Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
CÁC TÌNH HUỐNG PHÁP LÝ LIÊN QUAN PHÁP LUẬT VỀ KINH DOANH BẢO HIỂM
Ngày cập nhật 10/03/2023

Bảo hiểm bắt buộc

Tình huống 1: Bà Nguyễn Thanh là chủ doanh nghiệp T chuyên kinh  doanh các mặt hàng tiêu dùng. Nay bà muốn chuyển sang kinh doanh lĩnh vực bảo hiểm, bà muốn biết pháp luật quy định về bảo hiểm bắt buộc như thế nào?

 Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau:

1. Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.

2. Bảo hiểm bắt buộc bao gồm:

a) Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;

b) Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;

c) Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng;

d) Bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 8.

3. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc có nghĩa vụ mua bảo hiểm bắt buộc và được lựa chọn tham gia bảo hiểm bắt buộc tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép triển khai.

4. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được phép triển khai bảo hiểm bắt buộc không được từ chối bán khi tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ điều kiện mua bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc quy định tại khoản 2 Điều 8.

 Căn cứ nội dung trên, bà Thanh có thể nghiên cứu để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

 

Hành vi nghiêm cấm trong kinh doanh bảo hiểm

Tình huống 2: Doanh nghiệp tư nhân N muốn làm đại lý kinh doanh bảo hiểm tại tỉnh M. Doanh nghiệp muốn tư vấn về các hành vi nghiêm cấm trong kinh doanh bảo hiểm được quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau:

1. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm khi không có giấy phép thành lập và hoạt động.

2. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm không đúng phạm vi được cấp phép.

3. Hoạt động đại lý bảo hiểm, hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khi không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện các hành vi gian lận bao gồm:

a) Thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm.

5. Đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm.

 

Cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng

Tình huống 3: Ông Đặng Cao Minh là chủ đại lý S chuyên kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm. Ông muốn biết pháp luật quy định về cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng như thế nào?

 Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau:

1. Tổ chức, cá nhân được phép cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng bao gồm:

a) Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô;

b) Đại lý bảo hiểm;

c) Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

2. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng thực hiện các quy định sau đây:

a) Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được chủ động lựa chọn các hình thức cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng;

b) Đại lý bảo hiểm chỉ được cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng trong phạm vi hợp đồng đại lý bảo hiểm;

c) Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô thực hiện cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng phải chịu trách nhiệm với bên mua bảo hiểm nếu hoạt động cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm đó làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm;

d) Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm trên môi trường mạng có trách nhiệm cung cấp trung thực, chính xác các thông tin theo quy định tại Điều 22 của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết Điều này.

Căn cứ nội dung trên, ông Minh có thể nghiên cứu để thực hiện hoạt động kinh doanh của mình phù hợp với pháp luật.

 

Hợp đồng bảo hiểm

Tình huống 4: Bà Hoàng Thị Lan là chủ hộ kinh doanh P tại huyện Y, bà muốn tham gia một số loại hình bảo hiểm. Bà muốn biết hợp đồng bảo hiểm được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau:

1. Các loại hợp đồng bảo hiểm bao gồm:

a) Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ;

b) Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe;

c) Hợp đồng bảo hiểm tài sản;

d) Hợp đồng bảo hiểm thiệt hại;

đ) Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm.

Hợp đồng bảo hiểm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 thuộc loại hình bảo hiểm phi nhân thọ.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận giao kết một loại hợp đồng bảo hiểm hoặc kết hợp nhiều loại hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều 15 và bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

3. Hợp đồng bảo hiểm hàng hải được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hàng hải; nội dung không quy định tại Bộ luật Hàng hải thì thực hiện theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

4. Nội dung liên quan đến hợp đồng bảo hiểm không được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.

 

 Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài

 Tình huống 5: Chủ doanh nghiệp tư nhân Hoa Thắng muốn tư vấn pháp luật về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 20 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau:

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có các quyền sau đây:

a) Thu phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

b) Yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực mọi thông tin có liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm;

c) Hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 2 Điều 22 hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 26 của Luật Kinh doanh bảo hiểm;

d) Từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm hoặc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

