Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ký kết Quy chế phối hợp công tác
Ngày cập nhật 31/05/2023

Ngày 15 tháng 5 năm 2023, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quy chế phối hợp công tác số 115-QCPH/BCSĐUBND-BCSĐTAND.

 

Quy chế phối hợp nhằm tăng cường công tác lãnh đạo và việc phối hợp trong công tác cung cấp thông tin, thu thập chứng cứ và tham gia tố tụng khi giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đảm bảo việc giải quyết, xét xử kịp thời đúng pháp luật của Tòa án nhân dân và không làm ảnh hưởng đến hoạt động công tác của các cơ quan hành chính Nhà nước.

Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh với Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh, TAND tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan trong việc cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ và tham gia tố tụng khi giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính và áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Quy chế được áp dụng đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh; Ban cán sự đảng TAND tỉnh; UBND tỉnh; TAND tỉnh; các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh (viết tắt là cơ quan tỉnh); Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (viết tắt là UBND cấp huyện); TAND các huyện, thị xã, thành phố (viết tắt là TAND cấp huyện) và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (viết tắt là UBND cấp xã).

 Việc phối hợp dựa trên các nguyên tắc: tuân thủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của cơ quan cấp trên có thẩm quyền; đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy Đảng, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và Ban cán sự đảng TAND tỉnh. Tuân thủ quy định của pháp luật về thời hạn, trình tự, thủ tục đảm bảo việc giải quyết, xét xử các vụ án của Tòa án, không làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của các cơ quan liên quan trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị. Tuân thủ quy định pháp luật về ủy quyền, cử thành phần tham gia xem xét, thẩm định tại chỗ, tham gia hội đồng định giá tài sản, tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, đối thoại (trong vụ án hành chính), hòa giải (trong vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động), tham gia phiên tòa và các hoạt động tố tụng khác. Chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời và tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bảo đảm chế độ bảo mật thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác phối hợp theo quy định của Đảng và Nhà nước.

 Phương pháp phối hợp, gồm: Cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc thông tin bằng văn bản theo yêu cầu của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp; cử người đại diện, người tham gia xem xét, thẩm định tại chỗ, tham gia hội đồng định giá tài sản, tham dự phiên hòa giải, phiên đối thoại, tham gia phiên tòa, các hoạt động tố tụng,... theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân và các quy định có liên quan; tổ chức sơ kết, tổng kết công tác phối hợp nhằm bổ sung, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Quy chế này.

Các nội dung phối hợp cụ thể: Phối hợp trong cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ; phối hợp trong quá trình xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản; phối hợp, tham gia tố tụng tại phiên họp kiểm tra, giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, hòa giải, đối thoại và tham gia phiên toà; phối hợp trong việc xác minh, tống đạt, niêm yết văn bản tố tụng của Tòa án; phối hợp trong cung cấp bản án, quyết định của Tòa án; phối hợp trong trường hợp vụ án phức tạp và có vướng mắc; xử lý các khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày