Báo cáo công tác thi hành pháp luật về XLVPHC Những tồn tại, bất cập ảnh hưởng đến chất lượng, nội dung, tiến độ xây dựng báo cáo và kiến nghị một số vấn đề trong quá trình tổ chức thực hiện
Ngày cập nhật 22/07/2021

Theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) thì Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính bao gồm báo cáo về tình hình xử phạt vi phạm hành chính và báo cáo về tình hình áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, được thực hiện định kỳ 06 tháng và hàng năm.

 

Về nội dung báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP bao gồm các nội dung sau đây:

Đối với Báo cáo về tình hình xử phạt vi phạm hành chính, nội dung báo cáo bao gồm:

- Nhận xét, đánh giá chung về tình hình vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính ở địa phương, lĩnh vực;

- Số lượng vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý; đối tượng vi phạm; việc áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính; các loại hành vi vi phạm phổ biến;

- Kết quả thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Tổng số tiền phạt thu được; tổng số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; số giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tước quyền sử dụng có thời hạn; số vụ bị đình chỉ hoạt động có thời hạn; tổng số quyết định xử phạt; số lượng quyết định xử phạt chưa được thi hành; số lượng quyết định hoãn, giảm, miễn thi hành phạt tiền; số vụ bị cưỡng chế thi hành; số vụ bị khiếu nại, khởi kiện;

- Số lượng đối tượng vi phạm là người chưa thành niên được áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính nhắc nhở;

- Số lượng hồ sơ có dấu hiệu tội phạm được chuyển để truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính; kiến nghị, đề xuất.

Đối với Báo cáo về tình hình áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nội dung báo cáo bao gồm:

- Nhận xét, đánh giá chung về tình hình áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại địa phương; số vụ bị khiếu nại, khởi kiện;

- Số lượng đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và số lượng đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị Tòa án áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; số lượng đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và số lượng đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án quyết định;

- Số lượng đối tượng vi phạm là người chưa thành niên được áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình;

- Nhận xét, đánh giá về tình hình tổ chức thi hành các quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án quyết định; số lượng hoãn, miễn chấp hành quyết định;

- Số lượng đối tượng đang chấp hành tại cơ sở cai nghiện bắt buộc; giảm thời hạn; tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại;

- Số lượng đối tượng đang chấp hành tại cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; giảm thời hạn; tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại;

- Khó khăn, vướng mắc; đề xuất, kiến nghị.

          Về chủ thể xây dựng báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

          Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Thông tư số 16/2018/TT-BTP ngày 14/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật thì chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được áp dụng đối với với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc, gồm: Công an nhân dân; Bộ đội biên phòng; Cảnh sát biển; Hải quan; Kiểm ngư; Thuế; Quản lý thị trường; Cơ quan thi hành án dân sự; Kho bạc Nhà nước; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước; tổ chức Thống kê tập trung; Bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện và các tổ chức khác thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc theo quy định của pháp luật.

Về hình thức báo cáo và phương thức gửi, nhận báo cáo

Báo cáo được thể hiện bằng một trong các hình thức sau:

Báo cáo bằng văn bản (là bản có chữ ký, họ tên của Thủ trưởng cơ quan báo cáo và đóng dấu phát hành theo quy định) và gửi kèm theo tệp dữ liệu điện tử. Các biểu mẫu tổng hợp số liệu kèm theo báo cáo phải được đóng dấu giáp lai.

Báo cáo bằng văn bản điện tử có chữ ký số.

Báo cáo được gửi đến cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức sau:

Gửi trực tiếp; gửi qua dịch vụ bưu chính; gửi qua fax; gửi qua hệ thống thư điện tử dưới dạng tệp ảnh (định dạng PDF) hoặc văn bản điện tử có ký số; Phương thức khác theo quy định của pháp luật.

Về xây dựng hệ thống biểu mẫu kèm theo báo cáo

Theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 16/2018/TT-BTP, mẫu Đề cương báo cáo và các biểu mẫu sử dụng để tổng hợp số liệu báo cáo kèm theo báo cáo quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, gồm:

- Mẫu số 1 là Bảng tổng hợp số liệu báo cáo về xử phạt vi phạm hành chính;

- Mẫu số 2 là Bảng tổng hợp số liệu báo cáo về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

Về thời hạn gửi báo cáo

Theo khoản 33 Điều 1 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP thì thời hạn gửi báo cáo của các cơ quan được quy định cụ thể như sau:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của địa phương mình đến Ủy ban nhân dân cấp huyện trước ngày 05 tháng 7 đối với báo cáo 06 tháng; trước ngày 05 tháng 01 năm tiếp theo đối với báo cáo hàng năm;

Phòng Tư pháp tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương;

- Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình về Sở Tư pháp trước ngày 10 tháng 7 đối với báo cáo 06 tháng; trước ngày 10 tháng 01 năm tiếp theo đối với báo cáo hàng năm, để Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Sở Tư pháp tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương;

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của địa phương và gửi Bộ Tư pháp trước ngày 20 tháng 7 đối với báo cáo 06 tháng; trước ngày 20 tháng 01 năm tiếp theo đối với báo cáo hàng năm.

Về tổng hợp, chỉnh lý, bổ sung số liệu báo cáo

- Tổng hợp số liệu

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Thông tư số 16/2018/TT-BTP, các tổ chức thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc, gồm: Công an nhân dân; Bộ đội biên phòng; Cảnh sát biển; Hải quan; Kiểm ngư; Thuế; Quản lý thị trường; Cơ quan thi hành án dân sự; Kho bạc Nhà nước; Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước; tổ chức Thống kê tập trung; Bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện và các tổ chức khác thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp không tổng hợp số liệu báo cáo của các tổ chức thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn vào báo cáo gửi đến cơ quan nhận báo cáo.

- Chỉnh lý, bổ sung báo cáo

Trường hợp phải chỉnh lý, bổ sung nội dung, số liệu trong báo cáo, cơ quan lập báo cáo có trách nhiệm gửi báo cáo đã được chỉnh lý, bổ sung, kèm theo văn bản giải trình rõ về việc chỉnh lý, bổ sung và phải có chữ ký xác nhận, đóng dấu.

Trường hợp tự ý tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung báo cáo, số liệu trong báo cáo và các biểu mẫu số liệu báo cáo kèm theo thì báo cáo, biểu mẫu đó không có giá trị báo cáo.

Căn cứ vào các quy định có liên quan đến báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính như đã nêu trên và các quy định có liên quan của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, qua thực tiễn tổng hợp báo cáo của các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhận thấy việc thực hiện quy định về báo cáo công tác thi hành pháp luật pháp luật xử lý vi phạm hành chính tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn tồn tại một số vấn đề bất cập, gây khó khăn cho việc tổng hợp chính xác số liệu, làm ảnh hưởng đến chất lượng, nội dung và tiến độ xây dựng báo cáo trình Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp, cụ thể như sau:

Một là, không đầy đủ thông tin báo cáo, chỉ liệt kê các lĩnh vực/đơn vị trực thuộc mà không tổng hợp theo biểu mẫu số liệu.

Hai là, nội dung của báo cáo không đầy đủ theo đúng quy định, có cơ quan chỉ gửi số liệu xử phạt, không có các nội dung như: nhận xét, đánh giá chung, khái quát tình hình vi phạm hành chính; tình hình áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực quản lý và một số nội dung cụ thể khác.

Ba là, Sở Tư pháp đã gửi kèm theo Công văn đề nghị báo cáo là đề cương và các biểu mẫu theo Thông tư số 16/2018/TT-BTP ngày 14/12/2018 của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị vẫn thực hiện báo cáo theo Thông tư số 10/2015/TT-BTP ngày 31/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo trong quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Hiện nay, Thông tư số 10/2015/TT-BTP đã được thay thế bởi Thông tư số 16/2018/TT-BTP ngày 14/12/2018 của Bộ Tư pháp.

Bốn là, một số cơ quan, đơn vị gửi báo cáo không đúng thời hạn theo yêu cầu.

Năm là, thể thức của báo cáo không đúng quy định (một số cơ quan, đơn vị báo cáo dưới hình thức Công văn và nêu trích yếu về việc báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính).

Sáu là, theo quy định tại khoản 1 Điều 140 Luật Xử lý vi phạm hành chính, biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình chỉ được áp dụng đối với người chưa thành niên là đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại khoản 3 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, vẫn có địa phương lại báo cáo số liệu về số đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc được áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình. Trong khi đó, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình không áp dụng đối với các đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Từ một số vấn đề bất cập, tồn tại thực tế như đã phân tích, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật về báo cáo công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính định kỳ 6 tháng và hàng năm, kiến nghị một số vấn đề sau đây:

Một là, bám sát Đề cương và các phụ lục của Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính quy định tại Thông tư số 16/2018/TT-BTP ngày 14/12/2018 của Bộ Tư pháp.

Hai là, báo cáo viết bằng ngôn ngữ phổ thông, nêu các sự kiện, nhận định, đánh giá, có thể dùng chữ số để minh họa, trình bày theo lối biểu mẫu, theo sơ đồ và các bản đối chiếu nếu xét thấy dễ hiểu và ngắn gọn hơn. Nên dùng cách hành văn rõ ràng, mạch lạc, thiết thực, không nên dùng lối hành văn cầu kỳ.

Ba là, bảo đảm trung thực, chính xác của các thông tin trong báo cáo:

Khi đánh giá về tình hình vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính/tình hình áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại địa phương; số vụ bị khiếu nại, khởi kiện, cần dùng các sự kiện, số liệu khách quan và chính xác, trích dẫn đầy đủ các nguồn thông tin về số liệu, sự kiện nêu trong báo cáo. Không nên dùng từ ngữ thể hiện tính chủ quan, một chiều hoặc quá khoa trương mà không có căn cứ, cơ sở sẽ làm cho người đọc thiếu tin tưởng. Nội dung thông tin nêu trong báo cáo phảo phản ánh đúng sự thật khách quan, nêu đúng ưu điểm, khuyết điểm, thuận lợi, khó khăn, việc đã giải quyết, việc còn tồn đọng, không được hư cấu hoặc chủ quan duy ý chí.

Người trực tiếp soạn thảo báo cáo không được thiên vị, không thêm bớt hiện tượng nhằm bóp méo sự thật, phải trung thực và khách quan, toàn diện trong cách đưa tin và nhận xét, đánh giá trong báo cáo. Cần phải theo dõi, nghiên cứu sâu sát quá trình diễn biến sự việc, hiện tượng để tìm hiểu nguyên nhân phản ánh và báo cáo. Nếu sự thật bị cắt xén, xác định sai nguyên nhân, đưa ra những nguồn thông tin không chính xác, không toàn diện sẽ làm lãnh đạo đưa ra các giải pháp không đúng, xử lý thiếu kịp thời và không triệt để.

 Bốn là, nội dung báo cáo phải cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm:

Người soạn thảo phải đầu tư thời gian, chọn lọc các số liệu và sự kiện về các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ chính của tổ chức mình để đưa vào báo cáo, không nên liệt kê tràn lan mọi sự việc, hiện tượng xảy ra. Tập hợp được số liệu, ăn khớp với nhau là việc làm cần thiết, song đòi hỏi phải biết lập luận để thấy được ưu khuyết điểm thông qua những con số đó. Cần tránh những con số “ma” hoặc những sự kiện chung chung không chứng minh, không lý giải được. Trường hợp cần giải thích kỹ hơn thì có thể đính kèm báo cáo các bản phụ lục ghi số liệu làm phương tiện chứng minh cho kết luận trong báo cáo. Do đó, cần tránh việc xây dựng báo cáo chỉ thuần túy thống kê sự việc mà không rút ra được những kinh nghiệm, bài học trong việc triển khai thực hiện.

Năm là, người viết dự thảo báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cần nắm rõ các quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật để đối chiếu, so sánh với các thông tin, số liệu tại các biễu mẫu báo cáo.

Sáu là, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2020. Luật có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 1 năm 2022. Theo đó, một số nội dung có liên quan đến báo cáo (về chế độ báo cáo, việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính…) đã được sửa đổi, bổ sung. Do đó, cần chủ động nghiên cứu để xây dựng báo cáo đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật./.

 

Văn Hóa
Các tin khác
Xem tin theo ngày