Bảo vệ quyền và lợi ích người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự
Ngày cập nhật 08/06/2022

Quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự là quy định nhằm bảo đảm cho các giao dịch dân sự được ổn định, hạn chế sự xáo trộn cũng như phù hợp với thực tiễn là người thứ ba ngay tình không biết và không thể biết về giao dịch dân sự trước đó bị vô hiệu. Để đảm bảo quyền lợi của các bên thì cần lưu ý một số vấn đề đối với quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình theo quy định hiện hành.

 

1. Xác định người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự vô hiệu

Tại Điều 133 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc “Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu”:

“ 1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.

2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.

3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại, nếu có.”

Điều 167 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình: Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu”.

Theo các quy định nêu trên, người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự vô hiệu được xác định như sau:

- Thứ nhất, đã có một giao dịch dân sự được xác lập và thực hiện hoàn thành trước đó. Giao dịch dân sự này bị xác định là vô hiệu, tất nhiên thời điểm xác định giao dịch sự vô hiệu là sau khi giao dịch với người thứ ba diễn ra.

- Thứ hai, giao dịch với người thứ ba phải đáp ứng các điều kiện của giao dịch dân sự có hiệu lực tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015: Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định (trong trường hợp này cần ngoại trừ nguyên nhân dẫn đến giao dịch dân sự lần thứ nhất bị vô hiệu do người thứ ba không hề biết về vấn đề này).

- Thứ ba, người thứ ba xác lập giao dịch phải ngay tình. Trong trường hợp này, người thứ ba không biết hoặc không thể biết rằng mình tham gia giao dịch dân sự có yếu tố dẫn đến giao dịch vô hiệu liên quan đến giao dịch trước đó. Người thứ ba ngay tình phải chứng minh yếu tố “ngay tình” khi tham gia giao dịch dân sự này.

- Thứ tư, người thứ ba đã thực hiện nghĩa vụ và đã hưởng những quyền dân sự trong giao dịch do họ xác lập, mục đích của giao dịch đã đạt được.

2. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình

Theo quy định tại Điều 133 và Điều 167 Bộ luật dân sự 2015, phân thành 02 trường hợp: Giao dịch ngay tình của người thứ ba có hiệu lực; giao dịch ngay tình của người thứ ba bị vô hiệu.

a) Giao dịch ngay tình của người thứ ba bị vô hiệu

- Thứ nhất, theo quy định tại Điều 167 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể: Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.

- Thứ hai, trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu (trừ trường hợp có hiệu lực được phân tích tại điểm b này).

b) Giao dịch ngay tình của người thứ ba có hiệu lực

- Thứ nhất, trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật Dân sự như đã phân tích tại điểm a nêu trên.

- Thứ hai, Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

- Thứ ba, trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa thì giao dịch không bị vô hiệu.

3. Phân biệt quy định bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu tại Bộ luật dân sự năm 2005 và Bộ luật dân sự năm 2015

Điều 138 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu:

«1.Trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản giao dịch là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 257 của Bộ luật này (Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình).

2. Trong trường hợp tài sản giao dịch là bất động sản hoặc là động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa».

Như vậy, điểm khác biệt cơ bản giữa quy định Bộ luật dân sự năm 2005 và Bộ luật dân sự năm 2015 là đối với tài sản giao dịch phải đăngký quyền sở hữu. Bộ luật dân sự năm 2005 quy định trường hợp tài sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

Bộ luật dân sự năm 2015 quy định trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.... Như vậy, theo quy định hiện hành, nếu tài sản giao dịch đã đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch chuyển giao tài sản có hiệu lực; trong khi đó, nếu theo Bộ luật dân sự năm 2005 thì giao dịch chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình bị xác định là vô hiệu.

4. Một số vấn đề lưu ý

- Quy định bảo vệ quyền của người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự vô hiệu đối với tài sản phải đăng ký đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền là phù hợp với thực tiễn khi những trường hợp vô hiệu nằm ngoài khả năng kiểm soát của người thứ ba. Đồng thời phù hợp với quy định tại điểm d khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai năm 2013 “Điều 106. Đính chính, thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp: 2. Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp sau đây: d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai”.

 Tuy nhiên, khi bảo vệ người thứ ba ngay tình nói trên thì lại có nguy cơ gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu. Trong trường hợp này, vấn đề tiếp theo sẽ được giải quyết theo cơ chế bồi thường thiệt hại đối với người có lỗi theo quy định tại khoản 3 Điều 133 Bộ luật dân sự 2015 “Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại, nếu có”.

- Người thứ ba ngay tình cần lưu ý để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự đối với trường hợp đối tượng của giao dịch là động sản bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu. Trong trường hợp này, chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản.

- Theo quy định tại Điều 133Bộ luật Dân sự năm 2015 thì trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực (trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này); trường hợp tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

Vậy xác định thế nào là “chuyển giao”? Nếu tài sản này được thế chấp hay cầm cố thì có được xem như “chuyển giao” hay không? Việc xác định rõ nội dung này liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình cho các chủ nợ như các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi nhận bảo đảm.

- Xác định thời điểm áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 đối với giao dịch của người thứ ba ngay tình: Khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về điều khoản chuyển tiếp: “1. Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau:...”. Theo quy định này, xác định giao dịch được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực là giao dịch lần đầu hay là giao dịch với người thứ ba ngay tình? Khi xem xét áp dụng khoản 1 Điều 688 nêu trên được hiểu là giao dịch chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình vì đây là giao dịch trực tiếp dẫn đến hệ quả pháp lý của người thứ ba ngay tình./.  

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày