Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Việc lấy ý kiến đúng đối tượng, thực chất và trọng tâm
Ngày cập nhật 03/03/2023

Thực hiện Kế hoạch số 394/KH-UBND ngày 24 tháng 12 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” năm 2023; Quyết định số 316/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); ngày 02 tháng 3 năm 2023, Sở Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự thao gia của gần 50 đại biểu là đại diện Lãnh đạo các cơ quan, ngành cấp tỉnh, cấp huyện và các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh. Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thanh Sơn – Phó Giám đốc Sở Tư pháp.

 

Xuất phát từ mục đích “dự Luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương, định hướng đã đề ra trong Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt là  mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, các nhóm giải pháp và chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển”, nhìn chung, các tham luận góp ý tại Hội thảo đã thể hiện phù hợp tinh thần “đúng đối tượng, thực chất và trọng tâm”. Đặc biệt là đối với những chính sách mới, quan trọng.

Dưới góc độ là đối tượng chịu sự tác động không nhỏ của Luật Đất đai, ông ông Nguyễn Doãn Quang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã bày tỏ “việc doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ dàng hơn đồng nghĩa họ có thể có một loại tài sản thế chấp hữu hiệu trong trường hợp muốn vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Ngược lại, nếu không tiếp cận được tín dụng, thì nhiều doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội phục hồi sau đại dịch hoặc không thể mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, bỏ lỡ cơ hội đầu tư cho tài sản mới. Quyền tiếp cận đất đai là một trong những vấn đề hết sức quan trọng đối với các doanh nghiệp nói chung và đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói riêng.”

Một trong những vấn đề nhức nhối đã và đang diễn ra trong một thời gian dài vừa qua là tình trạng thất thu thuế trong giao dịch bất động sản. Để thực hiện tốt chủ trương chính sách “thu đúng, thu đủ, thu kịp thời”, đồng chí Nguyễn Thị Đào – Phó trưởng Phòng Bổ trợ tư pháp đã mạnh dạn đề xuất “Nhiều giao dịch “lướt sóng”, để “lách” thuế, thời hạn 30 ngày đủ để chủ thể giao dịch tiếp tục thực hiện các giao dịch khác (bằng cách hủy hợp đồng trước đó và ký tiếp với người tiếp theo). Để hạn chế tình trạng này, đề nghị nên giảm thời thời hạn phải đăng ký biến động cho phù hợp. Đồng thời, bổ sung quy định loại trừ “trường hợp bất khả kháng” để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

Với vai trò là một đạo luật quan trọng, có sự ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, ngoài những tham luận đã trình bày, tại Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến tham gia thảo luận, đặc biệt những ý kiến về xác định giá đất; về đăng ký quyền sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt; về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai...trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Về vấn đề giá đất, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho rằng “cần quy định rõ giá thị trường được xác định trên cơ sở nào? Bên cạnh đó, quy định nguyên tắc "phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường" (Điều 153 Dự thảo Luật) là khá ngắn gọn và chưa đầy đủ. Đồng thời Điều 204 dự thảo Luật quy định đất tín ngưỡng bao gồm đất có công trình đình, đền, miếu, am, đất rừng tín ngưỡng mà loại bỏ "từ đường, nhà thờ họ" thì liệu rằng có phù hợp với Luật Tín ngưỡng tôn giáo và truyền thống dân tộc hay không?” Cũng tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hà – Trưởng Văn phòng Công chứng An Phú Gia cũng kiến nghị vấn đề "hộ gia đình sử dụng đất" gây nhiều tranh cãi, do đó, tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này quy định theo hướng bỏ đối tượng là "hộ gia đình sử dụng đất" là phù hợp. Đối với quy định về đất thờ cúng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định cụ thể, rõ ràng để tránh sự mâu thuẫn với Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Có thể nói, Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã phản ánh chân thực ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân; tạo không gian để trao đổi, phát triển nguồn lực trí tuệ của đất nước. Đồng thời, Hội thảo cũng là tiền đề để tiếp tục triển khai nhiều hơn nữa các Hội nghị, hội thảo hoặc hình thức phù hợp khác nhằm phát huy trí tuệ của toàn thể cán bộ, Nhân dân, tổ chức trong tham gia, đóng góp ý kiến đối với các chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong thời gian đến. Đồng thời, những ý kiến góp ý, thảo luận tại Hội thảo cũng sẽ góp phần vào quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp lần thứ 5 vào tháng 5 năm 2023 tới đây.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày