Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
GIẢI ĐÁP CÁC TÌNH HUỐNG LIÊN QUAN ĐẾN PHÁP LUẬT VỀ TIỀN TỆ VÀ NGÂN HÀNG
Ngày cập nhật 24/11/2022

Áp dụng kiểm soát đặc biệt 

Tình huống 1.

Ngân hàng thương mại H có nguy cơ mất khả năng chi trả, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, vậy Ngân hàng H này có thuộc đối tượng có thể bị kiểm soát đặc biệt không? Những trường hợp nào được áp dụng kiểm soát đặc biệt?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Theo quy định tại khoản 34 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010sửa đổi, bổ sung 2017, kiểm soát đặc biệt là việc đặt một tổ chức tín dụng dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Mục 1 Chương VIII Luật Các tổ chức tín dụng 2010sửa đổi, bổ sung 2017

Ngân hàng là một trong các loại hình tổ chức tín dụng theo khoản 1 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Do đó, ngân hàng thuộc đối tượng có thể bị kiểm soát đặc biệt.

Điều 146 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định Ngân hàng Nhà nước xem xét, đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi tổ chức tín dụng lâm vào một trong các trường hợp sau đây:

a) Có nguy cơ mất khả năng chi trả;

b) Nợ không có khả năng thu hồi có nguy cơ dẫn đến mất khả năng thanh toán;

c) Khi số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất;

d) Hai năm liên tục bị xếp loại yếu kém theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

đ) Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 130 của Luật các tổ chức tín dụng trong thời hạn một năm liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 4% trong thời hạn 06 tháng liên tục.

Ngân hàng Thương mại H có nguy cơ mất khả năng chi trả, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, như vậy, ngân hàng Thương mại H thuộc đối tượng bị kiểm soát đặc biệt.

 

Hoạt động cho vay đặc biệt của Ngân hàng nhà nước

Tình huống 2. Ngân hàng thương mại A là ngân hàng kinh doanh tiền tệ,  Ngân hàng A muốn biết Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng nào? Các trường hợp cho vay đặc biệt được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 4 Thông tư 08/2021/TT-NHNN ngày 06/07/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và Khoản 1 Điều 1 Thông tư 02/2022/TT-NHNN ngày 28/10/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2021/TT-NHNN ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt quy định:

1. Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt bằng nguồn tiền từ thực hiện chức năng của ngân hàng trung ương về phát hành tiền trong các trường hợp sau:

a) Cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với tổ chức tín dụng khi tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, bao gồm cả trường hợp tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt;

b) Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ phục hồi đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô theo phương án phục hồi đã được phê duyệt;

c) Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ phục hồi đối với ngân hàng thương mại theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt;

d) Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật số 17/2017/QH14 có hiệu lực theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật số 17/2017/QH14.

đ) Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật số 17/2017/QH14 có hiệu lực sau chuyển nhượng theo phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt.

2. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong các trường hợp sau:

a) Cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với tổ chức tín dụng khi tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, bao gồm cả trường hợp tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt;

b) Cho vay đặc biệt theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ thanh khoản đối với công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ khi công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trước khi phương án cơ cấu lại được phê duyệt;

c) Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ phục hồi đối với công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.

3. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong các trường hợp sau:

a) Cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với tổ chức tín dụng khi tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, bao gồm cả trường hợp tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt;

b) Cho vay đặc biệt theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ thanh khoản đối với quỹ tín dụng nhân dân từ Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân khi quỹ tín dụng nhân dân có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trước khi phương án cơ cấu lại được phê duyệt;

c) Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ phục hồi đối với quỹ tín dụng nhân dân từ Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.

4. Tổ chức tín dụng khác cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt trong các trường hợp sau:

a) Cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với tổ chức tín dụng khi tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, bao gồm cả trường hợp tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt;

b) Cho vay đặc biệt để hỗ trợ phục hồi đối với tổ chức tín dụng theo phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.

Như vậy, Ngân hàng thương mại A là ngân hàng kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng A được Ngân hàng nhà nước cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật số 17/2017/QH14 có hiệu lực sau chuyển nhượng theo phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt.

 

 Nguyên tắc cho vay đặc biệt, xử lý khoản cho vay đặc biệt

Tình huống 3. Ngân hàng thương mại Đông Á thuộc trường hợp cho vay đặc biệt của Ngân hàng nhà nước, vậy Ngân hàng thương mại Đông Á phải đảm bảo những nguyên tắc cho vay đặc biệt nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 5 Thông tư 08/2021/TT-NHNN ngày 06/07/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; Khoản 2 Điều 1 và Khoản 4 Điều 2 Thông tư 02/2022/TT-NHNN ngày 28/10/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2021/TT-NHNN ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt quy định:

1. Đối với khoản cho vay đặc biệt quy định tại điểm b, c, đ khoản 1, điểm c khoản 2, điểm c khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 4 Thông tư 08/2021/TT-NHNN, số tiền cho vay đặc biệt, mục đích sử dụng khoản cho vay đặc biệt, tài sản bảo đảm cho khoản cho vay đặc biệt, lãi suất cho vay đặc biệt, thời hạn cho vay đặc biệt, việc trả nợ cho vay đặc biệt, việc miễn, giảm tiền lãi cho vay đặc biệt, việc xử lý đối với khoản cho vay đặc biệt đã cho vay (bao gồm cả việc gia hạn khoản cho vay đặc biệt, lãi suất đối với nợ gốc cho vay đặc biệt quá hạn) thực hiện theo phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt. Đối với khoản cho vay đặc biệt quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 Thông tư 08/2021/TT-NHNN thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật số 17/2017/QH14.

2.  Việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất ưu đãi đến mức 0% do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đối với khoản cho vay đặc biệt quy định tại điểm a khoản 1, điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 4, Điều 6 thực hiện theo quy định tại Thông tư 08/2021/TT-NHNN; đối với các nội dung của khoản cho vay đặc biệt  đã được phê duyệt tại phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng thì thực hiện theo, phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt.

4. Đối với khoản cho vay đặc biệt quy định tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 3, điểm a khoản 4 Điều 4 Thông tư 08/2021/TT-NHNN, số tiền cho vay đặc biệt, mục đích sử dụng khoản cho vay đặc biệt, tài sản bảo đảm cho khoản cho vay đặc biệt, lãi suất cho vay đặc biệt, thời hạn cho vay đặc biệt, việc trả nợ cho vay đặc biệt, việc miễn, giảm tiền lãi cho vay đặc biệt, việc xử lý đối với khoản cho vay đặc biệt đã cho vay (bao gồm cả việc gia hạn khoản cho vay đặc biệt, lãi suất đối với nợ gốc cho vay đặc biệt quá hạn) thực hiện theo thỏa thuận giữa bên cho vay và bên đi vay.

5. Đồng tiền cho vay đặc biệt là đồng Việt Nam.

6. Việc nhận, xử lý tài sản bảo đảm thực hiện theo quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

 

Hoạt động bảo lãnh điện tử

Tình huống 4. Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam (HSBC) là ngân hàng nước ngoài được lựa chọn thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng qua việc sử dụng các phương tiện điện tử. Vậy muốn thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử đối với toàn bộ hoặc từng khâu trong quy trình bảo lãnh, tự chịu rủi ro phát sinh thì phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 9 Thông tư 11/2022/TT-NHNN ngày 30/09/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về bảo lãnh ngân hàng quy định hoạt động bảo lãnh điện tử như sau:

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được lựa chọn thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng qua việc sử dụng các phương tiện điện tử (sau đây gọi là hoạt động bảo lãnh điện tử).

Việc thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử phải đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu và bảo mật thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền, giao dịch điện tử, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử đối với toàn bộ hoặc từng khâu trong quy trình bảo lãnh, tự chịu rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:

a) Có giải pháp, công nghệ kỹ thuật đảm bảo tính chính xác, bảo mật, an toàn trong quá trình thu thập, sử dụng, kiểm tra thông tin, dữ liệu;

b) Có biện pháp kiểm tra, đối chiếu, cập nhật, xác minh thông tin, dữ liệu; có biện pháp ngăn chặn các hành vi giả mạo, can thiệp, chỉnh sửa làm sai lệch thông tin, dữ liệu;

c) Có biện pháp đánh giá, quản lý, kiểm soát rủi ro; phân công trách nhiệm cụ thể của từng bộ phận, cá nhân có liên quan trong hoạt động bảo lãnh điện tử và trong việc quản lý, giám sát rủi ro.

3. Trường hợp thực hiện nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng qua phương tiện điện tử khi khách hàng lần đầu thiết lập mối quan hệ với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ các trường hợp quy định tại điểm b và d khoản 4 dưới đây), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có giải pháp, công nghệ kỹ thuật để thu thập, kiểm tra và đối chiếu thông tin, đảm bảo tối thiểu các yêu cầu sau:

a) Đối với khách hàng là cá nhân: Đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng (là các yếu tố, đặc điểm sinh học gắn liền với khách hàng thực hiện định danh, khó làm giả, có tỷ lệ trùng nhau thấp như vân tay, khuôn mặt, mống mắt, giọng nói và các yếu tố sinh trắc học khác) với các thông tin, yếu tố sinh trắc học tương ứng trên giấy tờ cần thiết nhằm nhận biết khách hàng theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, theo yêu cầu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc với dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bởi tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử;

b) Đối với khách hàng là tổ chức:

(i) Thông tin về tổ chức: Đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết khách hàng tổ chức theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền và tình trạng pháp lý của tổ chức (được thành lập hợp pháp, đang còn hoạt động theo quy định của pháp luật) với thông tin, dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hoặc với thông tin, dữ liệu được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bởi tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử;

(ii) Thông tin về cá nhân đại diện hợp pháp của tổ chức thực hiện giao dịch: Thực hiện nhận biết và xác minh thông tin của cá nhân thực hiện giao dịch theo quy định về nhận biết và xác minh khách hàng cá nhân tại điểm a nêu trên đảm bảo khớp đúng với thông tin người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của tổ chức căn cứ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và văn bản ủy quyền (trong trường hợp được ủy quyền).

4. Trường hợp thực hiện nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng qua phương tiện điện tử thì giá trị của mỗi cam kết bảo lãnh phát hành cho khách hàng cá nhân không được vượt quá 4.000.000.000 (bốn tỷ) đồng Việt Nam và cho khách hàng tổ chức không được vượt quá 45.000.000.000 (bốn mươi lăm tỷ) đồng Việt Nam, trừ các trường hợp sau:

a) Thông tin nhận biết khách hàng được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được xác thực điện tử thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử;

b) Khách hàng gửi đề nghị cấp bảo lãnh bằng điện xác thực thông qua hệ thống SWIFT;

c) Thông tin khách hàng và nghĩa vụ được bảo lãnh được đối chiếu khớp đúng thông qua Cổng thanh toán điện tử hải quan hoặc hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

d) Khách hàng sử dụng chữ kỹ số theo quy định của pháp luật khi đề nghị cấp bảo lãnh hoặc ký thỏa thuận cấp bảo lãnh với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

đ) Khách hàng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

5. Hệ thống thông tin thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử phải tuân thủ theo quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên theo quy định của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và quy định của Ngân hàng Nhà nước về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng.

6. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lưu trữ, bảo quản thông tin, dữ liệu bảo lãnh điện tử theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, bảo mật và được sao lưu dự phòng đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của hồ sơ cho phép truy cập, sử dụng khi cần thiết hoặc để phục vụ công tác kiểm tra, đối chiếu, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

 

Yêu cầu bão lãnh đối với khách hàng

Tình huống 5. Ông trần Quang D là Giám đốc Công ty Xây dựng S, Công ty của ông được lựa chọn thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng. Vậy Công ty ông phải đáp ứng các yêu cầu nào để xác nhận bảo lãnh?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 11 Thông tư 11/2022/TT-NHNN ngày 30/09/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về bảo lãnh ngân hàng quy định yêu cầu đối với khách hàng như sau:

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, quyết định cấp bảo lãnh, bảo lãnh đối ứng, xác nhận bảo lãnh cho khách hàng khi khách hàng đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;

b) Nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ tài chính hợp pháp;

c) Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp bảo lãnh đánh giá có khả năng hoàn trả lại số tiền mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải trả thay khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được bảo lãnh cho nghĩa vụ thanh toán trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành với mục đích: cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác và tăng quy mô vốn hoạt động.

 

Bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

Tình huống 6. Doanh nghiệp được bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai phải đáp ứng điều kiện nào? Thực hiện bảo lãnh nhà ở được quy định như thế nào? Trình tự thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 4  Điều 3  Thông tư 11/2022/TT-NHNN ngày 30/09/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về bảo lãnh ngân hàng quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai (sau đây gọi là bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai) là bảo lãnh ngân hàng, theo đó bên bảo lãnh là ngân hàng thương mại cam kết với bên nhận bảo lãnh là bên mua, bên thuê mua (sau đây gọi là bên mua) về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh là chủ đầu tư khi đến thời hạn giao, nhận nhà ở đã cam kết nhưng chủ đầu tư không bàn giao nhà ở cho bên mua mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở đã ký kết; chủ đầu tư phải nhận nợ và hoàn trả cho bôi bảo lãnh theo thỏa thuận đã ký. Trường hợp ngân hàng thương mại bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng, bên bảo lãnh đối ứng cam kết với ngân hàng thương mại về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân hàng thương mại khi ngân hàng thương mại phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho chủ đầu tư; chủ đầu tư phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh đối ứng theo thỏa thuận đã ký.

1. Ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai khi:

- Trong giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng;

- Không bị cấm, hạn chế, đình chỉ, tạm đình chỉ thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

2. Ngân hàng Nhà nước công bố công khai danh sách ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong từng thời kỳ trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước.

3. Ngân hàng thương mại xem xét, quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư khi:

- Chủ đầu tư đáp ứng đủ các yêu cầu quy định tại Điều 11 Thông tư 11/2022/TT-NHNN (trừ trường hợp ngân hàng thương mại bảo lãnh cho chủ đầu tư trên cơ sở bảo lãnh đối ứng);

- Dự án của chủ đầu tư đáp ứng đủ các điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản và quy định của pháp luật có liên quan.

4. Trình tự thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai:

- Căn cứ đề nghị của chủ đầu tư hoặc bên bảo lãnh đối ứng, ngân hàng thương mại xem xét, thẩm định và quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư;

- Ngân hàng thương mại và chủ đầu tư ký hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản và quy định tại khoản 13 Điều 3, Điều 15 Thông tư 11/2022/TT-NHNN;

- Sau khi ký hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, trong đó có quy định nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư, chủ đầu tư gửi hợp đồng mua, thuê mua nhà ở cho ngân hàng thương mại để đề nghị ngân hàng thương mại phát hành thư bảo lãnh cho bên mua;

- Ngân hàng thương mại căn cứ hợp đồng mua, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai để phát hành thư bảo lãnh và gửi cho từng bên mua hoặc gửi chủ đầu tư để cung cấp thư bảo lãnh cho bên mua theo thỏa thuận.

 Như vậy, doanh nghiệp thực hiện các giao dịch đối với nhà ở hình thành trong tương lai phải được bảo lãnh của ngân hàng thương mại với người mua và để được cấp bảo lãnh này, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện nêu trên.

 

Các hoạt động Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Giấy phép thu, chi ngoại tệ

Tình huống 7. Danh nghiệp A muốn hỏi các hoạt động Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Giấy phép thu, chi ngoại tệ trong những trường hợp nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 5 Thông tư số 09/2022/TT-NHNN ngày 12/07/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài quy định:

1. Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) cấp Giấy phép thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác (sau đây gọi là Giấy phép) được thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Thu ngoại tệ tiền mặt từ việc bán đồng tiền quy ước;

b) Thu ngoại tệ tiền mặt từ máy trò chơi điện tử có thưởng có chức năng thu ngoại tệ tiền mặt trực tiếp của người chơi;

c) Thu chuyển khoản từ tài khoản ở nước ngoài hoặc tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ mở tại ngân hàng được phép ở Việt Nam của người chơi vào tài khoản chuyên dùng ngoại tệ của doanh nghiệp;

d) Chi ngoại tệ tiền mặt hoặc chuyển khoản số tiền trả thưởng cho người chơi trúng thưởng;

đ) Chi trả ngoại tệ tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của người chơi mở tại ngân hàng được phép ở Việt Nam hoặc chuyển khoản vào tài khoản ở nước ngoài của người chơi trong trường hợp người chơi không chơi hết đồng tiền quy ước;

e) Chi trả ngoại tệ chuyển khoản vào tài khoản ở nước ngoài của người chơi từ tài khoản chuyên dùng ngoại tệ của doanh nghiệp trong trường hợp người chơi sử dụng không hết số ngoại tệ đã chuyển từ nước ngoài vào tài khoản chuyên dùng ngoại tệ của doanh nghiệp;

g) Các hoạt động ngoại hối khác: mở và sử dụng tài khoản chuyên dùng ngoại tệ; tồn quỹ ngoại tệ tiền mặt; xác nhận số tiền trúng thưởng của người chơi.

2. Việc thu, chi và thực hiện các hoạt động ngoại hối khác liên quan đến đồng tiền của nước có chung biên giới thực hiện theo quy định tại Hiệp định thanh toán song phương giữa Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng trung ương các nước có chung biên giới. Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước Cấp Giấy phép đối với đồng tiền của nước có chung biên giới theo phạm vi quy định tại khoản 1 nêu trên.

 

Điều chuyển ngoại tệ giữa tài khoản thanh toán và tài khoản chuyên dùng ngoại tệ của doanh nghiệp

Tình huống 8. Doanh nghiệp D muốn chuyển ngoại tệ từ tài khoản chuyên dùng ngoại tệ sang tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ mở tại ngân hàng có được không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 7 Thông tư số 09/2022/TT-NHNN ngày 12/07/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài quy định điều chuyển ngoại tệ giữa tài khoản thanh toán và tài khoản chuyên dùng ngoại tệ của doanh nghiệp như sau:

1. Doanh nghiệp được chuyển ngoại tệ từ tài khoản chuyên dùng ngoại tệ sang tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ mở tại ngân hàng được phép.

2. Trường hợp số ngoại tệ tiền mặt tồn quỹ và số dư ngoại tệ trên tài khoản chuyên dùng ngoại tệ không đủ để đáp ứng nhu cầu chi trả hoặc nhu cầu chi rút ngoại tệ tiền mặt quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 6 Thông tư số 09/2022/TT-NHNN, doanh nghiệp được chuyển ngoại tệ từ tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ sang tài khoản chuyên dùng ngoại tệ.

Như vậy, Doanh nghiệp D được chuyển ngoại tệ từ tài khoản chuyên dùng ngoại tệ sang tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ mở tại ngân hàng.

 

Hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài

Tình huống 9. Hiện nay, Việt Nam đã cho phép tổ chức các điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài nhưng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp Q kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài muốn hỏi Doanh nghiệp có được quyền duy trì một lượng ngoại tệ tiền mặt hàng ngày để phục vụ hoạt động kinh doanh hay không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 8 Thông tư số 09/2022/TT-NHNN ngày 12/07/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài quy định:

1. Doanh nghiệp được duy trì một lượng ngoại tệ tiền mặt tồn quỹ hàng ngày để phục vụ hoạt động kinh doanh tại 01 Điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng (được ghi trên Giấy phép) trên cơ sở tính toán số ngoại tệ tiền mặt cần thiết để đáp ứng nhu cầu chi trả thưởng và nhu cầu chi trả ngoại tệ tiền mặt cho người chơi trong trường hợp không chơi hết đồng tiền quy ước.

2. Vào ngày làm việc tiếp theo ngày có nguồn thu ngoại tệ tiền mặt từ hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng vượt mức tồn quỹ, doanh nghiệp phải nộp số ngoại tệ tiền mặt vượt mức tồn quỹ vào tài khoản chuyên dùng ngoại tệ mở tại ngân hàng được phép quy định tại Điều 6 Thông tư số 09/2022/TT-NHNN.

Như vậy, Doanh nghiệp Q kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài được quyền duy trì một lượng ngoại tệ tiền mặt hàng ngày để phục vụ hoạt động kinh doanh tại 01 Điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng (được ghi trên Giấy phép).

 

Quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài

Tình huống 10. Theo quy định mới của pháp luật về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài. Công ty TNHH 1 TV Hàng Hải muốn hỏi quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài được quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 12 Thông tư số 09/2022/TT-NHNN ngày 12/07/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài quy định quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp:

1. Niêm yết, thông báo công khai tỷ giá chuyển đổi giữa mệnh giá đồng tiền quy ước với đồng Việt Nam và các loại ngoại tệ.

2. Thực hiện xác nhận trúng thưởng, trả thưởng, đổi đồng tiền quy ước cho người chơi theo mẫu tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 09/2022/TT-NHNN, cung cấp giấy tờ, chứng từ có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của số tiền trúng thưởng, trả thưởng, số tiền đổi từ đồng tiền quy ước do người chơi không chơi hết làm cơ sở để ngân hàng được phép xác nhận việc mang, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, nộp ngoại tệ vào tài khoản của người chơi theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 09/2022/TT-NHNN.

Giấy xác nhận trúng thưởng, trả thưởng, đổi đồng tiền quy ước cho người chơi chỉ có giá trị sử dụng 01 (một) lần trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày phát hành.

3. Xuất trình đầy đủ giấy tờ, chứng từ cho ngân hàng được phép khi thực hiện giao dịch nộp ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản chuyên dùng ngoại tệ và giao dịch bán, chuyển ngoại tệ.

4. Thực hiện chế độ ghi chép, thống kê, lưu giữ chứng từ theo quy định liên quan của pháp luật.

5. Xây dựng Quy chế quản lý, kiểm soát nội bộ đối với nguồn thu, chi ngoại tệ trong hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, trong đó tối thiểu bao gồm các nội dung sau: quy trình thu, chi ngoại tệ; quy trình kiểm soát nguồn thu, chi ngoại tệ đảm bảo quy định về phòng chống rửa tiền, bảo đảm an toàn đối với lượng tiền mặt thu được trong quá trình kinh doanh; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ phận, cá nhân có liên quan.

6. Chấp hành đúng quy định tại Giấy phép, quy định tại Thông tư số 09/2022/TT-NHNN, quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền và quy định của pháp luật có liên quan.

7. Được mua ngoại tệ của ngân hàng được phép nơi doanh nghiệp mở tài khoản chuyên dùng ngoại tệ trong trường hợp số ngoại tệ tiền mặt tồn quỹ, số dư ngoại tệ trên tài khoản chuyên dùng ngoại tệ và tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ không đủ để đáp ứng nhu cầu chi trả hoặc nhu cầu chi rút ngoại tệ tiền mặt để phục vụ hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng theo phạm vi thu, chi ngoại tệ và các hoạt động ngoại hối khác của doanh nghiệp quy định tại Điều 5 Thông tư số 09/2022/TT-NHNN trên cơ sở xuất trình chứng từ, giấy tờ đảm bảo giao dịch hợp pháp, hợp lệ.

 

Rút trước hạn tiền gửi

Tình huống 11. Doanh nghiệp Z có tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại Ngân hàng Nam Á, Doanh nghiệp Z muốn biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định cho Doanh nghiệp rút trước hạn tiền gửi không?  Những hình thức tiền gửi được rút trước hạn và lãi suất rút trước hạn tiền gửi được quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 3 Thông tư 04/2022/TT-NHNN ngày 16/06/2022 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định:

04  Hình thức tiền gửi rút trước hạn gồm:

1. Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn.

2. Tiền gửi có kỳ hạn.

3. Chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành.

4. Các hình thức nhận tiền gửi có kỳ hạn khác theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Rút trước hạn tiền gửi:

1. Rút trước hạn tiền gửi là trường hợp khách hàng rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước ngày đến hạn, ngày chi trả hoặc ngày thanh toán của khoản tiền gửi.

2. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận việc rút trước hạn tiền gửi phù hợp với các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với từng hình thức tiền gửi cụ thể. Lãi suất rút trước hạn tiền gửi được thỏa thuận phù hợp với quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2022/TT-NHNN. Trường hợp không có thỏa thuận rút trước hạn tiền gửi, tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi phù hợp với quy định tại Thông tư này.

Lãi suất rút trước hạn tiền gửi được quy định như sau:

1. Trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi: tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi.

2. Trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi:

a) Đối với phần tiền gửi rút trước hạn, tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi;

b) Đối với phần tiền gửi còn lại, tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần.

Doanh nghiệp Z có tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại Ngân hàng Nam Á, theo quy định nêu trên Doanh nghiệp Z được rút trước hạn tiền gửi với mức lãi suất quy định rút trước hạn tiền gửi.

 

Điều kiện được hỗ trợ lãi suất

Tình huống 12. Công ty TNHH Thủy sản Thiên Phú chuyên khai thác, nuôi trồng thủy sản. Công ty có thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay của Ngân hàng không? Để được hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay Công ty cần có những điều kiện nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 4 Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/05/2022 của Chính phủ  về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh quy định Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất (sau đây gọi là khách hàng) thuộc một trong các trường hợp sau:

- Có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành đã được đăng ký kinh doanh quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, bao gồm: hàng không, vận tải kho bãi (H), du lịch (N79), dịch vụ lưu trú, ăn uống (I), giáo dục và đào tạo (P), nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (A), công nghiệp chế biến, chế tạo (C), xuất bản phần mềm (J582), Lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan (J-62), hoạt động dịch vụ thông tin (J-63); trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản quy định tại mã ngành kinh tế (L) theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg .

- Có mục đích sử dụng vốn vay để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố.

Điều kiện được hỗ trợ lãi suất:

1. Khách hàng có đề nghị được hỗ trợ lãi suất, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

2. Khoản vay được hỗ trợ lãi suất là khoản vay bằng đồng Việt Nam, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 đến ngày 31 tháng 12 năm 2023, sử dụng vốn đúng mục đích theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 31/2022/NĐ-CP và chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.

3. Khoản vay không được tiếp tục hỗ trợ lãi suất trong các trường hợp sau:

- Khoản vay có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả không được hỗ trợ lãi suất đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ nằm trong khoảng thời gian có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả. Khoản vay chỉ được tiếp tục hỗ trợ lãi suất đối với các kỳ hạn trả nợ lãi tiếp theo sau khi khách hàng đã trả hết số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả.

- Khoản vay được gia hạn nợ không được hỗ trợ lãi suất đối với thời gian gia hạn nợ.

Công ty TNHH Thủy sản Thiên Phú chuyên khai thác, nuôi trồng thủy sản như vậy Công ty TNHH Thủy sản Thiên Phú thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay của Ngân hàng, để được hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay Công ty cần đáp ứng những điều kiện nêu trên.

 

Nguyên tắc mua bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng

 Tình huống 13. Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ một năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp cho người sở hữu đối với phần nợ của doanh nghiệp phát hành. Tổ chức tín dụng khi mua bán trái phiếu doanh nghiệp phải phù hợp với nội dung ghi trong giấy phép do Ngân hàng nhà nước Việt Nam cấp. Vậy tổ chức tín dụng cần phải tuân theo những nguyên tắc nào khi mua bán trái phiếu doanh nghiệp?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp quy định nguyên tắc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp như sau:

1. Tổ chức tín dụng được mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với nội dung mua, bán trái phiếu doanh nghiệp ghi trong Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp.

2. Việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung), Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Thông tư 16/2021/TT-NHNN và các quy định của pháp luật có liên quan.

3. Tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và phải ban hành quy định nội bộ về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với quy định tại Thông tư 16/2021/TT-NHNN và các quy định của pháp luật có liên quan.

4. Tổ chức tín dụng mua trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền phải tuân thủ các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung), hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về góp vốn, mua cổ phần và các quy định của pháp luật có liên quan.

5. Tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi tổ chức tín dụng đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.

6. Tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi:

a) Trái phiếu doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Điều 5 Thông tư 16/2021/TT-NHNN;

b) Mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp hợp pháp và phù hợp với phương án phát hành trái phiếu và/hoặc phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán, đợt phát hành được phê duyệt theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là phương án);

c) Doanh nghiệp phát hành cam kết mua lại trái phiếu trước hạn khi: Doanh nghiệp phát hành thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu trong thời gian tổ chức tín dụng nắm giữ trái phiếu; doanh nghiệp phát hành vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; doanh nghiệp phát hành vi phạm phương án;

d) Phương án khả thi và doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng tài chính để đảm bảo thanh toán đủ gốc và lãi trái phiếu đúng hạn;

đ) Doanh nghiệp phát hành không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trong vòng 12 tháng gần nhất trước thời điểm tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp.

7. Ngoài việc đáp ứng các quy định khác tại Điều này, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp mà doanh nghiệp phát hành đã thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật trước thời điểm tổ chức tín dụng mua trái phiếu khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất.

8. Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp sau:

a) Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành;

b) Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác;

c) Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.

9. Tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp tổ chức tín dụng là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.

10. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền.

11. Trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom (sau đây gọi là trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết), tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán. Sau 12 tháng kể từ khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán khi:

a) Đáp ứng các quy định khác tại Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN;

b) Bên mua trái phiếu doanh nghiệp này từ tổ chức tín dụng thanh toán toàn bộ số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm tổ chức tín dụng ký kết hợp đồng bán trái phiếu doanh nghiệp cho bên mua trái phiếu;

c) Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước khi tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp.

12. Việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp giữa ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc và bên nhận chuyển giao bắt buộc, việc bán có kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp không áp dụng quy định tại khoản 11 nêu trên.

13. Đồng tiền trong giao dịch mua, bán trái phiếu doanh nghiệp là đồng Việt Nam.

Như vậy, tổ chức tín dụng cần phải tuân theo những nguyên tắc cụ thể nêu trên khi mua bán trái phiếu doanh nghiệp.

 

Trái phiếu doanh nghiệp được thực hiện giao dịch mua, bán

Tình huống 14. Công ty sữa TH có nhu cầu mua bán trái phiếu, vậy Công ty sữa TH  muốn hỏi trái phiếu doanh nghiệp được thực hiện giao dịch mua, bán khi đáp ứng đủ các yêu cầu nào? Tổ chức tín dụng khi thực hiện mua trái phiếu doanh nghiệp có trách nhiệm gì? Tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi nào? 

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 3 Thông tư 16/2021/TT-NHNN  ngày 10/11/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp quy định trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.

Điều 5 Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định trái phiếu doanh nghiệp được thực hiện giao dịch mua, bán khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau:

- Là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo đúng quy định của pháp luật.

- Được phát hành bằng đồng Việt Nam.

- Thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bán, chưa đến hạn thanh toán hết gốc và lãi và bên bán cam kết trái phiếu doanh nghiệp không có tranh chấp, được phép giao dịch theo quy định của pháp luật, không trong tình trạng đang mua bán có kỳ hạn, chiết khấu, tái chiết khấu (trừ trường hợp tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để bán lần đầu).

Khoản 6 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi:

- Trái phiếu doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Điều 5 Thông tư 16/2021/TT-NHNN ;

- Mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp hợp pháp và phù hợp với phương án phát hành trái phiếu và/hoặc phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán, đợt phát hành được phê duyệt theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là phương án);

- Doanh nghiệp phát hành cam kết mua lại trái phiếu trước hạn khi: Doanh nghiệp phát hành thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu trong thời gian tổ chức tín dụng nắm giữ trái phiếu; doanh nghiệp phát hành vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; doanh nghiệp phát hành vi phạm phương án;

- Phương án khả thi và doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng tài chính để đảm bảo thanh toán đủ gốc và lãi trái phiếu đúng hạn;

- Doanh nghiệp phát hành không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trong vòng 12 tháng gần nhất trước thời điểm tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp.

Như vậy, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi thuộc một trong các trường hợp nêu trên.

Điều 7 Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định trách nhiệm của tổ chức tín dụng khi thực hiện mua trái phiếu doanh nghiệp:

- Thẩm định việc đáp ứng các nguyên tắc tại Điều 4  Thông tư 16/2021/TT-NHNN để xem xét quyết định việc mua trái phiếu doanh nghiệp.

- Thực hiện theo dõi, giám sát việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phát hành; trường hợp phát hiện doanh nghiệp phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án, cam kết với tổ chức tín dụng, thì tổ chức tín dụng yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn.

- Yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn. Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có khả năng thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hoặc khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu không thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn theo cam kết tại điểm c khoản 6 Điều 4  Thông tư 16/2021/TT-NHNN, tổ chức tín dụng thực hiện xử lý, thu hồi nợ gốc, lãi trái phiếu.

- Trong thời gian nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, tối thiểu định kỳ 06 tháng/lần, tổ chức tín dụng đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, đánh giá tình hình tài chính, khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.

- Xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình mua trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan nhằm đảm bảo khả năng thu hồi tiền gốc và lãi trái phiếu doanh nghiệp.

Như vậy, trái phiếu doanh nghiệp được thực hiện giao dịch mua, bán khi đáp ứng đủ các yêu cầu nêu trên.

 

Giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp

Tình huống 15. Công ty TNHH kinh doanh nhà muốn hỏi, doanh nghiệp có bán trái phiếu cho ngân hàng được hay không? Ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu là 2,5% thì có được mua trái phiếu của doanh nghiệp không? Ngân hàng được phép mua với tỉ lệ bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 5 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về nguyên tắc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp như sau:  Tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi tổ chức tín dụng đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.

Theo quy định nêu trên ngân hàng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi tổ chức tín dụng đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất. Như vậy, ngân hàng của bạn đang có tỉ lệ nợ xấu là 2,5% đủ điều kiện để mua trái phiếu của doanh nghiệp.

Điều 8 Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp như sau:

- Tổng số dư mua trái phiếu doanh nghiệp được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại Điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

- Tổ chức tín dụng quy định cụ thể các giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp: Trái phiếu của một doanh nghiệp phát hành; trái phiếu của một doanh nghiệp phát hành và người có liên quan phát hành; trái phiếu doanh nghiệp có bảo đảm; trái phiếu doanh nghiệp không có bảo đảm; trái phiếu doanh nghiệp đầu tư sẵn sàng để bán; trái phiếu doanh nghiệp đầu tư giữ đến ngày đáo hạn; trái phiếu doanh nghiệp kinh doanh.

Như vậy, không có quy định cụ thể về giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp. Tổ chức tín dụng tự quy định về giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm tuân theo các quy định về cấp tín dụng đối với khách hàng, đảm bảo tỷ lệ an toàn trong hoạt động của Ngân hàng.

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Tin mới - Tin đọc nhiều
Tin mới
Tin nổi bật
Tin mới
Ngày 09 tháng 5 năm 2023, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 63/QĐ-STP về việc xoá đăng ký hành nghề và thu...
Trong chiều ngày 13/5/2024, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế và Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước đã tiến hành trao đổi, học tập kinh nghiệm về việc thực...
Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật...
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.791.551
Lượt truy cập hiện tại 10.794