đ) Yêu cầu bên mua bảo hiểm áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và quy định khác của pháp luật có liên quan;

e) Yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đã bồi thường cho người được bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản; lợi ích kinh tế hoặc nghĩa vụ thực hiện hợp đồng hoặc nghĩa vụ theo pháp luật; trách nhiệm dân sự do người thứ ba gây ra;

g) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có các nghĩa vụ sau đây:

a) Cung cấp cho bên mua bảo hiểm bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;

b) Giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

c) Cung cấp cho bên mua bảo hiểm bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 18 của Luật Kinh doanh bảo hiểm;

d) Cấp hóa đơn thu phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan;

đ) Bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;

e) Giải thích bằng văn bản lý do từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

g) Phối hợp với bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu của người thứ ba đòi bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;

h) Lưu trữ hồ sơ hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật;

i) Bảo mật thông tin do bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cung cấp, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được sự đồng ý của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm;

k) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

 

Quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm

Tình huống 6: Bà Lê Thị Minh Hòa là chủ doanh nghiệp tư nhân S. Bà muốn mua bảo hiểm cho các nhân viên của doanh nghiệp, bà muốn biết pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau:

1. Bên mua bảo hiểm có các quyền sau đây:

a) Lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài để giao kết hợp đồng bảo hiểm;

b) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cung cấp bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm và giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm;

c) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cung cấp bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 18 của Luật Kinh doanh bảo hiểm;

d) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cấp hóa đơn thu phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan;

đ) Hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 3 Điều 22 và Điều 35 hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 26 của Luật Kinh doanh bảo hiểm;

e) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;

g) Chuyển giao hợp đồng bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm hoặc theo quy định của pháp luật;

h) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Bên mua bảo hiểm có các nghĩa vụ sau đây:

a) Kê khai đầy đủ, trung thực mọi thông tin có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;

b) Đọc và hiểu rõ điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm và nội dung khác của hợp đồng bảo hiểm;

c) Đóng phí bảo hiểm đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

d) Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc giảm rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

đ) Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm; phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài trong giám định tổn thất;

e) Áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và quy định khác của pháp luật có liên quan;

g) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

 

Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu

Tình huống 7: Ông Trần Mai Hùng là giám đốc công ty TNHH một thành viên T, ông muốn biết pháp luật quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau:

1. Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp sau đây:

a) Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm;

b) Không có đối tượng bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm;

c) Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

d) Mục đích, nội dung hợp đồng bảo hiểm vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội;

đ) Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm giả tạo;

e) Bên mua bảo hiểm là người chưa thành niên; người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

g) Hợp đồng bảo hiểm được giao kết có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng, trừ trường hợp mục đích giao kết hợp đồng của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc giao kết hợp đồng vẫn đạt được;

h) Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị lừa dối, trừ trường hợp quy định tại Điều 22 của Luật Kinh doanh bảo hiểm;

i) Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị đe dọa, cưỡng ép;

k) Bên mua bảo hiểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

l) Hợp đồng bảo hiểm không tuân thủ quy định về hình thức quy định tại Điều 18 của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

2. Khi hợp đồng bảo hiểm vô hiệu thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

 

 Chuyển giao hợp đồng bảo hiểm

Tình huống 8: Ông Lê Minh Trung là chủ doanh nghiệp tư nhân T. Do nhiều nguyên nhân, Ông muốn chuyển giao hợp đồng bảo hiểm của mình. Ông muốn biết quy định của pháp luật về chuyển giao hợp đồng bảo hiểm như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 28 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau:

1. Bên mua bảo hiểm có quyền chuyển giao hợp đồng bảo hiểm. Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, việc chuyển giao phải được sự đồng ý bằng văn bản của người được bảo hiểm hoặc người đại diện theo pháp luật của người được bảo hiểm.

2. Bên nhận chuyển giao hợp đồng bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm, được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên chuyển giao.

3. Việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực khi bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản và được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đồng ý bằng văn bản, trừ trường hợp việc chuyển giao được thực hiện theo tập quán quốc tế hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

 

Thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm

Tình huống 9: Ông Mai Viết Hà là thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên, ông biết quy định của pháp luật như thế nào về thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau:

1. Thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm là 01 năm kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm. Thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không tính vào thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm.

2. Trường hợp người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng chứng minh được rằng không biết thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm thì thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 30 được tính từ ngày người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng biết việc xảy ra sự kiện bảo hiểm đó.

3. Trường hợp người thứ ba yêu cầu bên mua bảo hiểm bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm thì thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 30 được tính từ ngày người thứ ba yêu cầu.

 

Thời hạn bồi thường, trả tiền bảo hiểm

Tình huống 10: Doanh nghiệp tư nhân M muốn biết quy định của pháp luật về thời hạn bồi thường, trả tiền bảo hiểm như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 31 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau:

1. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm.

2. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chậm bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 31 thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất đối với số tiền chậm trả được xác định theo thỏa thuận của các bên theo quy định của Bộ luật Dân sự.

 

Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe

Tình huống 11: Bà Nguyễn Thị Lành là Kế toán của Công ty TNHH một thành viên Hồng Thắm. Do công ty có chủ trương mua bảo hiểm cho nhân viên của công ty. Bà muốn biết pháp luật quy định đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 33 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau:

1. Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là tuổi thọ, tính mạng con người.

2. Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm sức khỏe là sức khoẻ con người.

 

 Quyền lợi có thể được bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe

Tình huống 12: Bà Hoàng Thị Thu Hà là chủ doanh nghiệp tư nhân Minh Hà. muốn biết quy định của pháp luật về quyền lợi có thể được bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 34 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau:

1. Bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm đối với những người sau đây:

a) Bản thân bên mua bảo hiểm;

b) Vợ, chồng, cha, mẹ, con của bên mua bảo hiểm;

c) Anh ruột, chị ruột, em ruột hoặc người khác có quan hệ nuôi dưỡng, cấp dưỡng với bên mua bảo hiểm;

d) Người có quyền lợi về tài chính hoặc quan hệ lao động với bên mua bảo hiểm;

đ) Người được bảo hiểm đồng ý bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm mua bảo hiểm sức khỏe cho mình.

2. Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm.

 

Không được yêu cầu người thứ ba bồi hoàn

Tình huống 13: Bà Cao Thi Thanh Tâm là Giám đốc của Công ty TNHH một thành viên T. Bà muốn muốn biết quy định của pháp luật về bảo hiểm liên quan trường hợp không được yêu cầu người thứ ba bồi hoàn?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 34 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau:

Trường hợp người được bảo hiểm chết, bị thương tật hoặc đau ốm do hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp của người thứ ba gây ra, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài vẫn có nghĩa vụ bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm mà không có quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đã trả cho người thụ hưởng. Người thứ ba vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

 

Các trường hợp không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm

Tình huống 14: Ông Hà Văn Vũ là thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên Thuận Phát kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Ông muốn tư vấn pháp luật về các trường hợp không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 40 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau:

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong trường hợp sau đây:

a) Người được bảo hiểm chết do tự tử trong thời hạn 02 năm kể từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên hoặc kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm khôi phục hiệu lực;

b) Người được bảo hiểm chết do lỗi cố ý của bên mua bảo hiểm hoặc lỗi cố ý của người thụ hưởng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 40;

c) Người được bảo hiểm bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của chính bản thân người được bảo hiểm hoặc bên mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 40;

d) Người được bảo hiểm chết do bị thi hành án tử hình;

đ) Trường hợp khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

2. Trường hợp có nhiều người thụ hưởng, nếu một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn cho người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài vẫn phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

3. Trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 40, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm hoặc toàn bộ số phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 40. Nếu bên mua bảo hiểm chết thì số tiền trả lại được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.

 

 Hợp đồng bảo hiểm nhóm

Tình huống 15: Bà Lê Thanh Hải là chủ doanh nghiệp tư nhân Hào Thanh chuyên kinh doanh nội thất trên địa bàn tỉnh M. Bà muốn biết pháp luật quy định về hợp đồng bảo hiểm nhóm như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 42 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau:

1. Hợp đồng bảo hiểm nhóm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài để bảo hiểm cho những người được bảo hiểm thuộc nhóm tham gia bảo hiểm trong cùng một hợp đồng bảo hiểm.

2. Nhóm tham gia hợp đồng bảo hiểm phải là nhóm đã được hình thành không phải vì mục đích tham gia bảo hiểm.

3. Bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm có thể thỏa thuận cùng đóng phí bảo hiểm.

4. Người được bảo hiểm có quyền chỉ định người thụ hưởng cho trường hợp chết của người được bảo hiểm.

5. Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo hiểm nhóm trong trường hợp sau đây:

a) Khi có ít nhất một người được bảo hiểm không còn là thành viên của nhóm;

b) Phí bảo hiểm tính cho từng người được bảo hiểm không được đóng theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

c) Trường hợp khác theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

6. Ngoài những nội dung quy định tại Điều 17 của Luật 42, hợp đồng bảo hiểm nhóm phải có các nội dung sau đây:

a) Điều kiện tham gia bảo hiểm đối với người được bảo hiểm;

b) Điều kiện, thủ tục chuyển đổi thành hợp đồng bảo hiểm cá nhân.

 

Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại

Tình huống 16: Hộ kinh doanh Ông Trần Thanh muốn mua bảo hiểm tài sản cho hộ của ông. Ông muốn tìm hiểu pháp luật quy định về đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 43 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau:

1. Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự.

2. Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm thiệt hại là bất kỳ lợi ích kinh tế hoặc nghĩa vụ thực hiện hợp đồng hoặc nghĩa vụ theo pháp luật mà người được bảo hiểm phải gánh chịu khi xảy ra tổn thất.

 

Quyền lợi có thể được bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại

Tình huống 17: Bà Nguyễn Thị Vui là thành viên góp vốn của công ty TNHH hai thành viên trở lên tại huyện Y. Công ty bà muốn mua bảo hiểm cho một tài sản, nhưng bà không biết quyền lợi có thể được bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản, hợp đồng bảo hiểm thiệt hại như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 44 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau:

1. Đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản, bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm khi có quyền sở hữu; quyền khác đối với tài sản; quyền chiếm hữu, quyền sử dụng của người không phải là chủ sở hữu.

2. Đối với hợp đồng bảo hiểm thiệt hại, bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm khi có quyền lợi về tài chính; nghĩa vụ, trách nhiệm về tài chính; thiệt hại kinh tế đối với đối tượng bảo hiểm.

3. Tại thời điểm xảy ra tổn thất, bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm.

 

Thông báo khi sự kiện bảo hiểm xảy ra

Tình huống 18: Doanh nghiệp tư nhân Công Thành chuyên kinh doanh hàng may mặc trên địa bàn tỉnh T. Doanh nghiệp muốn biết pháp luật quy định về thông báo khi sự kiện bảo hiểm xảy ra như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 46 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau:

1. Bên mua bảo hiểm phải thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài khi biết sự kiện bảo hiểm xảy ra theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp bên mua bảo hiểm không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ này, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền giảm trừ số tiền phải bồi thường bảo hiểm tương ứng với thiệt hại mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải chịu, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không được áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 46 nếu hợp đồng bảo hiểm không có thỏa thuận về trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, các biện pháp chế tài trong việc không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ thông báo về sự kiện bảo hiểm.

 

Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị

Tình huống 19: Công ty TNHH một thành viên Minh Đạt có mua một hợp đồng bảo hiểm tài sản. Công ty muốn tìm hiểu pháp quy định về hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 47 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau:

1. Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị là hợp đồng trong đó số tiền bảo hiểm cao hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm không được cố ý giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị.

2. Trường hợp hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị được giao kết do lỗi vô ý của bên mua bảo hiểm thì thực hiện như sau:

a) Nếu chưa xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng sau khi trừ các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

b) Nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chỉ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm xảy ra thiệt hại và phải hoàn lại cho bên mua bảo hiểm số phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với số tiền bảo hiểm vượt quá giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng sau khi trừ các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

 

Căn cứ bồi thường bảo hiểm

Tình huống 20: Do nguyên nhân hỏa hoạn, tài sản của công ty của bà Nguyễn Thị Thúy bị thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Bà muốn biết pháp luật quy định về căn cứ để bồi thường bảo hiểm như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 51 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định như sau:

1. Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Chi phí để xác định giá thị trường và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chi trả.

2. Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.

3. Ngoài số tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài còn phải trả cho người được bảo hiểm những chi phí cần thiết, hợp lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm để đề phòng, hạn chế tổn thất và những chi phí phát sinh mà bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện theo hướng dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tin mới - Tin đọc nhiều
Tin mới
Tin nổi bật
Tin mới
Ngày 22 tháng 4 năm 2024, ngày ngày đầu tiên tỉnh Thừa Thiên Huế kích hoạt thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng...
Ngày 12 tháng 4 năm 2024, được sự nhất trí của Đảng ủy và Lãnh đạo Sở Tư pháp, Chi hội Luật gia Sở Tư pháp đã tổ chức Đại hội lần thứ V, nhiệm...
Ngày 01 tháng 4 năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp Giấy đăng ký hoạt động Chi nhánh số 03/TP-ĐKHĐCN cho Công ty đấu giá hợp...
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.451.824
Lượt truy cập hiện tại 4.385