Xác định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp công ty Liên danh có hành vi vi phạm hành chính nhưng không thành lập pháp nhân mới
Ngày cập nhật 25/08/2020

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định cá nhân, tổ chức là chủ thể tham gia quan hệ pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, tổ chức là các chủ thể được liệt kê tại khoản 10 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính, bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.

 

Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) quy định: “Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải được quy định cụ thể tại các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước”. Căn cứ quy định này, một số nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực đã quy định cụ thể những chủ thể được coi là tổ chức vi phạm hành chính theo đúng yêu cầu tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP nêu trên. Tuy nhiên, nhiều nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước không có quy định về vấn đề này. Do vậy, người có thẩm quyền xử phạt rất lúng túng trong việc xác định đối tượng bị xử phạt trong trường hợp là tổ chức có hành vi vi phạm hành chính.

 Chẳng hạn như, trong trường hợp vi phạm hành chính xảy ra tại công ty liên danh nhưng không thành lập pháp nhân mới (doanh nghiệp mới) mà chỉ thành lập “Ban điều hành” để điều hành hoạt động kinh doanh. Khi liên danh có hành vi vi phạm hành chính thì việc xác định đối tượng bị xử phạt có nhiều quan điểm khác nhau, khiến cho việc áp dụng pháp luật không có sự thống nhất, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này là các công ty (doanh nghiệp) trong liên danh.

Quan điểm thứ hai cho rằng: đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này là công ty (doanh nghiệp) mà trong hợp đồng hợp tác kinh doanh đã được các bên thống nhất và xác định là làm đại diện tư cách pháp nhân cho các Bên trong suốt thời gian hợp đồng.

Quan điểm thứ ba cho rằng: đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này là liên danh công ty.

Quan điểm thứ tư cho rằng: đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này là “Ban điều hành”.

Theo quan điểm của tác giả, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này là các công ty (doanh nghiệp) trong liên danh, vì các lý do sau:

Thứ nhất, khoản 9 Điều 3 Luật Đầu tư 2014 quy định:

Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.”

Thứ hai, Điều 28 (đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC) Luật Đầu tư 2014 quy định:

“1. Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

2. Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 37 của Luật này.

3. Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.”

Thứ ba, khoản 1 Điều 504 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

“1. Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.”

Thứ tư, Điều 508 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

“1. Trường hợp các thành viên hợp tác cử người đại diện thì người này là người đại diện trong xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

2. Trường hợp các thành viên hợp tác không cử ra người đại diện thì các thành viên hợp tác phải cùng tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Giao dịch dân sự do chủ thể quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này xác lập, thực hiện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của tất cả thành viên hợp tác.”

Thứ năm, do hai bên hợp tác kinh doanh nhưng không thành lập tổ chức kinh tế mới (pháp nhân mới), mà chỉ thành lập “Ban điều hành” hoạt động kinh doanh, khoản 2 Điều 1 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) quy định:

“2. Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là pháp nhân theo quy định của pháp luật dân sự hoặc các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Hành vi vi phạm hành chính do người đại diện, người được giao nhiệm vụ nhân danh tổ chức hoặc người thực hiện hành vi theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của tổ chức và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.”

Căn cứ quy định viện dẫn nêu trên thì “Ban điều hành” không đủ các điều kiện là tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính.

Từ các lý do nêu trên thì việc xác định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính khi liên danh có hành vi vi phạm hành chính là các công ty (doanh nghiệp) trong liên danh.

Từ các phân tích nêu trên, tác giả xin đề xuất việc hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này như sau:

Một là, đối tượng bị xử phạt là vấn đề hết sức quan trọng, có ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Do vậy, các quy định về đối tượng bị xử phạt tại Điều 1 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) cần được luật hoá trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Hai là, các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính có quy định về việc xử phạt tổ chức thì cần rà soát để sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể hơn về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trên đây là một số nội dung liên quan đến xác định đối tượng vi phạm hành chính trong trường hợp vi phạm hành chính xảy ra tại công ty liên danh nhưng không thành lập pháp nhân mới (doanh nghiệp mới) mà chỉ thành lập “Ban điều hành” để điều hành hoạt động kinh doanh, tác giả xin trao đổi và mong nhận được những ý kiến đóng góp, chia sẻ từ phía các độc giả, đồng nghiệp, đặc biệt là những người trực tiếp thực hiện công tác xử phạt vi phạm hành chính quan tâm đến vấn đề này./.

 

Văn Hóa
Các tin khác
Xem tin theo ngày