Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giám định tư pháp
Ngày cập nhật 17/10/2022

Ngày 14 tháng 10 năm 2022,  Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giám định tư pháp với sự tham gia của 100 đại biểu là Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, đại diện các tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, công chức tham mưu quản lý nhà nước về giám định tư pháp các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh. Đồng chí Phan Thuỳ Dương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp – Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” (Đề án 250), chủ trì Hội nghị.

 

Hội nghị đã nghe các báo cáo viên trình bày 03 chuyên đề: quản lý nhà nước về giám định tư pháp; kỹ năng tiếp nhận và tổ chức thực hiện việc giám định tư pháp; kỹ năng tham gia tố tụng của người giám định tư pháp. Nhiều vấn đề liên quan đã được nêu tại hội nghị để các đại biểu thảo luận, lưu ý, như: việc phân biệt giám định tư pháp với giám định khác, quyền và trách nhiệm của người giám định tư pháp tại phiên toà, giám định tư pháp trong tố tụng hình sự, giám định tư pháp trong tố tụng dân sự, giám định tư pháp trong tố tụng hành chính, thời hạn thực hiện giám định,...

Hội nghị đã thông tin cơ bản đầy đủ, hệ thống kiến thức pháp luật có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp, quyền, nghĩa vụ của người giám định tư pháp và một số kỹ năng pháp lý cơ bản cần thiết trong hoạt động này, qua đó tăng cường công tác quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phan Thuỳ Dương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 250 đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 250 đảm bảo nội dung, yêu cầu, tiến độ công việc theo Kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Đồng thời quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về vị trí, vai trò của công tác giám định tư pháp. Chú trọng thông tin, tuyên truyền nội dung Điều 4 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với hoạt động giám định tư pháp và khoản 2 Điều 20 Luật Giám định tư pháp là “Trong trường hợp đặc biệt, người trưng cầu giám định có thể trưng cầu cá nhân, tổ chức chuyên môn có đủ tiêu chuẩn, điều kiện không thuộc danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đã công bố để thực hiện giám định nhưng phải nêu rõ lý do trong quyết định trưng cầu”. Hàng năm, có giải pháp bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho giám định viên tư pháp thuộc ngành quản lý; thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn cá nhân, tổ chức giám định tư pháp theo quy định của pháp luật để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đồng chí đề nghị các giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, các tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc tích cực phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động giám định tư pháp; thông tin, báo cáo kịp thời những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động với cơ quan quản lý chuyên ngành để giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, bảo đảm cho hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày