giải trên cơ sở quy định Điều 254 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về Quyền về lối đi qua để phân tích các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ việc và các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.

Hòa giải viên cần nêu truyền thống tốt đẹp về tình làng nghĩa xóm và thuyết phục hai bên không để xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột. Thuyết phục anh Tuất con ông Mão không nên gây ồn ào, để xe cộ không được ngăn cản lối đi chung và không làm ảnh hưởng đến khu xóm. Đồng thời, đề nghị ông Tý không kê bàn ghế ra ngõ, không làm ảnh hưởng đến việc đi lại của hộ gia đình ông Mão vì đây là lối đi chung các bên phải tôn trọng.Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

9. Thửa rộng của hai nhà ông An và bà Lan ở cạnh nhau. Do ruộng nhà ông An nằm cao hơn ruộng nhà bà Lan, nên mỗi lần có nước thủy lợi về, ông An phải be đắp bờ cho nước không chảy xuống ruộng nhà bà Lan để không làm mất màu của đất. Mỗi lần be bờ, đắp đất như vậy, ruộng nhà bà Lan nhận được một lượng nước rất ít, không bảo đảm canh tác. Bà Lan đã nhắc nhở, đề nghị ông An không be bờ, đắp đất để ruộng bà còn lấy nước nhưng ông An không nghe. Mỗi lần nước thủy lợi về là một lần hai bên xích mích, cãi vã nhau, nếu để kéo dài hậu quả sẽ khó lường. Bà Lan đã liên hệ với Tổ hòa giải đề nghị giúp đỡ bà. Được giao tiến hành hòa giải vụ việc này, ông/bà sẽ hòa giải như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 253 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác:

“Người có quyền sử dụng đất canh tác khi có nhu cầu về tưới nước, tiêu nước, có quyền yêu cầu những người sử dụng đất xung quanh để cho mình một lối dẫn nước thích hợp, thuận tiện cho việc tưới, tiêu; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó; nếu người sử dụng lối dẫn nước gây thiệt hại cho người sử dụng đất xung quanh thì phải bồi thường.”

Hòa giải viên căn cứ quy định trên để phân tích cho các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ việc và các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.

Hòa giải viên cần nêu truyền thống tốt đẹp về tình làng nghĩa xóm “ở nhà có láng giềng nhà, ở đồng có láng giềng đồng” và thuyết phục hai bên không để xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột. Đề nghị ông An để cho bà Lan một lối dẫn nước thích hợp, thuận tiện cho việc tưới ruộng. Đề nghị Bà Lan khi sử dụng lối dẫn nước phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến ruộng nhà ông An, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

10. Nhà bà V và ông T là hai hộ liền kề. Khi sửa nhà, bà V làm thêm mái tôn che mưa nhưng lại không làm đường ống thoát nước. Mỗi khi trời mưa, nước từ mái tôn nhà bà V chảy tràn sang mái nhà ông T gây thấm nước xuống các phòng bên dưới. Ông T nhiều lần yêu cầu bà V phải làm đường ống thoát nước nhưng bà V không đồng ý vì cho rằng nhà ông T bị thấm là do xử lý chống thấm trần nhà không tốt chứ không phải là do việc bà V sửa nhà, vì vậy, hai bên đã xảy ra mâu thuẫn, xung đột. Nếu được giao hòa giải vụ việc, ông/bà sẽ hòa giải như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 250 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước mưa:

“Chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác phải lắp đặt đường dẫn nước sao cho nước mưa từ mái nhà, công trình xây dựng của mình không được chảy xuống bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề.”

Hòa giải viên căn cứ quy định trên để phân tích cho các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ việc và các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.

Hòa giải viên cần nêu truyền thống tốt đẹp về tình làng nghĩa xóm và thuyết phục hai bên không để xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột. Đề nghị nhà bà V phải thực hiện lắp đặt đường dẫn nước sao cho nước mưa từ mái nhà không được chảy xuống mái nhà ông T.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày